1. Quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách

Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, xe du lịch là ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì thế để kinh doanh ngành nghề này thì chủ thể kinh doanh phải đáp ứng được các điều kiện sau đây.

Phải đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách, đối với ngành nghề này thì mã ngành kinh doanh liên quan là:

  • Mã 4931: Vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe buýt).
  • Mã 4932: Vận tải hành khách đường bộ khác. Chi tiết: Vận tải hành khách bằng xe khách nội tỉnh, liên tỉnh.

Như vậy điều kiện chung đầu tiên để kinh doanh vận tải hành khách là doanh nghiệp, hợp tác xã phải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách.

STT Đặc điểm Nội dung
1

Nếu trong trường hợp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định thì phải có các điều kiện sau đây:

Phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai; Phải có phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; Phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe.

2

Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt thì phải có các điều kiện sau:

Phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai; Phải có phù hiệu “XE BUÝT” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe; Phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên. Vị trí, số chỗ ngồi, chỗ đứng cho hành khách và các quy định kỹ thuật khác đối với xe buýt theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Giao thông vận tải ban hành. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên các tuyến có hành trình bắt buộc phải qua cầu có trọng tải cho phép tham gia giao thông từ 05 tấn trở xuống hoặc trên 50% lộ trình tuyến là đường từ cấp IV trở xuống (hoặc đường bộ đô thị có mặt cắt ngang từ 07 mét trở xuống) được sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ.

3

Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi thì phải có các điều kiện sau:

 

Phải có phù hiệu “XE TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe; Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 06 x 20 cm. Được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12 x 30 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe; Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.

4

Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thì cần có các điều kiện sau:

Phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết các thông tin khác trên xe; Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20 cm; Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.

5

Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch cần phải có các điều kiện sau đây:

Có biển hiệu “XE Ô TÔ VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết các thông tin trên xe; Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE DU LỊCH” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE DU LỊCH” là 06 x 20 cm; Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.

Ngoài các điều kiện cụ thể trên thì doanh nghiệp muốn kinh doanh vận tải hành khách thì đối với phương tiện phải đảm bảo còn niên hạn sử dụng, còn thời gian đăng kiểm, không thay đổi kết cấu phương tiện hay các thiết bị liên quan đến khối lượng vận chuyển hành khách (Căn cứ theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô)

 

2. Hành vi điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách lắp thêm hay tháo bớt ghế thì bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 16 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và hiện nay được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 của Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì có quy định về hành vi điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách lắp thêm hoặc tháo bớt ghế, giường nằm hoặc có kích thước khoang chở hành lý (hầm xe) không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính thì người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách lắp thêm hoặc tháo bớt ghế không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe sẽ còn vị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định, tháo bỏ những thiết bị lắp thêm không đúng quy định.

Ngoài việc xử lý người điều khiển phương tiện với hành vi điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách lắp thêm hoặc tháo bớt ghế  không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe thì chủ phương tiện cũng bị xử lý như sau:

Đưa xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách lắp thêm hoặc tháo bớt ghế, giường nằm hoặc có kích thước khoang chở hành lý (hầm xe) không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe tham gia giao thông thì phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô có hành vi vi phạm. (căn cứ theo điểm g khoản 9 Điều 30 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm i khoản 17 Điều 2 của Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Ngoài ra, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và Tem kiểm định của phương tiện từ 01 tháng đến 03 tháng. (căn cứ theo điểm k Khoản 14 Điều 30 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ)

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi, mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ số Hotline 1900.6162 để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!