Cơ sở pháp lý liên quan và được sử dụng trong bài viết:

- Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

- Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;

- Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

- Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

- Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025;

- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”.

Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”

I. Mở đầu vấn đề 

Trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, các quốc gia dẫn đầu về công nghệ thế giới cũng đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào lĩnh vực xúc tiến thương mại. Các nội dung, phương thức ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại không ngừng biến đổi và ngày càng đa dạng hơn, hướng tới một hệ sinh thái hoàn chỉnh về xúc tiến thương mại.

Đại dịch COVID 19 từ đầu năm 2020 đến nay luôn diễn biến phức tạp và gây ra những hậu quả khôn lường, làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng thương mại, dịch vụ trên toàn cầu; làm thay đổi các mô hình kinh doanh, quản lý theo truyền thống trước đây, tập trung vào ứng dụng công nghệ thông tin, những tiến bộ về khai thác internet, đổi mới, sáng tạo… trở thành hướng đi bắt buộc đối với mọi tổ chức và doanh nghiệp để thích ứng, tận dụng những cơ hội mới để phát triển doanh nghiệp và mở rộng thị trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 1968/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”.

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại thuộc Chính phủ, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên cơ sở hình thành, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển ngoại thương và thương mại trong nước, góp phần tái cơ cấu ngành Công Thương.

Đề án đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025:  Xây dựng, hình thành Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; phấn đấu 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin.

 II. Mục tiêu của đề án 

1. Mục tiêu tổng quát

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại thuộc Chính phủ, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên cơ sở hình thành, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển ngoại thương và thương mại trong nước, góp phần tái cơ cấu ngành Công Thương.

2. Mục tiêu cụ thể

Mục tiêu đến năm 2025

- Xây dựng, hình thành Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

- 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin.

- Cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hình thành, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm.

- 25% các dịch vụ kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng kết nối, hỗ trợ 100.000 lượt doanh nghiệp.

- 25% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số.

- 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và bảo đảm an toàn thông tin.

- 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

-100% thủ tục hành chính lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, với 90% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Mục tiêu đến năm 2030

- Hoàn thiện, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

- 75% các tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp được cấp tài khoản thường xuyên hoạt động, tìm kiếm, cung cấp, chia sẻ thông tin trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

- 50% các dịch vụ kết nối thị trường của doanh nghiệp được thực hiện trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hỗ trợ 1.000.000 lượt doanh nghiệp.

- Cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 20 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hoàn thiện, mở rộng kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của 20 thị trường xuất khẩu trọng điểm.

- 60% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số.

- 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 1.000.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, công nghệ, nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin.

- 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 500.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

III. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án 

1. Xây dựng và phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số

Xây dựng, phát triển và tích hợp các nền tảng

- Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại bao gồm mạng lưới xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; doanh nghiệp xúc tiến thương mại; ngành hàng, thị trường và các cơ sở dữ liệu khác phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại.

- Nền tảng kết nối giao thương trên môi trường số áp dụng công nghệ mới, hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin, cơ hội kinh doanh trong nước và quốc tế.

- Nền tảng hội chợ, triển lãm nhằm nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh trên môi trường số.

- Đào tạo trực tuyến (E-learning) tích hợp các kho học liệu, thư viện điện tử, hỗ trợ tra cứu thông tin, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại.

- Nền tảng định danh điện tử cho doanh nghiệp xúc tiến thương mại.

- Các nền tảng chuyên ngành khác phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại.

Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số phải được xây dựng theo kiến trúc tổng thể, thống nhất, phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ, kỹ thuật theo quy định; bảo đảm khả năng vận hành thông suốt, nâng cấp, mở rộng, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Xây dựng, phát triển, thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các mô hình mẫu về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; nhân rộng các mô hình thành công.

2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách

- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.

- Ban hành tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.

- Sửa đổi, bổ sung quy định, thủ tục hành chính hiện hành làm cơ sở tổ chức hội chợ, triển lãm trên môi trường số.

- Rà soát, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xúc tiến thương mại để triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

3. Nâng cao nhận thức, năng lực

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; phổ biến các quy định, cơ chế, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.

- Xây dựng, phát triển mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ việc đẩy mạnh ứng dụng xúc tiến thương mại và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.

- Tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức các khóa đào tạo, tổ chức diễn tập và ứng cứu sự cố an toàn thông tin.

- Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập).