Mục lục bài viết
1. Hiểu thế nào về Luật quốc tế
Các nhà luật học của CNXH cho rằng: luật quốc tế là tổng hợp những nguyên tắc, quy phạm pháp lý được các quốc gia và các chủ thể khác nhau tham gia quan hệ pháp lý quốc tế xây dựng trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, thông qua đấu tranh thương lượng, nhằm điều chỉnh mối quan hệ nhiều mặt (chủ yếu là quan hệ chính trị) giữa các chủ thể của luật quốc tế với nhau ( chủ yếu là quốc gia) trong những trường hợp cần thiết, được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế riêng lẻ hoặc tập thể do chính các chủ thể của luật quốc tế thi hành, và bằng sức đấu tranh của nhân dân và dư luận tiến bộ trên thế giới. Từ góc độ lý luận và thực tiễn: luật quốc tế là hệ thống các quy tắc, quy phạm pháp luật, được các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận tạo dựng nên trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh mối quan hệ phát sinh giữa các chủ thể của luật quốc tế với nhau trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế.
- Luật quốc tế đang phát triển theo hướng ngày càng bình đẳng, tạo tiền đề quan trong cho các chủ thể của luật quốc tế tham gia một cách rộng rãi vào các quan hệ quốc tế hiện đại.Tăng cường pháp quyền trong xã hội quốc tế như trong xã hội quốc gia.
- Làm cho LHQ hoạt động hiệu quả hơn trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp.
- Luật quốc tế là một bộ phận cơ bản của hệ thống quốc tế. Liên quan đến quốc gia và hệ thống quốc tế, luật quốc tế giữ vai trò trung tâm, nó được các quốc gia và các thực thể quốc tế khác sử dụng với tính chất là công cụ pháp lí để duy trì sự phát triển của hệ thống quốc tế trong một trật tự pháp luật nhất định và sự bao quát đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống quốc tế.
2. Những đặc điểm của Luật quốc tế hiện đại
Hệ thống pháp luật quốc tế là một bộ phận độc lập, tồn tại song song với hệ thống pháp luật quốc gia. Gồm luật hình sự quốc tế, luật nhân quyền quốc tế, luật ngoại giao lãnh sự, luật biển quốc tế, luật vũ trụ quốc tế…
Do đặc thù riêng của mình, hiệu lực của luật quốc tế không dựa trên sức mạnh cưỡng chế với các bộ máy như cảnh sát, tòa án. Hiệu lực của luật quốc tế dựa trên sự cam kết, chấp nhận và tôn trọng pháp luật quốc tế của tất cả các quốc giai và các chủ thể khác của pháp luật quốc tế.
Luật quốc tế được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận, thể hiện ý chí của các chủ thể
Không có cơ quan lập pháp đứng trên các quốc gia để đặt ra các quy tắc, quy phạm pháp luật quốc tế. Tất cả dựa trên sự bình đẳng của các quốc gia, không một thực thể nào đứng trên các quốc gia để áp áp đặt các quốc gia.
Các quốc gia thỏa thuận, soạn thảo các điều ước quốc tế, thiết lập những quy tắc của luật quốc tế. Bằng việc ký kết, phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế, các quốc gia cam kết thực hiện các quy phạm pháp luật quốc tế và chịu sự ràng buộc từ chính những cam kết đó.
Luật quốc tế không có hệ thống cơ quan tư pháp như trong pháp luật quốc gia.
Tòa án chỉ có thẩm quyền xét xử nếu được sự chấp thuận của các thành viên. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án dựa trên cơ sở sự đồng ý, chấp thuận rõ ràng của các quốc gia
Luật quốc tế có hệ thống chế tài đa dạng, phong phú
Cơ chế đảm bảo thi hành luật quốc tế: yêu cầu các quốc gia trình bày báo cáo, thanh tra về báo cáo của các quốc gia và hoạt động bảo vệ báo cáo của các quốc gia về một lĩnh vực nhất định của luật quốc tế trước cơ quan, thiết chế quốc tế.
Chế tài trong luật quốc tế hiện đại:
+ Chế tài của luật quốc tế do chính quốc gia tự thực hiện theo những cách thức riêng lẻ hoặc tập thể, trong một số trường hợp do cơ quan tài phán thực hiện
+ Chế tài của luật quốc tế gồm những hình thức chủ yếu sau:
Chế tài phi hình sự: công khai xin lỗi, cắt đứt quan hệ ngoại giao, cấm vận, buộc bồi thường thiệt hại…
Chế tài hình sự: áp dụng với cá nhân gây ra tội ác chống loài người, tội diệt chủng, tội chiến tranh, tội xâm lược…
Chế tài quân sự: áp dụng các biện pháp trừng phạt bằng lực lượng vũ trang đối với quốc gia vi phạm hòa bình và đe dọa hoà bình…
+ Trong các chế tài trên, chế tài quân sự là hình thức truy cứu trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất, được áp dụng đối với các vi phạm pháp luật quốc tế nghiêm trọng và chỉ được tiến hành mang tính chất tập thể.
+ Để đảm bảo duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tất cả các nước thành viên LHQ có nghĩa vụ cung cấp cho Hội đồng Bảo an những lực lượng vũ trang, sự yểm trợ và mọi phương tiện khác, kể cả việc cho phép quân đội LHQ đi qua lãnh thổ nước mình.
3. Quá trình chuyển hóa những quy phạm pháp luật quốc tế vào pháp luật quốc gia
3.1. Quá trình xây dựng các quy phạm pháp luật quốc tế
Giai đoạn 1 :Các nguyên tắc được ghi nhận lần đầu trong điều 2 Hiến chương LHQ
Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia
Nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế
Nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế
Nguyên tắc không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế
Giai đoạn 2: Các nguyên tắc được bổ sung trong tuyên bố ngày 24/10/1970. Ngoài ra còn được ghi nhận trong các điều ước quốc tế đa phương như Định ước Henxinki ngày 1/8/1975, ngoài ghi nhận 7 nguyên tắc trên còn ghi nhận thêm 3 nguyên tắc: bất khả xâm phạm biên giới quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo vệ quyền con người.
Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau
Nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết.
3.2. Quy trình ký kết điều ước quốc tế bao gồm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Giai đoạn này bao gồm các bước như đàm phán, soạn thảo văn bản và thông qua văn bản đã soạn thảo.
+ Đàm phán: đàm phán là hoạt động quan trọng trong quy trình ký kết điều ước. Thông qua đàm phán, các bên thể hiện ý chí của mình đối với lĩnh vực mà điều ước quy định. Thông thường, đàm phán đòi hỏi sự nhất trí đối với những vấn đề cơ bản.
Việc đàm phán quyết định nội dung và hình thức của điều ước. Các quốc gia đều quy định rõ thẩm quyền tham gia đàm phán thuộc về cơ quan nào tùy vào ý nghĩa của điều ước được dàm phán..
+ Soạn thảo văn bản: Văn bản điều ước được hình thành trên cơ sở sự đàm phán của các bên chủ thể. Đối với điểu ước hai bên, văn bản sẽ do cả hai bên cử người cùng nhau soạn thảo hoặc có thể giao cho một bên soạn thảo rồi cùng trao đổi thống nhất. Đối với điều ước nhiều bên, văn bản thường do một tiểu ban chuẩn bị văn kiện được các bên cử ra soạn thảo.
Sau khi văn bản điều ước đã được soạn thảo, các chủ thể biểu hiện sự nhất chí của mình bằng cách thông qua văn bản soạn thảo. Thông qua văn bản soạn thảo là công việc bắt buộc. Tuy nhiên, nó chưa có ý nghĩa về mặt pháp lý vì điều ước chỉ phát sinh hiệu lực khi các quốc gia ký hoặc phê chuẩn.
Giai đoạn 2: Giai đoạn này bảo gồm các bước như ký, phê chuẩn, thong qua, gia nhập..phụ thuộc vào điều kiện cụ thể ghi trong điều ước.
+ Ký điều ước quốc tế: Về nguyên tắc, các nguyên tắc đều phải được ký. Ký điều ước là sự thể hiện sự nhất trí của các bên đối với các Điều ước quốc tế. Có 3 hình thức ký: ký tắt, Ký ad referendum, ký đầy đủ.
+ Phê chuẩn điều ước quốc tế: là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nhà nước chính thức công nhận điều ước đó có hiệu với mình. Sau khi phê chuẩn, các bên phải tiến hành trao đổi thư phê chuẩn. Đối với điều ước song phương, lễ trao đổi thư phê chuẩn thường được tổ chức tại thủ đô của nước mà ở đó không tiến hành lễ kí điều ước. Đối với điều ước đa phương, thư phê chuẩn của các bên được chuyển đến bộ ngoại giao của nước bảo quản điều ước hoặc ban thư ký của tổ chức quốc tế cơ quan có trách nhiệm bảo quản điều ước.
+ Phê duyệt: Là hành vi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền biểu hiện sự nhất chí với nội dung thẩm quyền và nghĩa vụ được điều ước quy định. Phê chuẩn và phê duyệt thực chất giống nhau, chúng đều là những hành vi thể hiện sự nhất trí với nội dung của một điều ước nào đó. Nhưng chúng khác nhau ở chỗ phê duyệt điều ước thường được tiến hành ở các cơ quan hanh pháp. Việc một điều ước nào đó cần được phê chuẩn hay phê duyệt do chính điều ước hoặc pháp luật của mỗi nước quy định.
+ Gia nhập điều ước quốc tế: Là việc một chủ thể của pháp luật quốc tế ban hành một văn bản đồng ý rang buộc mình với nghĩa vụ của một điều ước nào đó mà mình chưa phải thành viên của điều ước đó. Gia nhập điều ước chỉ đặt ra với các điều ước nhiều bên. Còn điều ước nào được gia nhập hoặc không được gia nhập hoàn toàn phụ thuộc vào quy định cụ thể từng điều ước hoặc vào sự thỏa thuận của các thành viên của điều ước.
+ Bảo lưu điều ước quốc tế; là hành vi đơn phương mà trong đó quốc gia tuyên bố khai trừ hoặc muốn thay đổi hiệu lực của một điều khoản nhất định của điều ước. Những điều khoản đó được gọi là điều khoản bảo lưu.
Quá trình chuyển hóa những quy phạm pháp luật quốc tế vào pháp luật quốc gia
Các quốc gia pháp điển các quy phạm pháp luật quốc tế vào quy phạm pháp luật quốc gia mình khi quốc gia đó là thành viên của điều ước quốc tế đó.
Việc chuyển hóa được thực hiện dưới hình thức phê chuẩn hoặc phê duyệt điều ước tùy theo quy định của từng điều ước hoặc của quốc gia. Sauk hi điều ước đã được phê chuẩn hoặc phê duyệt, mọi cá nhân, tổ chức của quốc gia phải tuân thủ các quy định của điều ước quốc tế đó như tuân thủ quy định của luật quốc gia. Trong trường hợp các điều ước mà quốc gia ký kết hoặc tham gia có khác so với quy định của pháp luật quốc gia thì phải tuân thủ luật quốc tế.
Ngoài việc phê chuẩn hoặc phê duyệt để chuyển hóa quy phạm trong điều ước quốc tế thành quy phạm pháp luật quốc gia, trong nhiều trường hợp quốc gia còn ban hành các văn bản pháp luật cụ thể hóa các quy định của điều ước quốc tế vào điều kiện của mình. Cũng có trường hợp quốc gia bổ sung hoặc sửa đổi các quy định hiện hành của mình cho phù hợp với quy định của các điều ước quốc tế mà quốc gia đó đã ký kết hoặc tham gia
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)