Mục lục bài viết
1. Thế nào là tố giác, báo tin giác về tội phạm
Tố giác, báo tin về tội phạm là một trong những hành vi vô cùng quen thuộc ở hiện nay, theo đó thì tố giác, báo tin về tội phạm tức là việc tố giác, báo tin lên cơ quan công an có thẩm quyền để xử lý hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật đưa ra.
"Tố giác" hoặc "báo tin về tội phạm" là hành động thông báo cho cơ quan thực thi pháp luật hoặc các cơ quan có thẩm quyền về việc xảy ra hoặc có thể xảy ra một hành vi phạm tội. Người tố giác thường cung cấp thông tin về hành vi phạm tội mà họ đã chứng kiến, biết đến hoặc nghi ngờ, nhằm giúp cơ quan chức năng tiến hành điều tra và xử lý việc này. Hành động tố giác tội phạm có thể là một phần quan trọng của quá trình thúc đẩy tính công bằng và đảm bảo an ninh trong cộng đồng. Những người tố giác có thể là những người chứng kiến trực tiếp hành vi phạm tội, người biết đến thông tin quan trọng liên quan đến tội phạm, hoặc người có lý do nghi ngờ một hành vi có thể là tội phạm.
Tố giác, tin báo về tội phạm là một trong những nguồn tin về tội phạm được quy định tại điểm d khoản 1 của Điều 4, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Bên cạnh đó thì tố giác, tin báo về tội phạm được quy định rất cụ thể tại Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
- Tố giác về tội phạm là việc mà cá nhân phát hiện và tố cáo có hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
- Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Theo quy định của pháp luật thì tố giác, tin báo về tội phạm thì có thể bằng lời hoặc bằng văn bản. Tố giác của cá nhân, tin báo của cơ quan tổ chức cá nhân là căn cứ để xác định dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
2. Xử lý đối với hành vi tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật
Đối với hành vi mà tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật thì có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật về tố giác tội phạm. Căn cứ theo như khoản 5 của Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có quy định rằng người nào mà cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì sẽ tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc là bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đưa ra.
Điều 23 Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy thì áp dụng hình thức kỷ luật đối với các cán bộ, công chức, viên chức mà biết rõ rằng hành vi tố cáo của mình là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần thì tùy thuộc vào tính chất mức độ hành vi nếu không lớn không đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý kỷ luật.
Xử phạt hành chính đối với hành vi tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật. Theo đó thì khi mà tố giác, báo tin sai sự thật nhưng không đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý hành chính. Cụ thể thì được quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 có quy định về mức phạt đối với hành vi cố ý tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật.
- Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, trừ trường hợp người thực hiện hành vi là luật sư quy định tại khoản 3 Điều 9 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15:
+ Cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền;
+ Lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật.
- Trường hợp luật sư thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 Điều 9 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra thì còn có hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này đó là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật.
Ở một mức độ nặng hơn thì hành vi mà tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Điều 156 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội vu khống. Theo đó thì tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi mà người phạm tội sẽ bị xử lý ở những khung hình phạt khác nhau. Và nặng nhất thì có thể xử phạt ở khung hình phạt lên đến là 07 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy thì đối với hành vi mà cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm thì tùy thuộc vào tính chất và mức độ của từng hành vi vi phạm thì có thể bị xử lý kỷ luật, phạt hành chính hoặc là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như mức độ vi phạm là lớn và có đủ các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự thì thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự theo yêu cầu của người bị hại. Nếu người bị hại không có yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này thì cơ quan công an sẽ không ra quyết định truy cứu ra trách nhiệm hình sự.
3. Người cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm có thể bồi thường thiệt hại cho người bị tố giác, báo tin giả
Khi mà người cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm thì có thể bị bồi thường thiệt hại cho người bị tố giác, báo tin giả. Theo đó thì dưa trên căn cứ rằng có thiệt hại bị xâm phạm thì sẽ được bồi thường và mức bồi thường được dựa trên mức tổn thất thiệt hại do hành vi tố giác, báo tin về tội phạm giả này gây ra đối với người bị tố giác, báo tin. Cụ thể như theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 thì có quy định người mà có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường các thiệt hại trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, người cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị tố giác, báo tin giả thì có thể phải bồi thường nếu người bị thiệt hại có yêu cầu. Do đó thì nếu như mà người bị hại không có yêu cầu bồi thường thì sẽ không phải thực hiện việc bồi thường.
Vui lòng liên hệ 19006162 hoặc lienhe@luatminhkhue.vn có thể hỗ trợ một cách chi tiết nhất có thể. Tham khảo thêm: Cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm bị xử lý như thế nào?