1. Ý nghĩa của việc tố giác, tin báo về tội phạm

Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, thông tin về hoạt động của tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở đề ra các kế hoạch, chương trình, biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm; đồng thời là cơ sở để tiến hành các HĐĐT làm rõ tính hiện thực khách quan của vụ án hình sự. Thông tin về tội phạm cũng chính là kết quả phản ánh của hoạt động của tội phạm trong hiện thực khách quan.
 

2. Khái niệm tố giác, tin báo về tội phạm

Ở phương diện điều tra khám phá tội phạm, tố giác, tin báo về tội phạm là thông tin ban đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho cơ quan có thẩm quyền xem xét tính chất nghiêm trọng hay không của sự việc đã được báo tin, tố giác đến; tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin đến đâu, có dấu hiệu của tội phạm hay không… Tố giác, tin báo về tội phạm là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành các HĐĐT, xác minh theo quy định.
 

2.1 Theo từ điển Bách khoa công an nhân dân

Theo Từ điển Bách khoa Công an nhân dân (CAND) thì: “Tố giác là công dân tố cáo trước cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội về người hoặc hành động phạm pháp đã, đang và sẽ xảy ra. Tố giác là một trong những nguồn tin ban đầu về những vụ việc có tính hình sự, là nội dung phản ánh đầu tiên về vụ, việc đó” [101, tr.1242].
Khái niệm này đã nêu được chủ thể tố giác (công dân) và vai trò, mục đích của tố giác về tội phạm, đây là những nội dung sẽ được kế thừa trong kết quả nghiên cứu của luận án. Tuy nhiên, khi nghiên cứu khái niệm này thấy rằng, việc xác định chủ thể tố giác là công dân là hơi bó hẹp (chỉ bao gồm công dân Việt Nam); đối tượng bị tố giác là người hoặc hành động phạm pháp đã, đang và sẽ xảy ra là quá rộng, chưa phù với phạm vi nghiên cứu trong tố tụng hình sự, vì khi đề cập đến tố giác trong tố tụng hình sự là tố giác hành vi có dấu hiệu phạm tội khác với hành vi vi phạm hành chính, dân sự.
 

2.2 Theo đại từ điển Tiếng việt

Theo đại từ điển Tiếng việt thì: “Tố giác được hiểu là báo cho cơ quan chính quyền biết người hoặc hành động phạm pháp nào đó”.
Khái niệm này chỉ nêu được chủ thể tiếp nhận tố giác đó là cơ quan chính quyền và chủ thể bị tố giác (người hoặc hành động phạm pháp nào đó), đây là nội dung sẽ được tham khảo, kế thừa trong luận án. Tuy nhiên, khái niệm này còn rất nhiều điểm hạn chế như chưa chỉ ra chủ thể tố giác là ai, chủ thể tiếp nhận chưa được giải thích rõ (cơ quan chính quyền gồm những đơn vị nào), chủ thể bị tố giác rất rộng (hành động phạm pháp nào đó bao gồm phạm pháp về hình sự, hành chính, dân sự, kinh tế).
 

2.3 Theo các tác giả nghiên cứu

Theo tác giả Phan Văn Khai: “Tố giác về tội phạm được hiểu là việc cá nhân phát hiện, tố cáo người thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự” [62, tr.13].
Khái niệm đã nêu được chủ thể của việc tố giác hành vi phạm tội; chủ thể bị tố giác và nội dung tố giác (hành vi có dấu hiệu tội phạm). Tuy nhiên, trong khái niệm này vẫn còn thiếu sót như chưa đề cập đến trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết.
Theo tác giả Đào Nguyên Vũ: “Tố giác là hành động của công dân khi phát hiện các hoạt động phạm pháp của một đối tượng hay một nhóm đối tượng. Hành động này thể hiện ở việc tố cáo các hành vi của đối tượng vi phạm trước cơ quan pháp luật và các cơ quan có trách nhiệm phải tiếp nhận, giải quyết các thông tin do người dân cung cấp. Tố giác về tội phạm chỉ bao gồm các hành vi vi phạm pháp luật bị phát hiện có thể cấu thành tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự” [106, tr.10].
Khái niệm này đã nêu được chủ thể tố giác (công dân), thông tin tố giác (hoạt động phạm pháp), cách xử thế của công dân khi phát hiện hành động phạm pháp, chủ thể bị tố giác là ai, hình thức của tố giác (tố cáo hành vi phạm pháp), chủ thể tiếp nhận. Tuy nhiên, chủ thể tố giác chỉ xác định là công dân là chưa đầy đủ, vì bên cạnh công dân Việt Nam thì còn có người nước ngoài sinh sống, làm việc, du lịch tại Việt Nam cũng có thể tố giác tội phạm; thông tin tố giác quá rộng (hoạt động phạm pháp có thể là phạm pháp hình sự, dân sự, hành chính), chưa phân biệt được tố giác và tố cáo. Bên cạnh đó, tác giả chưa được ra khái niệm về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Theo tác giả Hồ Trọng Ngũ thì: Tố giác tội phạm được hiểu là sự tố cáo của công dân về những hành vi nào đó mà họ cho rằng đó là tội phạm. Khái niệm này đề cập được chủ thể tố giác và xử thế của công dân (chủ thể tố giác) đối với hành vi họ cho là tội phạm. Tuy nhiên, khái niệm này còn thiếu sót như chưa cụ thể được chủ thể bị tố giác, chủ thể tiếp nhận, giải quyết tố giác.
Giáo trình Luật tố tụng hình sự Học viện An ninh nhân dân đồng quan điểm với tác giả Hồ Trọng Ngũ khi cho rằng: Tố giác của cá nhân là sự tố cáo về những hành vi nào đó họ cho rằng là tội phạm [58, tr.202].
Khái niệm về tin báo về tội phạm được nghiên cứu ở nhiều chiều cạnh, góc độ khác nhau, có thể kể đến một số quan điểm sau: Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng thì “tin báo” là nội dung của sự phản ánh, là thuộc tính bản chất của vật chất. Do vậy, tin báo sẽ tồn tại khách quan và nội dung khái niệm của nó gắn liền với khái niệm vật chất và ý thức. Trong Đại từ điển tiếng Việt phổ thông thì: “Tin báo được xác định là điều báo cho biết sự việc, tình hình xảy ra” [35, tr.879]. Dưới góc độ ngôn ngữ học thì tin là điều được truyền đi, báo đi cho biết về sự việc, tình hình xảy ra; sự truyền đạt, sự phản ánh dưới các hình thức khác nhau, cho biết về thế giới chung quanh và những quá trình xảy ra trong nó.
Theo tác giả Hồ Trọng Ngũ thì: “Tin báo về tội phạm được hiểu là thông tin, thông báo, báo cáo của cơ quan, tổ chức với CQĐT, VKS, Tòa án về những hành vi vụ việc đã xảy ra mà các cơ quan, tổ chức đó cho là tội phạm”. Khái niệm này đã trình bày được bản chất của tin báo tội phạm, chủ thể báo tin về tội phạm (cơ quan, tổ chức), chủ thể tiếp nhận tin báo và xử thế của chủ thể báo tin về tội phạm đối với vụ việc đã xảy ra có dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên, khái niệm này chưa đầy đủ về chủ thể báo tin về tội phạm (không có cá nhân), cơ quan tiếp nhận tin báo tội phạm bị giới hạn (CQĐT, VKS, Tòa án).
Giáo trình Luật tố tụng hình sự Học viện An ninh nhân dân cho rằng: Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền [58, tr.202]. Khái niệm này tương đối toàn diện đã khái quát được bản chất, chủ thể báo tin, chủ thể tiếp nhận tin báo, cách xử thế của chủ thể báo tin về những thông tin về tội phạm. Tuy nhiên, khái niệm này còn hạn chế nguồn tin báo đến cơ quan có thẩm quyền chưa đầy đủ, theo đó, hiện nay ngoài tố giác của cơ quan, tổ chức, cá nhân thông qua hình thức truyền thống như báo qua điện thoại, văn bản, trực tiếp đến báo tin thì kênh thông tin trên phương tiện thông tin đai chúng hiện nay cũng là nguồn tin báo quan trọng.
Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự thì tin ban đầu là những tin mà lực lượng Công an mới nhận được về vụ, việc, con người có dấu hiệu hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội cần tiến hành xác minh để làm rõ từ đó có chủ trương, biện pháp xử lý kịp thời… nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra khám phá tội phạm. Khái niệm này đã nêu được chủ thể, cũng như phản ánh của tin báo tội phạm trên thực tế. Tuy nhiên, khái niệm này còn thiếu sót khi chưa đề cập được chủ thể của việc báo tin.
 

2.4 Trong khoa học hình sự

Trong khoa học điều tra hình sự tiếp nhận khái niệm tin báo của ngôn ngữ tự nhiên và xác định là một thuật ngữ khoa học mà trong đó bao gồm cả hai nội dung phản ánh đó là phản ánh vật chất và phản ánh tinh thần của tội phạm. Những thông tin về tội phạm chính là những kết quả phản ánh của tội phạm trong hiện thực khách quan và sự tồn tại của những thông tin này mang tính quy luật. Cũng giống như bản chất của thông tin nói chung, những thông tin về tội phạm không thể không tồn tại dưới dạng vật chất đó là tín hiệu thông tin. Khái niệm chỉ ra được bản chất vật chất của tin báo tội phạm nên  nó tồn tại khách quan trong thực tế. Tuy nhiên, khái niệm này trừu tượng, khó tiếp cận, chưa chỉ ra được các vấn đề cụ thể có liên quan gắn với chuyên ngành nghiên cứu của luật tố tụng hình sự.
Trên phương diện phản ánh, những tin báo về tội phạm chính là những thông tin phản ánh của tội phạm trong hiện thực khách quan và sự tồn tại của thông tin này mang tính quy luật. Điều này đồng nghĩa với việc thông tin về tội phạm không thể không tồn tại dưới dạng vật chất đó là tín hiệu thông tin. Sự thay đổi trong môi trường do tội phạm gây ra là những tín hiệu thông tin có nội dung, còn hình thức biểu hiện của những thông tin này đó là tiếng nói, chữ viết của con người.
Cụ thể, tại Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì:
Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Tóm lại, hiện nay khái niệm về tin báo tội phạm cơ bản có sự kế thừa, thống nhất với nhau về bản chất, chủ thể (báo tin, nhận tin báo), xử thế của các chủ thể đối với tin báo. Tuy nhiên, xét dưới nhiều góc độ, phương diện, chuyên ngành khác nhau như Triết học, Pháp luật, Khoa điều tra hình sự, quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, ngôn ngữ học thì chúng ta có thể khái quát một số nội dung cơ bản về tin báo tội phạm: Thứ nhất, tin báo là những thông tin phản ánh về các hành vi dấu hiệu tội phạm hay các sự việc khác có liên quan đến tội phạm trong hiện thực khách quan; thứ hai, cá nhân, cơ quan, tổ chức là chủ thể cung cấp tin báo; Thứ ba, tin báo này phải được báo đến cơ quan có thẩm quyền và phải được tiếp nhận theo quy định của pháp luật.
Từ những phân tích như nêu trên có thể đưa ra khái niệm về tố giác, tin báo về tội phạm như sau: Tố giác, tin báo về tội phạm là những thông tin phản ánh về các hành vi có dấu hiệu tội phạm hay các sự việc khác có liên quan đến tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền bằng hình thức truyền miệng, bằng văn bản hoặc chuyển giao thông tin bằng các phương tiện kỹ thuật.