Mục lục bài viết
Quyền bảo vệ thông tin bí mật cá nhân là một quyền cơ bản của công dân được ghi nhận và bảo vệ theo quy định pháp luật cụ thể được quy định tại Điều 21 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 hay được quy định tại một số Luật chuyên ngành như tại Điều 6 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
Việc mua bán dữ liệu cá nhân hiện nay thường xuất hiện từ việc bán thông tin khách hàng có được từ hoạt động thương mại, sản xuất; xuất phát từ hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông hoặc làm lộ thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích. Theo đó tương ứng với từng lĩnh vực này sẽ có quy định xử phạt riêng cụ thể như sau:
1. Xử phạt trong lĩnh vực thương mại, sản xuất
Được quy định chi tiết tại Nghị định số: 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cầm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cụ thể như sau:
- Tại điểm đ khoản 1 Điều 46 quy định việc chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
- Tại điểm b khoản 5 Điều 63 quy định việc đánh cắp, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
- Hình thức sử phạt bổ sung có thể bị áp dụng gồm tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm; đình chỉ hoạt động thương mại từ 6-12 tháng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả có thể bị áp dụng đó là thu hồi tên miền; buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng.
2. Xử phạt trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử
Được quy định chi tiết tại Nghị định số: 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử như sau:
- Tại điểm a khoản 5 Điều 102 quy định việc mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với chủ thể vi phạm là tổ chức; trường hợp chủ thể vi phạm là cá nhân sẽ áp dụng mức phạt bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức.
- Ngoài ra có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 22 - 24 tháng.
- Biện pháp buộc khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
3. Xử phạt trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng
Được quy định chi tiết tại Nghị định số: 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số: 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt hành chính tiền tệ và ngân hàng cụ thể là:
- Tại khoản 6 Điều 28 quy định hành vi thuê, cho thuê, mua, bán thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh với số lượng từ 10 thẻ trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt tiền ở mức từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
- Khoản 7 Điều 28 quy định lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.
- Tại điểm d khoản 4 Điều 47 quy định việc làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích theo quy định pháp luật có thể bị xử phạt tiền ở mức 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
- Mức phạt ở trên áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm có thể bị phạt ở mưc 02 (hai lần) quy định ở trên.
- Biện pháp buộc khắc phục hậu quả: Nộp lại số lợi bất chính thu lợi.
4. Trách nhiệm bồi thường dân sự, truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, ở các hành vi phạm gây ra hậu quả cho cá nhân, tổ chức khách, người có hành vi phạm phạm cũng sẽ phải chịu các chế tài liên quan đến việc bồi thường trong dân sự liên quan đến bồi thường ngoài hợp đồng nếu chứng minh được thiệt hại, người bị thiệt hại có đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết. Hoặc trong trường hợp hành vi có các dấu hiệu của tội phạm như các tội danh liên quan đến lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, các tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; tội thu thập tàng trữ, trao đổi mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ...
Từ những phân tích trên đây cho thấy việc rao bán dữ liêu cá nhân hoặc các hành vi liên quan đến thông tin cá nhân sẽ phụ thuộc vào từng hành vi để xác định xử lý ở mức xử phạt hành chính, trách nhiệm bồi thường trong dân sự hay chuyển hóa thành tội danh hình sự.
Luật Minh Khuê cung cấp các dịch vụ liên quan đến tư vấn pháp lý, đại diện ngoài tố tụng và tham gia tố tụng từ giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm. Khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ, hoặc trong bài viết có điểm nào chưa rõ vui lòng liên hệ theo đầu số hotline tư vấn pháp luật hình sự: 1900.6162 để được hỗ trợ. Rất mong nhận được sự hợp tác!