1. Thế nào cán cân thanh toán quốc tế?

Theo quy định tại khoản Điều 3 Nghị định 16/2014/NĐ-CP, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam (hay cán cân thanh toán quốc tế) là báo cáo thống kê tổng hợp các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú trong một thời kỳ nhất định.

Trong đó:

- Người cư trú là tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng sau đây:

(i) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017);

(ii) Tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam;

(iii) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam;

(iv) Văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức quy định tại (i), (ii), (iii);

(v) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế của Việt Nam ở nước ngoài;

(vi) Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam; công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng; công dân Việt Nam làm việc tại các tổ chức quy định tại (iv), (v) và cá nhân đi theo họ;

(vii) Công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài;

(viii) Người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên.

Đối với người nước ngoài học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam không kể thời hạn là những trường hợp không thuộc đối tượng người cư trú;

(ix) Chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức kinh tế nước ngoài, các hình thức hiện diện tại Việt Nam của bên nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam.

- Người không cư trú là các đối tượng không thuộc các trường hợp của người cư trú.

2. Nguyên tắc lập cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam

Cán cân thanh toán quốc tế ở Việt Nam thực hiện theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 8 Nghị định 16/2014/NĐ-CP, như sau:

- Phù hợp với thông lệ quốc tế về thống kê cán cân thanh toán và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

- Đơn vị tiền tệ lập cán cân thanh toán là đồng đôla Mỹ (USD).

- Tỷ giá quy đổi đồng Việt Nam (VND) sang USD là tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cuối kỳ báo cáo.

- Quy đổi các ngoại tệ không phải USD sang USD được thực hiện như sau:

+ Quy đổi ngoại tệ sang VND theo tỷ giá tính chéo của VND so với loại ngoại tệ đó do Ngân hàng Nhà nước công bố để tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu áp dụng trong kỳ báo cáo;

+ Sau khi quy đổi sang VND, việc quy đổi sang USD được thực hiện theo tỷ giá quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 16/2014/NĐ-CP.

- Thời điểm thống kê các giao dịch là thời điểm thay đổi quyền sở hữu giữa người cư trú và người không cư trú.

- Giá trị của giao dịch được xác định theo nguyên tắc thị trường tại thời điểm giao dịch.

3. Cơ cấu, nội dung chủ yếu của cán cân thanh toán quốc tế

Tại Điều 13 Nghị định 16/2014/NĐ-CP, cơ cấu, nội dung chủ yếu của cán cân thanh toán quốc tế được quy định như sau:

- Cán cân vãng lai: Bao gồm toàn bộ các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú liên quan đến hàng hóa, dịch vụ, thu nhập của lao động, thu nhập từ đầu tư, và chuyển giao vãng lai. Các quy định chi tiết về cán cân vãng lai được quy định tại các điều 14, 15, 16, và 17 trong Nghị định 16/2014/NĐ-CP.

- Cán cân vốn: Bao gồm các giao dịch liên quan đến chuyển giao vốn, mua bán các tài sản phi tài chính, phi sản xuất của khu vực Chính phủ và khu vực tư nhân. Quy định về cán cân vốn được thể hiện tại Điều 18 của Nghị định 16/2014/NĐ-CP.

- Cán cân tài chính: Bao gồm các giao dịch về đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, giao dịch phái sinh tài chính, vay, trả nợ nước ngoài, tín dụng thương mại, tiền và tiền gửi. Chi tiết về cán cân tài chính được quy định tại các điều 19, 20, 21, 22, 23, và 24 trong Nghị định 16/2014/NĐ-CP.

- Phần chênh lệch giữa tổng của cán cân vãng lai, cán cân vốn, cán cân tài chính với cán cân thanh toán tổng thể.

- Cán cân thanh toán tổng thể: Được xác định thông qua thay đổi dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức do giao dịch tạo ra trong kỳ báo cáo.

Chi tiết của các hạng mục thuộc cán cân thanh toán quốc tế được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 16/2014/NĐ-CP.

4. Các nhân tố ảnh hưởng đến cán cân thành toán quốc tế?

Trong cơ cấu cán cân thanh toán quốc tế, cán cân mậu dịch được coi là một yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến vị trí và tình hình tổng thể của cán cân thanh toán. Tuy nhiên, cán cân thương mại thường phụ thuộc vào những yếu tố khác, có tác động trực tiếp đến nó.

Lạm phát là một trong những yếu tố đó. Nếu một quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao hơn so với các quốc gia khác trong mạng lưới mậu dịch, thì sức cạnh tranh của hàng hóa của quốc gia đó trên thị trường quốc tế sẽ giảm. Điều này có thể dẫn đến sự giảm khối lượng xuất khẩu của quốc gia đó.

Tác động của tỷ giá hối đoái cũng đáng lưu ý. Nếu tiền của một quốc gia bắt đầu tăng giá so với tiền của các quốc gia khác, thì tài khoản vãng lai của quốc gia đó sẽ giảm, với điều kiện các yếu tố khác không thay đổi.

Thành phần khác có thể là ảnh hưởng của thu nhập quốc dân. Thu nhập của một quốc gia thường biến động theo tỷ lệ tương đối so với các quốc gia khác. Khi thu nhập tăng hoặc giảm nhanh hơn so với một quốc gia khác, tài khoản vãng lai của quốc gia đó cũng sẽ thay đổi tương ứng, với điều kiện các yếu tố khác không thay đổi.

Những yếu tố này cùng tạo nên bức tranh phức tạp của cán cân thanh toán quốc tế, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của các nền kinh tế trên toàn cầu.

Khả năng và trình độ quản lý kinh tế của chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế của một quốc gia. Mỗi quốc gia có chính sách xuất nhập khẩu, cũng như sự phát triển và tăng trưởng kinh tế riêng biệt, và điều này ảnh hưởng đến cán cân thương mại của họ.

Khả năng quản lý kinh tế của chính phủ giúp xác định các chiến lược và biện pháp cụ thể để điều chỉnh cán cân thương mại một cách hiệu quả. Bằng cách thiết lập các chính sách phù hợp, chính phủ có thể thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập khẩu không cần thiết, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư từ nước ngoài. Điều này có thể giúp cải thiện cán cân thương mại của quốc gia và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Cán cân thanh toán quốc tế là một công cụ quan trọng để đo lường tất cả các giao dịch tiền tệ quốc tế trong một khoảng thời gian nhất định. Bao gồm ba tài khoản chính là tài khoản vãng lai, tài khoản vốn và tài khoản tài chính. Mặc dù tài khoản vãng lai thường được sử dụng để cân bằng với tổng tài khoản tài chính và tài khoản vốn, nhưng hiếm khi có trường hợp đạt được sự cân bằng đó.

Quá trình toàn cầu hóa vào cuối thế kỷ 20 đã dẫn đến sự tự do hóa cán cân thanh toán quốc tế ở nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi. Điều này đã tạo điều kiện cho các quốc gia này dỡ bỏ các hạn chế đối với cán cân thanh toán quốc tế, từ đó thúc đẩy dòng tiền đầu tư từ các quốc gia phát triển và nước ngoài, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.

Xem thêm: Cán cân thanh toán quốc tế là gì? Nội dung của cán cân thanh toán quốc tế

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Nguyên tắc lập cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!