1.Khái niệm quản lý dự án là gì ?

Quản lý dự án là tập hợp các hành động nhằm quản lý tất cả các khía cạnh của một dự án từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Nó bao gồm lập kế hoạch, điều phối thực hiện, giám sát quá trình thực hiện và đánh giá sau triển khai. 

Dự án đầu tư công tại nước ngoài là các dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị, xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa các trụ sở làm việc và nhà ở cho cán bộ, nhân viên của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công; các dự án đầu tư mua nhà, mua đất, thuê đất dài hạn ở nước ngoài để xây dựng trụ sở làm việc và nhà ở cho cán bộ, nhân viên sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công.

2.Quá trình hình thành quản lý dự án 

Trong thời kỳ cổ đại, thì quản lý dự án chưa được nhận thức cũng như không có ghi chép nào về khái niệm này thì tổ tiên của chúng ta đã thể hiện sự thành công trong thông qua các công trình nổi tiếng như Kim tự tháp hay Vạn lý trường thành. Mãi cho đến đầu thế kỷ XX, khi thuyết quản lý khoa học của Frederick Winslow Taylor (1856 - 1916) ra đời và đây cũng là nguyên mẫu đầu tiên cho các công cụ quản lý dự án hiện đại, bao gồm cả cấu trúc phân chia công việc (WBS- Work Breakdown Structure) và (Gantt Chart) giúp biểu thị thời gian biểu của dự án dùng để quản lý, lên kế hoạch và kiểm soát tiến độ công việc trong dự án. Ngay sau đó một nhà nghiên cứu người Mỹ khác, Henri Fayol đa tìm ra 5 chức năng của quản lý, là cơ sở cho những kiến thức cốt lõi liên quan đến quản lý dự án và quản lý chương trình đồng thời góp phần đưa khái niệm đầu tiên về quản lý dự án đến toàn nhân loại. Cả Gantt và Fayol đều được biết đến như là những học trò, theo trường phái lý thuyết quản lý theo khoa học, của Frederick Winslow Taylor.

Sau đó vài chục năm, quản lý dự án hiện đại đã hình thành nên kỷ nguyên của mình và được công nhận là một ngành khoa học phát sinh từ khoa học quản lý. Ngay sau đó có không ít các dự án được thực hiện và thành công nhờ phương pháp ứng dụng sơ đồ Gantt trong quản lý và theo dõi. Sau một thời gian ngắn, nhận thấy sự cần thiết của quản lý tiến độ dự án và kiểm soát quy trình, hai mô hình toán học là "Phương pháp Đường găng" (Critical Path Method) và "Kỹ thuật đánh giá và xem xét chương trình/dự án" (Program Evaluation and Review Technique hay PERT) đã ra đời và được áp dụng thành công tại các dự án bảo vệ thực vật- hóa dầu và quân sự của Hải Quân Hoa kỳ. Không lâu sau những thuật toán này đã được các doanh nghiệp tư nhân hưởng ứng và áp dụng.

Năm 1969, viện Quản lý Dự án (PMI- Project Management Institute) được thành lập dưới hình thức một tổ chức phi lợi nhuận nhằm bảo vệ và phát triển ứng dụng quản lý dự án tiên tiến nhất. Sau nhiều năm PMI đã trở thành hiệp hội hàng đầu thế giới về quản lý dự án chuyên nghiệp.

3. Nguyên tắc quản lý các dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài

Căn cứ điều 59 Nghị định 15/2021 NĐ- CP quy định :

Về việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư của các dự án sử dụng vốn đầu tư công tại nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Việc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư ra nước ngoài của các dự án còn lại thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Về việc quyết định đầu tư dự án thực hiện theo pháp luật về đầu tư công đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đối với dự án của doanh nghiệp có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước.

Dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý các dự án đầu tư của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và quy định pháp luật có liên quan.

Về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư phải tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế giữa bên Việt Nam với bên nước ngoài, quy định pháp luật của quốc gia nơi đầu tư xây dựng công trình và các quy định cụ thể tại mục này, cụ thể như sau:

- Việc lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công thực hiện theo quy định tại Điều 60 Nghị định này;

- Việc lập, thẩm định, phê duyệt các bước thiết kế xây dựng triển khai sau khi quyết định đầu tư dự án do người quyết định đầu tư quyết định phù hợp với pháp luật của quốc gia nơi đầu tư xây dựng công trình và điều kiện triển khai dự án;

- Các nội dung về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; quy hoạch xây dựng; yêu cầu về điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa, môi trường; trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc; giấy phép xây dựng; Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng; hợp đng xây dựng, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng công trình, nghiệm thu, bàn giao công trình và các nội dung, yêu cầu đặc thù khác được ưu tiên áp dụng theo quy định pháp luật của quốc gia nơi đầu tư xây dựng công trình, trừ trường hợp điều ước quốc tế hay thỏa thuận quốc tế có quy định khác;

- Ưu tiên áp dụng quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng của quốc gia nơi xây dựng công trình khi xác định tổng mức đầu tư công trình, dự toán xây dựng công trình.

Việc quyết toán vốn đầu tư các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài sử dụng vốn đầu tư công và quy định của pháp luật có liên quan.

4.Lập, thẩm tra, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án 

Chủ đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc tài liệu tương đương theo quy định của pháp luật nước sở tại (sau đây gọi chung là Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng), trình cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định để người quyết định đầu tư xem xét, phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng.

Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng gồm thiết kế cơ sở hoặc thiết kế xây dựng khác được lập theo thông lệ quốc tế phù hợp với bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Thuyết minh Báo cáo nghiên cứu khả thi phải thể hiện được các nội dung chủ yếu sau:

- Sự cần thiết và chủ trương đầu tư, mục tiêu đầu tư xây dựng;

- Phân tích các điều kiện tự nhiên, lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng, diện tích sử dụng đất, quy mô và hình thức đầu tư xây dựng dự án;

- Sự phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch khác theo quy định của pháp luật nước sở tại;

- Dự kiến tiến độ thực hiện dự án;

- Xác định tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn;

- Giải pháp tổ chức thực hiện dự án, xác định chủ đầu tư, phân tích lựa chọn hình thức quản lý, thực hiện dự án, phân tích hiệu quả kinh tế-xã hội;

- Các nội dung khác theo đặc thù của từng dự án và quy định của pháp luật nước sở tại.

Chủ đầu tư có trách nhiệm thuê tổ chức thẩm tra thiết kế xây dựng có đủ năng lực để thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; kiểm tra, đánh giá đối vi Báo cáo kết quả thẩm tra do tổ chức thẩm tra thiết kế xây dựng thực hiện trước khi gửi đến cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư để thực hiện thẩm định.

Trên cơ sở Báo cáo kết quả thẩm tra, cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và xin ý kiến phối hợp của cơ quan chuyên môn về xây dựng trong trường hợp cần thiết. Thẩm quyền của cơ quan chuyên môn về xây dựng được xin ý kiến phối hợp là thẩm quyền thẩm định đối với dự án có quy mô tương đương theo quy định tại Nghị định này.

Nội dung thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng gồm:

- Sự tuân thủ các quy định pháp luật trong nội dung hồ sơ trình thẩm định;

- Sự phù hợp của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng với chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận;

- Kiểm tra Báo cáo kết quả thẩm tra về sự phù hợp của thiết kế xây dựng phục vụ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch khác theo quy định của pháp luật nước sở tại, việc bảo đảm an toàn xây dựng, an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật có liên quan;

- Yếu tố đảm bảo tính khả thi của dự án bao gồm lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng, quy mô đầu tư xây dựng dự án, xác định chủ đầu tư, hình thức tổ chức quản lý thực hiện dự án;

- Yếu tố đảm bảo tính hiệu quả của dự án bao gồm xác định tổng mức đầu tư xây dựng, khả năng huy động vốn theo tiến độ, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế-xã hội;

- Các nội dung khác theo yêu cầu của người quyết định đầu tư (nếu có).

5.Tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chất lượng công trình, tự quyết định việc nghiệm thu công trình xây dựng và thanh lý hợp đồng đối với các dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài. Chủ đầu tư lập Báo cáo hoàn thành công trình gửi người quyết định đầu tư để theo dõi và quản lý.

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)