Mục lục bài viết
- 1. Quy định dự án xây dựng - chuyển giao (BT), dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)
- 1.1. Dự án BT là gì?
- 1.2. Dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) là gì?
- 1.3. Chủ thể được giao quản lý, sử dụng đất để thực hiện dự án BT và dự án BOT:
- 2. Trình tự thủ tục giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư
- 3. Quản lý, sử dụng đất để thực hiện dự án BT và BOT như thế nào ?
Điều 54 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
1. Nhà nước giao cho nhà đầu tư quản lý diện tích đất để thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BT); nhà đầu tư không phải trả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng công trình theo dự án được phê duyệt và có trách nhiệm bảo toàn diện tích đất được giao quản lý, sử dụng theo đúng mục đích đã ghi trong dự án.
Việc chuyển giao công trình và quỹ đất của dự án phải thực hiện đúng theo thời hạn ghi trong dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc thời hạn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép kéo dài thời hạn chuyển giao. Trường hợp quá thời hạn phải chuyển giao mà nhà đầu tư chưa chuyển giao thì phải thuê đất của Nhà nước,thời điểm thuê đất được tính từ thời điểm kết thúc thời gian xây dựng công trình theo dự án đã được phê duyệt.
2. Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất đối với nhà đầu tư để thực hiện dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); nhà đầu tư được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của Chính phủ.
3. Người nhận chuyển giao công trình để sử dụng và khai thác thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc giao để quản lý diện tích đất có công trình đó theo quy định của pháp luật về đất đai.
Luật Minh Khuê phân tích chi tiết quy định pháp luật Việt Nam về vấn đề trên như sau:
1. Quy định dự án xây dựng - chuyển giao (BT), dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)
1.1. Dự án BT là gì?
- Dự án BT là dự án xây dựng - chuyển giao, là hình thức đầu tư được giao kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thảo thuận của các bên.
Tuy nhiên, cần lưu ý, theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) 2020, kể từ ngày 01/01/2021, dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT và việc chuyển tiếp thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) được thực hiện như sau:
- Dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì dừng thực hiện; trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì tiếp tục thực hiện căn cứ vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
- Dự án đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước ngày 01/01/2021 thì cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng căn cứ vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
- Dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày 01/01/2021 thì tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng;
- Dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT.
Ngoài ra, dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020.
1.2. Dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) là gì?
Dự án BOT là dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, là hình thức đầu tư được giao kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời gian nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam.
1.3. Chủ thể được giao quản lý, sử dụng đất để thực hiện dự án BT và dự án BOT:
Căn cứ vào khoản 3 Điều 155 Văn bản hợp nhất Luật Đất đai số 21/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018 - gọi tắt Luật Đất đai thì Nhà nước giao cho nhà đầu tư quản lý diện tích đất để thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BT); giao đất hoặc cho thuê đất đối với nhà đầu tư để thực hiện dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đầu tư.
2. Trình tự thủ tục giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư
Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất được quy định như sau:
Bước 1: Cơ quan tài nguyên và môi trường hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất.
Bước 2: Người được giao đất, cho thuê đất nộp tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, nộp tiền thuê đất đối với trường hợp cho thuê đất.
Bước 3: Cơ quan tài nguyên và môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tổ chức giao đất trên thực địa và trao Giấy chứng nhận cho người được giao đất, cho thuê đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích cộng đồng thì một số bước công việc chuẩn bị giao đất, cho thuê đất được thực hiện đồng thời với trình tự, thủ tục thu hồi đất theo quy định như sau:
- Trong thời gian thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì chủ đầu tư được tiến hành khảo sát, đo đạc để lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng; cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất của chủ đầu tư, thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất;
- Trong thời gian thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư được nộp hồ sơ xin giao đất, thuê đất mà không phải chờ đến khi hoàn thành việc giải phóng mặt bằng.
Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất được quy định như sau:
Bước 1: Cơ quan tài nguyên và môi trường chỉ đạo lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt.
Bước 2: Tổ chức được lựa chọn thực hiện đấu giá theo phương án đấu giá quyền sử dụng đất đã được phê duyệt tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất.
Bước 3: Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.
Bước 4: Sau khi người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, cơ quan tài nguyên và môi trường trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất; tổ chức giao đất trên thực địa và trao Giấy chứng nhận; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Trường hợp người trúng đấu giá không nộp đủ tiền theo đúng yêu cầu thì cơ quan tài nguyên và môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.
3. Quản lý, sử dụng đất để thực hiện dự án BT và BOT như thế nào ?
Căn cứ vào Điều 54 Nghị định 43/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15/5/2014 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì việc quản lý, sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BT) và dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) được quy định như sau:
Quyền sử dụng và quản lý đất của nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BT):
- Nhà nước giao cho nhà đầu tư quản lý diện tích đất để thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BT).
- Trong thời gian xây dựng công trình theo dự án được phê duyệt, nhà đầu tư không phải trả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Đồng thời, nhà đầu tư khi tiến hành dự án xây dựng - chuyển giao phải có trách nhiệm bảo toàn diện tích đất được giao quản lý, sử dụng theo đúng mục đích đã ghi trong dự án.
- Việc chuyển giao công trình và quỹ đất của dự án phải thực hiện đúng theo thời hạn ghi trong dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc thời hạn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép kéo dài thời hạn chuyển giao.
Trường hợp quá thời hạn phải chuyển giao mà nhà đầu tư chưa chuyển giao thì phải thuê đất của Nhà nước, thời điểm thuê đất được tính từ thời điểm kết thúc thời gian xây dựng công trình theo dự án đã được phê duyệt.
Quyền sử dụng và quản lý đất của nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT):
- Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất đối với nhà đầu tư để thực hiện dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
- Đối với loại dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) này thì nhà đầu tư được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của Chính phủ.
- Người nhận chuyển giao công trình để sử dụng và khai thác thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc giao để quản lý diện tích đất có công trình đó theo quy định của pháp luật về đất đai.
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ tới bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.