Kính chào Luật Minh Khuê, em có một vấn đề mong các luật sư giải đáp: Nhà em có xe tải nhưng không đăng ký kinh doanh vận tải thì có phải nộp thuế không ạ ? Em xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: P.Q.L

Trả lời:

Công ty Luật TNHH MINH KHUÊ xin gửi tới bạn lời chào trân trọng và cảm ơn bạn đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Vấn đề bạn đang vướng mắc chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

1. Trường hợp phải đăng ký kinh doanh vận tải

Căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô:

“2. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.”

Do đó, hoạt động được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải cần dựa trên những dấu hiệu sau đây:

Thứ nhất, hoạt động đó thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải như: trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước vận tải;

Thứ hai, đối tượng vận chuyển là hành khách, hàng hoá;

Thứ ba, hoạt động đó là hoạt động nhằm mục đích sinh lời.

Như vậy, để kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách thì cần đảm bảo đầy đủ những điều kiện sau (được quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)

* Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách:

- Phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã.

- Điều kiện niên hạn sử dụng đối với từng loại xe:

+ Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có sức chứa từ 09 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) và có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống.

+ Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt có niên hạn sử dụng không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất).

+  Xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).

+ Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất). Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống.

+ Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách du lịch và xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) sử dụng hợp đồng điện tử có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).

* Điều kiện kinh doanh hàng hóa:

Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã.

 

2. Kinh doanh vận tải thì phải nộp những loại thuế nào?

2.1. Lệ phí môn bài

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2016 về lệ phí môn bài, đối tượng phải nộp lệ phí môn bài bao gồm: doanh nghiệp; tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp; tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức; cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhưng nếu thuộc những trường hợp dưới đây thì được miễn lệ phí môn bài (Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị đinh 22/2020/NĐ-CP):

+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống;

+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên, không có địa điểm cố định;

+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối;

+ Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá;

+ Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử);

+ Hợp tác xã, liên hợp tác xã (gồm: chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp;

+ Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi.

+ Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12): tổ chức thành lập mới; hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong thời gian được miễn lệ phí môn bàu thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.

+ Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.

Mức lệ phí môn bài được quy định như sau:

Thứ nhất, đối tượng nộp là tổ chức

Đối tượng nộp Mức thu lệ phí môn bài
Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng 3.000.000 đồng/năm
Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ trở xuống 2.000.000 đồng/năm
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác 1.000.000 đồng/năm

Thứ hai, đối tượng nộp là cá nhân

Đối tượng nộp Mức thu lệ phí môn bài
Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm 1.000.000 đồng/năm
Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 triệu đến 500 triệu đồng/năm 500.000 đồng/năm
Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 triều đến 300 triệu đồng/năm 300.000 đồng/năm

Như vậy, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải (đã đăng ký kinh doanh) thì sẽ phải nộp lệ phí môn bài hàng năm nhưng nếu thuộc trường hợp được miễn lệ phí môn bài thì không phải nộp.

 

2.2. Thuế thu nhập cá nhân

Số thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được tính bằng công thức sau: 

Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân x Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân

Trong đó: Doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Căn cứ vào Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC hay Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC, hoạt động kinh doanh vận tải sẽ phải nộp thuế cho ngành nghề "Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: Vận tải hàng hóa, vận tải hành khách" với tỷ lệ thuế TNCN là 1.5%.

Như vậy, đối với ngành nghề kinh doanh vận tải thì bạn phải nộp thuế TNCN theo phương pháp khoán nếu doanh thu của bạn trên 100 triệu đồng/năm với tỷ lệ thuế TNCN là 1,5%. Nếu mức doanh thu của bạn nhỏ hơn 100 triệu đồng/năm thì bạn chỉ nộp thuế môn bài.

 

2.3. Thuế giá trị gia tăng

Theo quy định tại Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, người chịu thuế giá trị gia tăng có: tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng. Hay theo quy định tại Điều 3 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng bao gồm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam.

* Kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp:

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng x Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng

Trong đó: Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định "Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: Vận tải hàng hóa, vận tải hành khách" với tỷ lệ thuế GTGT là : 3%

Những đối tượng kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp: 

(1) Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng (trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế);

(2) Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập (trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế);

(3) Hộ, cá nhân kinh doanh;

(4) Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ).

* Kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ:

Khoản 16 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC) quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng như sau:

“16. Vận chuyển hành khách công cộng gồm vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện (bao gồm cả tàu điện) theo các tuyến trong nội tỉnh, trong đô thị và các tuyến lân cận ngoại tỉnh theo quy định của pháp luật về giao thông.”

Như vậy, đối tượng không chịu thuế GTGT quy định trên là dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng, còn đối với dịch vụ vận tải khác vẫn thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, theo đó tại Điều 11 Thông 219/2013/TT-BTC quy định về thuế suất 10%:

“ Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.”

Những đối tượng áp dụng kê khai, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế, gồm có:

(1) Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 01 tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ (trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp trực tiếp)

(2) Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế (trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp trực tiếp)

(3) Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay.

 

2.4. Thuế thu nhập doanh nghiệp

Tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013), người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có: tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế.

Thuế thu nhập doanh nghiệp = Thu nhập tính thuế trong kỳ x Thuế suất

Trong đó: 

- Thu nhập tính thuế được tính theo công thức sau:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định

- Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp:

Theo quy định tại Điều 10, Điều 13 và Điều 14 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và Điều 10 Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định như sau: Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%.

 

3. Nhà có xe tải nhưng không đăng ký kinh doanh thì có phải nộp thuế không?

Mặc dù không đăng ký kinh doanh vận tải, nhưng trước hết cần phải làm rõ gia đình bạn có sử dụng xe tải với mục đích kinh doanh hay không. Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Trong trường hợp gia đình bạn dùng xe tải để vận chuyển hàng hóa đến nơi tiêu thụ sản phẩm thì vẫn được tính với mục đích kinh doanh dựa vào khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Vì vậy, gia đình bạn vẫn cần phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo quy định của pháp luật (gồm: lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp). Còn trong trường hợp gia đình bạn mua xe tải với mục đích sinh lợi thì không phải đóng các loại thuế trên.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của bạn. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do bạn cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến bạn chưa hiểu hết vấn đề hoặc và có sự vướng ngại, thắc mắc thì vui lòng liên hệ tới số tổng đài 1900.6162 hoặc gửi tới địa chỉ email lienhe@luatminhkhue.vn.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật thuế.