Căn cứ pháp lý:

- Luật bảo vệ và kiểm định thực vật năm 2013;

- Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT;

1.  Nguyên tắc ghi nhãn thuốc bảo vệ thực vật 

Điều 71 Luật bảo vệ và kiểm định thực vật năm 2013 quy định:

Điều 71. Bao gói, nhãn thuốc bảo vệ thực vật

1. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Vật liệu phải bền chắc, không bị thuốc bảo vệ thực vật chứa bên trong ăn mòn, phá hủy, rò rỉ, phát tán thuốc ra ngoài;

b) Không ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc bảo vệ thực vật;

c) Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bao gói thuốc bảo vệ thực vật hoặc tiêu chuẩn cơ sở do cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật công bố áp dụng;

d) Không gây nguy hiểm cho người, động vật và môi trường.

2. Thuốc bảo vệ thực vật lưu thông trên thị trường phải có nhãn đáp ứng yêu cầu sau đây:

a) Ngôn ngữ bằng tiếng Việt;

b) Chứa thông tin đầy đủ hướng dẫn người sử dụng thuốc an toàn;

c) Tuân thủ quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và hướng dẫn của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS);

d) Nhãn thuốc bảo vệ thực vật phải phù hợp với nội dung mẫu nhãn đã đăng ký với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quy cách, vật liệu, kiểm tra, kiểm định bao gói thuốc và hướng dẫn cụ thể việc ghi nhãn thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 63 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT quy định về nguyên tắc ghi nhãn thuốc bảo vệ thực vật như sau:

- Thuốc bảo vệ thực vật lưu thông trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu phải ghi nhãn phù hợp với quy định về nhãn hàng hóa tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ, hướng dẫn của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS) và của Thông tư này.

- Mức độ nguy hại của thuốc bảo vệ thực vật được thể hiện trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật và Phiếu an toàn hóa chất của thuốc bảo vệ thực vật. Phân loại nguy hại thuốc bảo vệ thực vật được thực hiện theo quy tắc, hướng dẫn kỹ thuật của GHS, dựa trên nguy hại vật chất; mức độ nguy hại ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường. Chi tiết các nhóm phân loại nguy hại thuốc bảo vệ thực vật quy định chi tiết tại Phụ lục XXXVI ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Màu sắc, ngôn ngữ, cách trình bày của chữ, ký hiệu và hình ảnh trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật

Theo Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT:

Màu sắc:

- Màu sắc của chữ, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu, ghi trên nhãn phải rõ ràng;

- Chữ, chữ số phải có màu tương phản với màu nền của nhãn đối với những nội dung bắt buộc trên nhãn (ví dụ: đen - trắng, đen - vàng nhạt, nâu đậm - trắng, xanh tím than - trắng);

- Màu nền nhãn không được trùng với màu chỉ độ độc của thuốc bảo vệ thực vật.

Cách trình bày:

- Cỡ chữ tối thiểu của nhãn là 8 (point), phông chữ Times New Roman (hoặc tương đương);

- Không in chữ dọc, chéo hoặc uốn lượn;

- Nếu in các hình ảnh, hình vẽ minh họa sinh vật gây hại hoặc cây trồng trên nhãn thì chỉ in các đối tượng đã được đăng ký;

- Không in hình chìm dưới các nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn;

- Tên hoạt chất chỉ được ghi trên nhãn ở mục "thành phần".

Ngôn ngữ trình bày trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật:

- Ngôn ngữ ghi trên nhãn là tiếng Việt;

- Những nội dung sau có thể ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La-tinh:

+ Tên thông thường của hoạt chất;

+ Tên thông thường hoặc tên khoa học các thành phần, thành phần định lượng của thuốc trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;

+ Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.

3. Nội dung bắt buộc ghi trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm

Các nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm bao gồm:

- Tên thương phẩm;

- Loại thuốc;

- Dạng thành phẩm;

- Tên, thành phần, hàm lượng hoạt chất;

- Định lượng;

- Số đăng ký;

- Ngày sản xuất;

- Số lô sản xuất;

- Hạn sử dụng;

- Xuất xứ;

- Thông tin tổ chức, cá nhân sản xuất thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm;

- Thông tin về tổ chức, cá nhân đăng ký, phân phối;

- Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản;

- Thông tin về mối nguy;

- Hướng dẫn các biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn;

- Tên, hàm lượng của dung môi, phụ gia làm thay đổi độ độc cấp tính của thuốc thành phẩm (nếu có).

4. Nhãn phụ của thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm

- Trường hợp kích cỡ nhãn không đủ để ghi tất cả các nội dung bắt buộc nêu ở phần 3 thì phải ghi tối thiểu trên nhãn chính các nội dung: Tên thương phẩm; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ;Thông tin về tổ chức, cá nhân đăng ký, phân phối; Thông tin về mối nguy.

Và có thêm nhãn phụ.

- Nhãn phụ phải được gắn với từng bao gói thuốc bảo vệ thực vật để không bị tách rời trong quá trình lưu thông và sử dụng.

- Trên nhãn chính phải ghi chỉ dẫn “ĐỌC KỸ NHÃN PHỤ TRƯỚC KHI SỬ DỤNG”.

- Nội dung ghi trên nhãn phụ phải bao gồm toàn bộ nội dung bắt buộc ghi trên nhãn.

5. Nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật kỹ thuật

Nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật kỹ thuật bao gồm:

- Tên hoạt chất;

- Thành phần, hàm lượng hoạt chất;

- Thể tích thực, khối lượng tịnh;

- Tên, địa chỉ đơn vị nhập khẩu;

- Xuất xứ;

- Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng;

- Thông tin về mối nguy;

- Hướng dẫn các biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn.

6. Cách ghi những nội dung bắt buộc trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật

Cách ghi những nội dung bắt buộc trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật được quy định tại Điều 71 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT:

Tên thương phẩm:

Tên thương phẩm không được làm hiểu sai lệch về bản chất và công dụng của thuốc; không được vi phạm thuần phong mỹ tục truyền thống của Việt Nam; không trùng cách đọc hoặc cách viết với tên của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, địa danh của Việt Nam hoặc nước ngoài, các loại thực phẩm, đồ uống, dược phẩm.

Loại thuốc: ghi theo công dụng của thuốc, gồm: thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh và các loại khác trong Danh mục. Thuốc bảo vệ thực vật sinh học thì được ghi thêm từ “SINH HỌC” trong sau dòng chữ ghi loại thuốc (ví dụ: thuốc trừ sâu sinh học).

Dạng thành phẩm: ghi ký hiệu dạng thành phẩm theo Hướng dẫn quốc tế Croplife về thuốc bảo vệ thực vật kỹ thuật và thành phẩm (Croplife International Codes for Technical and Formulated Pesticides) được quy định tại Phụ lục XL ban hành kèm theo Thông tư này.

Tên, thành phần, hàm lượng hoạt chất:

- Ghi tên của tất cả các hoạt chất trong thành phần thuốc thành phẩm. Tên hoạt chất ghi theo tên thông thường (common name), nếu không có tên thông thường thì ghi theo tên IUPAC;

- Ghi hàm lượng của từng hoạt chất trong thuốc thành phẩm

Đơn vị g/kg (đủ ba chữ số) hoặc tỷ lệ phần trăm khối lượng đủ hai chữ số (% w/w) đối với thuốc dạng rắn, lỏng nhớt, sol khí hoặc chất lỏng dễ bay hơi; đơn vị g/l (đủ ba chữ số) hoặc tỷ lệ phần trăm khối lượng (% w/w) đối với dạng lỏng khác; đơn vị IU hoặc UI (International Unit)/mg, CFU (Colony-Forming Unit)/g (hoặc ml) đối với thuốc vi sinh vật.

Định lượng:

- Thuốc bảo vệ thực vật định lượng bằng các đại lượng đo lường phải ghi theo quy định của pháp luật Việt Nam về đo lường.

- Thuốc bảo vệ thực vật định lượng bằng số lượng thì phải ghi theo số đếm tự nhiên.

- Thuốc bảo vệ thực vật dạng lỏng, lỏng nhớt ghi thể tích thực, đơn vị là lít (l) hoặc mi-li-lít (ml); dạng bột, hạt, lỏng nhớt, sol khí hoặc chất lỏng dễ bay hơi ghi khối lượng tịnh, đơn vị là ki-lô-gam (kg) hoặc gam (g); dạng viên ghi số lượng viên và khối lượng một viên, đơn vị là ki-lô-gam (kg) hoặc gam (g).

- Trường hợp trong một bao gói thương phẩm của thuốc bảo vệ thực vật có nhiều đơn vị bao gói thì phải ghi định lượng của từng đơn vị bao gói và số lượng đơn vị bao gói.

- Thuốc bảo vệ thực vật là hàng đóng gói sẵn phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn.

Số đăng ký là số của Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Ngày sản xuất, hạn sử dụng:

- Ngày sản xuất, hạn sử dụng trên nhãn được ghi đầy đủ hoặc ghi tắt bằng chữ in hoa là: “NSX” theo thứ tự ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Mỗi số chỉ ngày, chỉ tháng, chỉ năm ghi bằng hai chữ số, được phép ghi số chỉ năm bằng bốn chữ số. Số chỉ ngày, tháng, năm của một mốc thời gian phải ghi cùng một dòng;

- Trường hợp không ghi được chữ “NSX” cùng với chữ số chỉ ngày, tháng, năm thì phải hướng dẫn trên nhãn. Ví dụ: ở đáy bao bì ghi thời gian sản xuất là “020406” thì trên nhãn phải ghi “Xem NSX ở đáy bao bì”.

Số lô sản xuất, ghi như sau: Số lô sản xuất: XXXX; hoặc Số lô SX: XXXX. Cấu trúc của số lô sản xuất do cơ sở sản xuất tự quy định.

Xuất xứ:

- Ghi “sản xuất tại” hoặc “xuất xứ” kèm tên nước hay vùng lãnh thổ sản xuất ra thuốc bảo vệ thực vật đó;

- Đối với thuốc bảo vệ thực vật sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, đã ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra thuốc đó thì không bắt buộc phải ghi xuất xứ thuốc bảo vệ thực vật.

Thông tin tổ chức, cá nhân đăng ký, phân phối, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật:

- Thông tin tổ chức, cá nhân đăng ký: Ghi tên, địa chỉ và số điện thoại của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

- Thông tin tổ chức, cá nhân phân phối: Ghi tên, địa chỉ và số điện thoại của tổ chức, cá nhân phân phối thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam;

- Thông tin tổ chức, cá nhân sản xuất: Ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm.

Hướng dẫn sử dụng, bảo quản:

- Công dụng, đối tượng phòng trừ (sinh vật gây hại, cây trồng);

- Liều lượng, nồng độ, số lần, thời điểm và phương pháp xử lý;

- Cách pha, trộn, phun rải và tỷ lệ dùng thuốc;

- Thời gian cách ly;

- Khả năng phối hợp với các loại thuốc khác (nếu có);

- Đề phòng kháng thuốc và thông tin về quản lý (nếu có);

- Đối với thuốc bảo vệ thực vật độc cao với ong mật sử dụng cho cây ăn quả, phải ghi cảnh báo: “không phun thuốc giai đoạn cây ra hoa”;

- Đối với thuốc bảo vệ thực vật độc cao với cá theo phân loại của GHS sử dụng cho lúa phải ghi cảnh báo: “thuốc độc cao với cá, không sử dụng trong khu vực nuôi trồng thủy sản”;

- Thông tin cần ngăn ngừa việc sử dụng sai hoặc không phù hợp;

- Cách bảo quản, xử lý thuốc thừa và bao bì trong và sau khi sử dụng;

- Phải ghi rõ điều kiện cần thiết để bảo quản thuốc trên nhãn thuốc. Ví dụ: Bảo quản ở nơi khô thoáng, nhiệt độ không quá 30ºC.

Thông tin về mối nguy:

- Nhãn thuốc phải có hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ, vạch màu quy định tại Phụ lục XXXVII ban hành kèm theo Thông tư này phù hợp với phân loại nguy hại thuốc bảo vệ thực vật;

- Từ cảnh báo được thể hiện bằng chữ in thường, đậm hoặc chữ in hoa có chiều cao chữ không nhỏ hơn 2 mi-li-mét (mm). Từ cảnh báo được sử dụng theo quy định của GHS gồm các từ: “NGUY HIỂM” được sử dụng cho các cấp nguy cơ nghiêm trọng hơn; “CẢNH BÁO” được sử dụng cho những nguy cơ ít nguy hiểm hơn;

- Vạch màu cảnh báo có chiều cao không nhỏ hơn 10 % chiều cao nhãn.

Hướng dẫn các biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn:

- Bao gồm các diễn giải, chỉ dẫn và biểu tượng hướng dẫn an toàn mô tả những giải pháp, yêu cầu thực hiện để giảm thiểu hoặc ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu của thuốc bảo vệ thực vật gây ra khi tiếp xúc, vận chuyển hoặc bảo quản thuốc bảo vệ thực vật. Cách trình bày hướng dẫn an toàn trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật quy định chi tiết tại Phụ lục XXXVIII ban hành kèm theo Thông tư này;

- Thông tin về các triệu chứng ngộ độc, chỉ dẫn sơ cứu, xử lý y tế. Thông tin về thuốc giải độc (nếu có).

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.