Mục lục bài viết
(Có hai: 1, thiện cực trọng nghiệp như đắc thiền, đắc định. 2, ác cực trọng nghiệp như ngũ nghịch đại tội).
- Tập quán nghiệp (thường nghiệp, nghiệp làm hằng ngày).
- Tích luỹ nghiệp (nghiệp do tích lũy, chứa nhóm từng lúc, từng khi, không thường xuyên).
- Cận tử nghiệp (nghiệp lúc gần chết).
Nếu là cực trọng nghiệp, dầu thiện dầu ác, tức khắc người lâm chung bị nghiệp này chi phối, không có nghiệp nào có khả năng chen vào được. Thứ tự ưu tiên tiếp theo là thường nghiệp, tập quán nghiệp, do thói quen bởi những hành động thường làm trong đời sống hằng ngày. Tích luỹ nghiệp, nghiệp làm từng lúc, từng khi nào đó, nếu được quy tụ tạo thành một khuynh hướng, một cá tính cũng có thể dẫn dắt kiết sanh thức ra đi. Còn nếu có một nghiệp (cetanā) được làm trước lúc chấm dứt hơi thở, gọi là cận tử nghiệp thì nghiệp này quyết định cảnh giới tái sanh.
Tuy nhiên, dẫu là nghiệp nào đi chăng nữa, người lâm chung sẽ bị chi phối bởi nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng như sau:
1. Nghiệp (Kamma)
Tức là nghiệp nào có sức mạnh nhất hoặc có điều kiện nhất, không biết là thiện hay ác – một trong 4 nghiệp trên – sẽ quyết định dòng tâm thức của người ấy, xảy ra tại những sát-na tác hành tâm. Chính những sát-na tác hành tâm – mà tư tác (cetanā) là năng lực điều hành, quyết định sẽ nắm bắt đối tượng, hoặc thanh tịnh hoặc nhiễm ô, hoặc thiện hoặc ác, hoặc hỷ hoặc xả – tương ưng với cảnh giới tái sanh. Chính ở đây, sau đó, sẽ xảy ra hai biểu tướng tiếp theo là nghiệp tướng và thú tướng.
2. Nghiệp tướng (Kammanimitta)
Nghiệp có thể đi qua 5 lộ trình của ngũ môn (Đường đi của tâm qua năm cửa mắt, tai, mũi, lưỡi và thân), sau đó được đúc kết hoặc quyết định ở lộ trình ý môn.(Đường đi của tâm qua cửa ý, ý thức.) Vậy, nghiệp bao giờ cũng xảy ra từ ý căn.
Còn nghiệp tướng, tức là tướng của nghiệp, chính là những sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nào mà người ấy từng kinh nghiệm, tạo tác, huân tập ở trong đời, đã trở thành quán tính, nó tự động hiện khởi rất rõ ràng trong ý môn (cửa ý) của người lâm tử.
Ví dụ:
- Chậu máu, con dao... đối với người đồ tể.
- Hình ảnh bệnh nhân, kim tiêm, các vị thuốc đối với lương y.
- Bình hoa, quyển kinh, bảo tháp, hộp xá-lợi, bộ tam y… đối với một tín nữ thuần thành.
- Mùi trầm, mùi hương hoa... đối với người hay thiết lễ cúng dường xá-lợi, bàn thờ Phật.
- Một quyển sách đẹp, một tập thơ trang nhã, câu văn, con chữ... đối với nhà văn, nhà thơ.
- Một cảnh núi non u tịch... đối với bậc ẩn sĩ.
Lúc những tướng nghiệp như trên hiện ra, ngay tức khắc sau đó là thú tướng.
3. Thú tướng (Gatinimitta)
Đây là tướng của cảnh giới tái sanh (thú có nghĩa là cảnh giới). Tướng của cảnh giới tùy theo thiện hay ác, thanh tịnh hay nhiễm ô... chúng sẽ hiện ra trong ý môn của người lâm tử.
Ví dụ:
- Thấy rừng lửa, biển máu, hầm dao, chông... Đây là biểu tượng, hiện tướng của địa ngục.
- Thấy hầm sâu hun hút, tanh, hôi... là biểu tượng, hiện tướng đi vào thai bào súc sanh.
- Thấy lối lên mây cao với cảnh sắc rực rỡ, huy hoàng... là biểu tượng, hiện tướng đường đi lên các cảnh trời...
Trong những sát-na này, tướng của nghiệp hiện ra như thế nào thì thức tái sanh sẽ nương gá tức khắc vào cảnh giới ấy. Vì giây phút lâm tử này quá quan trọng nên chúng ta có thể tạo cận tử nghiệp tốt hỗ trợ cho người lâm tử, bằng cách dùng sắc tướng (tượng Phật, quyển kinh), âm thanh (tụng kinh, chuông, mõ), mùi hương (trầm)... để tạo ngũ môn và ý môn lộ trình tâm tốt, đẹp, thanh lương, trong sáng cho người ấy (do nhờ người ấy nghĩ tưởng, liên tưởng đến).
Nói tóm lại, kamma (nghiệp) luôn khởi ở ý căn; kammanimitta (nghiệp tướng) có thể hiện khởi tại 1 trong 6 căn, tuỳ trường hợp. Gatinimitta (thú tướng), luôn là những sắc tướng, những hình ảnh, hiện khởi trong tâm như giấc chiêm bao.
Khi chết ta đi về đâu ? (Đám mây không bao giờ chết) - Thiền sư: Thích Nhất Hạnh
4. Lộ trình Tâm của Người sắp chết.
Lúc nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng hiện ra, lộ trình tâm người lâm tử sẽ nắm bắt chúng làm đối tượng, rồi các sát-na tâm sẽ diễn tiến cho đến khi kiết sanh thức nương gá vào đời sống mới.
Do lộ trình ấy khá phức tạp nên chúng ta chỉ cần ghi nhận những điểm khái quát quan trọng diễn ra như sau:
+ Khi tử tâm diệt, sự chết mới thật sự bắt đầu. Và sắc thân của người chết, từ đây, không có một sắc pháp (vi thể tế bào) nào được tạo ra do tâm hay do vật thực nữa, chỉ còn sắc do hỏa đại (nóng, lạnh, thời tiết) được tạo ra, tiếp diễn mãi cho đến khi thi thể trở thành tro bụi.
+ Sau khi tử tâm diệt, một kiết sanh thức do tác hành tâm (javana) quyết định có nhiệm vụ nối liền đời sống kế. Và đời sống kế lại được tiếp diễn bởi những sát-na bhavaṅga (hữu phần, dòng sống) hoặc lặp đi lặp lại nhiều dòng bhavaṅga khác nữa.. Cho đến lúc nào ý môn hướng tâm, 5 sát-na tác hành tâm phát sanh tâm ưa thích đối với đời sống mới, lúc đó “nghiệp sanh sắc” đầu tiên mới tạo nên danh-sắc trong thai bào. Sau đó, dòng bhavaṅga tiếp tục khởi và diệt, chúng cứ trôi chảy mãi như dòng nước không ngưng nghỉ. Và đây chính là dòng trầm luân sinh tử vô cùng, vô tận, vô định của tất cả chúng sanh vậy.
Kết Luận:
Nói tóm lại, nội dung bài viết chỉ giới hạn nơi cõi dục giới, cụ thể là từ cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, loài người và các cảnh trời – nhưng chúng ta cũng có thể hình dung toàn bộ các cảnh, các cõi trong Tam giới. Tâm sao thì cảnh vậy, nhân sao thì quả vậy, không hề sai trật. Sống để rồi chết, chết rồi lại sống; trong sự diễn tiến vô thủy, vô chung ấy, chỉ có những diễn tiến của những sát-na tâm, không có tác giả và thọ giả; nhưng rõ ràng là “chúng ta” đã tự tạo cảnh giới “cho mình” bởi “quyết định nghiệp” của chính mình! Vậy, sau khi biết, hiểu và thấy “hiện tượng chết và tái sanh” như thế nào, không có người Phật tử nào dám làm việc xấu ác, trái lại, luôn làm những điều lành tốt để làm chỗ nương tựa cho đời mình trong các kiếp sống, nếu như đang còn lang thang, phiêu dạt trong luân hồi tử sinh, hoặc do ta đang còn ham chơi, đang còn vui đùa, thích thú với các “games” bên bờ này, có sắm đò, sắm chèo rồi mà vẫn chưa muốn sang sông!?
Nguồn: Minh Đức Triều Tâm Ảnh (Tỳ-khưu Giới Đức - Sīlaguṇa Bhikkhu) – Phật học tinh yếu