1. Quy trình nộp hồ sơ chuyển đổi loại hình từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp

Hộ kinh doanh cũng bị hạn chế nhiều về trách nhiệm cũng như hoạt động như:

- Về trách nhiệm pháp lý : Khái niệm hộ kinh doanh không rõ ràng, nên khó xác định quyền và trách nhiệm pháp lý giữa hộ, chủ hộ là cá nhân, thành viên gia đình. Điều này vừa gây khó khăn cho việc quản lý nhà nước đối với hình thức kinh doanh này (ví dụ: Cơ quan thuế cấp mã số thuế cho cá nhân thành lập hộ mà không phải hộ); vừa có thể gây ra rủi ro cho bên thứ ba.

Mặt khác, pháp luật hiện hành quy định hộ kinh doanh không hoàn toàn là thương nhân thể nhân, không có tư cách pháp nhân, nên khó xác định chế độ chịu trách nhiệm về các khoản nợ, các nghĩa vụ tài sản của hộ kinh doanh (kể cả tài sản không đưa vào kinh doanh). Bởi vì, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân nên không có sự độc lập về tài sản giữa hộ kinh doanh với chủ hộ. Hộ kinh doanh cũng gặp bất lợi trong việc huy động vốn vay từ các tổ chức tín dụng - ngân hàng (bao gồm việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước) so với các loại hình doanh nghiệp khác, do không có tài sản thế chấp để vay vốn. Đồng thời, hoạt động của hộ kinh doanh không bền vững và dễ bị chấm dứt (nếu chủ hộ chết, tai nạn, bệnh tật…). Đây là điểm hạn chế làm cho các đối tác quan ngại khi thiết lập quan hệ giao dịch với hộ kinh doanh. 

- Về quyền kinh doanh: Theo quy định hiện hành, HKD bị hạn chế về địa điểm kinh doanh, nên không thể tham gia vào các lĩnh vực, ngành nghề yêu cầu tổ chức kinh doanh phải có tư cách pháp nhân và vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định (như lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản…).

Trình tự chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp như sau:

- Chuẩn bị hồ sơ: Hồ sơ gồm các giấy tờ sau:

+ Bản chính giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;

+ Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký thuế;

+ Điều lệ công ty;

+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

+ Danh sách thành viên (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh) hoặc danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần);

+ Trường hợp thành viên góp vốn thành lập công ty là tổ chức cần bổ sung: Bản sao hợp lệ quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tài liệu tương đương khác của tổ chức;

+ Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại theo diện theo pháp luật, của các thành viên, cổ đông;

+ Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu người đại diện theo pháp luật không trực tiếp đi nộp hồ sơ);

+ Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của người được ủy quyền.

Nộp hồ sơ:

- Doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, hoặc nộp hồ sơ online tại địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn/

- Thời gian giải quyết: Trong vòng 5-7 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2. Những lưu ý về thuế khi chuyển đổi loại hình từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp

Khi chuyển đổi thành công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần lưu ý các vấn đề liên quan đến thuế như sau:

- Về mã số thuế

+ Doanh nghiệp sẽ được cấp mã số mới theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; 

+ Mã số thuế của hộ kinh doanh cũ sẽ chấm dứt hiệu lực và được tiếp tục sử dụng làm mã số thuế cá nhân của người đại diện hộ kinh doanh.

- Về nghĩa vụ thuế: Trước khi chuyển đổi thành doanh nghiệp, hộ kinh doanh có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan quản lý thuế.

Nếu hộ kinh doanh không hoàn thành nghĩa vụ thuế thì:

+ Doanh nghiệp mới chuyển đổi sẽ kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ từ hộ kinh doanh cũ;

+ Trường hợp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, chủ hộ kinh doanh (người đại diện hộ kinh doanh) phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ chưa thanh toán của hộ kinh doanh.

3. Những lợi ích và hạn chế khi chuyển đổi loại hình từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp

Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để tiếp tục duy trì chủ sở hữu một chủ là cá nhân hoặc hộ gia đình; thực hiện người đại diện theo pháp luật; chủ sở hữu 100% vốn điều lệ; có tư cách pháp nhân; có chế độ trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty, khả năng huy động vốn thuận lợi hơn, duy trì được sự quản trị, điều hành một chủ không quá phức tạp so với các loại hình doanh nghiệp khác. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chuyển đổi của chủ hộ kinh doanh là doanh thu hằng năm, thời gian hoạt động, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, kinh nghiệm của chủ hộ, trình độ chuyên môn, lĩnh vực hoạt động, môi trường kinh doanh, tiếp cận tài chính, thủ tục hành chính... Bên cạnh đó, những ưu đãi về thuế và các chính sách thủ tục chuyển đổi cho hộ kinh doanh sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cần được đơn giản hóa, minh thị và thống nhất.

Lợi ích khi chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Những lợi ích khi kinh doanh theo loại hình doanh nghiệp:

- Được hoạt động dưới tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, thuận tiện hơn trong các giao dịch dân sự, vay vốn ngân hàng;

- Chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn điều lệ của công ty;

- Nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ các hiệp hội nghề nghiệp, tiếp cận  được với các ưu đãi đầu tư từ nhà nước, khi hoạt động với chức năng mới, doanh nghiệp có thể huy động được sự tham gia góp vốn của tổ chức, cá nhân khác; dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn cho vay của ngân hàng, có cơ hội được mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao vị thế trên thương trường…

Đặc biệt khi hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp còn được hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước:

- Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu, miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

- Miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

- Miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;

- Được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ soạn thảo miễn phí hồ sơ thành lập doanh nghiệp;

- Được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

- Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều kiện để được hỗ trợ: Trước khi thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Hạn chế khi chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Bên cạnh những lợi ích, vẫn còn những mối lo ngại lớn hơn khiến nhiều hộ kinh doanh mặc dù có doanh thu tốt vẫn không muốn chuyển sang kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp. Nguyên nhân mà nhiều hộ kinh doanh “ngại chuyển đổi” là vì:

- Doanh nghiệp phải đóng nhiều loại thuế với thuế suất cao hơn nhiều lần hộ kinh doanh như: Thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, đóng hộ thuế thu nhập cá nhân cho người lao động và các loại thuế khác như: Thuế bảo vệ môi trường, thuế xuất nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt…;

- Sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp phải mở sổ sách kế toán, hàng tháng còn phải tốn tiền thuê kế toán, rồi phải mua chữ ký số, hóa đơn điện tử…;

- Chế độ sổ sách kế toán của doanh nghiệp rất phức tạp, phải kê khai, quyết toán thuế, làm báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, báo cáo tài chính và phải đảm bảo tất cả báo cáo, sổ sách luôn đúng luật, đúng hạn, đúng chuẩn mực kế toán;

- Vấn đề tuyển dụng, sa thải lao động hoặc giải thể doanh nghiệp cũng phải theo đúng quy định;

- Doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính phức tạp hơn so với hộ kinh doanh như bảo hiểm, lao động, phòng cháy chữa cháy… và chính những thủ tục này sẽ làm gia tăng chi phí, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Liên hệ 1900.6162 hoặc gửi thư đến email lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ