Mục lục bài viết
Căn cứ Luật Xây Dựng năm 2014; Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 05 năm 2015 của Chính Phủ quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (sau đây viết là Nghị định 46/2015/NĐ-CP) và Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26 tháng 10 năm 2016 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bào trì công trình xây dựng (gọi tắt là thông tư số 26/2016/TT-BXD), quy định:
1. Phương án kiến trúc.
2. Phương án công nghệ (nếu có).
3. Công năng sử dụng.
4. Thời hạn sử dụng và quy trình vận hành, bảo trì công trình.
5. Phương án kết cấu, loại vật liệu chủ yếu.
6. Chỉ dẫn kỹ thuật.
7. Phương án phòng, chống cháy, nổ.
8. Phương án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
9. Giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
10. Dự toán xây dựng phù hợp với bước thiết kế xây dựng.
Luật Minh Khuê phân tích chi tiết quy định pháp lý về vấn đề trên như sau:
1. Thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở là gì?
- Thiết kế xây dựng được hiểu là việc tạo ra các bản vẽ, quy ước sáng tạo từ đó triển khai, xây dựng nên các công trình kiến trúc trong tương lai. Thiết kế xây dựng giúp biến các ý tưởng trên bản vẽ thành hiện thực nhằm hoàn thành các công trình xây dựng đẹp, chắc chắn. Đây là bước cơ sở của hoạt động thi công xây dựng nên việc thiết kế xây dựng có vai trò rất quan trọng trong cả quá trình thi công, xây dựng công trình. Hiểu đơn giản thì thiết kế xây dựng là việc tạo ra một bản vẽ hoặc quy ước nhằm tính toán việc xây dựng các công trình trong tương lai.
- Yêu cầu đối với thiết kế xây dựng:
+ Đáp ứng được các yêu cầu của thiết kế, phù hợp với nội dung đầu tư dự án xây dựng, quy hoạch xây dựng, cảnh quan kiến trúc, điều kiện tự nhiên tại khu vực xây dựng.
+ Nội dung thiết kế xây dựng phải tuân thủ yêu cầu theo từng bước thiết kế.
+ Áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật về vật liệu xây dựng, về công năng sử dụng, công nghệ ứng dụng.
+ Bảo đảm tính an toàn, chịu lực trong vận hành, phòng cháy chữa cháy và các điều kiện an toàn khác.
+ Đảm bảo mỹ quan, cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường.
+ Giải pháp thiết kế phù hợp, chi phí xây dựng hợp lý, đồng bộ trong từng công trình liên quan.
+ Thiết kế xây dựng phải được thẩm định, phê duyệt theo quy định, trừ trường hợp pháp luật quy định.
+ Cuối cùng là nhà thầu thiết kế xây dựng phải có đủ năng lực phù hợp với các loại, cấp công trình và công việc do mình thực hiện.
- Thiết kế xây dựng bao gồm thiết kế sơ bộ, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các bước thiết kế khác (nếu có).
- Còn thiết kế cơ sở được quy định tại khoản 41 Điều 3 của Luật Xây dựng năm 2014 thì thiết kế cơ sở là thiết kế được lập trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng trên cơ sở phương án thiết kế được lựa chọn, thể hiện được các thông số kỹ thuật chủ yếu phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, là căn cứ để triển khai các bước thiết kế tiếp theo. Thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc thiết kế bản vẽ thi công trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
- Thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở gồm thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công, cụ thể:
+ Thiết kế kỹ thuật là thiết kế cụ thể hóa thiết kế cơ sở sau khi dự án đầu tư xây dựng công trình được phê duyệt nhằm thể hiện đầy đủ các giải pháp, thông số kỹ thuật và vật liệu sử dụng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, là cơ sở để triển khai thiết kế bản vẽ thi công.
+ Thiết kế bản vẽ thi công là thiết kế thể hiện đầy đủ các thông số kỹ thuật, vật liệu sử dụng và chi tiết cấu tạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, bảo đảm đủ điều kiện để triển khai thi công xây dựng công trình.
2. Nội dung chủ yếu của thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.
- Nội dụng chủ yếu của thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở gồm các nội dung được quy định tại Điều 80 của Luật Xây dựng năm 2014 gồm:
+ Phương án kiến trúc.
+ Phương án công nghệ (nếu có).
+ Công năng sử dụng.
+ Thời hạn sử dụng và quy trình vận hành, bảo trì công trình.
+ Phương án kết cấu, loại vật liệu chủ yếu.
+ Chỉ dẫn kỹ thuật.
+ Phương án phòng, chống cháy, nổ.
+ Phương án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
+ Giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
+ Dự toán xây dựng phù hợp với bước thiết kế xây dựng.
- Việc thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế có sở được quy định tại khoản 24 Điều 1 của Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 thì:
+ Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định bước thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở làm cơ sở phê duyệt, trừ trường hợp người quyết định đầu tư có quy định khác tại quyết định đầu tư xây dựng. Đối với các bước thiết kế còn lại, chủ đầu tư quyết định việc kiểm soát thiết kế theo quy định tại hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu và quy định của pháp luật có liên quan.
+ Chủ đầu tư thẩm định các nội dung theo quy định của pháp luật đối với các bước thiết kế sau:
++ Thiết kế FEED trong trường hợp thực hiện hình thức hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình (Engineering - Procurement - Construction, sau đây gọi là hợp đồng EPC);
++ Thiết kế kỹ thuật trong trường hợp thiết kế ba bước;
++ Thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp thiết kế hai bước;
++ Bước thiết kế khác ngay sau bước thiết kế cơ sở trong trường hợp thực hiện thiết kế nhiều bước theo thông lệ quốc tế.
- Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của chủ đầu tư.
+ Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, chủ đầu tư thẩm định các nội dung sau:
++ Sự đáp ứng yêu cầu của thiết kế xây dựng với nhiệm vụ thiết kế, quy định tại hợp đồng thiết kế và quy đinh của pháp luật có liên quan;
++ Sự phù hợp của thiết kế xây dựng với yêu cầu về dây chuyền và thiết bị công nghệ (nếu có);
++ Việc lập dự toán xây dựng công trình; sự phù hợp của giá trị dự toán xây dựng công trình với giá trị tổng mức đầu tư xây dựng; xác định giá trị dự toán xây dựng công trình.
+ Đối với công trình xây dựng thuộc dự án PPP, nội dung thẩm định thiết kế xây dựng được thực hiện giống theo quy định của công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công và thực hiện theo các nội dung quy định tại hợp đồng dự án PPP.
+ Đối với các công trình khác thì chủ đầu tư căn cứ vào các quy định của pháp luật để tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng đúng yêu cầu và đúng quy định của pháp luật.
- Chủ đầu tư tổ chức thẩm định hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định (trong trường hợp người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định) theo quy định, căn cứ tại Điều 35 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi, mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ số Hotline 1900.6162 để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!