1. Các tiêu chí đối với DVC trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính và nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

1.1 Dịch vụ công trực tuyến

Theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 42/2022/NĐ-CP, dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.

Trong đó, dịch vụ hành chính công là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý hoặc dưới hình thức thông báo kết quả thực hiện trong các lĩnh vực mà cơ quan nhà nước đó quản lý.

=> Mỗi dịch vụ hành chính công gắn liền với một hoặc một số thủ tục hành chính để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến tổ chức, cá nhân.

 

1.2  Các tiêu chí đối với dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính

* Đối với dịch vụ công trực tuyến toàn trình trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử:

(i) Công bố, công khai, cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh;

(ii) Tổ chức, cá nhân tải được các mẫu văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh;

(iii) Điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, tờ khai, áp dụng chữ ký số trong trường hợp có yêu cầu có chữ ký của tổ chức, cá nhân;

(iv) Hồ sơ được gửi toàn bộ qua môi trường điện tử;

(v) Thanh toán trực tuyến trên nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia 

Hoặc trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đối với các thủ tục hành chính có yêu cầu nộp phí, lệ phí hoặc các nghĩa vụ tài chính khác;

(vi) Trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường điện tử: 

Quá trình thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính không có quy định tổ chức, cá nhân phải nộp, xuất trình bản giấy để kiểm tra hoặc yêu cầu hiện diện tại cơ quan nhà nước hoặc thực hiện quy trình trước mặt cán bộ, công chức tiếp nhận, giải quyết; 

Cơ quan nhà nước phải đi thẩm tra, xác minh tại hiện trường theo quy định của pháp luật;

(vii) Có kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử;

(viii) Trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua bưu chính công ích, không yêu cầu tổ chức, cá nhân phải có mặt hoặc ký nhận trực tiếp khi nhận kết quả.

* Đối với dịch vụ công trực tuyến một phần trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử:

Dịch vụ công trực tuyến một phần trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cho tổ chức, cá nhân là dịch vụ công trực tuyến không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của dịch vụ công trực tuyến toàn trình nhưng phải bảo đảm đáp ứng những tiêu chí quy định tại (i), (ii),(iii),(iv) và (v).

* Lưu ý: Đối với các dịch vụ công chỉ đáp ứng các tiêu chí quy định tại (i) và (ii) được coi là dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến cho tố chức, cá nhân, không được xác định là dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

 

1.3 Nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Cụ thể tại Điều 4 Nghị định 45/2020/NĐ-CP, các nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử bao gồm:

- Việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử có giá trị pháp lý như các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

- Việc tổ chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện hợp pháp, hợp lý, khoa học; 

Bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, an toàn thông tin và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

- Việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phải lấy tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử làm trung tâm, bảo đảm ngôn ngữ, phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính.

- Không yêu cầu tổ chức, cá nhân khai, nộp lại những dữ liệu mà cơ quan thực hiện thủ tục hành chính đang quản lý hoặc đã được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ.

- Tối đa hóa các bước thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền.

- Việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử không làm tăng phí, lệ phí ngoài quy định của pháp luật.

- Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan đến thực hiện giao dịch điện tử mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

 

2. Trước ngày 15/12/2023 phải công bố TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến?

Căn cứ theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 27/CT-TTg năm 2023 thì , theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 27/CT-TTg năm 2023 thì trước ngày 15 tháng 12 năm 2023 các bộ ngành phải hoàn thành công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để địa phương tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Thêm vào đó, phải đảm bảo tỷ lệ 100% hồ sơ thủ tục hành chính của bởi ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và phải liên thông, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện.

 

3. Việc lập danh mục thủ tục hành chính ưu tiên thực hiện trên môi trường điện tử được thực hiện như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Nghị định 45/2020/NĐ-CP quy định về việc lập danh mục thủ tục hành chính ưu tiên thực hiện trên môi trường điện tử được thực hiện như sau:

+ Hàng năm, cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp với cơ quan, đơn vị có chức năng kiểm soát thủ tục hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm quy định tại Điều 19 Nghị định 45/2020/NĐ-CP và các tiêu chí lựa chọn quy định tại Điều 21 Nghị định 45/2020/NĐ-CP, đề xuất danh mục thủ tục hành chính ưu tiên thực hiện trên môi trường điện tử, lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan, đối tượng chịu tác động và trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ra quyết định, trong đó xác định rõ thời gian, lộ trình thực hiện và việc xây dựng, vận hành, khai thác.

+ Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục những thủ tục hành chính, nhóm thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ; thuộc thẩm quyền giải quyết của cả bộ và địa phương ưu tiên thực hiện.

 

4. Quy trình tổ chức xây dựng và thực hiện giải pháp bảo đảm phương thức thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử?

Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 45/2020/NĐ-CP thì quy trình tổ chức xây dựng và thực hiện giải pháp bảo đảm phương thức thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện như sau:

(1) Cơ quan, đơn vị có chức năng kiểm soát thủ tục hành chính phối hợp cơ quan, đơn vị chuyên môn của bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát các nhóm thủ tục hành chính liên thông, thủ tục hành chính thuộc danh mục ưu tiên thực hiện đã được phê duyệt; đơn giản hóa thành phần hồ sơ thông qua đánh giá các nguồn dữ liệu đã có và mức độ sẵn sàng tích hợp, cung cấp thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử qua các giải pháp:

- Bổ sung vào biểu mẫu điện tử các thông tin trong những thành phần hồ sơ có thể kiểm tra, xác thực được thông tin do đã tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Đối với những thành phần hồ sơ loại này không yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp, đăng tải hoặc dẫn nguồn;

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân đăng tải bản điện tử, bản sao điện tử có giá trị pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc dẫn nguồn tài liệu đối với các giấy tờ, tài liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính trước đó;

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân đăng tải bản điện tử phù hợp quy chuẩn đối với các giấy tờ, tài liệu không phải kết quả giải quyết thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của giấy tờ, tài liệu do tổ chức, cá nhân đăng tải.

(2) Đơn giản hóa quy trình, thời gian thực hiện và các bộ phận cấu thành khác của thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

(3) Xác định giải pháp nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính; giải pháp định danh, mức độ bảo đảm an toàn của các phương thức xác thực điện tử; giải pháp tích hợp, chia sẻ, khai thác thông tin với các nguồn dữ liệu, dịch vụ công có liên quan và các giải pháp kỹ thuật khác.

(4) Trên cơ sở các phương án đơn giản hóa và các giải pháp được nêu trên, người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc cung cấp thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về giao diện, truy cập, tương tác, kết nối, chia sẻ dữ liệu, lưu trữ, bảo mật theo quy định.

(5) Dịch vụ được chạy thử nghiệm trong 02 tháng và hoàn thiện trước khi vận hành chính thức trên Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Xem thêm:

Trường hợp còn điều gì thắc mắc vui lòng gọi 19006162 hoặc gửi qua email lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ giải đáp thắc mắc