NỘI DUNG TƯ VẤN:

1. Khái quát chung về hoạt động thẩm định, thẩm tra

Hoạt động thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là hoạt động “xem xét đánh giá về nội dung, hình thức của dự án, dự thảo nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự án, dự thảo trong hệ thống pháp luật”. Trên thực tế, xét một cách cụ thể, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được hiểu là hoạt động nghiên cứu, xem xét, đánh giá về nội dung và hinh thức, kỹ thuật soạn thảo đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo nội dung, trình tự, thủ tục do luật định nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật và những yêu cầu khác về chất lượng dự án, dự thảo theo quy định của pháp luật và những yêu cầu khác về chất lượng dự án, dự thảo theo quy định của pháp luật

Thẩm tra được hiểu là “việc xem xét lại kỹ lưỡng dự án luật, pháp lệnh do Hội đồng dân tộc, Uỷ ban pháp luật hoặc một Uỷ ban hữu quan của Quốc hội hay một Uỷ ban lâm thời được Quốc hội chỉ định tiến hành trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Cơ quan thẩm tra xem xét sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, đối tượng, nội dung, phạm vi và tính khả thi của dự án”. Như vậy, có thể hiểu thẩm tra dự thảo văn bản QPPL là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền nhằm kiểm tra, đánh gía văn bản theo những tiêu chí nhất định trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua văn bản. Từ những khái quát trên cho thấy, thẩm định và thẩm tra đều là những hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhằm xem xét, đánh giá dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về tính khả thi, tính hợp lí, tính hợp hiến, hợp pháp, ngôn ngữ và quy trình soạn thảo….., trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị hợp lí đối với cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan có trách nhiệm thông qua

So với 02 Luật, Luật năm 2015 đã đổi mới cơ bản quy trình xây dựng, ban hành văn bản theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị định và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trong đó tập trung quy định về quy trình xây dựng chính sách theo hướng chính sách được thông qua, phê duyệt trước khi bắt đầu soạn thảo văn bản; sửa đổi một số quy định trong quy trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, thông qua văn bản quy phạm pháp luật và đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật của một số chủ thể khác.

2. Những điểm mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động thẩm định, thẩm tra văn bản:

2.1 Về phương thức thẩm định, thẩm tra:

Quy định lại phương thức thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết: (Căn cứ Điều 66 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

- Cơ quan chủ trì thẩm tra phải tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra; đối với dự án, dự thảo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thì có thể tổ chức phiên họp Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban để thẩm tra sơ bộ.

- Cơ quan chủ trì thẩm tra có trách nhiệm mời cơ quan tham gia thẩm tra hoặc Thường trực cơ quan tham gia thẩm tra tham dự phiên họp thẩm tra.

2.2 Về phạm vi, nội dung thẩm định, thẩm tra:

Chỉnh sửa nội dung thẩm định, thẩm tra theo hướng bổ sung những nội dung cần thiết tập trung thẩm định, thẩm tra (điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật; việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản,…); lược bỏ một số nội dung không phù hợp hoặc không cần thiết như thẩm định tính khả thi của dự thảo văn bản, sự cần thiết ban hành, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo văn bản (khoản 3 Điều 58, Điều 65) Bổ sung nội dung thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

  • Nội dung thẩm tra tập trung vào các vấn đề sau đây:

- Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của văn bản.

- Nội dung của dự thảo văn bản và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; việc giao và chuẩn bị văn bản quy định chi tiết (nếu có).

- Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Tính khả thi của các quy định trong dự thảo văn bản.

- Điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản, nếu dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

- Ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm tra yêu cầu cơ quan trình dự án, dự thảo báo cáo về những vấn đề liên quan đến nội dung dự án, dự thảo.

(Căn cứ Điều 65 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

  • Cụ thể nội dung báo cáo thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết

Trong đó quy định báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra về những vấn đề thuộc nội dung thẩm tra quy định, đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.Báo cáo thẩm tra phải phản ánh đầy đủ ý kiến của thành viên cơ quan chủ trì thẩm tra, ý kiến của cơ quan tham gia thẩm tra về nội dung dự án, dự thảo; về việc dự án, dự thảo đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình UBTVQH, Quốc hội.Trong trường hợp cơ quan chủ trì thẩm tra có ý kiến dự án, dự thảo chưa đủ điều kiện trình UBTVQH, Quốc hội thì báo cáo UBTVQH xem xét trả lại hồ sơ cho cơ quan trình dự án, dự thảo để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo.

(Căn cứ Điều 67 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

  • Bổ sung nội dung thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới

Đây là một quy định mới, nội dung thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới bao gồm:

- Xác định vấn đề giới trong dự án, dự thảo.

- Việc bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong dự án, dự thảo.

- Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án, dự thảo.

- Tính khả thi của các quy định trong dự án, dự thảo để bảo đảm bình đẳng giới.

(Căn cứ Điều 69 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

2.3 Thẩm định, thẩm tra văn bản ở cấp trung ương:

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung về thẩm định dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình:

- Hồ sơ gửi thẩm định bao gồm:

+ Tờ trình Chính phủ về dự án, dự thảo.

+ Dự thảo văn bản.

+ Bản đánh giá thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản, nếu trong dự án, dự thảo văn bản có quy định thủ tục hành chính.

+ Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án, dự thảo, nếu trong dự án, dự thảo có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

+ Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý; bản chụp ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan ngang bộ.

+ Tài liệu khác (nếu có).

Tài liệu là Tờ trình Chính phủ về dự án, dự thảo, dự thảo văn bản được gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.

- Ngoài ra, Luật ban hành VBQPPL 2015 quy định thêm nhiều vấn đề mà cơ quan thẩm định phải tập trung như: Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh, chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đã được thông qua; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản, nếu trong dự thảo văn bản có quy định thủ tục hành chính; điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật; việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản, nếu trong dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới và ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm định yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo về những vấn đề liên quan đến nội dung dự án, dự thảo.

- Báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ ý kiến của cơ quan thẩm định về nội dung thẩm định quy định nêu trên và ý kiến về việc dự án, dự thảo đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình Chính phủ. Trong trường hợp Bộ Tư pháp kết luận dự án, dự thảo chưa đủ điều kiện trình Chính phủ thì trả lại hồ sơ cho cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo.

Báo cáo thẩm định phải được gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định.

- Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo và đồng thời gửi báo cáo giải trình tiếp thu kèm theo dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đến cơ quan thẩm định khi trình Chính phủ dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

(Căn cứ Điều 58 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

Cụ thể hồ sơ và rút ngắn thời hạn gửi hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết để thẩm tra

- Hồ sơ dự án, dự thảo để thẩm tra bao gồm:

+ Tờ trình Quốc hội, UBTVQH về dự án, dự thảo.

+ Dự thảo văn bản.

+ Báo cáo thẩm định đối với dự án, dự thảo do Chính phủ trình; ý kiến của Chính phủ đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình; bản tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến góp ý; bản chụp ý kiến góp ý.

+ Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến nội dung chính của dự án, dự thảo; báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án, dự thảo.

+ Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án, dự thảo, nếu trong dự án, dự thảo có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

+ Dự thảo văn bản quy định chi tiết và tài liệu khác (nếu có).

Tờ trình Quốc hội, UBTVQH về dự án, dự thảo; dự thảo văn bản được gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.

- Đối với dự án, dự thảo trình UBTVQH thì chậm nhất là 20 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp UBTVQH, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo phải gửi hồ sơ quy định trên đến cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban pháp luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội và cơ quan khác tham gia thẩm tra để tiến hành thẩm tra.

Đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội thì chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo phải gửi hồ sơ quy định trên đến cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban pháp luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội và cơ quan khác tham gia thẩm tra để tiến hành thẩm tra.

- Cơ quan thẩm tra không tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn theo quy định.

(Căn cứ Điều 64 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

2.4 Giá trị pháp lý và ý nghĩa của hoạt động thẩm định, thẩm tra:

Luật ban hành VBQPPL 2015 đã khẳng định rõ giá trị pháp lý của văn bản thẩm định, thẩm tra: báo cáo thẩm định, thẩm tra ngoài việc thể hiện rõ ý kiến về những nội dung thẩm định, thẩm tra thì còn phải thể hiện rõ ý kiến về việc dự án, dự thảo đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình. Trong trường hợp Bộ Tư pháp kết luận dự án, dự thảo chưa đủ điều kiện trình Chính phủ thì trả lại hồ sơ cho cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo (khoản 4 Điều 58); trưởng hợp cơ quan chủ trì thẩm tra có ý kiến dự án, dự thảo chưa đủ điều kiện trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét trả lại hồ sơ cho cơ quan trình dự án, dự thảo để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo (Điều 67);

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Minh Khuê, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật - Công ty Luật Minh Khuê