1.Bảo vệ hệ sinh thái rừng

Cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rừng, sinh trưởng và phát triển của các loài sinh vật rừng phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng

1. Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được lập danh mục để quản lý, bảo vệ.

2. Chính phủ quy định Danh mục và chế độ quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; trình tự, thủ tục khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài thực vật rừng hoang dã, động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ và động vật rừng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

3. Phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Chủ rừng phải lập và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Mọi trường hợp sử dụng lửa trong rừng, gần rừng để dọn nương rẫy, dọn đồng ruộng, chuẩn bị đất trồng rừng, đốt trước mùa khô hanh hoặc dùng lửa vì mục đích khác, người sử dụng lửa phải thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tiến hành hoạt động trong rừng, xây dựng công trình ở trong rừng, ven rừng phải chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy; thực hiện biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng của chủ rừng.

4. Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải kịp thời chữa cháy rừng, thông báo ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; khắc phục hậu quả sau cháy rừng và báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp chữa cháy rừng kịp thời.

5. Trường hợp cháy rừng xảy ra trên diện rộng có nguy cơ gây thảm họa dẫn đến tình trạng khẩn cấp, việc chữa cháy rừng phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

6. Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn hướng dẫn chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

4.Phòng, trừ sinh vật gây hại rừng

1. Việc phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; nuôi hoặc chăn, thả động vật vào rừng phải thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về đa dạng sinh học, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y.

2. Chủ rừng phải thực hiện các biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; khi phát hiện có sinh vật gây hại rừng trên diện tích rừng được giao, được thuê thì phải báo ngay cho cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y gần nhất để được hướng dẫn và hỗ trợ biện pháp phòng, trừ; tăng cường áp dụng biện pháp lâm sinh, sinh học trong phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức dự báo tình hình dịch bệnh; chỉ đạo biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.

4. Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức, chỉ đạo việc phòng, trừ sinh vật gây hại rừng tại địa phương, không để sinh vật gây hại rừng lây lan sang địa phương khác.

5.Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng

1. Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ nơi không thành lập Kiểm lâm; doanh nghiệp nhà nước, tổ chức không thuộc lực lượng vũ trang được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng và đất rừng được tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

2. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Tuần tra, kiểm tra về bảo vệ rừng, đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp;

b) Thực hiện biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng;

c) Thực hiện biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

3. Chủ rừng có trách nhiệm trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; bảo đảm chế độ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Kiểm tra nguồn gốc lâm sản

1. Kiểm tra nguồn gốc lâm sản bao gồm hoạt động kiểm tra hồ sơ lâm sản, kiểm tra lâm sản trong quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, gây nuôi, trồng cấy nhân tạo, cất giữ lâm sản theo quy định của pháp luật.

2. Việc kiểm tra nguồn gốc lâm sản được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

3. Kiểm lâm các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, dân quân tự vệ, quản lý thị trường, hải quan và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, dân quân tự vệ, quản lý thị trường, hải quan, cơ quan tư pháp và cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp với Kiểm lâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp, trình tự, thủ tục quản lý nguồn gốc lâm sản.

Trách nhiệm bảo vệ rừng của toàn dân

1. Cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định của Luật này, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chủ rừng về cháy rừng, sinh vật gây hại rừng và hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng; chấp hành sự huy động nhân lực, phương tiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra cháy rừng.

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI, ngày 3-12-2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2005. Qua 16 năm thực hiện, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, như thể chế hóa các quan điểm phát triển lâm nghiệp của Đảng, tạo chuyển biến quan trọng trong phát triển lâm nghiệp, từ nền lâm nghiệp lấy quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp xã hội với nhiều thành phần kinh tế tham gia; từ chủ yếu dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, nuôi dưỡng, gây trồng, phát triển rừng; quyền và trách nhiệm của chủ rừng được luật hóa, Nhà nước bảo đảm thực hiện, bước đầu tạo cho chủ rừng gắn bó, yên tâm đầu tư bảo vệ rừng, phát triển sản xuất, kinh doanh, sử dụng có hiệu quả rừng và đất lâm nghiệp; công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực, chuyển căn bản từ quản lý bằng văn bản hành chính sang chủ yếu sử dụng công cụ pháp luật và các chính sách đòn bẩy kinh tế gắn với quy hoạch, kế hoạch, định hướng thị trường… Ngày 12-1-2017, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, theo đó xác định: “Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là đối với các địa phương có rừng; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” và “Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi”.

Ngày 15-11-2017, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Lâm nghiệp thay thế Luật Bảo vệ và Phát triển rừng để khắc phục những mặt còn hạn chế. Luật Lâm nghiệp có nhiều điểm mới, nhưng quy định về bảo vệ và phát triển rừng (chương IV và chương V) vẫn giữ vị trí rất quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp.

Luật Lâm nghiệp quy định, rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liền vùng từ 0,3ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên. Theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành thì bảo vệ và phát triển rừng được hiểu là hoạt động của các tổ chức, cá nhân quản lý kết hợp với khai thác hợp lý nhằm ngăn chặn những tác nhân xâm hại đến rừng như chặt phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản và săn bắt động vật rừng trái phép. Phát triển rừng là hoạt động trồng mới rừng, trồng lại rừng sau khai thác, bị thiệt hại do thiên tai hoặc do các nguyên nhân khác; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt và việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh khác để tăng diện tích, trữ lượng, chất lượng rừng.

 Về nguyên tắc, Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm các diện tích rừng có chủ. Chủ rừng phải thực hiện quản lý rừng bền vững; có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo quy chế quản lý rừng. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp được tổ chức thống nhất, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Kiểm lâm là tổ chức có chức năng quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng.

Những năm trước đây, diện tích rừng của vùng Đông Bắc Bộ còn thấp do việc khai thác bừa bãi, do áp lực của gia tăng dân số. Rừng nguyên sinh chỉ còn ở vùng núi non hiểm trở. Hiện nay, chính quyền các địa phương quan tâm hơn tới công tác bảo vệ và phát triển rừng, coi việc trồng rừng và tu bổ rừng là vấn đề quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo vệ tài nguyên, cân bằng sinh thái, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp giấy, công nghiệp chế biến gỗ… Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31-12-2018, diện tích rừng cả nước có 14.491,3 nghìn héc-ta, trong đó rừng tự nhiên có 10.255,5 nghìn héc-ta, rừng trồng có 4.235,8 nghìn héc-ta, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,7%. Các tỉnh Đông Bắc Bộ có diện tích rừng là 3.044,3 nghìn héc-ta, chiếm 21% diện tích rừng cả nước; tỷ lệ che phủ rừng cao so với trung bình cả nước (thấp nhất là tỉnh Bắc Giang với 37,6%, cao nhất là tỉnh Bắc Kạn có tỷ lệ 72,6%). Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng nhanh, diện tích rừng tăng đều và ổn định, năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng không ngừng được nâng lên; xây dựng các mô hình chuyển hóa rừng trồng cây gỗ nhỏ sang gỗ lớn tại một số tỉnh, như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ…