1. Rừng là gì?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì: 

"Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên".

Hiểu theo cách đơn giản hơn, thì rừng là một hệ sinh thái, là nơi sinh sống của các loài sinh vật, động thực vật, nấm và vi sinh vật. Những yếu tố này của rừng có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Ngày nay, do dân số tăng ngày càng nhanh, nhu cầu về tài nguyên ngày càng nhiều nên đã gây sức ép lớn tới các tài nguyên nói chung và tài nguyên rừng nói riêng. Tài nguyên rừng đã được huy động ngày càng nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu tăng nhanh về lương thực, thực phẩm gỗ củi và các nguyên liệu cho sự phát triển kinh tế xã hội của con người. Do đó, vấn đề suy giảm tài nguyên rừng từ lâu đã và đang trở thành vấn đề cấp bách đặc biệt là ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Việt Nam là một nước nhiều đồi núi, dân số đông và tăng nhanh nên tài nguyên rừng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với đời sống con người.

>> Xem thêm: Tiêu chí để xác định các loại rừng, phân loại rừng hiện nay theo luật?

 

2. Vai trò của rừng đối với cuộc sống của con người

Cân bằng lượng khí O2 và CO2 trên Trái Đất: Con người chúng ta ai cũng biết rằng, cây xanh có khả năng quang hợp, điều hòa không khí trong lành. Do đó, rừng giống như một nhà máy thu nhận khí CO2 và sản xuất ra khí O2, ... Đặc biệt là trong tình trạng Trái Đất ngày một nóng lên thì việc giảm lượng khí CO2 là điều cần thiết.

Rừng làm giảm, phòng chống thiên tai: Rừng cây giúp điều tiết lượng nước, phòng chống thiên tai hạn hán lũ lụt, xói mòn, sạt lở đất. Vai trò của rừng trong việc bảo vệ đất phòng chống thiên tai rất rõ ràng, quan trọng. Ngoài ra, nó còn giúp giảm dòng chảy bề mặt, khắc phục xói mòn, hạn chế lắng đọng lòng sông, lòng hồ và điều hòa dòng chảy của sông, suối.

Rừng tăng độ phì nhiêu cho đất: Rừng có khả năng chế ngự dòng chảy, giúp ngăn chặn sự bào mòn của đất, đặc biệt là tại những vùng đồi núi có độ dốc lớn. Rừng giữ cho lớp đất không bị xói mòn đi, bồi dưỡng tiềm năng của đất. Bên cạnh đó, mọi đặc tính vi sinh vật học và lý hóa, độ phì nhiêu trong đất được giữ nguyên.

Rừng cung cấp nguyên, vật liệu cho con người: Rừng đóng vai trò quan trọng trong đời sống và hoạt động sản xuất của con người. Theo đó:

  • Cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ và nguồn củi đốt.
  • Rừng là nơi trú ngụ của nhiều loài động thực vật quý hiếm.
  • Nguồn cung cấp dược liệu, các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng giá trị cho con người.
  • Là nguồn gen để nghiên cứu khoa học.

Vì thế, mỗi quốc gia, đất nước cần có một diện tích rừng tối ưu khoảng 45%, đây là một trong những tiêu chí đảm bảo môi trường vô cùng quan trọng.

Rừng đóng vai trò là nguồn thu nhập cho con người: Rừng đóng một vai trò quan trọng đối với các dân tộc sinh sống ở vùng núi vì là nguồn thu nhập chính của họ. Nguồn tài nguyên rừng là cơ sở quan trọng để phân bổ dân cư, điều tiết lao động. Và nhờ nó mà cuộc sống của người dân cũng tốt hơn, giúp xóa đói giảm nghèo cho xã hội.

Ngoài ra, tài nguyên rừng còn cung cấp nguồn động thực vật quý hiếm, và cần được bảo tồn. Con người thường xuyên sử dụng các tài nguyên khai thác từ rừng, để phục vụ cho đời sống sinh hoạt và sản xuất hàng ngày. Tài nguyên rừng là loại tài nguyên có thể tái tạo. Nhưng không có nghĩa con người khai thác triệt để quá mức, cần phải có biện pháp bảo vệ và sử dụng hợp lý.

Vì vậy, việc bảo vệ rừng là vấn đề quan trọng, cần được đặt lên hàng đầu.

 

3. Thực trạng rừng ở nước ta hiện nay

Năm 2021 vừa qua, dù có nhiều diễn biến phức tạp về dịch Covid-19, thiên tai lũ lụt, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp và đời sống của người dân. Nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, nhưng nước ta đã thực hiện được chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh”. Cả nước đã trồng được 277.000 ha rừng tập trung và gần 100 triệu cây phân tán, vượt 10% so với kế hoạch ban đầu đặt ra.

Cùng với đó, năm 2021, các vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp giảm 12% số vụ so với năm 2020. Diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng, cháy rừng và ảnh hưởng của thiên tai giảm 33%… Tỷ lệ che phủ rừng trên toàn quốc đạt 42,01%, tăng 0,11%; các hoạt động về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2020.

Theo kế hoạch của năm 2022, ngành Lâm nghiệp sẽ trồng mới khoảng 230.000 ha rừng tập trung (rừng sản xuất) và tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng. Chúng ta không chỉ chú trọng vào việc nâng cao chất lượng rừng mà còn cần thực hiện điều chỉnh hài hòa các loại rừng, phát huy tối đa mục tiêu của rừng.

 

4. Tại sao bảo vệ rừng là vấn đề cấp bách?

Như chúng ta đã thấy, rừng đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống và sản xuất của con người, môi trường và xã hội. Tuy nhiên, tình trạng chặt phá rừng trái phép hiện nay vẫn diễn ra rất phổ biến, một cách ngang nhiên và đáng báo động. Nhiều đối tượng vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích dài lâu của toàn xã hội.

Khi những khu rừng dự trữ đầu nguồn đang dần bị chặt phá sẽ khiến cho thiên tai lũ lụt xảy ra thường xuyên, với những hậu quả nặng nề hơn. Làm xói mòn đất đai, ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống nhân dân. Hệ sinh thái rừng bị tàn phá cướp đi nơi sinh sống của các loài sinh vật. Bên cạnh đó, tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy của người dân cũng khiến diện tích rừng bị suy giảm đáng kể một cách trầm trọng.

Do đó, nhà nước, xã hội và toàn thể người dân cần phải bảo vệ rừng bằng những hành động thiết thực. Coi đây là một vấn đề quan trọng và phải thực hiện ngay. Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao hơn nữa các nguồn lực để bảo vệ rừng, răn đe các đối tượng có hành động chặt phá rừng. Đặc biệt là những đồng bào dân tộc thiểu số kiến thức hạn hẹp, dễ bị kẻ gian lợi dụng. Ngoài ra cần tích cực trồng rừng, phủ xanh đất đồi trọc.

 

5. Các biện pháp bảo vệ rừng

Bảo vệ rừng là một nhiệm vụ rất quan trọng của các cơ quan chức năng để bảo vệ lá phổi xanh, bảo vệ môi trường sống và hạn chế các thiên tai lũ lụt gây ảnh hưởng tới đời sống con người. Một số biện pháp bảo vệ rừng có thể kể đến là:

  • Phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng nhiều cây xanh.
  • Tăng cường chủ trường để ngăn chặn nạn chặt phá rừng bừa bãi, nạn lâm tặc.
  • Xử lý nghiêm những hành vi làm hư hại đến tài nguyên rừng.
  • Hạn chế khai thác bừa bãi các loại động thực vật quý hiếm để bảo vệ số lượng cá thể của loài.
  • Tuyên truyền, vận động người dân trong việc bảo vệ rừng, truyền đạt tới người dân vai trò của rừng quan trọng như thế nào để hạn chế nạn chặt phá rừng để canh tác.

Bên cạnh việc bảo vệ rừng, chúng ta cũng cần phải bảo vệ môi trường. Vì vậy, hãy bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất như bỏ rác vào thùng đúng nơi quy định nhé. Xem thêm: Mức phạt đối với trường hợp chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất ở

Trên đây là toàn văn bài viết của Luật Minh Khuê về rừng là gì? Vai trò của rừng đối với đời sống con người? Hi vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích đối với các bạn. Luật Minh Khuê xin chân thành cảm ơn!