Mục lục bài viết
- 1. Giới thiệu về phí bản quyền âm nhạc
- 2. Quán cà phê mở nhạc để phục vụ khách có nghĩa vụ phải trả tiền bản quyền không?
- 2.1. Quy định về trả tiền bản quyền khi phát nhạc tại quán cà phê
- 2.2. Nghĩa vụ thanh toán phí bản quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình
- 3. Các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thu phí bản quyền?
1. Giới thiệu về phí bản quyền âm nhạc
Theo quy định tại Khoản 10a Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thì tiền bản quyền là khoản tiền trả cho việc sáng tạo hoặc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao.
Như vậy, phí bản quyền âm nhạc là khoản tiền được trả cho nhạc sĩ, nhà soạn nhạc và chủ sở hữu bản quyền khác khi tác phẩm âm nhạc của họ được sử dụng. Việc sử dụng này có thể là phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình, phát trực tuyến, tải xuống, biểu diễn trực tiếp, ghi âm, sử dụng trong phim ảnh, quảng cáo và các phương tiện truyền thông khác.
Mục đích của trả phí bản quyền âm nhạc là để bồi thường cho các nghệ sĩ vì công việc sáng tạo của họ và đảm bảo rằng họ được hưởng lợi từ việc sử dụng tác phẩm của họ.
Phí bản quyền âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của các nghệ sĩ và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc.
2. Quán cà phê mở nhạc để phục vụ khách có nghĩa vụ phải trả tiền bản quyền không?
2.1. Quy định về trả tiền bản quyền khi phát nhạc tại quán cà phê
Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo bầu không khí và thu hút khách hàng cho quán cà phê. Tuy nhiên, việc sử dụng âm nhạc tại quán cà phê tiềm ẩn nguy cơ vi phạm bản quyền nếu không được thực hiện đúng quy định.
Theo luật pháp Việt Nam, việc sử dụng tác phẩm âm nhạc (bao gồm cả bản ghi âm, ghi hình) tại quán cà phê nhằm mục đích thương mại mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả là vi phạm bản quyền, trừ trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan. Trường hợp quyền tác giả, quyền liên quan bị giới hạn theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành bao gồm việc tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để sử dụng tại nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; khu vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại; câu lạc bộ thể dục, chăm sóc sức khỏe - thẩm mỹ; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; quán bar, vũ trường; trong hoạt động hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh, thương mại có bản chất tương tự.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì quán cà phê mở nhạc phục vụ khách hàng cần phải xin phép và trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc đó. Trường hợp tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại thì không phải xin phép, nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì phải trả tiền bản quyền theo biểu mức quy định tại Phụ lục I của Nghị định 17/2023/NĐ-CP hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.
Việc vi phạm bản quyền âm nhạc có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho quán cà phê, bao gồm:
- Bị phạt tiền: Quán cà phê có thể bị cơ quan chức năng phạt tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
- Bị buộc ngừng sử dụng tác phẩm âm nhạc: Quán cà phê có thể bị buộc ngừng sử dụng tác phẩm âm nhạc vi phạm bản quyền.
- Gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu: Việc vi phạm bản quyền có thể làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của quán cà phê và khiến khách hàng mất thiện cảm.
Do đó, quán cà phê cần nâng cao nhận thức về luật bản quyền và thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán tiền bản quyền âm nhạc để tránh những hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Ngoài ra, quán cà phê cũng có thể tìm kiếm các giải pháp thay thế cho việc sử dụng nhạc có bản quyền, chẳng hạn như: Quán cà phê có thể tự sáng tác nhạc hoặc thuê nhạc sĩ sáng tác nhạc riêng để sử dụng. Việc sử dụng âm nhạc một cách hợp pháp và sáng tạo sẽ góp phần tạo nên sự khác biệt cho quán cà phê và thu hút khách hàng.
2.2. Nghĩa vụ thanh toán phí bản quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình
Tiền bản quyền được xác định trả theo thỏa thuận giữa người sử dụng với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
Trong trường hợp giới hạn quyền, tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1 Điều 26 và khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ có nghĩa vụ liên lạc trực tiếp với chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan về việc khai thác, sử dụng, cung cấp danh mục, thời lượng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã sử dụng và trả tiền bản quyền theo quy định của pháp luật. Trường hợp không tìm thấy hoặc không liên lạc được với chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình thì tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình thực hiện nghĩa vụ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 23 của Nghị định 17/2023/NĐ-CP, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục tìm kiếm, quản lý theo quy định tại khoản 8 Điều 23 của Nghị định này.
Tỷ lệ phân chia tiền bản quyền trong trường hợp bản ghi âm, ghi hình được sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 26 và khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ thực hiện theo thoả thuận của chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình đó. Trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện phân chia theo tỷ lệ như sau: Chủ sở hữu quyền tác giả hưởng 50%, người biểu diễn hưởng 25%, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình hưởng 25% trên tổng số tiền bản quyền thu được.
Căn cứ Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định mức tiền bản quyền của quán cà phê khi sử dụng tác phẩm âm nhạc của người khác để phục vụ khách phải chi trả hàng năm sẽ bằng Mức lương cơ sở nhân với Hệ số điều chỉnh, cụ thể như sau:
- Quán cà phê có tổng diện tích không lớn hơn 15 m2: Hệ số điều chỉnh là 0,35/15 m2/năm.
- Quán cà phê có tổng diện tích trên 15 m2 đến 50 m2: Cứ mỗi m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,04/m2/năm.
- Quán cà phê có tổng diện tích trên 50 m2: Cứ mỗi m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,02/m2/năm.
Lưu ý, mức tiền bản quyền này áp dụng đối với quán cà phê tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với Đô thị loại I thì áp dụng 80% khung giá; Đô thị loại II áp dụng 60% khung giá; Đô thị loại III áp dụng 40% khung giá; Đô thị loại IV áp dụng 20% khung giá; Đô thị loại V áp dụng 10% khung giá.
3. Các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thu phí bản quyền?
Chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có quyền thu tiền bản quyền từ những người khai thác, sử dụng tác phẩm của mình trong suốt thời gian tác phẩm được bảo hộ; hoặc nhận tiền bản quyền thông qua tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thông qua thỏa thuận với các tổ chức này theo thỏa thuận về mức tiền bản quyền và phương thức thanh toán.
Theo ủy quyền và thỏa thuận với chủ sở hữu bản quyền hợp pháp, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có quyền, nghĩa vụ thực hiện đúng phạm vi, chức năng hoạt động và hợp đồng ủy quyền giữa chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan và tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan về việc quản lý một quyền hoặc một nhóm quyền tài sản cụ thể.
Hiện tại, Việt Nam đã thành lập được 05 tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:
- Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC)
- Hiệp Hội Công Nghiệp Ghi Âm Việt Nam (RIAV)
- Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC)
- Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO)
- Hội bảo vệ quyền của Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA).
Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan quốc tế bao gồm các tổ chức sau:
- Liên hiệp quốc tế các tổ chức quyền sao chép (IFRRO)
- Hiệp hội các Nhà soạn nhạc và Soạn lời Quốc tế (CISAC)
- Hiệp hội Quản lý các tác phẩm nghe nhìn Quốc tế (AGICOA)
- Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Quốc tế (IFPI).
Trên đây, Luật Minh Khuê chúng tôi đã giải đáp cho quý khách hàng về vấn đề quán cà phê mở nhạc cho khách có phải trả tiền bản quyền không? Nếu quý khách hàng cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý hãy gọi 1900.6162 hoặc gửi thư đến email lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp nhanh chóng.