Mục lục bài viết
Thông thường nhu cầu đại diện xuất hiện từ phía người lao động. Tuy nhiên, không phải khi nào cũng vậy. Nếu xét ở thời điểm lịch sử nhất định, có những lúc bên bị sức ép lại chính là giới chủ, dẫn đến việc ra đời thiết chế của họ. Ví dụ, vào khoảng đầu thế kỉ XX, khi phong trào dân chủ và nhân quyền của người lao động đã phát triển đến mức cao, công đoàn trở nên mạnh mẽ và có uy tín, cán cân về quyền lực trong thương lượng bắt đầu nghiêng về phía người lao động. Thực tế đó buộc giới chủ ở Đức, Thuỵ Điển... phải ra quyết định quan trọng về việc thành lập cơ quan đại diện. Từ đó, đối thoại giữa họ với công đoàn chủ yếu do các đại diện thực hiện, dẫn đến sự ra đời các thoả thuận cấp cao như cấp quốc gia hay cấp ngành, cấp địa phương... Đó là tiền đề quan trọng cho sự ra đời và phát triển của quan hệ lao động tập thể.
Khi liên kết lại với nhau, mỗi bên của quan hệ lao động theo đuổi những lợi ích nhất định và phải thoả mãn được lợi ích đó thì mối liên kết này mới tồn tại. Đối với người lao động, tập thể lao động cái cuối cùng mà họ hướng tới là thu nhập và các lợi ích khác. Còn phía sử dụng lao động, mục tiêu của họ là lợi nhuận. Sự khác nhau về mục tiêu này tạo ra cho quan hệ của họ sự mâu thuẫn song cũng là sự thống nhất về lợi ích. Vậy, quan hệ lao động tập thể là quan hệ giữa đại diện lao động với đại diện sử dụng lao động hoặc/và người sử dụng lao động nhằm xác lập sự cân bằng lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động.
Về phương diện pháp lí, để mối quan hệ lao động tập thể được vận hành thông suốt và đạt mục tiêu đặt ra cho cả các bên của quan hệ lao động cũng như của xã hội, cần xác định rõ tư cách chủ thể của hai bên trong mối quan hệ này, các thiết chế và hình thức pháp lí để quan hệ lao động tập thể vận hành (đối thoại, thương lượng tập thể, thoả ước lao động tập thể...), giá trị các cam kết, những biện pháp đảm bảo thực thi quan hệ...
Các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp với quan hệ lao động
Ngoài quan hệ lao động cá nhân và tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động là đối tượng điều chỉnh chủ yếu, luật lao động hiện hành (Bộ luật hiện hành đang được áp dụng là Bộ luật lao động năm 2019) còn điều chỉnh một số quan hệ xã hội liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Đó là những quan hệ phát sinh từ quan hệ lao động, gắn liền và có ảnh hưởng trực tiếp đến các quan hệ lao động do luật lao động điều chỉnh. Những quan hệ được pháp luật lao động (Bộ luật lao động năm 2019) điều chỉnh bao gồm:
1. Các Quan hệ bồi thường thiệt hại:
Trong thực tế, đa số các quan hệ bồi thường thiệt hại phát sinh trong cuộc sống đều do Pháp luật dân sự điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng tồn tại những quan hệ bồi thường trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của ngành luật khác. Trong quá trình thực hiện quan hệ lao động vì nhiều lí do khác nhau, có thể có sự vi phạm của chủ thể này gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khoẻ... với chủ thể kia trong quan hệ, khi đó sẽ phát sinh quan hệ bồi thường thiệt hại do luật lao động điều chỉnh.[1] Như vậy, quan hệ bồi thường thiệt hại trong luật lao động là sự bồi thường thiệt hại bằng vật chất khi có sự vi phạm của chủ thể này gây thiệt hại cho chủ thể kia xảy ra trong quá trình lao động và do luật lao động điều chỉnh.
2. Quan hệ bảo hiểm trong lĩnh vực lao động (Bảo hiểm xã hội bắt buộc,...)
Người lao động trong quá trình thực hiện quan hệ lao động (các công việc, nhiệm vụ được giao trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động,...) có thể gặp phải những rủi ro như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, mất việc làm... và khi đó bản thân họ (trong một số trường hợp là thân nhân gia đình họ) có thể gặp những khó khăn và có nhu cầu được bảo vệ thu nhập, bảo vệ việc làm... Việc bảo vệ cho người lao động trong những trường hợp nói trên được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó bảo hiểm là hình thức chủ yếu. Trong thực tế, quan hệ bảo hiểm có tính ràng buộc quyền, nghĩa vụ pháp lí các bên trong lĩnh vực lao động bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Quan hệ bảo hiểm trong lĩnh vực lao động bao gồm nhiều mối quan hệ họp thành như: quan hệ thu, nộp bảo hiểm, quan hệ quản lí tài chính bảo hiểm, quan hệ tổ chức bộ máy bảo hiểm... (Được điều chỉnh và quy định cụ thể tại Luật bảo hiểm xã hội năm 2014). Tuy nhiên, trong phạm vi luật lao động chủ yếu quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể (nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động) trong việc hình thành nguồn tài chính bảo hiểm và chi trả, thực hiện khi có sự kiện pháp lí bảo hiểm phát sinh. Vậy, quan hệ bảo hiểm trong lĩnh vực lao động là các quan hệ hình thành trong quả trình đóng góp, tạo lập quỹ và chi trả bảo hiểm và do luật lao động, luật an sinh xã hội điều chỉnh với tư cách quan hệ liên quan đến quan hệ lao động.
3. Quan hệ giải quyết tranh chấp lao động:
Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên, trong quá trình xác lập thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động (Điều này được quy định cụ thể tại Điều 179 Bộ luật lao động năm 2019). Các loại tranh chấp lao động bao gồm: tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại; tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.
Mặc dù quan hệ lao động do luật lao động điều chỉnh được thiết lập trên cơ sở sự thoả thuận tự nguyện giữa các bên trong quan hệ lao động nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau mà trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động, giữa các bên của quan hệ lao động có thể có những bất đồng, tranh chấp về quyền và lợi ích. Mâu thuẫn này nếu không thể tự thương lượng, dàn xếp các bên có quyền đưa vụ tranh chấp đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết làm phát sinh quan hệ giải quyết tranh chấp lao động, đó là mối quan hệ giữa các chủ thể có tranh chấp lao động với cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đó. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào tính chất, phạm vi của tranh chấp mà hệ thống các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động có thể khác nhau.
4. Quan hệ đình công và giải quyết đình công:
Bộ luật lao động năm 2019 định nghĩa về đình công cụ thể tại Điều 198, như sau:
"Điều 198. Đình công
Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo".
Đình công có thể xem là một hiện tượng có tính phổ biến trong thị trường khi có phát sinh sự xung đột về lợi ích giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động mà sau khi đã qua các thủ tục giải quyết theo quy định nhưng các yêu cầu của họ không được người sử dụng lao động chấp nhận. Khi đó, để đạt được yêu sách của mình tập thể lao động thường sử dụng biện pháp gây sức ép về kinh tế là tiến hành đình công. Như vậy, quan hệ đình công là mối quan hệ giữa các chủ thể của quan hệ lao động trong quá trình đình công. Pháp luật lao động hiện hành cũng có những quy định về các trường hợp mà người lao động có quyền thực hiện việc đình công, cụ thể tại Điều 199 Bộ luật lao động năm 2019.
"Điều 199. Trường hợp người lao động có quyền đình công
Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công trong trường hợp sauđây:
1. Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
2. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động".
Trong và sau khi đình công các bên có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền (toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương) giải quyết. Do đó, quan hệ giải quyết đình công là quan hệ giữa cơ quan có thẩm quyền giải quyết đình công với tập thể lao động hoặc người đại diện của họ và người sử dụng lao động trong quả trình giải quyết đình công.
5. Quan hệ quản lí nhà nước về lao động:
Quan hệ quản lí nhà nước về lao động là mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các chủ thế của quan hệ lao động trong lĩnh vực chấp hành, thanh tra và xử lí vi phạm pháp luật lao động. Mục đích của quan hệ này nhằm đảm bảo cho quan hệ lao động được phát triển ổn định, hài hoà nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các vi phạm đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động và lợi ích chung của xã hội. Luật lao động điều chỉnh quan hệ này thông qua việc quy định hệ thống các cơ quan quản lí nhà nước về lao động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung của hoạt động quản lí nhà nước, trình tự, hình thức xử phạt vi phạm pháp luật lao động...
Trên đây là ý kiến của bộ phận hỗ trợ khách hàng của Công ty Luật Minh Khuê. Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến quan hệ lao động và các vấn đề khác liên quan, Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến.
Trân trọng./.