Mục lục bài viết
- 1. Khi nào thì được trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam?
- 2. Lệnh trích xuất
- 3. Trách nhiệm của nhà tạm giữ, trại tạm giam
- 4. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- 5. Quản lý người bị tạm giam khi đưa đi chữa bệnh tại cơ sở y tế ngoài cơ sở giam giữ
- 6. Chế độ chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Khi nào thì được trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam?
Trích xuất là việc đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam ra khỏi cơ sở giam giữ trong thời gian nhất định theo lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền để thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự, khám bệnh, chữa bệnh, thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự, thực hiện quyền, nghĩa vụ khác do luật định.
Việc trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được thực hiện khi có lệnh trích xuất của người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, trong trường hợp sau đây:
- Để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
- Đưa đi khám bệnh, chữa bệnh, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;
- Gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do luật định;
- Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo sự thỏa thuận giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc vì lý do đối ngoại đối với từng trường hợp cụ thể.
Trường hợp Giám thị trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ, Trưởng buồng tạm giữ của đồn biên phòng trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam đi khám bệnh, chữa bệnh thì phải thông báo ngay cho cơ quan đang thụ lý vụ án và Viện kiểm sát có thẩm quyền.
==> Như vậy, đưa đi người bị tạm, giam, người bị tạm giữ khám bệnh, chữa bệnh, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần thuộc một trong các trường hợp được trích xuất.
2. Lệnh trích xuất
Lệnh trích xuất phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Cơ quan, họ tên, chức vụ, cấp bậc người ra lệnh;
b) Họ tên, năm sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hành vi vi phạm pháp luật, ngày bị tạm giữ, ngày bị tạm giam của người được trích xuất;
c) Mục đích và thời hạn trích xuất;
Trong trường hợp này mục đích của việc trích xuất là nhằm đưa người bị tạm giam, người bị tạm giữ đi khám bệnh, chữa bệnh, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
d) Họ tên, chức vụ, cấp bậc, cơ quan của người làm nhiệm vụ áp giải người được trích xuất hoặc cơ quan làm nhiệm vụ áp giải;
đ) Họ tên, chức vụ, cấp bậc (nếu có) của người nhận trích xuất của cơ quan có thẩm quyền ra lệnh trích xuất;
e) Ngày, tháng, năm ra lệnh; chữ ký của người ra lệnh và đóng dấu.
3. Trách nhiệm của nhà tạm giữ, trại tạm giam
Theo Điều 5 Thông tư liên tịch 07/2015/TTLT-BCA-BQP-BYT:
- Nhà tạm giữ, trại tạm giam có trách nhiệm đưa đối tượng quản lý được khám, chữa bệnh vượt quá khả năng chuyên môn điều trị của bệnh xá, bộ phận y tế của đơn vị mình (sau đây gọi tắt là y tế đơn vị) đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước nơi gần nhất.
- Nhà tạm giữ, trại tạm giam chịu trách nhiệm bố trí phương tiện, cán bộ dẫn giải, quản lý và cán bộ y tế chuyển đối tượng quản lý được khám, chữa bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc khi chuyển đến nơi khám bệnh, chữa bệnh khác.
- Nhà tạm giữ, trại tạm giam có trách nhiệm cung cấp giấy chuyển viện, bản tóm tắt quá trình điều trị tại y tế đơn vị và thực hiện các trình tự, thủ tục điều chuyển đối tượng quản lý được khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế; đồng thời phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của họ biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của đối tượng quản lý được khám, chữa bệnh có thể tự nguyện hỗ trợ bồi dưỡng ăn uống, thuốc chữa bệnh theo chỉ định của bác sĩ cho người bệnh và trao đổi, phối hợp với nhà tạm giữ, trại tạm giam có đối tượng quản lý được khám, chữa bệnh biết để phối hợp chăm sóc, quản lý. Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam đang trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử thì việc trao đổi, phối hợp này phải được thủ trưởng cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý bằng văn bản.
- Nhà tạm giữ, trại tạm giam chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, bảo vệ đối tượng quản lý được khám, chữa bệnh; phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện quy trình khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
4. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Theo Điều 6 Thông tư liên tịch 07/2015/TTLT-BCA-BQP-BYT:
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tiếp nhận, thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho đối tượng quản lý được khám, chữa bệnh như những bệnh nhân khác. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để nhà tạm giữ, trại tạm giam quản lý, giám sát chặt chẽ những đối tượng này. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn điều trị của mình, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải kịp thời thông báo và phối hợp với nhà tạm giữ, trại tạm giam chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên để điều trị. Trường hợp đối tượng quản lý được khám, chữa bệnh mắc bệnh nặng, diễn biến bất thường, tiên lượng bệnh xấu thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thông báo cho nhà tạm giữ, trại tạm giam biết, phối hợp cùng giải quyết.
- Trong trường hợp cấp cứu, nhà tạm giữ, trại tạm giam không có phương tiện thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hỗ trợ phương tiện chuyên dụng vận chuyển người bệnh lên tuyến trên điều trị.
Trường hợp đối tượng quản lý đang cấp cứu cần phải tiến hành phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa mà không thể hỏi ý kiến của đối tượng quản lý hoặc nhà tạm giữ, trại tạm giam đã thông báo nhưng thân nhân, người đại diện hợp pháp của họ không đến hoặc chưa kịp đến để ký cam kết phẫu thuật thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo khoản 3 Điều 61 Luật khám bệnh, chữa bệnh.
- Việc cung cấp thông tin có liên quan đến tình hình bệnh tật của đối tượng quản lý được khám, chữa bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải trao đổi và được sự đồng ý của cơ quan quản lý đối tượng được khám, chữa bệnh.
- Khi đối tượng quản lý được khám, chữa bệnh đến khám bệnh hoặc được điều trị ổn định được trả về nhà tạm giữ, trại tạm giam thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tiến hành thủ tục ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh theo quy định tại khoản 7 Điều 58 Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý đối tượng được khám, chữa bệnh và các cơ quan chức năng khác có yêu cầu mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc, sao chép bệnh án, kết luận tình trạng sức khỏe để phục vụ công tác nghiệp vụ hoặc giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp luật thì được thực hiện theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
5. Quản lý người bị tạm giam khi đưa đi chữa bệnh tại cơ sở y tế ngoài cơ sở giam giữ
Theo Thông tư liên tịch 01/2018/ TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC:
- Trường hợp đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế ngoài cơ sở giam giữ thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ ra lệnh trích xuất; đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án, Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam biết và thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam biết để phối hợp chăm sóc, Điều trị.
Khi nhận được thông báo của cơ sở giam giữ, nếu cần phối hợp quản lý, giám sát thì cơ quan đang thụ lý vụ án cử cán bộ phối hợp với cơ sở giam giữ để có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh.
- Trường hợp cơ quan đang thụ lý vụ án cần làm việc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại nơi khám bệnh, chữa bệnh phải trao đổi trực tiếp và được sự nhất trí của bác sỹ Điều trị và phối hợp với cơ sở giam giữ để thực hiện.
- Trường hợp cần trưng cầu giám định pháp y, pháp y tâm thần đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì cơ quan đang thụ lý vụ án chủ trì hoàn chỉnh các thủ tục đề nghị giám định, phối hợp với cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến nơi giám định.
Cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan giám định quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong quá trình giám định. Cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm gửi bản sao kết quả giám định cho cơ sở giam giữ.
Trường hợp có quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan đang thụ lý vụ án chủ trì phối hợp với cơ sở giam giữ đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến cơ sở chữa bệnh nêu trong quyết định.
6. Chế độ chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh. Trường hợp bị ốm đau, bệnh tật, thương tích thì được khám và điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giam giữ; nếu bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng của cơ sở giam giữ thì được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện, cấp tỉnh, bệnh viện quân đội hoặc bệnh viện trung ương khám, điều trị. Cơ sở giam giữ phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, sử dụng thuốc, bồi dưỡng do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận thuốc chữa bệnh từ thân nhân và phải có đơn thuốc của thầy thuốc, chịu sự kiểm tra của cơ sở giam giữ.
- Đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ sở giam giữ yêu cầu cơ quan đang thụ lý vụ án trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Khi có quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến cơ sở chữa bệnh nêu trong quyết định.
- Kinh phí khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc y tế và phòng chống dịch bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam:
Theo Điều 7 Nghị định 120/2017/NĐ-CP:
+ Tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam được cấp tương đương 02 kg gạo tẻ loại trung bình/01 người/01 tháng.
+ Kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam căn cứ theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh tật và được thanh toán theo định mức chế độ bảo hiểm y tế. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam mắc bệnh nặng, kinh phí điều trị vượt quá định mức chi trả theo quy định của bảo hiểm y tế sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam tự nguyện chi trả kinh phí điều trị bệnh.
+ Cơ sở giam giữ có trách nhiệm thanh toán chi phí thực tế trong việc khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại bệnh xá, bệnh viện trong cơ sở giam giữ và các cơ sở y tế của Nhà nước.
+ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở giam giữ trên địa bàn, tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam; xây dựng hoặc bố trí khu, buồng riêng để khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phòng trực của cán bộ quản lý phù hợp với điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)