1. Người có công với cách mạng được hiểu như thế nào?

Căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 được sửa đổi bổ sung 2012 1. Khoản 1 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Người có công với cách mạng:

a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

c) Liệt sĩ;

d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

e) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

g) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

h) Bệnh binh;

i) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

k) Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

l) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế

m) Người có công giúp đỡ cách mạng.”

Căn cứ theo quy định trên có 12 diện đối tượng được công nhận là người có công với cách mạng. Theo đó, mỗi diện đối tượng có điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục hồ sơ xác nhận khác nhau. Cụ thể đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh quy định tại Điều 19 Pháp lệnh Ưu đãi người có công; Điều 27 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ; Điều 17, Điều 18 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tư số 202/2013/TT-BQP ngày 7/11/2013 của Bộ Quốc phòng; Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng.

2. Mức hưởng ưu đãi đối với người có công với cách mạng

Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2021 quy định như sau:

- Về mức trợ cấp

Điều 3. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi

1. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng (sau đây gọi tắt là mức chuẩn).

2. Mức chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh.

- Các loại ưu đã cụ thể:

Điều 5. Bảo hiểm y tế

Thực hiện đóng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng, thân nhân và người phục vụ người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Điều 6. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe

1. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà: Mức chi bằng 0,9 lần mức chuẩn/01 người/01 lần và được chi trả trực tiếp cho đối tượng được hưởng.

2. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung: Mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/01 người/01 lần. Nội dung chi bao gồm:

a) Tiền ăn trong thời gian điều dưỡng;

b) Thuốc thiết yếu;

c) Quà tặng cho đối tượng;

d)  Các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng (mức chi tối đa 15% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung), gồm: khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng, tham quan, chụp ảnh, tư vấn sức khỏe, phục hồi chức năng, sách báo, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các khoản chi khác phục vụ đối tượng điều dưỡng.

Điều 7. Hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết

1. Mức hỗ trợ mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho đối tượng khi đi làm phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình (mỗi niên hạn 01 lần) hoặc đi điều trị phục hồi chức năng theo chỉ định của bệnh viện cấp tỉnh trở lên. Mức hỗ trợ 5.000 đồng/01 km/01 người tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến cơ sở y tế gần nhất đủ điều kiện về chuyên môn kỹ thuật cung cấp dụng cụ chỉnh hình, nhưng tối đa là 1.400.000 đồng/người/01 niên hạn.

Điều 9. Hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ

1. Hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho thân nhân liệt sĩ (tối đa 03 người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ mỗi năm một lần khi đi thăm viếng một liệt sĩ.

2. Mức hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ: 3.000 đồng/01 km/01 người.

Điều 10. Hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ

1. Thân nhân liệt sĩ, người được thân nhân liệt sĩ ủy quyền, người thờ cúng liệt sĩ được hỗ trợ kinh phí một lần khi di chuyển hài cốt liệt sĩ:

a) Mức hỗ trợ tiền cất bốc hài cốt liệt sĩ 4.000.000 đồng/01 hài cốt liệt sĩ;

b) Mức hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn (tối đa 03 người) tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ: 3.000 đồng/01 km/01 người.

2. Thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ không có nguyện vọng an táng hài cốt liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ thì được hỗ trợ một lần kinh phí xây mộ liệt sĩ. Mức hỗ trợ 10 triệu đồng/01 mộ.

3. Chính sách của Nhà nước đối với người có công qua từng thời kỳ

Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ, đồng thời đồng ý với đề xuất chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, là dịp tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng.

Mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh - liệt sĩ và người có công với cách mạng. Từ năm 1947 đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời, được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được chế định thành các văn bản, như Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cùng nhiều chính sách ưu đãi khác; đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân.

Với quan điểm, mục tiêu nhất quán của Đảng, Nhà nước là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển của đất nước, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” là dấu mốc quan trọng tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng trong thực hiện chính sách xã hội nhằm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, tập trung vào 2 nhóm chính sách cơ bản, quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội.

Ngày 5-11-2020, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 92-KL/TW “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đánh giá sâu sắc những thành quả đạt được trong thời gian qua, khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta đối với công tác chính sách xã hội, trong đó có chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa”.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác người có công, trong đó có triển khai những nội dung, nhiệm vụ cụ thể tại Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19-7-2017, của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”, năm 2020, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) vào ngày 9-12-2020 tại Phiên họp lần thứ 51. Pháp lệnh gồm 7 chương và 58 điều đã sửa đổi cơ bản, toàn diện, bổ sung nhiều chính sách mới nhằm tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhất quán của Đảng và Nhà nước: Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân của người có công với cách mạng là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng phải được xác định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Pháp lệnh sửa đổi cũng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với người nước ngoài có công với cách mạng, bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ ưu đãi, như người bị địch bắt tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống; bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp tuất hằng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá; quy định mức trợ cấp hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn…

Từ năm 2012 đến cuối năm 2019, về cơ bản, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ dứt điểm nhà ở cho 393.707 hộ người có công trên cả nước, vượt mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đề ra. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công về nhà ở đã và đang giúp họ ổn định hơn trong cuộc sống, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng sống và được các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội đồng tình ủng hộ. Mạng lưới các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng được quy hoạch tổng thể, rộng khắp trong cả nước với 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự đủ để đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng. Đã chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ với 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ trên khắp cả nước. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng.

Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay cũng là thời điểm cả nước phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19-7-2017, của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”. Đây là nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, nhưng cũng là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người dân Việt Nam để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tri ân đối với người có công với cách mạng.

4. Quy định mới về ưu đãi người có công với cách mạng

4.1. Thêm đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng

Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, đối tượng hưởng chế độ ưu đãi gồm: Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

Người có công với cách mạng bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng.

Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.

4.2. Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng

Tùy từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi chủ yếu quy định tại Điều 5 Pháp lệnh, gồm có: Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần; các chế độ ưu đãi khác. Trong đó, các chế độ ưu đãi khác là:

- Bảo hiểm y tế.

- Điều dưỡng phục hồi sức khỏe.

- Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên.

- Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm.

- Hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

- Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở.

- Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước.

- Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng.

- Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh.

- Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.

Điều kiện, tiêu chuẩn và các chế độ ưu đãi đối với từng nhóm đối tượng người có công với cách mạng được thực hiện theo quy định tại Chương II Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14.

4.3. Chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Bà mẹ Việt Nam anh hùng là người được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo quy định tại Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Theo Điều 18 Pháp lệnh này, chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng bao gồm: Chế độ ưu đãi đối với thân nhân của liệt sĩ quy định tại các khoản 1, 2, 4, 6, 7, 8 và 9 Điều 16 của Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14; trợ cấp hằng tháng bằng 03 lần mức chuẩn; phụ cấp hằng tháng; trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình; điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm; Nhà nước và xã hội tặng nhà tình nghĩa hoặc hỗ trợ cải thiện nhà ở quy định tại điểm e khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14.

Thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng được hưởng một số chế độ ưu đãi như sau: Trợ cấp một lần đối với thân nhân khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tặng danh hiệu nhưng chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi hoặc được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; trợ cấp một lần đối với thân nhân với mức bằng 03 tháng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng hiện hưởng khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng chết; trợ cấp mai táng đối với người hoặc tổ chức thực hiện mai táng khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng chết; bảo hiểm y tế đối với người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình.

5. Những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng

Pháp lệnh quy định các hành vi sau đây bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng:

1. Khai báo gian dối, giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng.

3. Vi phạm nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.

4. Lợi dụng việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng để vi phạm pháp luật.