1. Công chức ngạch kế toán là gì?

Công chức ngạch kế toán thường được hiểu đơn giản là những người có trình độ chuyên môn về kế toán, được bổ nhiệm vào các vị trí liên quan đến công tác kế toán trong các cơ quan nhà nước. Theo Thông tư số 29/2022/TT-BTC ngày 03/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ, thì đối tượng áp dụng của Thông tư này là công chức làm công tác kế toán tại các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. 

Cụ thể Thông tư này đã quy định về chức danh và mã số ngạch công chức chuyên ngành kế toán hiện nay, đồng thời cũng đã đưa ra nội dung về chức trách cũng như nhiệm vụ của từng chức danh tương ứng, cụ thể như sau:

(i) Kế toán viên cao cấp, với mã số ngạch là 06.029:

Kế toán viên cao cấp là công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao nhất trong lĩnh vực kế toán, bố trí đối với các chức danh lãnh đạo cấp Vụ, Cục và tương đương tại các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương, thực hiện chức năng quản lý về công tác kế toán, giúp lãnh đạo đơn vị chỉ đạo, điều hành và quản lý tổ chức thực hiện hệ thống nghiệp vụ kế toán.

Kế toán viên cao cấp có nhiệm vụ:

- Chủ trì nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính, kế toán; các đề án chiến lược phát triển công tác kế toán đối với ngành, lĩnh vực;

- Chủ trì tổ chức việc phối hợp nghiệp vụ của lĩnh vực liên quan giữa các cấp quản lý cùng lĩnh vực của các ngành đảm bảo tính thống nhất đồng bộ trong toàn quốc;

- Chủ trì xây dựng tài liệu, giáo trình và hướng dẫn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác kế toán;

- Chủ trì tổ chức, chỉ đạo, thực hiện công tác kế toán, kiểm tra nghiệp vụ kế toán;

- Chủ trì tổ chức tổng hợp, đánh giá, phân tích tài chính, rút kinh nghiệm và đề xuất phương án điều chỉnh, sửa đổi hoặc bổ sung về quy trình nghiệp vụ; sửa đổi, bổ sung các quy định về kế toán hiện hành nhằm tổ chức quản lý chặt chẽ có hiệu lực và hiệu quả hơn.

(Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Thông tư số 29/2022/TT-BTC)

(ii) Kế toán viên chính, với mã số ngạch là 06.030:

Kế toán viên chính là công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao về kế toán tại các cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở lên, thực hiện chức năng quản lý về công tác kế toán, giúp lãnh đạo đơn vị chỉ đạo, điều hành và quản lý nghiệp vụ kế toán ở đơn vị hoặc tổ chức thực hiện công tác kế toán tại đơn vị.

Kế toán viên chính có nhiệm vụ:

- Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về kế toán; xét duyệt hệ thống kế toán và chế độ kế toán áp dụng cho đơn vị, ngành hoặc lĩnh vực kế toán nhà nước;

- Tổ chức tổng hợp, đánh giá, phân tích tài chính, rút kinh nghiệm và đề xuất phương án điều chỉnh, sửa đổi hoặc bổ sung về quy trình nghiệp vụ, chế độ kế toán áp dụng, tổng hợp báo cáo lên cấp trên;

- Tổ chức, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, kiểm tra công tác kế toán và đề xuất các biện pháp chỉ đạo, chấn chỉnh, nhằm đảm bảo việc quản lý thống nhất công tác kế toán của đơn vị, ngành, lĩnh vực;

- Nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện công tác kế toán phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế và yêu cầu quản lý của địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực;

- Chủ trì hoặc tham gia xây dựng tài liệu, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế toán viên.

(Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Thông tư số 29/2022/TT-BTC)

(iii) Kế toán viên, với mã số ngạch là 06.031:

Kế toán viên là công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cơ bản về kế toán làm việc tại các cơ quan, tổ chức, thực hiện các công việc của một hoặc nhiều phần hành kế toán hoặc tổ chức thực hiện công tác kế toán ở đơn vị.

Kế toán viên có nhiệm vụ:

- Ghi chép, tính toán, tổng hợp và phân tích số liệu kế toán phục vụ cho các phần hành, phần việc phụ trách, cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tại đơn vị;

- Tổ chức thực hiện công tác kế toán, lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và các báo cáo khác hàng ngày, bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán, cung cấp thông tin thuộc phần hành, phần việc được phân công hoặc phụ trách;

- Triển khai thực hiện công tác tự kiểm tra tài chính kế toán theo quy định;

- Tổ chức phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng tài sản, kinh phí thuộc phần hành, phần việc phụ trách và đề xuất biện pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn vốn hoặc kinh phí;

- Tham gia nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về kế toán; các văn bản pháp luật hướng dẫn về chế độ nghiệp vụ kế toán.

(Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Thông tư số 29/2022/TT-BTC)

(iv) Kế toán viên trung cấp, với mã số ngạch là 06.032:

Kế toán viên trung cấp là công chức thực thi các nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ về kế toán tại các đơn vị kế toán cấp cơ sở trong các cơ quan, tổ chức, thực hiện các công việc kế toán ở đơn vị có khối lượng công việc kế toán tại các đơn vị nhỏ, không phát sinh nhiều nghiệp vụ kế toán hoặc một phần hành kế toán ở đơn vị kế toán.

Kế toán viên trung cấp có nhiệm vụ:

- Thu thập, kiểm tra, xử lý chứng từ, phân loại chứng từ và định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh thuộc phần hành kế toán được phân công phụ trách;

- Mở sổ, ghi sổ, khóa sổ kế toán thuộc phần hành, phần việc được phân công phụ trách;

- Lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và báo cáo khác hàng ngày hoặc định kỳ theo sự phân công từng phần việc kế toán, chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực của các số liệu báo cáo;

- Chuẩn bị các số liệu phục vụ kiểm kê, tham gia kiểm kê tài sản, hướng dẫn việc ghi chép các biểu mẫu kiểm kê và tính toán xác định kết quả kiểm kê tài sản thuộc phạm vi phụ trách;

- Phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng tài sản, kinh phí thuộc phần hành, phần việc phụ trách.

(Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 8 Thông tư số 29/2022/TT-BTC)

 

2. Quy định mới của pháp luật về công chức ngạch kế toán

Sự ra đời của Thông tư số 29/2022/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đem đến nhiều thay đổi trong quy định của pháp luật về ngạch công chức chuyên ngành kế toán, cụ thể như sau:

  • Thứ nhất, về tiêu chuẩn năng lực ngoại ngữ, tin học

Theo Thông tư số 29/2022/TT-BTC, tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học của các ngạch kế toán viên cao cấp, kế toán viên chính, kế toán viên không còn yêu cầu chứng chỉ cụ thể mà căn cứ vào kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm. Điều này khác với Thông tư số 77/2019/TT-BTC, theo đó các ngạch kế toán viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.  Riêng ngạch kế toán viên trung cấp không yêu cầu về năng lực ngoại ngữ, tiếng dân tộc mà chỉ yêu cầu sử dụng thành thạo các thiết bị văn phòng và các trang thiết bị khác phục vụ yêu cầu nhiệm vụ.

Thông tư số 29/2022/TT-BTC cũng quy định một số trường hợp phải cung cấp chứng chỉ ngoại ngữ để xác định khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn ngạch, đó là trường hợp tuyển dụng, kiểm tra, sát hạch tiếp nhận vào công chức, xét nâng ngạch công chức mà quy định không tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ, tin học; chuyển xếp ngạch từ các ngạch hành chính, chuyên ngành khác vào ngạch kế toán khi thay đổi vị trí việc làm nếu tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học của ngạch đang giữ thấp hơn ngạch dự kiến chuyển.

  • Thứ hai, về chứng chỉ bồi dưỡng ngạch theo tiêu chuẩn đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán

So sánh Thông tư số 77/2019/TT-BTC và Thông tư số 29/2022/TT-BTC, có sự thay đổi về tên chương trình chứng chỉ bồi dưỡng ngạch công chức chuyên ngành kế toán như sau:

- Đối với ngạch kế toán viên cao cấp, kế toán viên chính và kế toán viên, Thông tư số 29/2022/TT-BTC yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch tương ứng, có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính (đối với ngạch cao cấp và chính), trong khi Thông tư số 77/2019/TT-BTC yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng ngạch theo tên ngạch.

- Đối với ngạch kế toán viên trung cấp, Thông tư số 29/2022/TT-BTC không quy định về tiêu chuẩn chứng chỉ bồi dưỡng ngạch, còn Thông tư số 77/2019/TT-BTC yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng ngạch kế toán viên trung cấp.

Vì vậy, có thể thấy Thông tư số 29/2022/TT-BTC linh hoạt hơn Thông tư số 77/2019/TT-BTC vì cho phép sử dụng chứng chỉ tương đương để bổ nhiệm vào ngạch công chức chuyên ngành kế toán. Tuy nhiên, Thông tư mới cũng quy định rằng công chức chuyên ngành kế toán có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch trước  ngày 30/6/2022 thì sẽ không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tương ứng.

  • Thứ ba, về tiêu chuẩn lý luận chính trị đối với ngạch kế toán viên cao cấp

Theo Thông tư số 29/2022/TT-BTC, ngạch kế toán viên cao cấp không còn yêu cầu bằng cử nhân chính trị, mà chỉ cần có bằng hoặc giấy xác nhận trình độ cao cấp lý luận chính trị hoặc chính trị - hành chính.

Ngoài ra, Thông tư này cũng công nhận tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn của ngạch kế toán cho công chức đã được bổ nhiệm trước khi Thông tư có hiệu lực.

  • Thứ tư, về thời gian giữ ngạch, điều kiện để dự thi nâng ngạch công chức chuyên ngành kế toán

Theo Thông tư số 29/2022/TT-BTC, để dự thi nâng ngạch kế toán viên cao cấp, kế toán viên chính và kế toán viên, người dự thi phải có thời gian giữ ngạch tương ứng từ 03 năm đến 09 năm trở lên, tùy theo ngạch hiện tại và ngạch muốn nâng. Ngoài ra, người dự thi còn phải có ít nhất 01 năm (12 tháng) liên tục giữ ngạch hiện tại tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ (cụ thể được quy định tại điểm a khoản 5 Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư này).

  • Thứ năm, về quy định chuyển xếp lương

Theo Thông tư số 29/2022/TT-BTC, công chức kế toán có thể chuyển xếp lương vào ngạch công chức chuyên ngành kế toán (mới) theo quy trình được hướng dẫn ở khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV. Nếu công chức chưa đáp ứng được các yêu cầu về trình độ đào tạo và điều kiện khác của ngạch mới, họ sẽ được giữ nguyên ngạch hiện tại trong vòng 05 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Trong khoảng thời gian này, công chức phải nâng cao trình độ đào tạo để phù hợp với ngạch mới. Khi đã đủ điều kiện, cơ quan quản lý hoặc sử dụng công chức sẽ thực hiện việc chuyển xếp lương cho họ theo quy trình đã nêu. Nếu sau 05 năm mà công chức vẫn không hoàn thành các yêu cầu của ngạch mới, họ sẽ bị tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật (Điều 25).

So với Thông tư số 77/2019/TT-BTC, Thông tư số 29/2022/TT-BTC có những điểm khác biệt như sau: mở rộng đối tượng xếp lương khi chưa đủ điều kiện (Thông tư số 77 chỉ áp dụng cho ngạch kế toán viên trung cấp), rút ngắn thời hạn xếp lương và hoàn thiện điều kiện (Thông tư số 77/2019/TT-BTC quy định là 6 năm), bỏ quy định xem xét bố trí lại công việc và thay bằng quy định tinh giản biên chế nếu không hoàn thiện điều kiện.

Ngoài ra, Thông tư số 29/2022/TT-BTC cũng bãi bỏ Thông tư số 77/2019/TT-BTC, cùng với các quy định về việc chuyển ngạch mới cho kế toán viên cao đẳng: Cơ quan quản lý công chức phải lập đề án và tổ chức thi nâng ngạch từ ngạch kế toán viên cao đẳng lên ngạch kế toán viên cho những trường hợp đủ các tiêu chuẩn của ngạch kế toán viên ngoại trừ yêu cầu về thời gian giữ ngạch. Những công chức đang giữ ngạch kế toán viên cao đẳng sẽ được xếp vào ngạch kế toán viên trung cấp và tiếp tục hưởng lương theo ngạch cũ (công chức loại A0) cho đến khi được xếp ngạch mới (nâng ngạch Kế toán viên) (khoản 2 Điều 24). Vì thế, cơ quan quản lý công chức cần gấp rút rà soát và thực hiện việc chuyển ngạch cho công chức đang giữ ngạch kế toán viên cao đẳng trước ngày 18/7/2022.

  • Thứ sáu, về xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành kế toán

Các ngạch công chức chuyên ngành kế toán được quy định tại Thông tư số 29/2022/TT-BTC được áp dụng Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và được sửa đổi tại Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19/02/2013 của Chính phủ như sau:

- Ngạch kế toán viên cao cấp (mã số 06.029) được áp dụng hệ số lương công chức loại A3, nhóm 2 (A3.2), từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55.

- Ngạch kế toán viên chính (mã số 06.030) được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến 6,38.

- Ngạch kế toán viên (mã số 06.031) được áp dụng hệ số lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

- Ngạch kế toán viên trung cấp (mã số 06.032) được áp dụng hệ số lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.

Việc chuyển xếp lương đối với công chức sang ngạch công chức chuyên ngành (mới) được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đã tin tưởng và đồng hành cùng Công ty Luật Minh Khuê. Chúng tôi luôn sẵn lòng cung cấp cho quý vị những dịch vụ pháp lý chất lượng và chuyên nghiệp. Nếu quý vị có bất kỳ thắc mắc hay vấn đề pháp lý nào, xin đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi.

Chúng tôi có đội ngũ tư vấn viên nhiệt tình và giàu kinh nghiệm, luôn sẵn sàng tiếp nhận và giải đáp mọi yêu cầu của quý vị 24/7. Quý vị có thể gọi điện thoại cho chúng tôi qua số hotline 1900.6162. Chúng tôi sẽ phản hồi nhanh nhất có thể và đưa ra những giải pháp phù hợp nhất cho quý vị.

Chúng tôi luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến của quý vị để nâng cao chất lượng dịch vụ của mình. Sự hài lòng và sự ủng hộ của quý vị là động lực để chúng tôi không ngừng hoàn thiện và phục vụ quý vị tốt hơn.