1. Quy định chung về trang phục của luật sư khi tham gia phiên tòa

Trang phục của luật sư khi tham gia phiên tòa cũng như việc lên tòa không phải là vấn đề mới ở Việt Nam và nó là một quy định theo chuẩn bắt buộc đối với nhiều quốc gia trên thế giới nhằm tạo sự tôn nghiêm trước pháp luật của người thực thi cũng như người bảo vệ công ty. Luật sư tại nhiều quốc gia được xem là "thành lũy cuối cùng của công lý" vậy quy định này được quy định và thực thi thế nào tại Việt Nam.Quy định  về luật sư mặc trang phục thống nhất khi tham gia phiên tòa được ban hành khá sớm bởi liên đoàn luật sư việt Nam với Nghị quyết số 12/NQ-HĐLSTQ về trang phục luật sư khi tham gia phiên tòa và Công văn số 227/LĐLSVN ban hành ngày 25 tháng 10 năm 2011. Cụ thể với nội dung :

Kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2011, các luật sư bắt buộc phải mặc trang phục thống nhất khi tham gia phiên tòa theo mẫu sau: Áo veston và quần âu màu đen, áo sơ mi màu trắng do Đoàn luật sư may tập trung hoặc các luật sư tự may theo quy định của Liên đoàn; cà vạt màu xám lông chuột do Liên đoàn may thống nhất; huy hiệu có hình biểu tượng logo của Liên đoàn đeo trên ngực trái áo trang phục; trang phục thống nhất nêu trên áp dụng cho cả luật sư nam và luật sư nữ; mùa đông mặc đủ bộ trang phục, mùa hè có thể không mặc áo veston (xin gửi kèm theo bản photo mẫu huy hiệu và mẫu cà vạt của Liên đoàn).

Để đảm bảo việc các luật sư chấp hành nghiêm chỉnh quy định về trang phục thống nhất khi tham gia phiên tòa, Liên đoàn luật sư Việt Nam trân trọng đề nghị Quý Tòa chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp nhắc nhở, giám sát các luật sư; chỉ chấp nhận các luật sư tham gia phiên tòa khi luật sư có mang trang phục thống nhất theo quy định của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

2. Mẫu trang phục của luật sư khi tham gia phiên tòa

Theo nội dung chỉ đạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Nghị quyết 12/NQ-HĐLSTQ và được hướng dẫn bở Công văn 227/LĐLSVN thì từ ngày 01/01/2011, trang phục của Luật sư thi tham gia phiên Tòa được quy định như sau:

- Áo veston và quần âu màu đen, áo sơ mi màu trắng do Đoàn luật sư may tập trung hoặc các luật sư tự may theo quy định của Liên đoàn;

- Cà vạt màu xám lông chuột do Liên đoàn may thống nhất;

- Huy hiệu có hình biểu tượng logo của Liên đoàn đeo trên ngực trái áo trang phục;

- Trang phục thống nhất nêu trên áp dụng cho cả luật sư nam và luật sư nữ;

- Mùa đông mặc đủ bộ trang phục, mùa hè có thể không mặc áo veston.

 

Tuy nhiên, Chúng ta thấy rằng đôi khi quy định này chưa có tính bắt buộc thực hiện đối với đội ngũ luật sư Việt Nam và vì nhiều nguyên nhân khác nhau đôi khi nhiều luật sư không tự nguyện thực hiện. Không khó để bắt gặp nhiều luật sư đến toà án cũng không tuân thủ quy định này (bởi lẽ, khi tham gia tố tụng có nhiều khâu còn quy định này chỉ áp dụng đối với luật sư khi tham gia phiên toà thì được hiểu là mới áp dụng). Luật sư tham gia rất nhiều khâu tron quá trình tố tụng chứ không chỉ là khi tham gia phiên tòa mới áp dụng. 

Đồng thời sức nặng của quy định này cũng thể hiện trong việc "Liên đoàn luật sư Việt Nam trân trọng đề nghị Quý Tòa chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp nhắc nhở, giám sát các luật sư; chỉ chấp nhận các luật sư tham gia phiên tòa khi luật sư có mang trang phục thống nhất theo quy định của Liên đoàn luật sư Việt Nam."

Thiết nghĩ việc tôn trọng mặc đồng phục của luật sư là sự tôn trọng với nghề luật sư và là điều hết sức cần thiết nhưng việc triển khai thực hiện nó còn nhiều khó khăn, bất cập. Liên đoàn luật sư Việt Nam cần có hướng dẫn trực tiếp thay vì nhờ người hác "chỉ đạo" tôi nghĩ các luật sư của Chúng ta sẵn sàng thực hiện quy định này nhưng đôi khi họ không biết phải mua "cà vạt" và "huy hiệu" của luật sư ở đâu ? và nhiều luật sư cũng không rõ việc được phát miễn phí cà vạt hay huy hiệu ?. Và trên hết cần có một cơ chế để gắn kết hoạt động của luật sư với đoàn luật sư và liên đoàn luật sư Việt Nam.

Đồng phục phù hợp khí hậu

Trước đây, tại phiên họp lần thứ IX diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 11 ngày 7-3-2011, nội dung là đồng ý với tờ trình của Ban Thường vụ Liên đoàn về trang phục chung, thống nhất dành cho giới luật sư khi tham gia phiên tòa kể từ ngày 10-10.

Mối quan tâm lớn nhất của giới luật sư là trang phục chung, thống nhất phải phù hợp với thời tiết, khí hậu của từng vùng miền và của cả năm. Khí hậu ở các tỉnh miền Bắc có mùa đông rất lạnh, trong khi miền Nam quanh năm nóng và có độ ẩm cao. Do vậy, trang phục chung của luật sư phải đảm bảo được là mặc ấm vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè.

Theo mẫu chung của Liên đoàn Luật sư, trang phục cho luật sư nam và nữ đều cùng veston đen, áo sơ mi trắng do các luật sư tự may theo mẫu của Liên đoàn. Cà vạt màu xám lông chuột do Liên đoàn thống nhất may. Trên ngực trái của trang phục luật sư đeo huy hiệu có hình logo của Liên đoàn. Mùa đông, các luật sư phải mặc đủ cả bộ trang phục trên, còn mùa hè có thể không phải mặc áo veston.

3. Trang phục xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân

Quyết định số 210/QĐ-TANDTC về kiểu dáng, chất liệu, họa tiết trang phục xét xử của thẩm phán toà án nhân dân

Điều 1. Trang phục xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân là áo choàng dài tay màu đen có kiểu dáng, chất liệu, họa tiết cụ thể như sau:

1. Kiểu dáng: Chiều dài áo tương ứng tỷ lệ 75% dài gáy gót. Áo được thiết kế hai thân trước một thân sau. Thân trước áo mỗi bên có xếp hai ly lật về phía sườn. Thân sau áo có xếp ba ly, một ly ở giữa áo, hai ly còn lại chia đều sang hai bên, lật về phía nách. Trên vai lót có thêm đáp đô ở phần cổ sau, bên trong bằng vải chính, chiều cao 9 cm, chiều rộng theo vòng cổ. Áo đóng mở bằng dây kéo khóa nhựa có màu như màu nẹp áo.

Bác tay hình cong, chiều cao 15 cm, bên trong có lót đến cửa tay. Cầu vai hình cánh dơi, chiều cao 16 cm.

Nẹp áo hai bên hình cong có độ rộng 8 cm, nẹp áo ngoài rộng 8 cm, nẹp lót trong rộng 5 cm. Đầu tay hai bên có xếp 8 ly nhỏ, 4 ly lật về phía trước, 4 ly lật về phía sau.

Áo có ken vai làm bằng ken bông ép.

2. Chất liệu: Chất liệu là loại vải tốt, sử dụng phù hợp với thời tiết, khí hậu các vùng miền khác nhau.

3. Họa tiết: Áo màu đen phối nẹp, bác tay và cầu vai tương ứng với từng ngạch Thẩm phán, cụ thể như sau:

a. Áo choàng xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Nẹp áo, bác tay và cầu vai màu đỏ có họa tiết hình kỷ hà, viền lé màu vàng.

b. Áo choàng xét xử của Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp: Nẹp áo, bác tay và cầu vai màu đỏ boóc đô, có họa tiết hình kỷ hà, viền lé màu vàng đồng.

4. Kiểu dáng, họa tiết trang phục áo choàng xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân được minh họa cụ thể tại các phụ lục ảnh ban hành kèm theo Quyết định này.

4. Những nguyên tắc về trang phục của ngành tòa án

Nữ nhân viên ngành tòa án không phải mặc trang phục ngành khi mang thai từ tháng thứ ba đến khi sinh con, hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Tòa án nhân dân Tối cao vừa ban hành Quyết định 1738 có hiệu lực từ 23/11 về Quy chế cấp phát, sử dụng và quản lý trang phục trong ngành Tòa án.

Trang phục của ngành tòa án gồm: Trang phục làm việc hàng ngày; trang phục xét xử; lễ phục.

Việc sử dụng trang phục hàng ngày được quy định như sau:

- Trang phục xuân - hè: Quần âu màu tím than, áo sơ mi trắng dài tay để trong quần, phù hiệu, biển tên ở ngực áo bên trái.

- Trang phục thu - đông: Bộ comple màu tím than, áo sơ mi trắng dài tay để trong quần, phù hiệu, biển tên ở ngực áo bên trái.

Trang phục xét xử: Áo choàng dài tay màu đen theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Lễ phục gồm: Nam giới là bộ comple tím than, nữ giới là bộ áo dài truyền thống.

Trang phục đối với thẩm phán, cán bộ, nhân viên, Hội thẩm quân nhân của Tòa án quân sự các cấp được thực hiện theo quy định về trang phục đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quy định thời gian sử dụng trang phục làm việc

- Mùa hè sử dụng trang phục xuân - hè; mùa đông sử dụng trang phục thu - đông.

- Thẩm phán TAND các tỉnh phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra), sử dụng trang phục xuân - hè từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/10 hàng năm; trang phục thu đông từ ngày 1/11 năm trước đến ngày 31/3 năm sau.

- Thẩm phán TAND các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào, trừ Lâm Đồng) sử dụng trang phục xuân - hè.

- Trong thời gian giao mùa thời tiết thay đổi thường xuyên, việc sử dụng trang phục do Chánh án Tòa án quyết định.

Những trường hợp không bắt buộc sử dụng đúng trang phục

- Do yêu cầu công tác, tiếp khách, hội thảo quốc tế hoặc tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

- Nữ nhân viên trong thời gian mang thai từ tháng thứ ba đến khi sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định phải sử dụng trang phục.

5. Niên hạn sử dụng trang phục của Thẩm phán và  Hội thẩm nhân dân :

1. Niên hạn sử dụng trang phục của Thẩm phán

a) Lễ phục: năm năm một bộ;

b) Trang phục xét xử: theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 của Nghị quyết này;

c) Trang phục thu - đông: hai năm một bộ, lần đầu cấp hai bộ.

Đối với Thẩm phán các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào phía Nam (trừ tỉnh Lâm Đồng) được cấp trang phục thu - đông bốn năm một bộ;

d) Trang phục xuân - hè: một năm một bộ; lần đầu cấp hai bộ.

Đối với Thẩm phán các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào phía Nam (trừ tỉnh Lâm Đồng) được cấp trang phục xuân - hè một năm hai bộ, lần đầu cấp hai bộ;

đ) Áo khoác chống rét: năm năm một chiếc;

e) Áo sơ mi dài tay: một năm hai chiếc, lần đầu cấp hai chiếc;

g) Thắt lưng: hai năm một chiếc;

h) Giầy da: hai năm một đôi, lần đầu cấp hai đôi;

i) Bít tất: một năm hai đôi;

k) Cà vạt: năm năm hai chiếc;

l) Cặp đựng tài liệu: ba năm một chiếc.

2. Niên hạn sử dụng trang phục của Hội thẩm nhân dân:

a) Trang phục thu - đông: năm năm một bộ;

b) Trang phục xuân - hè: năm năm hai bộ; lần đầu cấp hai bộ.

c) Áo sơ mi dài tay: năm năm hai chiếc, lần đầu cấp hai chiếc;

d) Thắt lưng: năm năm hai chiếc;

đ) Giầy da: năm năm hai đôi, lần đầu cấp hai đôi;

e) Bít tất: một năm hai đôi;

g) Cà vạt: năm năm hai chiếc;

h) Cặp đựng tài liệu: năm năm một chiếc.

Trân trọng./.

Luật sư : Lê Minh Trường - Giám đốc điều hành Công ty luật Minh Khuê