1. Thế nào là hợp đồng vận chuyển hành khách?

Trong đời sống văn minh hiện đại, con người luôn có nhu cầu dịch chuyển bản thân từ địa điểm này tới địa điểm khác nhằm phục vụ lợi ích của mình. Đây chính là cơ sở kinh tế ra đời các thỏa thuận vận chuyển giữa các chủ thể, một bên là người có điều kiện vận chuyển và một bên là người có nhu cầu vận chuyển. Các thỏa thuận và thực hiện thỏa thuận này ngày càng trở nên phổ biến là cơ sở để nhà làm luật ghi nhận hợp đồng vận chuyển hành khách là một trong các hợp đồng dân sự thông dụng. Theo quy định tại Điều 522 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 522. Hợp đồng vận chuyển hành khách

Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.

Như vậy, hợp đồng vận chuyển hành khách phải bao gồm các yếu tố:

- Là sự thỏa thuận giữa bên vận chuyển với hành khách: Bên vận chuyển có thể là cá nhân hoặc pháp nhân được phép kinh doanh dịch vụ vận chuyển. Việc vận chuyển phải được thực hiện theo đúng nội dung đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hành khách là các cá nhân có nhu cầu được chuyên chở từ địa điểm này đến địa điểm khác. Bên vận chuyển và hành khách phải thống nhất ý chí các nội dung liên quan đến việc vận chuyển và tiến hành giao kết hợp đồng. Thời điểm hợp đồng vận chuyển được giao kết là thời điểm hợp đồng chính thức được xác lập, là cơ sở hình thành nên quan hệ pháp luật về việc vận chuyển.

- Bên vận chuyển phải chuyên chở hành khách đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và hành khách phải thanh toán tiền cước phí: Sự thỏa thuận của bên vận chuyển với hành khách nhằm hướng đến mục tiêu, bên vận chuyển tiến hành chuyên chở hành khách từ địa điểm này tới địa điểm khác theo yêu cầu của hành khách. Trong nhiều trường hợp, hành khách yêu cầu cả về lộ trình di chuyển giữa các địa điểm. Tuy nhiên, cũng trong một số trường hợp, hành khách phải tuân thủ theo lộ trình của bên vận chuyển như vận chuyển hàng không, đường thủy...

Như vậy, một thỏa thuận chỉ trở thành hợp đồng vận chuyển khi nó có sự thống nhất ý chí giữa bên vận chuyển với hành khách làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các chủ thể này.

2. Các loại hình vận chuyển hành khách

Việc vận chuyển hành khách có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như bằng đường bộ, đường sắt, đường hàng không... Tương ứng với những loại hình vận chuyển cụ thể thì pháp luật có những quy định cụ thể đặt ra cho bên vận chuyển.

Ví dụ: Điều 13 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô:

Điều 13. Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô

1. Điều kiện đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách

a) Phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã;

b) Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có sức chứa từ 09 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) và có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống;

c) Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt có niên hạn sử dụng không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất);

d) Xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất); không sử dụng xe cải tạo từ xe có sức chứa từ 09 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe) hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;

đ) Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất). Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống.

Riêng xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách du lịch và xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) sử dụng hợp đồng điện tử có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).

2. Trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:

a) Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;

b) Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.

3. Hình thức của hợp đồng vận chuyển hành khách

Hình thức của hợp đồng vận chuyển là sự biểu hiện ra bên ngoài nội dung thỏa thuận giữa bên vận chuyển với hành khách. Theo quy định của Điều 523 Bộ luật dân sự năm 2015 thì pháp luật ghi nhận các vấn đề về hình thức hợp đồng vận chuyển hành khách như sau:

Điều 523. Hình thức hợp đồng vận chuyển hành khách

1. Hợp đồng vận chuyển hành khách có thể được lập thành văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

2. Vé là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa các bên.

Pháp luật ghi nhận hình thức hợp đồng vận chuyển có thể tuân thủ theo ba hình thức: văn bản, lời nói hoặc xác lập bằng hành vi cụ thể.

+ Hình thức văn bản là việc bên vận chuyển và hành khách ký kết hợp đồng trên giấy và sử dụng chữ viết. Ngoài ra, giao kết dưới hình thức điện tử cũng được coi là hình thức văn bản.

+ Hình thức bằng lời nói là việc thỏa thuận bằng miệng giữa hai bên.

+ Hình thức bằng hành vi là thông qua hành vi của chính hành khách thể hiện việc xác lập hợp đồng vận chuyển như việc một số quốc gia, hành khách chỉ cần quẹt thẻ lên tàu điện ngầm.

Việc bổ sung hình thức hợp đồng vận chuyển bằng hành vi đã khắc phục được hạn chế tại Điều 528 Bộ luật dân sự năm trước đây khi chỉ thừa nhận hai hình thức của hợp đồng vận chuyển là bằng văn bản và bằng lời nói.

Vé là bằng chứng giao kết hợp đồng vận chuyển: Đối với các hãng vận chuyển, khi xác lập hợp đồng vận chuyển, bên vận chuyển thường giao cho hành khách vé. Trên vé chứa đựng các thông tin như thời gian xuất phát, địa điểm xuất phát và địa điểm đến, giá vé... Tuy nhiên, vé không phải là một hợp đồng vận chuyển mà chỉ là bằng chứng cho việc giao kết hợp đồng. Việc quy định này của pháp luật là hoàn toàn phù hợp. Trong một số trường họp, khi hành khách không có vé hoặc đánh mất vé không đồng nghĩa là giữa bên vận chuyển và hành khách không tồn tại hợp đồng. Hình thức vé có thể khác nhau tùy từng loại hình vận chuyển, như vé giấy, vé điện tử, vé có ghi danh...

4. Bên vận chuyển được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng vận chuyển khi nào?

Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách là việc một trong hai bên trong hợp đồng vận chuyển quyết định chấm dứt việc tiếp tục thực hiện hợp đồng. Quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách được quy định tại Điều 529 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 529. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách

1. Bên vận chuyển có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 525 của Bộ luật này.

...

Điều 525. Quyền của bên vận chuyển

...

2. Từ chối chuyên chở hành khách trong trường hợp sau đây:

a) Hành khách không chấp hành quy định của bên vận chuyển hoặc có hành vi làm mất trật tự công cộng, cản trở công việc của bên vận chuyển, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác hoặc có hành vi khác không bảo đảm an toàn trong hành trình; trong trường hợp này, hành khách không được trả lại cước phí vận chuyển và phải chịu phạt vi phạm, nếu điều lệ vận chuyển có quy định;

b) Do tình trạng sức khỏe của hành khách mà bên vận chuyển thấy rõ rằng việc vận chuyển sẽ gây nguy hiểm cho chính hành khách đó hoặc người khác trong hành trình;

c) Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Như vậy, bên vận chuyển có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách trong các trường hợp:

- Hành khách không chấp hành quy định của bên vận chuyển.

- Hành khách có hành vi làm mất trật tự công cộng.

- Hành khách có hành vi cản trở công việc của bên vận chuyển.

- Hành khách có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

- Hành khách có hành vi khác không đảm bảo an toàn trong hành trình.

Đây là các hành vi mà bên hành khách có lỗi.

5. Quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng của hành khách

Theo khoản 2 Điều 529 Bộ luật dân sự 2015:

Hành khách có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trong trường hợp bên vận chuyển vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 524 của Bộ luật này.

Điều 524. Nghĩa vụ của bên vận chuyển

1. Chuyên chở hành khách từ địa điểm xuất phát đến đúng địa điểm, đến đúng giờ, bằng phương tiện đã thỏa thuận một cách an toàn, theo lộ trình; bảo đảm đủ chỗ cho hành khách và không chuyên chở vượt quá trọng tải.

...

3. Bảo đảm thời gian xuất phát đã được thông báo hoặc theo thỏa thuận.

4. Chuyên chở hành lý và trả lại cho hành khách hoặc người có quyền nhận hành lý tại địa điểm thỏa thuận theo đúng thời gian, lộ trình.

...

Như vậy, Hành khách có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng vận chuyển trong các trường hợp:

- Bên vận chuyển vi phạm nghĩa vụ chuyên chở hành khách từ địa điểm xuất phát đến đúng địa điểm, đến đúng giờ, bằng phương tiện đã thỏa thuận một cách an toàn, theo lộ trình; bảo đảm đủ chỗ cho hành khách và không chuyên chở vượt quá trọng tải.

- Bên vận chuyển không bảo đảm thời gian xuất phát đã được thông báo hoặc theo thỏa thuận.

- Bên vận chuyển không chuyên chở hành lý và trả lại cho hành khách hoặc người có quyền nhận hành lý tại địa điểm thỏa thuận theo đúng thời gian, lộ trình.

==> Các trường hợp bên vận chuyển vi phạm nghĩa vụ của mình thì hành khách có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Đây là các trường hợp bên vận chuyển vi phạm nghĩa vụ quan trọng mà pháp luật quy định cho mình.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Trân trọng./.