1. Điều kiện cho việc xây dựng chế định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp

Là nội dung cơ bản cấu thành nên địa vị pháp lý của doanh nghiệp, chế định quyền và nghĩa vụ chịu ảnh hưởng từ trình độ phát triển thị trường và nhận thức pháp lý về vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế. Với đặc trưng của nền kinh tế chuyển đổi, trong giai đoạn đầu của thị trường Việt Nam, chế định này được xây dựng từ quan niệm về vai trò của từng thành phần kinh tế đối với sự phát triển của thị trường. Vì thế, địa vị pháp lý của các doanh nghiệp thuộc những thành phần kinh tế khác nhau được quy định trong những văn bản pháp luật khác nhau với giới hạn quyền và nghĩa vụ khác nhau. Chế định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 (LDN 2005) được hình thành từ những điều kiện sau:

Thứ nhất, các bộ phận trong cấu trúc của thị trường Việt Nam đã cơ bản được hình thành với diện mạo ổn định và chuyển sang giai đoạn phát triển. Chúng ta không còn loay hoay trong giai đoạn xây dựng các thiết chế của thị trường, mà đã chuyển qua thời kỳ hoàn thiện chúng để phát triển thị trường lành mạnh. Mặt khác, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế một cách toàn diện mở ra nhiều triển vọng cho sự phát triển, song cũng đặt ra nhiều vấn đề cả về nhận thức lẫn thực tiễn đòi hỏi phải giải quyết. Trong đó, chúng ta phải công nhận và tôn trọng các nguyên tắc, nguyên lý căn bản đã được thị trường khu vực và thế giới sử dụng. Pháp luật được xem là đại lượng bảo đảm sự cân bằng, lành mạnh, bình đẳng của thị trường. Do đó, những thái độ đối xử phân biệt làm ảnh hưởng đến sự bình đẳng của các doanh nghiệp thuộc những thành phần kinh tế khác nhau không được chấp nhận.

>> Luật sư tư vấn pháp lao động trực tuyến qua điện thoại gọi:  1900.6162

Thứ hai, có sự thay đổi trong quan niệm về quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc sởhữu nhà nước. Mặc dù vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước được thừa nhận trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc trong thời kỳ đổi mới, song, quan niệm về bảo hộ của công quyền để duy trì vai trò nói trên đã có sự thay đổi. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế quốc doanh được coi là con đẻ của công quyền, nên có một cơ quan chủ quản vừa là đại diện chủ sở hữu nhà nước, vừa có vai trò quản lý hành chính – kinh tế đối với sinh hoạt thị trường. Và vì thế, các doanh nghiệp nhà nước có được địa vị pháp lý đặc biệt trong quan hệ cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc những thành phần kinh tế khác. Cho nên, vai trò chủ đạo đôi khi là nguyên cớ để hình thành nên thói quen bảo hộ của nhà nước và tâm lý ỷ lại của doanh nghiệp. Trong điều kiện mới, đòi hỏi phải tách bạch chức năng quản lý kinh tế với vai trò sở hữu của nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm nguyên tắc về bình đẳng trên thị trường. Khi đó, có hai vấn đề luôn được quan tâm là: (i) Chấm dứt sự chia cắt pháp luật về doanh nghiệp, nhà nước với vai trò là nhà đầu tư của doanh nghiệp nhà nước sẽ phải lựa chọn các hình thức kinh doanh như các thành phần kinh tế khác tham gia thị trường; (ii) Nội dung của chế định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp là như nhau giữa các thành phần kinh tế để làm cơ sở cho thị trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Thứ ba, đã có sự thay đổi trong nhận thức pháp lý về bản chất và nhiệm vụ của doanh nghiệp trên thị trường. Khoản 1, Điều 4 LDN 2005 quy định “doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh”. Từ góc độ tổ chức, doanh nghiệp được coi là đơn vị của thị trường với chức năng kinh doanh. Trong đó, “kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Tuy nhiên, quan điểm về chức năng kinh doanh của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng là nhất quán trong pháp luật. Đã có thời kỳ, trên thị trường có tồn tại một loại hình doanh nghiệp với chức năng, nhiệm vụ chính là thực hiện hoạt động công ích được Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 gọi là doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích. Điều này dẫn đến các hậu quả sau: (i) Trên thị trường hình thành nhóm doanh nghiệp độc quyền trong sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích. Từ tư duy cho rằng, hoạt động công ích có mục đích phục vụ xã hội và ít có khả năng sinh lợi nhuận, nên pháp luật đã tạo cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này địa vị pháp lý đặc thù bằng những quyền, nghĩa vụ nặng về bao cấp, bảo trợ từ nhà nước; (ii) Chế định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong giai đoạn đó không chỉ bị chia cắt bởi thành phần kinh tế mà còn từ chức năng như đã đề cập, làm cho môi trường kinh doanh không được bảo đảm bình đẳng. Sự bao bọc của nhà nước đối với các doanh nghiệp hoạt động công ích không chỉ làm cho chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ công ích chậm cải tiến mà đôi khi còn được sử dụng làm bình phong cho các hoạt động kinh doanh núp bóng công ích của các doanh nghiệp này. Sự thay đổi trong nhận thức về chức năng kinh doanh của doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để LDN 2005 thống nhất chế định quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Về căn bản, các doanh nghiệp được thành lập đều có chức năng kinh doanh cho dù chủ đầu tư là nhà nước, tư nhân hay nước ngoài, nên pháp luật trao cho chúng các quyền, nghĩa vụ giống nhau. Chỉ khi doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thì sẽ được hưởng những quyền dành cho hoạt động nói trên.

Thứ tư, quan niệm về quyền tự do kinh doanh và giới hạn quản lý của nhà nước đối với sinh hoạt thị trường tiếp tục có những bước phát triển mới. Hai mươi năm phát triển thị trường là quá trình nhận thức về một vấn đề có vẻ đối nghịch nhau là quyền tự do kinh doanh và vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của nhà nước. Với mỗi giai đoạn phát triển, chúng ta lại có những thay đổi, phát triển trong việc nhận định lại nội hàm của quyền tự do kinh doanh. Một lẽ đương nhiên là, khi quyền tự do kinh doanh của doanh nhân được mở rộng, pháp luật phải thay đổi cách thức và nội dung của quản lý nhà nước đối với thị trường. Với tư cách là nội dung cơ bản của chính sách và công cụ quản lý kinh tế, pháp luật phải định được giới hạn quản lý nhà nước để không làm tổn hại đến quyền tự do kinh doanh. Trên nền tảng của nguyên tắc không cấm thì được, quyền tự do kinh doanh được bảo đảm bằng một nền hành chính mang tính phục vụ chứ không phải là sự ban phát của cơ chế xin – cho[1]. Tư tưởng này ảnh hưởng đến mọi chế định của pháp luật về doanh nghiệp, đặc biệt là chế định về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Bằng các quy định về quyền và nghĩa vụ, pháp luật trao cho doanh nghiệp chủ quyền riêng biệt trong chức năng kinh doanh mà chủ doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và xác định giới hạn của chủ quyền đó để duy trì trật tự và dung hòa lợi ích của nhiều chủ thể tham gia thị trường.

Thứ năm, quá trình toàn cầu hoá kinh tế đã làm thay đổi khái niệm thị trường theo hướng xoá dần biên giới quốc gia hay vùng kinh tế. Cấu trúc và tương quan cạnh tranh được thay đổi theo hướng mở rộng khả năng liên kết, hợp tác và đối đầu giữa các thế lực kinh tế, đầu tư đa quốc gia, giữa các quốc gia và khu vực với nhau. Trong bối cảnh ấy, nhu cầu về sự tương thích của pháp luật quốc gia với các tập quán đầu tư, kinh doanh đã được thừa nhận rộng rãi trên thị trường khu vực và quốc tế, trở thành những đòi hỏi bức thiết cho việc xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Trên cơ sởquyền tự do kinh doanh và nhu cầu thoát ly tương đối với khả năng chỉ đạo, quản lý từ công quyền, các doanh nhân đòi hỏi pháp luật phải ghi nhận chủ quyền cho họ một cách minh bạch và hợp lý. Trong đó, giá trị pháp lý của các quyền, nghĩa vụ của doanh nhân cần ổn định, chắc chắn và bình đẳng. Chỉ khi đáp ứng trọn vẹn yêu cầu đó, pháp luật mới thực sự là tác nhân nối kết thị trường quốc gia với thị trường khu vực và quốc tế, mới là công cụ hữu hiệu để nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư quốc tế bằng cách tạo niềm tin về trật tự thị trường ổn định, lành mạnh và tương đồng. Khi biên giới của thị trường thay đổi và ít chịu ảnh hưởng từ các yếu tố cấu thành biên giới quốc gia, sự ảnh hưởng của quốc tịch đối với địa vị pháp lý của doanh nghiệp phải giảm dần. Theo đó, những khác biệt căn bản về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp mang quốc tịch và doanh nghiệp không có quốc tịch của một quốc gia nhất định sẽ phải xoá bỏ dần, để tạo ra khả năng cạnh tranh thực sự bình đẳng giữa các doanh nhân đến từ bất cứ khu vực đầu tư nào. Từ quan niệm cạnh tranh là nguyên lý và động lực cho sự phát triển của thị trường, việc gia nhập WTO không chỉ mở ra chương mới cho sự nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, mà còn tạo cơ hội cho chúng ta tìm kiếm động lực và sức bật mới cho nền kinh tế thị trường còn non trẻ. Đương nhiên, trong tiến trình đó, mọi chế định pháp luật của thị trường nói chung, đặc biệt là chế định về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp đóng vai trò to lớn.

2. Thực trạng pháp luật về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp theo LDN 2005

Chủ quyền của doanh nghiệp được xác định từ nhiều chế định khác nhau của pháp luật kinh doanh, song cơ bản vẫn là các quy định về quyền, nghĩa vụ tại Điều 8 và Điều 9 LDN 2005.

2.1. Quyền của doanh nghiệp

Là bộ phận cơ bản cấu thành nên địa vị pháp lý của doanh nghiệp, các quy định về quyền ghi nhận các khả năng hành xử trên thị trường của họ. Từ lý thuyết, khi được thành lập hợp pháp, doanh nghiệp được gọi là tổ chức kinh tế và được pháp luật định hình bởi cấu trúc quản lý, chức năng riêng biệt[2]. Chức năng được xác định bởi các quyền mà pháp luật quy định, từ đó hình thành tư cách chủ thể cho doanh nghiệp trên thị trường. LDN 2005 ghi nhận các quyền của doanh nghiệp tại Điều 8 với những nội dung sau:

(1) Doanh nghiệp được tự chủ trong họat động kinh doanh và phát triển thị trường bằng các quyền cơ bản: Tự chủ kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, đầu tư; chủ động mở rộng quy mô và ngành, nghề kinh doanh; được Nhà nước khuyến khích, ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng; Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.

(2) Trong việc quản lý, điều hành nội bộ, doanh nghiệp được quyền tự quyết nhằm nâng cao khả năng kinh doanh và năng lực cạnh tranh, bao gồm các quyền: Tự chủ quyết định các công việc kinh doanh và quan hệ nội bộ; Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp; Chủ động ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh.

(3) Các doanh nghiệp được quyền họat động trong môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và ổn định. Theo đó, doanh nghiệp có quyền: Từ chối mọi yêu cầu cung cấp các nguồn lực không được pháp luật quy định; Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo uỷ quyền tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

2.2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp

Với tư cách là đơn vị kinh doanh trên thị trường, doanh nghiệp không tồn tại đơn lẻ, địa vị pháp lý của doanh nghiệp luôn được xác định trong mối quan hệ với các chủ thể khác trong sinh hoạt thị trường và đời sống xã hội. Pháp luật phải giải quyết hài hòa, hợp lý về lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường để không ai có thể vì lợi ích của mình xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Dưới góc độ lý thuyết, các nghĩa vụ được coi là trách nhiệm và giới hạn quyền của doanh nghiệp trong những quan hệ giữa họ với nhà nước, với người lao động, các doanh nghiệp khác và người tiêu dùng. Cụ thể là:

(1) Với hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế, các doanh nghiệp có nghĩa vụ hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; Đăng ký mã số thuế, kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh.

Tự do kinh doanh không có nghĩa là tự do vô tổ chức, mà luôn được đặt trong trật tự của thị trường để bảo đảm sự phát triển có định hướng của thị trường với vai trò quản lý của nhà nước. Những nghĩa vụ kể trên có hai ý nghĩa cơ bản: thứ nhất, doanh nghiệp bảo đảm thực hiện đúng cam kết với nhà nước khi đăng ký kinh doanh. Lý thuyết về tự do kinh doanh đã cho doanh nghiệp quyền chủ động lựa chọn ngành nghề và tự kê khai nội dung đăng ký kinh doanh. Với nhà nước, thủ tục đăng ký kinh doanh cung cấp các thông tin cần thiết về thị trường làm cơ sở cho hoạt động quản lý và xây dựng các chính sách phát triển thị trường hiệu quả. Đối với doanh nghiệp, thủ tục đăng ký kinh doanh xác lập tư cách cho doanh nghiệp, đồng thời, nội dung kê khai khi đăng ký còn là những cam kết của doanh nghiệp trước nhà nước. Vì lẽ ấy, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đúng những gì đã cam kết; thứ hai, doanh nghiệp bảo đảm trách nhiệm vật chất đối với hoạt động quản lý của nhà nước và cộng đồng.

(2) Tôn trọng lợi ích của xã hội, các doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ: Bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm; Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá, dịch vụ theo tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố. Trong quan hệ với người lao động, các nghĩa vụ của doanh nghiệp không còn là việc nội bộ của họ mà là trách nhiệm có tính cộng đồng. Mặt khác, các chuẩn mực về lao động như vấn đề vấn đề bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các quy chuẩn chất lượng hàng hóa … luôn phản ánh các chính sách xã hội của quốc gia mà bất cứ nhà nước nào cũng theo đuổi, góp phần khắc phục các khuyết tật của thị trường.

(3) Trách nhiệm minh bạch hóa thông tin. Sự thay đổi trong nhận thức và pháp luật về vai trò quản lý nhà nước theo hướng mở rộng quyền tự chủ của doanh nghiệp đòi hỏi thị trường phải có được cơ chế giám sát xã hội, nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ đe dọa đến trật tự và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác trên thị trường. Một cơ chế giám sát xã hội hiệu quả phải bảo đảm sự minh bạch và trung thực về thông tin cho mọi thành viên tham gia thị trường bao gồm doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng… Vì thế, LDN 2005 quy định các nghĩa vụ cho doanh nghiệp bao gồm: Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán; Thực hiện chế độ thống kê theo quy định của pháp luật về thống kê; định kỳ báo cáo đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp, tình hình tài chính của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo mẫu quy định; khi phát hiện các thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.

2.3. Ý nghĩa và một số đánh giá

Điểm qua các quyền của doanh nghiệp được pháp luật quy định nhằm đưa ra một vài đánh giá sau:

Một là, từ lý thuyết, các quyền và nghĩa vụ được LDN 2005 ghi nhận đã xác lập năng lực pháp luật cho doanh nghiệp. Từ những học thuyết về thực thể nhân tạo (Artificial entity theory) và học thuyết nhượng quyền (concession theory), con người nhận thức được rằng, doanh nghiệp là những chủ thể pháp lý được pháp luật trừu tượng hoá bằng các chế định pháp lý trong đó cơ bản là các quy định về quyền và nghĩa vụ. Cho nên, mọi sự thay đổi của pháp luật về đối tượng áp dụng cũng như nội hàm và số lượng quyền, nghĩa vụ mà doanh nghiệp được thụ hưởng, đều ảnh hưởng nhất định đến chủ quyền của các loại doanh nghiệp, từ đó tác động đến trật tự và quan hệ cạnh tranh trên thị trường cũng như mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Với nhiệm vụ tạo lập khung pháp lý chung về tổ chức doanh nghiệp, LDN 2005 có đối tượng áp dụng bao gồm các loại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Vì thế, sự ghi nhận các quyền, nghĩa vụ nói trên của doanh nghiệp trong pháp luật sẽ áp dụng thống nhất đối với tất cả các chủ thể kinh doanh gọi là doanh nghiệp, cho dù thuộc bất cứ hình thức sở hữu nào để tạo ra một trật tự chung trong cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, trên tinh thần giảm tối đa khả năng can thiệp từ phía công quyền vào hoạt động kinh doanh và quản trị nội bộ của doanh nghiệp, pháp luật có xu hướng mở rộng chủ quyền của doanh nghiệp và xây dựng cơ chế bảo hộ cho chủ quyền đó. Do đó, nội hàm của các quyền được pháp luật mô tả rộng hơn với những ghi nhận thêm các quyền mới cho doanh nhân.

Hai là, bằng việc ghi nhận các quyền và nghĩa vụ cho doanh nghiệp, pháp luật đã xác lập mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà nước mà chúng ta quen gọi là quan hệ về quốc tịch. Trong giới hạn về đối tượng áp dụng, luật doanh nghiệp xây dựng cơ chế đăng ký kinh doanh để xác lập quốc tịch cho doanh nghiệp. Mặc dù không còn tình trạng chia cắt pháp luật về doanh nghiệp theo hình thức sở hữu, song điều đó không có nghĩa là luật doanh nghiệp áp dụng cho cả các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động trên thị trường Việt Nam. Những chế định trong luật doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp được thành lập theo luật doanh nghiệp, tức là những doanh nghiệp có mang quốc tịch Việt Nam thuộc những thành phần kinh tế và hình thức sở hữu khác nhau, kể cả sở hữu có yếu tố vốn nước ngoài. Các doanh nghiệp có quốc tịch nước ngoài khi có các hoạt động kinh doanh mà không thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy định liên quan đến hoạt động của họ như pháp luật thương mại …

Ba là, về kỹ thuật lập pháp, các quyền cơ bản mà pháp luật đã liệt kê có nội hàm rất rộng và khái quát. ở góc độ tích cực, cách tiếp cận này là hợp lý bởi nguyên tắc tự do kinh doanh không cho phép tồn tại khung khổ mang tính chỉ huy theo kiểu của thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, mà đòi hỏi phải có sự giải phóng và tôn trọng các giá trị sáng tạo của doanh nhân. Thế cho nên, nếu pháp luật có những quy định mang tính chỉ bảo cụ thể các quyền của doanh nghiệp, thì những quy định đó sẽ trở thành công cụ để công quyền điều khiển hành vi của doanh nhân. Chế định về quyền trong pháp luật doanh nghiệp chỉ đơn giản là sự ghi nhận, tuyên bố của nhà nước về chủ quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những rủi ro cho số phận của pháp luật bởi sự tuỳ tiện trong cách hiểu về nội dung từng quyền của doanh nghiệp, cả từ phía các cơ quan nhà nước lẫn doanh nhân. Vì thế, nếu có bất kỳ sự xung đột nào trong nhận thức về nội hàm của các quyền, nghĩa vụ nói trên đều phải trông chờ vào sự hướng dẫn từ các văn bản pháp luật khác.

Bốn là, sự ghi nhận về quyền doanh nghiệp trong pháp luật còn là cam kết của nhà nước trước doanh nhân về việc bảo đảm cơ hội kinh doanh và khả năng phát triển trong một môi trường lành mạnh, ổn định. Các quy định của pháp luật về những quyền kể trên sẽ chỉ trở thành hiện thực và có ý nghĩa đối với doanh nghiệp khi được công quyền bảo đảm thực hiện bằng các cơ chế cần thiết và phù hợp. Nếu không, chúng sẽ chỉ là những tuyên ngôn không có giá trị thực tế. Có thể nói rằng, việc xây dựng những cơ chế bảo đảm quyền của doanh nghiệp tại Việt Nam còn bề bộn nhiều vấn đề cần giải quyết cả trong nhận thức quản lý lẫn cơ chế thực hiện trên thực tế. Những tàn dư của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa vẫn ẩn khuất đâu đó trong bộ máy quản lý nhà nước làm cho nền hành chính chưa thực sự mang bản chất phục vụ, vẫn còn dấu hiệu của cơ chế xin cho. Sự nhũng nhiễu của các cán bộ quản lý đối với doanh nghiệp vẫn diễn ra, cho dù doanh nghiệp đã được pháp luật thừa nhận quyền “từ chối mọi yêu cầu cung cấp các nguồn lực không được pháp luật quy định; khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo”. Mặt khác, với vai trò định hướng cho sự phát triển của thị trường, nhà nước còn thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế như chính sách thuế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư… để bảo đảm cho doanh nghiệp thực hiện quyền của mình hiệu quả nhất.

Năm là, cho dù các quyền được quy định khái quát, chung chung và thiếu tính cụ thể, song lại có ý nghĩa rất lớn đến việc hình thành năng lực kinh doanh và xác định chức năng cho doanh nghiệp. Khảo sát nội dung Điều 8 LDN 2005, có thể thấy rằng, nhà nước và pháp luật đã cam kết tôn trọng chủ quyền, sự độc lập và khả năng tự chủ của doanh nghiệp, từ quyền sở hữu, quyền tự chủ kinh doanh đến các quyền liên quan đến quản lý, lao động … Nếu suy diễn theo tư duy này, pháp luật về doanh nghiệp luôn có ý thức đứng về phía doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi một cách tuyệt đối cho họ, cho dù là công cụ để nhà nước quản lý đời sống kinh tế. Ngoài ra, các quyền của doanh nghiệp không chỉ bao gồm những quyền được liệt kê tại Điều 8 LDN 2005, ngược lại, với tư duy mở, hoạt động của doanh nghiệp được điều chỉnh trên nguyên tắc pháp luật không cấm thì được thực hiện.

3. Những yếu tố giới hạn nội dung của quyền của doanh nghiệp

Trong thực tiễn, có nhiều yếu tố làm giới hạn nội hàm của các quyền của doanh nghiệp, bao gồm:

Thứ nhất, cấu trúc và bản chất của luật doanh nghiệp đã có những yếu tố làm rõ hơn nhưng đồng thời lại làm giới hạn quyền của doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp là đạo luật về tổ chức doanh nghiệp bao gồm các quy định về quy trình khai sinh cho một doanh nghiệp; quy định về các loại doanh nghiệp với những đặc thù riêng biệt về cơ cấu tổ chức quản lý, về quan hệ giữa các chủ sở hữu với doanh nghiệp, về chế độ tài chính; quy định về tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp. Vì thế, luật doanh nghiệp đã làm rõ và giới hạn một số quyền liên quan đến tự chủ kinh doanh và quản lý nội bộ của doanh nghiệp. Sự tự quyết về mô hình quản lý doanh nghiệp cũng chỉ được áp dụng triệt để đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân. Đối với các loại doanh nghiệp khác, các chủ sở hữu buộc phải sử dụng các mô hình mà luật đã quy định. Sự lựa chọn của các thành viên, các cổ đông, chủ sở hữu cũng chỉ giới hạn trong những nguyên tắc hoạt động của từng bộ phận trong mộ máy quản trị. Vì thế, sự sáng tạo của doanh nhân về các mô hình quản trị mới theo nhu cầu và khả năng kinh doanh đã bị giới hạn, cho dù là hợp lý hay không.

Một ví dụ khác về quyền lựa chọn ngành nghề kinh doanh: cho dù các doanh nghiệp có được quyền tự do lựa chọn và thay đổi ngành nghề kinh doanh, song lại bị giới hạn bởi trách nhiệm đăng ký ngành nghề kinh doanh và không xâm phạm những khu vực ngành nghề đặc biệt bị cấm kinh doanh. Về vấn đề này, một nội dung cần bàn đến là với nghĩa vụ kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký, doanh nhân đã bị giới hạn quyền kinh doanh. Nói cách khác, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được giới hạn trong phạm vi ngành nghề đã đăng ký. Mọi hoạt động kinh doanh không phù hợp với nội dung đã đăng ký đều bị coi là vi phạm pháp luật. Điều đó cho thấy, nhà nước chưa thừa nhận các hoạt động kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Vì thế, nếu có phát sinh tình huống buộc doanh nghiệp phải tham gia vào các giao dịch không phù hợp với chức năng đã đăng ký, họ đành thực hiện giao dịch thông qua cơ chế ủy thác. Điều này có thể làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Thứ hai, vị trí của pháp luật doanh nghiệp trong hệ thống pháp luật kinh doanh – thương mại ảnh hưởng đến giới hạn của chế định quyền và nghĩa vụ. Với tư cách là đạo luật quy định về các loại chủ thể kinh doanh trên thị trường, luật doanh nghiệp xác lập chủ quyền cho các doanh nghiệp bằng các quy định về thành lập và tổ chức doanh nghiệp. Các hoạt động hay hành vi kinh doanh cụ thể được các lĩnh vực pháp luật khác như Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, pháp luật về giá… điều chỉnh. Vì thế, khi các lĩnh vực pháp luật nói trên xác lập hành lang pháp lý cho hành vi của doanh nghiệp cũng đồng thời làm rõ giới hạn của các quyền năng được luật doanh nghiệp ghi nhận.

Thứ ba, thói quen trong quản lý kinh tế của nhà nước và trong cách hành xử của doanh nhân cũng làm thu hẹp khái niệm về quyền của doanh nghiệp. Dù quyền tự do kinh doanh đã được chi nhận trên dưới hai mươi năm qua, song nội hàm của quyền năng này vẫn chưa thực sự ổn định bởi khái niệm quyền quản lý kinh tế của nhà nước vẫn chưa ổn định. Người ta vẫn bàn luận về nguyên tắc doanh nhân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Thế nhưng, thực tế cho thấy, khi pháp luật không cấm mà cũng không cho phép hoặc chưa quy định về một vấn đề gì đó, thậm chí là chưa làm rõ về một nội dung đã được quy định, thì doanh nhân không dám hành xử, các cơ quan nhà nước có chức năng quản lý cũng không cho phép người kinh doanh thực hiện bất cứ hành vi nào có liên quan. Lúc đó, lĩnh vực hoặc vấn đề nói trên sẽ bị đóng băng trước doanh nhân. Người dân không thể nại vào các quyền được quy định trong luật doanh nghiệp để hành xử. Thái độ sợ trách nhiệm của các cán bộ và cơ quan công quyền dường như đã làm giới hạn chủ quyền của doanh nghiệp.

Vì những lẽ trên, cho dù những quyền của doanh nghiệp được quy định rõ ràng trong luật doanh nghiệp như đã phân tích, song trong thực tiễn, chẳng khi nào doanh nhân hay cơ quan quản lý nhà nước lại vận dụng trực tiếp các điều khoản nói trên để xử lý những vụ việc cụ thể. Tính tuyên ngôn và cam kết đã làm cho quy định của pháp luật chỉ còn là sự liệt kê tên gọi của các quyền, nghĩa vụ mà doanh nghiệp được thụ hưởng. Chúng nghiễm nhiên trở thành những chuẩn mực cho nhận thức pháp lý hơn là căn cứ pháp lý để giải quyết từng vụ việc cụ thể. Tên gọi của từng quyền, nghĩa vụ mang tính khái quát nên thiếu tính cụ thể, dễ tạo ra nhiều cách hiểu khác khau.

4. Kết luận

Chế định quyền và nghĩa vụ là nội dung cơ bản cấu thành địa vị pháp lý cho doanh nghiệp nên có ảnh hưởng lớn đến các chế định còn lại như việc thành lập, tổ chức quản lý nội bộ … của doanh nghiệp. Theo đó, các quyền, nghĩa vụ được luật doanh nghiệp ghi nhận một cách khái quát và có tính nguyên tắc thể hiện mối quan hệ giữa quyền tự do kinh doanh với vai trò quản lý nhà nước và là cơ sởđể giải quyết hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường. Trên cơ sở đó, các chế định khác của luật doanh nghiệp nói riêng và pháp luật kinh doanh nói chung sẽ cụ thể và tôn trọng khi giải quyết các quan hệ mà chúng điều chỉnh. Có thể nói rằng, chế định quyền nghĩa vụ của doanh nghiệp là sản phẩm nhận thức của nhà làm luật về giới hạn của tự do mà doanh nghiệp có thể có. Sự ra đời và tồn tại của chúng là bằng chứng cho từng giai đoạn phát triển của thị trường với những điều kiện nhất định. Các quy định trong luật doanh nghiệp về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp là cơ bản để hình thành chức năng kinh doanh cho doanh nghiệp trên tinh thần tự chủ và trách nhiệm. Pháp luật cần quan tâm phát triển và mở rộng quyền của doanh nghiệp, trong đó, nên nghiên cứu cơ chế mở rộng khả năng kinh doanh không chỉ trong phạm vi ngành nghề đăng ký, mà có thể thừa nhận tính hợp pháp của hoạt động kinh doanh thực tế. Mặt khác, nhà nước cần thiết phải xây dựng và vận hành các cơ chế cần thiết để bảo đảm giá trị thực tế của các quyền của doanh nghiệp mà pháp luật quy định.

——–

[1] Bùi Xuân Hải: Tiếp nhận pháp luật nước ngoài – lý thuyết và thực tiễn trong pháp luật công ty Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số tháng 7 năm 2006, tr 27.

[2] Xem định nghĩa về Tổ chức trong Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, NXB khoa học xã hội, 1994, tr 973.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 101, THÁNG 7 NĂM 2005 - NGUYỄN NGỌC SƠN