Mục lục bài viết
Xin chào công ty luật Minh Khuê. Hiện tôi đang tìm hiểu quy định về phạm tội nhiều lần để phục vụ công việc. Nhưng tôi không rõ căn cứ về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội nhiều lần. Vậy luật sư cho tôi hỏi pháp luật quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội nhiều lần như thế nào? Rất mong sẽ nhận được giải đáp của luật sư. Xin chân thành cảm ơn!
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật hình sự năm 1999
- Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017
- Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP
2. Phạm tội nhiều lần là gì? Quyết định hình phạt là gì?
2.1. Phạm tội nhiều lần là gì?
Phạm tội nhiều lần là phạm tội trong trường hợp hành vi của chủ thể có đầy đủ các dấu hiệu của hai tội phạm trở lên mà những tội ấy được quy định tại cùng một điều hoặc một khoản của điều trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự và bị xét xử cùng một lần.
Ở đây cũng cần chú ý, trong trường hợp phạm từ hai tội trở lên và những tội đó được quy định tại các điều khác nhau của Bộ luật hình sự, thì chỉ có thể tính để xác định là phạm tội nhiều lần khi có điều tương ứng trong Phần các tội phạm được quy định riêng. Chẳng hạn, nếu tại điều đầu tiên trước khi quy định từng cấu thành tội phạm cụ thể trong chương Các tội xâm phạm sở hữu, nhà làm luật quy định là: việc thực hiện từ lần thứ hai trở lên bất kỳ một tội phạm nào được quy định trong Chương này đều có thể bị coi là phạm tội nhiều lần.
Về mô hình lý luận luật hình sự, chúng tôi cho rằng, trong lý luận luật hình sự nước ta, cần ghi nhận về mặt lập pháp định nghĩa pháp lý về khái niệm phạm tội nhiều lần. Việc ghi nhận về mặt lập pháp khái niệm này sẽ là căn cứ pháp lý cho các cơ quan bảo vệ pháp luật đấu tranh có hiệu quả với các trường hợp phạm tội nhiều lần trong tình hình tội phạm hiện nay. Bởi vì, trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy rằng, nếu như Bộ luật hình sự chỉ ghi nhận phạm tội nhiều lần với tính chất là một tình tiết tăng nặng, nhưng lại không quy định rõ ràng nội dung cơ bản của khái niệm phạm tội nhiều lần là gì và không có định nghĩa pháp lý về phạm tội nhiều lần như là sự giải thích chính thức về mặt lập pháp của nhà làm luật, thì giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử sẽ khó có sự thống nhất.
2.2. Quyết định hình phạt là gì?
Quyết định hình phạt là việc Tòa án lựa chọn loại hình phạt phù hợp (bao gồm hình phạt chính và có thể cả hình phạt bổ sung) với mức hình phạt cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự để áp dụng cho người phạm tội.
Quyết định hình phạt đúng pháp luật, công bằng là tiền đề cho việc đạt được mục đích của hình phạt. Tòa án nhân danh Nhà nước áp dụng hình phạt đối với người phạm tội có đạt được mục đích hay không, hiệu quả của hình phạt đạt được ở mức độ cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào việc quyết định hình phạt.
Mục đích của hình phạt chính là kết quả cuối cùng mà Nhà nước mong muốn đạt được khi áp dụng đối với người thực hiện tội phạm.
Điều 31 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.”.
Như vậy, mục đích của hình phạt luôn luôn có hai mặt là trừng trị và giáo dục. Hai mặt này có mối quan hệ hữu cơ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau và là hai mặt của một thể thống nhất, khi quyết định hình phạt, Tòa án không được coi nhẹ mặt nào. Nếu Tòa án coi nhẹ mặt giáo dục, cải tạo, xem hình phạt như là phương tiện chủ yếu để trừng trị người phạm tội, thì sẽ dẫn đến việc quyết định hình phạt quá nặng. Trong trường hợp này, sẽ tạo ra tâm lý cho người phạm tội là họ nhận được một hình phạt không hợp lý, không công bằng, do đó họ luôn luôn mang tư tưởng ức chế, phải chịu một hình phạt không tương xứng với hành vi phạm tội của mình, từ đó họ không tin tưởng vào các cơ quan bảo vệ pháp luật. Và họ không tin rằng khi cố gắng cải tạo thật tốt họ sẽ sớm được trở về với gia đình và cộng đồng. Một hình phạt như vậy không thể tạo ra tiền đề và điều kiện thuận lợi để người phạm tội được cải tạo, giáo dục để hoàn lương trở thành công dân có ích cho xã hội.
Ngược lại, nếu quan trọng hoá việc giáo dục, cải tạo mà coi nhẹ mặt trừng trị. Không thấy hết được hình phạt là công cụ để đấu tranh phòng, chống tội phạm và việc trừng trị bằng hình phạt, là sự phản ứng của Nhà nước đối với tội phạm, thì có thể dẫn đến việc quyết định hình phạt quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến làm nảy sinh ở người phạm tội và những người khác ý thức coi thường pháp luật, không tạo ra sự tin tưởng, đồng tình cần thiết để giáo dục quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Do vậy, quyết định hình phạt là một trong những giai đoạn rất quan trọng, một trong những nội dung của quá trình áp dụng pháp luật hình sự do thẩm phán và hội thẩm nhân dân tiến hành đối với người thực hiện tội phạm theo một trình tự nhất định. Ngoài ra, nó còn là một dạng hoạt động pháp lý tố tụng hình sự, bởi vì để quyết định hình phạt, Tòa án phải dựa vào kết quả của các giai đoạn tố tụng hình sự khác như kết quả hoạt động điều tra, truy tố và kết quả hoạt động của mình ở giai đoạn xét xử để tuyên một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
3. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội nhiều lần
Thời giah trước khi có Bộ luật hình sự năm 1985, việc quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm tội nhiều lần chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của nước ta. Trong Bộ luật hình sự năm 1985, cũng như trong Bộ luật hình sự năm 1999, phạm tội nhiều lần được quy định với ý nghĩa là tình tiết định khung tăng nặng của 45 tội phạm cụ thể và là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (điểm i khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự năm 1985; điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật bình sự năm 1999).
Hiện nay, sau khi Bộ luật hình sự năm 1999 ra đời, vẫn chưa có Thông tư liên ngành hướng dẫn về tình tiết phạm tội nhiều lần nói chung và quyết định hình phạt đối với phạm tội nhiều lần nói riêng. Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, tình tiết phạm tội nhiều lần được áp dụng theo Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP của liên ngành Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Công an). Tại điểm 2.3 khoản 2 mục 1 phần I Thông tư này đã hướng dẫn: tình tiết phạm tội nhiều lần được quy định tại các điều luật tương ứng được hiểu là “bị cáo đã phạm tội ấy từ 2 lần trở lên mà mỗi lần phạm tội đã có đầy đủ các yếu tố của cấu thành tội phạm cơ bản (quy định tại khoản 1) trong điều luật tương ứng, và người phạm tội chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và tội ấy cũng chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, các Tòa án quyết định hình phạt đối với phạm tội nhiều lần với tính chất là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tương đối chính xác; vướng mắc chủ yếu là vấn đề áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần đối với người chưa thành niên phạm tội.
Ví dụ: vào hồi 20 giờ ngày 3-3-2000, Hoàng Hữu Th sinh ngày 3-5-1985, trú quán tại tổ 35 phường YH, quận CG, thành phố HN đang bán hêroin cho Bùi Văn c tại nhà thì bị bắt quả tang. Cơ quan điều tra thu giữ trong người c 1 tép Hêroin. Khám nơi ở của Th, cơ quan điều tra còn thu giữ được 5 tép hêroin có trọng lượng là 0,275 g và 1 ống Pipôliphen loại 50 mg. Toàn bộ số ma túy trên là của Hoàng Hữu H (là bố đẻ của Th) mua về cất giấu ở nhà và sai Th đi bán.
Quá trình điều tra có đủ cơ sở kết luận Hoàng Hữu Th đã hai lần bán Hêroin, mỗi lần bán 1 tép có trọng lượng là 0,022g. Do có hành vi trên, tại bản án hình sự sơ thẩm số 17/HSST ngày 8-1-2001, Tòa án nhân dân thành phố HN đã áp dụng điểm b khoản 2 Điều 194, điểm p khoản 1 Điều 46, các điều 46, 47, 68, 69 Bộ luật hình sự năm 1999 xử phạt Hoàng Hữu Th 42 tháng tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Trong trường hợp trên, theo chúng tôi, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử ở cấp sơ thẩm áp dụng không đúng tinh thần Thống tư số 17 về tình tiết phạm tội nhiều lần. Bị cáo Hoàng Hữu Th tuy có nhiều lần (hai lần) bán hêroin, nhưng mỗi lần bán hêroin chỉ nằm ở khoản 1 Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1999 với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù (tội phạm nghiêm trọng); trong khi đó, khi bán hêroin, bị cáo chưa đủ 16 tuổi nên chưa hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Vì vậy, không thể cho rằng Th đã phạm tội nhiều lần để truy tố xét xử theo khoản 2 Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1999. Chính vì vậy, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại HN đã hủy án sơ thẩm và tuyên bố bị cáo Th không phạm tội mua bán trái phép các chất ma túy.
4. Luật hình sự của một số nước về quyết định hình phạt đối với phạm tội nhiều lần
Nghiên cứu luật hình sự của một số nước trên thế giới về quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm tội nhiều lần cho thấy, Bộ luật hình sự của nhiều nước không đề cập việc quyết định hình phạt đối với phạm tội nhiều lần và chỉ có Bộ luật hình sự năm 1996 của Liên bang Nga coi phạm tội nhiều lần là tình tiết tăng nặng hình phạt được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64 và là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt của nhiều điều luật trong Phần các tội phạm của Bộ luật này. Như vậy, quan điểm của các nhà làm luật Liên bang Nga về quyết định hình phạt đối với phạm tội nhiều lần tương tự như quan điểm của các nhà làm luật Việt Nam.
Để việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự về quyết định hình phạt đối với phạm tội nhiều lần được thống nhất và khắc phục được nhược điểm như đã phân tích ở trên, các cơ quan có thẩm quyền cần có Thông tư hướng dẫn về việc quyết định hình phạt đối với phạm tội nhiều lần nói chung và đối với mỗi loại tội phạm nói riêng.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung "Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội nhiều lần như thế nào?". Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập