1. Giới thiệu tác giả
Sách "Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng thời đại Hồ Chí Minh" do tác giả Thu Phương tuyển chọn và hệ thống.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng thời đại Hồ Chí Minh
Tác giả Thu Phương tuyển chọn và hệ thống
Nhà xuất bản Hồng Đức
3. Tổng quan nội dung sách
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, đã có hàng triệu người phải ngã xuống. Đóng góp trong sự hy sinh lớn lao ấy, có gần 50.000 bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhiều mẹ đã âm thầm nuốt nước mắt vào trong để tiễn đưa chồng, con ra trận và khi tổ quốc cần các mẹ sẵn sàng trở thành những người lính mưu trí, không ngại gian nguy, trước nhục hình tra tấn vẫn giữ vững khí tiết, không khuất phục trước kẻ thù. Có thể nói, chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng giờ đây đã trở thành di sản văn hóa truyền thống yêu nước của người Việt Nam.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, là tất cả những gì đất nước Việt Nam chúng ta đang thừa kế và phát huy. Hình ảnh mẹ đã trở thành bức tường vững chắc, bảo vệ và nuôi dưỡng sự nghiệp đấu tranh của dân tộc trong những chặng đường cam go, gian khổ nhất. Hình ảnh về người mẹ đã vượt qua những giới hạn của thời gian, không gian, trở thành bất tử trong mỗi chúng ta…
Nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7, nhà xuất bản Hồng Đức cho xuất bản Cuốn sách Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng thời đại Hồ Chí Minh do tác giả Thu Phương tuyển chọn và hệ thống.
Cuốn sách được hệ thống gồm những phần chính sau:
Phần thứ nhất. Chính sách của Đảng và nhà nước đối với mẹ Việt Nam anh hùng
Ở phần này tác giả trích toàn văn một số văn bản pháp luật hiện hành về chính sách của Đảng và nhà nước đối với mẹ Việt Nam anh hùng: Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-VPQH ngày 29/10/2012 hợp nhất Pháp lệnh số 36-L/CTN ngày 10/9/1994 quy định danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" và Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh số 36-L/CTN ngày 10/9/1994; Nghị định 56/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".
Phần thứ hai. Những bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh
Phần thứ ba. Tấm gương phụ nữ Việt Nam anh hùng thời đại Hồ Chí Minh
Để nội dung cuốn sách thêm phong phú, nhằm mục đích giới thiệu đến bạn đọc yêu lịch sử, yêu đất nước, yêu con người Việt Nam, tác giả đã tập hợp, giới thiệu các bài viết về hình tượng người mẹ Việt Nam anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh (các bài viết đã đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, và sắp xếp lại các nhân vật theo thứ tự chữ cái).
4. Đánh giá bạn đọc
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước không ngừng chăm lo đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm thiết thực như phụng dưỡng cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống và xây dựng nhà tình nghĩa cho các Mẹ… Bởi dù năm tháng sẽ đi qua, nhưng sự hy sinh vô cùng to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sẽ sống mãi. Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ đời đời ghi nhớ những hy sinh, công lao, đóng góp của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuổi trẻ hôm nay không biết đến đạn bom, không tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát trong những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhưng thông qua cuốn sách Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ thêm hiểu rằng cái giá của cuộc sống hôm nay là sự hy sinh của nhiều thế hệ trước, là những nỗi đau, sự mất mát lớn lao của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng như Mẹ Thứ, Mẹ Hẹ, Mẹ Rành...
5. Kết luận
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách “Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng thời đại Hồ Chí Minh"
Luật Minh Khuê chia sẻ dưới đây một số nội dung về tấm gương bà mẹ Việt Nam anh hùng thời đại Hồ Chí Minh và chế độ ưu đãi đối với bà mẹ Việt Nam anh hùng theo quy định hiện hành để bạn đọc tham khảo:
Một số bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu:
Nguyễn Thị Thập: quê quán Long Hưng - Châu Thành - Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), có chồng, có con. Liên tục từ khóa I đến khóa VI, bà được bầu vào Quốc hội và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VI. Trước khi được trao danh hiệu này, bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam.
Nguyễn Thị Thứ: quê quán thôn Thanh Quýt - Điện Thắng - Điện Bàn - Quảng Nam, có chồng, 9 con và 1 con rể, 2 cháu ngoại là liệt sĩ. Con gái cả của bà là Lê Thị Trị cũng được trao tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng vào ngày 30 tháng 4 năm 2007, vì có chồng và hai con gái là liệt sĩ.
Phạm Thị Ngư (1912-2002): quê quán Hàm Hiệp - Hàm Thuận - Bình Thuận, có 5 con trai, 2 con gái và 1 con rể là liệt sĩ, bản thân bà là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Suốt nhiều năm chống Mỹ, mẹ Ngư cùng bà con cơ sở đã chuyển ra vùng căn cứ giải phóng nhiều tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men tiếp tế cho cách mạng, góp phần đáng kể vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ ở địa phương. Ngày 6/11/1978, mẹ Phạm Thị Ngư đã được Quốc hội và Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ngày 11/7/1985 mẹ được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng huân chương Độc lập hạng Nhất, huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất. Ngày 17/12/1994, mẹ Ngư được Nhà nước phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Lê Thị Hẹ: quê quán: Thôn Linh An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Cả gia đình và họ hàng gần của bà có 7 bà Mẹ Việt Nam anh hùng và 15 liệt sĩ đã hi sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Riêng gia đình bên chồng của bà có 5 Bà mẹ VNAH và 11 liệt sĩ. Bản thân mẹ cùng 1 con gái, 3 con dâu là Bà mẹ VNAH. Trong số 15 liệt sĩ có 2 con đẻ, 1 con dâu, 1 con rể, 4 cháu nội, 2 cháu ngoại và 4 người cháu gọi mẹ bằng cô ruột.
Trần Thị Viết: ngụ ấp Cả Dứa, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, Long An. Cụ Nguyễn Văn Dành là chồng mẹ (sinh năm 1888), là con của một gia đình nghĩa binh tham gia kháng Pháp thời Cần Vương, quê ở miền Trung, để tránh sự truy lùng của quân Pháp đã dạt vào Đồng Tháp Mười sống ẩn dật. Mẹ có 10 người con (8 trai, 2 gái). Kế thừa truyền thống yêu nước của cha ông, cả 8 con trai của mẹ đều tham gia kháng chiến giải phóng đất nước, và 7 người đã hy sinh (trong đó có 2 người hy sinh khi chưa có vợ và không tìm được mộ). Năm 1966, cụ Dành qua đời, mẹ Viết bèn xuống tóc quy y ở chùa Thanh Lập (quận Mỹ An, tỉnh Kiến Phong, nay là Đồng Tháp), với pháp danh Diệu Mãnh. Một hôm giặc ập đến chùa bắt mẹ vào trại giam, chúng đánh đập nhưng không khai thác được gì, cũng không thể bắt mẹ gọi các con từ bỏ cách mạng, nên đành phải thả mẹ ra. Ngày 17/12/1994, mẹ Viết được Nhà nước phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bản thân bà là Mẹ Việt Nam anh hùng sống thọ nhất, cũng được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là người phụ nữ cao tuổi nhất Việt Nam vào năm 2010. Mẹ có hơn 40 cháu nội - ngoại, hơn 150 chắt, khoảng 300 cháu cố 5 đời. Mẹ hưởng thượng thọ 120 tuổi (sinh năm 1892, mất ngày 19/6/2011).
Về bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ:
Bà Nguyễn Thị Thứ (1904 – 2010) là người được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà sinh tại xóm Rừng,Thôn Thanh Quít, xã Điện Thắng Trung, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bà có chồng, 9 người con trai, một con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ, là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp chống Mỹ kéo dài gần 30 năm (từ năm 1948 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975). Bà trở thành bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, được lấy làm nguyên mẫu xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Quảng Nam trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ[5]. Bà mất vào lúc 01 giờ 40 phút sáng ngày 10 tháng 12 năm 2010 tại Đà Nẵng.
Trong hai cuộc Chiến tranh chống Pháp chống Mỹ, Nguyễn Thị Thứ lần lượt nhận 9 giấy báo tử của các con. Tại khu vườn của nhà bà có 5 hầm bí mật, nơi bà và con gái đầu Lê Thị Trị nuôi giấu nhiều cán bộ, bộ đội, du kích Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trên miệng hầm bà thả hàng chục con bò ăn cỏ ngay trong vườn. Lúc không có quân đối phương, hai mẹ con bà mở hé cửa hầm cho họ dễ thở, khi có động thì lại giả vờ đi coi bò để chỉnh sửa, ngụy trang lại miệng hầm.
Nguyễn Thị Thứ đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào ngày 17 tháng 12 năm 1994. Khi đến thăm bà, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã cầm tay bà và nói: "Mẹ đã tiếp thêm nghị lực cho chúng con vững bước. Mẹ là Mẹ Việt Nam".
Chính sách ưu đãi bà mẹ Việt Nam anh hùng theo quy định tại Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH14:
Điều 17. Điều kiện, tiêu chuẩn Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Bà mẹ Việt Nam anh hùng là người được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo quy định tại Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Điều 18. Chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng
1. Chế độ ưu đãi đối với thân nhân của liệt sĩ quy định tại các khoản 1, 2, 4, 6, 7, 8 và 9 Điều 16 của Pháp lệnh này.
2. Trợ cấp hằng tháng bằng 03 lần mức chuẩn.
3. Phụ cấp hằng tháng.
4. Trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình.
5. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm.
6. Nhà nước và xã hội tặng nhà tình nghĩa hoặc hỗ trợ cải thiện nhà ở quy định tại điểm e khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này.
Điều 19. Chế độ ưu đãi đối với thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng
1. Trợ cấp một lần đối với thân nhân khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tặng danh hiệu nhưng chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi hoặc được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
2. Trợ cấp một lần đối với thân nhân với mức bằng 03 tháng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng hiện hưởng khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng chết.
3. Trợ cấp mai táng đối với người hoặc tổ chức thực hiện mai táng khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng chết
4. Bảo hiểm y tế đối với người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình.