1. Khái niệm sáng lập viên

Sáng lập viên là những người khởi xướng việc thành lập một tổ chức và gia nhập tổ chức đó. Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyển cho phép (trong một số trường hợp do pháp luật quy định) các sáng lập viên tiến hành: Dự thảo Điều lệ; xây dựng phương hướng hoạt động; tổ chức tuyên truyền, vận động; chuẩn bị các công việc khác để tổ chức hội nghị thành lập tổ chức.

Sáng lập viên được hiểu là người khởi xướng việc thành lập một tổ chức và gia nhập tổ chức đó, là người đặt nền vòng đầu tiên cho công ty.

Công ty cổ phần đang là loại hình doanh nghiệp được rất nhiều người lựa chọn. Công ty cổ phần có quy mô hoạt động lớn và khả năng mở rộng kinh doanh dễ dàng từ việc huy động vốn cổ phần, Việc hoạt động của công ty đạt hiệu quả cao do tính độc lập giữa quản lý và sở hữu. Mỗi công ty cần có quá trình chuẩn bị ban đầu để tiến tới cho ra đời một công ty trên thực tế, tuỳ thuộc loại hình công ty được lựa chọn mà quá trình này có thể đơn giản hoặc phức tạp Để có một công ty trong thị trường kinh tế, phát triển lớn mạnh thì cần có người đặt những nền móng đầu tiên cho việc thành lập công ty đó, rất nhiều bài viết đề cập đến cách thành lập công ty nhưng chưa có bài nào đi sâu về sáng lập viên, đặc biệt là về sáng lập viên công ty cổ phần.

Sáng lập viên công ty cổ phần hay còn gọi là cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần. Những cổ đông này trực tiếp tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần.

Như vậy, sáng lập viên là những cổ đông đáp ứng được 2 điều kiện sau:

Thứ nhất, cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông;

Thứ hai, được kê khai và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập được nộp cho Phòng đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.

2. Điều kiện để trở thành thành viên sáng lập của công ty cổ phần

– Thứ nhất, không thuộc các trường hợp không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam được quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020:

+ Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

+ Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

+ Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

– Thứ hai, sở hữu cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020: Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.

3. Các quyền và nghĩa vụ thành viên sáng lập công ty cổ phần

– Quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết trong thời hạn 3 năm kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

– Cổ đông sáng lập có nghĩa vụ phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.

– Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.

– Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.

4. Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập

– Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập. Công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập; trường hợp này, Điều lệ công ty trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc các cổ đông phổ thông của công ty đó.

– Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.

– Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.

Từ quy định về sự hạn chế của cổ đông sáng lập, có thể thấy cổ đông sáng lập không có quyền chuyển nhượng cổ phần tự do như cổ đông bình thường mà phải chịu sự ràng buộc theo quy định của pháp luật trong thời gian 03 năm. Sở dĩ có quy định này vì các nhà làm luật muốn đảm bảo được cổ đông sáng lập phải có trách nhiệm đối với doanh nghiệp của mình, giảm thiểu tối đa tình trạng doanh nghiệp mọc lên không bao lâu sụp đổ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế chung.

– Các hạn chế quy định như trên không áp dụng đối với cổ phần phổ thông sau đây:

+ Cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp

+ Cổ phần đã được chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập

5. Danh sách cổ đông sáng lập của công ty cổ phần

Danh sách cổ đông sáng lập được lập phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

– Họ, tên, chữ ký, địa chỉ, quốc tịch, địa chỉ thường trú và các đặc điểm cơ bản khác của cổ đông sáng lập;

– Tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của cổ đông sáng lập;

– Họ, tên, chữ ký, địa chỉ, quốc tịch, địa chỉ thường trú của người đại diện theo ủy quyền hoặc đại diện theo pháp luật của cổ đông sáng lập;

– Số lượng cổ phần, loại cổ phần, loại tài sản, số lượng tài sản, giá trị của từng loại tài sản góp vốn cổ phần của từng cổ đông sáng lập.

6. Thủ tục thay đổi thành viên sáng lập

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi một trong những nội dung sau đây:

– Ngành, nghề kinh doanh;

– Cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết;

– Nội dung khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Ngoài ra, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi. Nếu có sự thay đổi cổ đông là cổ đông sáng lập thì khi thay đổi công ty cổ phần phải làm thủ tục, thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Căn cứ Điều 57, Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đăng ký doanh nghiệp như sau:

“Điều 57. Thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần chưa niêm yết

1. Cổ đông sáng lập quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong Danh sách cổ đông sáng lập nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.

2. Việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập với Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại Điều 113 Luật Doanh nghiệp. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.

3. Trường hợp thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập quy định tại Khoản 2 Điều này, công ty gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

a) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;

b) Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần, trong đó không bao gồm thông tin về cổ đông sáng lập chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua.

4. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, cập nhật thông tin của cổ đông sáng lập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.”

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ và thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối sửa đổi, bổ sung thông tin theo nội dung thông báo thay đổi đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.