Thông thường họ là những người đầu tiên có ý tưởng kinh doanh và đứng ra tuyên truyền vận động người khác cùng với họ góp vốn thành lập công ty. Giai đoạn này đựơc gọi là giai đoạn “tiền công ty”, trong giai đoạn này có thể có nhiều người tham gia, song có những người không làm cổ đông sáng lập. Cơ sở pháp lý để chứng minh họ là cổ đông sáng lập chính là hành vi họ đã ký tên vào danh sách cổ đông sáng lập công ty, hành vi đó thể hiện ý chí, nguyện vọng của họ được làm cổ đông sáng lập và cũng đồng thời họ chấp nhận gánh vác trách nhiệm của người sáng lập ra công ty.

Quan niệm về cổ đông sáng lập theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 được nhìn nhận theo chứng cứ pháp lý, có phần khái quát và chính xác hơn so với quan niệm về cổ đông sáng lập theo Luật Doanh nghiệp năm 2005. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì cổ đông sáng lập là cổ đông tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần. Khái niệm này coi yếu tố tham gia xây dựng, ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty làm căn cứ để khẳng định họ là cổ đông sáng lập, e rằng chưa đúng. Khi công ty thành lập thì phải có điều lệ, điều lệ công ty phải được tất cả các thành viên ký tên, nghĩa là họ đã nhất trí thông qua việc thành lập công ty. Song trong số những người cùng ký vào bản điều lệ có người không muốn làm sáng lập viên thì sao? Và nếu họ không ký tên vào Điều lệ cũng đồng nghĩa với việc họ không phải là thành viên công ty trong buổi đầu thành lập, mặc dù họ rất muốn gia nhập công ty. Khái niệm cổ đông sáng lập gắn với việc thành lập công ty và bằng hành vi ký tên vào danh sách cổ đông sáng lập và danh sách đó có giá trị pháp lý và nó còn liên quan đến sổ đăng ký cổ đông của công ty.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất ba cổ đông sáng lập. Riêng công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ công ty TNHH hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác thì không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập. Việc quy định cổ đông sáng lập là để đảm bảo cho sự thành lập, hoạt động của công ty cổ phần cũng như để bảo vệ lợi ích cho những người có quan hệ dân sự, thương mại với công ty khi mới thành lập. Như vậy, có thể thấy cổ đông sáng lập có hai tư cách: Trước hết họ phải là cổ đông phổ thông và sau đó họ đóng vai cổ đông sáng lập (ký tên vào danh sách cổ đông sáng lập). Do đó, ngoài những quyền và nghĩa vụ của một cổ đông phổ thông, thì với tư cách là cổ đông sáng lập họ bị ràng buộc vào các nghĩa vụ chặt chẽ trong một số vấn đề như:

- Phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp;

- Không được tự do chuyển nhượng cổ phần mà phải sau ba năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mới có quyền chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó;

- Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Bên cạnh những ràng buộc về nghĩa vụ như đã nêu, thì cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết song quyền này cũng chỉ có hiệu lực trong vòng ba năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, sau thời hạn đó cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)