Mục lục bài viết
1. Thời gian đào tạo chuẩn cho từng bậc học
Đối với mỗi bậc học, thời gian đào tạo sẽ khác nhau dựa theo chương trình học. Theo đó, thời gian đào tạo chuẩn của từng bậc học cho sinh viên sẽ phụ thuộc vào từng ngành đào tạo cũng như nơi đào tạo cụ thể; thông thường thời gian đào tạo sẽ nằm trong khoảng thời gian như sau:
- Giáo dục hệ đại học:
+ Đối với chương trình đào tạo cử nhân là 4 năm
+ Đối với ngành đào tạo kỹ sư là 4-5 năm
+ Đối với ngành đào tạo bác sĩ là 6-7 năm
+ Đối với ngành đào tạo dược sĩ là 4-6 năm
+ Thạc sĩ sẽ được đào tạo trong 2 năm
+ Tiến sĩ sẽ được đào tạo trong khoảng từ 3-4 năm
- Đối với hệ cao đẳng:
+ Đối với đào tạo chính quy: thời gian đào tạo là 2 - 3 năm
+ Đối với đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng: thời gian đào tạo là 1,5 - 2 năm
2. Thời gian tối đa được phép chậm tốt nghiệp
- Căn cứ vào khoản 5 Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT có quy định về Chương trình đào tạo và thời gian học tập như sau:
"Thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo, nhưng không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với mỗi hình thức đào tạo. Đối với sinh viên học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ."
- Theo đó, thời gian tối đa để hoàn thành tốt nghiệp sẽ không được vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa. Vậy nên thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành tốt sẽ phụ thuộc vào thời gian đào tạo chuẩn của toàn khóa đối với ngành và sở đang theo học.
- Thời gian tối đa được phép chậm tốt nghiệp được hiểu là thời gian tối đa hoàn thành khóa học trừ đi thời gian đào tạo chuẩn bởi nếu đúng hạn thì sẽ là theo thời gian của khóa đào tạo còn chậm tốt nghiệp là việc xác định sẽ tốt nghiệp sau thời hạn chuẩn đào tạo của khóa. Vậy thời gian để chậm tốt nghiệp tối đa là thêm một khoảng thời gian bằng với thời gian đào tạo chuẩn của khóa học.
Ví dụ: sinh viên A có thời gian đào tạo chuẩn theo hệ đại học chính quy là 04 năm thì thời gian để được kéo dài thêm là không quá 04 năm và tổng thời gian tối đa để hoàn thành tốt nghiệp là 08 năm kể từ khi bắt đầu khóa học.
- Đối với sinh việc học liên thông thì thời gian tối đa để hoàn thành khóa học sẽ được xác định trên cơ sở tính theo thời gian của kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa trừ đi khoảng thời gian tương ứng với khối lượng tín chỉ được miễn trừ.
- Tuy nhiên theo Khoản 4 Điều 4 của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT thì thời hạn trên vẫn có thể kéo dài thêm 03 năm nếu sinh viên đó chưa tốt nghiệp do chưa hoàn thành những học phần Giáo dục quốc phòng - an ninh hoặc Giáo dục thể chất hoặc chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, công nghệ thông tin.
- Vậy tổng thời gian tối đa để hoàn thành tốt nghiệp (gọi là A) sẽ được tính theo công thức:
+ Đối với mọi sinh viên thông thường: A = 2 x (thời gian đào tạo chuẩn của khóa học)
+ Đối với sinh viên học liên thông: A = 2 (thời gian đào tạo - thời gian tương ứng với số tín chỉ được miễn)
+ Đối với sinh viên đã hết thời gian tối đa trên mà chưa tốt nghiệp do chưa hoàn thành những học phần về Giáo dục quốc phòng - an ninh hoặc Giáo dục thể chất hoặc chưa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ: A2 = A + (3 năm)
Như vậy, với những trường hợp đặc biệt đó thì tổng thời gian tối đa để hoàn thành tốt nghiệp có thể là 6 năm hoặc 8 năm hoặc thậm chí lên tới trên chục năm.
3. Các trường hợp ngoại lệ được phép kéo dài thời gian đào tạo
Thời gian tối đa là thế nhưng để có thể áp dụng được thời gian tối đa đó cần có những lý do thuộc vào các trường hợp được phép kéo dài thời gian đào tạo theo quy định của pháp luật, cụ thể:
- Sinh viên nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả học tập với những lý do cụ thể được ghi nhận bởi cơ sở đào tạo và pháp luật
+ Được điều động vào lực lượng vũ trang; sinh viên tham gia nghĩa vụ quân sự, công an
+ Được cơ quan có thẩm quyền điều động, đại diện quốc gia tham dự các kỳ thi, giải đấu quốc tế
+ Sinh viên bị ốm, thai sản hoặc tai nạn phải điều trị thời gian dài. Trường hợp này cần phải có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
+ Với lý do cá nhân khác mà không thuộc các lý do nêu trên thì cần phải đáp ứng thêm điều kiện là đã học ít nhất 01 học kỳ tại cơ sở đào tạo, đồng thời không nằm trong các trường hợp buộc thôi học hay xem xét kỷ luật. Những trường hợp này cần phải được xem xét và quyết định bởi hội đồng nhà trường theo quy định của từng cơ sở đào tạo và căn cứ dựa trên hồ sơ của sinh viên có hợp lệ hay không.
- Sinh viên đi học tập, nghiên cứu tại nước ngoài theo chương trình hợp tác quốc tế
=> Những trường hợp này được bảo lưu kết quả trong khoảng 2 năm và được thực hiện tiếp tục học lại sau thời gian bảo lưu nhưng không được vượt quá thời gian tối đa về việc hoàn thành tốt nghiệp khóa học.
Ngoài ra, với một số trường hợp sinh viên có thể thực hiện việc kéo dài thời gian thêm 03 năm tuy đã hết khoảng thời gian tối đa theo quy định. Trường hợp đó đã được phân tích ở mục trên, đó là khi sinh viên chưa tốt nghiệp được do chưa hoàn thành các học phần về Giáo dục thể chất hay Giáo dục quốc phòng an ninh và chưa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ theo quy định của cơ sở đào tạo.
4. Quy trình xin phép kéo dài thời gian đào tạo
Quy trình xin phép kéo dài thời gian đào tạo còn tùy thuộc vào lý do xin kéo dài cũng như do từng cơ sở đào tạo là trường đại học hoặc cao đẳng sẽ có các quy định về hồ sơ cũng như các bước thực hiện riêng. Tuy nhiên, quy trình thường bao gồm các bước chung sau:
- Bước 1: Nộp hồ sơ xin gia hạn
+ Sinh viên có nhu cầu xin gia hạn cần nộp đơn xin gia hạn theo mẫu quy định của cơ sở đào tạo
+ Nội dung đơn xin gia hạn cần nêu rõ lý do xin gia hạn, thời gian gia hạn mong muốn và đồng ý cam kết hoàn thành chương trình đào tạo trong khoảng thời gian được gia hạn
+ Đơn xin gia hạn cần có chữ ký xác nhận của sinh viên và xác nhận của chủ nhiệm/trưởng khoa ngành học
- Bước 2: Nộp hồ sơ xin gia hạn
+ Thành phần hồ sơ bao gồm: đơn xin gia hạn, giấy tờ chứng minh cho lý do xin gia
+ Sinh viên nộp hồ sơ xin gia hạn tại phòng đào tạo của cơ sở đào
- Bước 3: xét duyệt hồ sơ
+ Phòng đào tạo sẽ xem xét hồ sơ của sinh viên
+ Trường hợp đủ điều kiện thì sẽ ra quyết định gia hạn thêm thời gian đào tạo cho sinh viên.
- Bước 4: Nhận quyết định
+ Sinh viên có thể nhận quyết định qua thông báo của cơ sở đào tạo trực tiếp tại phòng đào tạo hoặc nhận kết quả online tại email thông báo từ phía phòng đào tạo (tùy cơ sở đào tạo).
Trên đây là những thông tin chúng tôi cung cấp tới quý bạn đọc với mục đích tham khảo về thời hạn tối đa để sinh viên hoàn thành tốt nghiệp tại cơ sở đào tạo. Nếu có thêm thắc mắc hay câu hỏi nào cần giải đáp, hãy liên hệ với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 19006162 hoặc qua email lienhe@luatminhkhue.vn. Chúng tôi cam kết đáp ứng mọi nhu cầu của quý khách một cách nhanh chóng và chất lượng.