Mục lục bài viết
- 1. Cơ sở pháp lý:
- 2. Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
- 2.1. Quy định về điều kiện của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
- 2.2. Bình luận về điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
- 3. Điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
- 4. Trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài
Thưa luật sư, hiện nay để người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam cần tuân thủ điều kiện gì? Có thể tuyển dụng người lao động nước ngoài làm bất kỳ vị trí công việc nào ở Việt Nam hay không? Và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài là gì? Rất mong nhận được tư vấn của luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Vũ Hoàng - Hà Nội
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Lao động của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
- Nghị định số 152/2020/NĐ-CP
- Nghị định số 28/2020/NĐ-CP
2. Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
2.1. Quy định về điều kiện của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Điều 151 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:
1. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
c) Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 của Bộ luật này.
2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
3. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2.2. Bình luận về điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tự do hóa thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại, dẫn đến việc xuất hiện nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới trong thời gian gần đây và nước ta cũng không nằm ngoài quá trình này. Với việc tham gia vào các hiệp định thương mại thế hệ mới, hợp tác kinh tế với hầu hết các nước trên thế giới, sự hình thành khối cộng đồng kinh tế ASEAN và gần đây là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra đang khiến nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển sang đầu tư tại Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Do đó, việc Việt Nam tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, điều này được thể hiện thông qua số liệu về lực lượng lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam đang ngày một tăng lên.
Để quản lý, sử dụng lao động nước ngoài hiệu quả, tránh tác động xấu có thể xảy ra, Bộ luật lao động năm 2019 đã quy định rõ các điều kiện người lao động nước ngoài được phép làm việc tại Việt Nam, ngoài các tiêu chuẩn về nhân thân, năng lực hành vi dân sự, trình độ chuyên môn kĩ thuật, tay nghề, kinh nghiệm thì người lao động nước ngoài phải có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép trừ một số trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Đồng thời pháp luật quy định thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của giấy phép lao động và cho phép thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn, đảm bảo thống nhất với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 20 của Bộ luật lao động 2019 về loại hợp đồng lao động. Đây là điểm mới của Bộ luật lao động năm 2019 nhằm tháo gỡ hạn chế, vướng mắc của bộ luật lao động trước kia do quy định hai lần ký hợp đồng lao động xác định thời hạn thì lần thứ ba phải ký hợp đồng không xác định thời hạn là không phù hợp với thời hạn của giấy phép lao động là hai năm và tính chất sử dụng lao động nước ngoài trong thời gian ngắn hạn khi người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
3. Điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Điều 152 quy định về điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:
1. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
2. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Nhà thầu trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Việc tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam là sự bổ sung cần thiết cho lực lượng lao động, tạo nên sự trao đổi lao động giữa nước ta và các nước trên thế giới; tận dụng được những lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao, tay nghề vững và trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu hội nhập của nước ta. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức khi lực lượng lao động nước ngoài vào làm việc sẽ tạo ra sự cạnh tranh vị trí, công việc, làm giảm tỷ lệ và cơ hội việc làm của lao động trong nước. Vì vậy, để tương thích với các quy định của pháp luật quốc tế, đồng thời bảo hộ quyền làm việc của công dân, Điều 152 Bộ luật lao động đã quy định các điều kiện để tuyển dụng lao động, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó:
- Việc tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam chỉ được phép đối với vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kĩ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh;
- Trước khi tuyển dụng thì doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Đối với nhà thầu muốn tuyển và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là điểm mới của Bộ luật lao động năm 2019, góp phần tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam để thực hiện các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu tại Việt Nam, tránh trường hợp các nhà thầu đưa số lượng lớn lao động nước ngoài vào làm "chui" không có giấy phép lao động hoặc làm các công việc giản đơn chưa qua đào tạo ở các công trường xây dựng, giao thông, khai khoáng.
Theo quy định của pháp luật thì lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thông qua một 11 hình thức sau:
+ Thực hiện hợp đồng lao động;
+ Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;
+ Thực hiện các loại hợp đồng hoặc các thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế;
+ Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;
+ Chào bán dịch vụ;
+ Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
+ Tình nguyện viên;
+ Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;
+ Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;
+ Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam;
+ Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
4. Trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài
Điều 153 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài như sau:
1. Người lao động nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
3. Người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Người tao động nước ngoài khi làm việc ở Việt Nam thì phải có giấy phép lao động. Riêng đối với một số trường hợp quy định tại Điều 154 của Bộ luật lao động năm 2019, mặc dù không thuộc diện cấp giấy phép lao động nhưng theo quy định của các văn bản hướng dẫn thi hành thì các trường hợp này phải có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động của Sở lao động thương binh và xã hội.
Giấy phép lao động, giấy xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động do Sở lao động thương binh và xã hội cấp sẽ là căn cứ để làm thủ tục nhập cảnh hoặc xuất cảnh và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, đồng thời là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm.
Theo đó, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật hoặc sử dụng giấy phép lao động, văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực thì người lao động nước ngoài đó sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam với hình thức phạt tiền, đồng thời bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam; còn người sử dụng lao động đã sử dụng người lao động nước ngoài đó sẽ bị xử lý vi phạm hành chính với hình thức là phạt tiền theo quy định tại Nghị định số 28/2020/NĐ-CP.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập