Mục lục bài viết
1. Định nghĩa về Bitcoin
Bitcoin là một loại tiền kỹ thuật số (digital money) được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở cho nên nó không có hình dạng vật chất cụ thể như tiền mặt hay tiền kim loại và đây cũng là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới được ông Satoshi Nakamoto thiết kế ra.
Bitcoin hoạt động mà không có sự quản lý nhất định từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay một bên trung gian nào vì mạng lưới Bitcoin được xây dựng dưới dạng không tập trung và không có một máy chủ nào hoạt động. Bitcoin hoạt động dựa trên sự phân chia các thuật toán và người tham gia sẽ thông qua việc giải các phương trình toán học để đào coin.
Những hình thức đầu tư Bitcoin phổ biến hiện nay bao gồm:
- Người tham gia thực hiện việc đặt lệnh mua hoặc đặt bệnh bán Bitcoin ở trên sàn giao dịch coin trực tuyến.
- Người tham gia không thực hiện việc mua bán trực tuyến trên sàn giao dịch mà mua bán Bitcoin trực tuyến với những người môi giới Bitcoin.
- Người tham gia có thể mua bán tại các máy Bitcoin ATM...
>> Xem thêm: Quy định mới cấm phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo bitcoin
2. Bitcoin có được sử dụng, mua bán ở Việt Nam không?
Pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định cho phép kinh doanh tiền ảo nhưng cũng không có quy định nào ghi nhận rõ về việc cấm đầu tư, kinh doanh tiền ảo. Do đó, thương nhân có thể thực hiện hoạt động kinh doanh Bitcoin hay các hình thức tiền ảo khác; đồng thời, theo khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Bitcoin hay một số loại tiền ảo khác xuất phát từ nước ngoài và được mua bán từ các sàn giao dịch điện tử hai chiều giữa nước ngoài và Việt Nam nên rất khó xác định nguồn tiền để mua tiền ảo có phải là tiền bất hợp pháp hay không. Vì vậy, rất khó khẳng định nên hay không nên kinh doanh tiền ảo ở Việt Nam hay không.
Nhiều nhà đầu tư vào Bitcoin hay hình thức tiền ảo khác cũng rất lo ngại đến vấn đề bảo mật thông tin. Các nhà đầu tư nên làm theo những bước bảo mật tài khoản một cách cẩn thận và chọn lựa sàn giao dịch tiền ảo uy tín thì sẽ giảm thiểu được phần nào việc mất tiền ảo. Các sàn giao dịch tiền ảo sẽ có nguy cơ bị hack hay bị nhiễm virut độc hại xâm nhập và bị đánh cắp dữ liệu là rất cao. Trong mạng lưới Blockchain của Bitcoin, không có bên thứ ba hay bên nào chịu trách nhiệm, bảo vệ xử lý vấn đề thanh toán như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ khi chuyển nhầm ví hay bị trục trặc nào đó xảy ra để giải quyết, khiếu nại.
>> Tham khảo: Mua bán Bitcoin ở Việt Nam có hợp pháp không?
3. Bitcoin có được thanh toán ở Việt Nam không?
Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì Bitcoin hay các hình thức tiền ảo khác không được coi là một trong những phương tiện để thanh toán.
Theo quy định tại Điều 17 Luật Ngân hành Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định về tiền tệ Việt Nam như sau:
- Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Ngân hàng Nhà nước phải bảo đảm cung ứng đầy đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế...
Và căn cứ vào Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, thì phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc đối tượng trên.
Ngoài tiền giấy, tiền kim loại thì phương thức được phép giao dịch thanh toán là séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; do đó Bitcoin không được xem là một trong những phương thức thanh toán hợp pháp ở Việt Nam.
Trên thực tế có nhiều người lợi dụng tiền ảo để thực hiện những hành vi phạm tội như rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp để trốn thuế hay lừa đảo,...Để hạn chế những rủi ro, tệ nạn xã hội thì Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg vào ngày 11 tháng 04 năm 2018 về việc tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu những cơ quan ban ngành (Ngân hàng nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Công an; Bộ Công thương; Bộ Tư pháp; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) cùng nhau phối hợp quản lý để giảm thiểu những hành vi vi phạm phát sinh từ hoạt động liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Tóm lại, việc sử dụng Bitcoin hay hình thức tiền ảo khác như tiền mặt cho mục đích thanh toán là bất hợp pháp, mà bạn chỉ có thể đổi Bitcoin hay hình thức tiền ảo khác sang tiền mặt và sử dụng tiền mặt đó để thực hiện thanh toán thì là hợp pháp.
>> Xem thêm: Đào, khai thác Bitcoin vi phạm pháp luật ở Việt Nam không?
4. Mức xử phạt về hành vi sử dụng tiền ảo để thanh toán trong các giao dịch
Trường hợp phát hành, sử dụng Bitcoin hay các hình thức tiền ảo khác làm phương tiện thanh toán trong giao dịch mua bán thì xác định đó là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy từng tình tiết, mức độ của hành vi có thể bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phát hành, cung ứng ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. (Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng).
Thứ hai, bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả mà có gây ra thiệt hại.
Theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng như sau: người nào thực hiện hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả mà gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Lưu ý rằng, trường hợp mua bán Bitcoin hay các hình thức tiền ảo khác bằng tiền giấy, tiền kim loại hay các phương thức được phép giao dịch khác thì không được coi là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định pháp luật hiện hành.
Trên đây là toàn bộ nội dung của bài viết "Bitcoin có được sử dụng, mua bán, thanh toán ở Việt Nam?" mà Luật Minh Khuê muốn gửi đến bạn đọc. Nếu vấn đề trên còn chưa rõ thì bạn đọc vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại: 1900.6162 để được hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng. Xin chân thành cảm ơn!
>> Xem thêm: Altcoin là gì? Các đồng altcoin tiềm năng cần biết?