Trả lời:
Đồng Bitcoin ra đời từ năm 2008, bắt đầu được giao dịch trên sàn Mt.Gox đến năm 2013 được sử dụng trên cả phương diện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư tại nhiều quốc gia.
Giá Bitcoin đã tăng mạnh trong năm 2017 vào đỉnh điểm mỗi đồng tiền này xác lập mức đỉnh là 20.000 USD. Hiện nay máy xử lý dữ liệu tự động không thuộc danh mục cấm hoặc tạm ngừng xuất nhập khẩu theo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, nhưng việc phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo lại không được pháp luật Việt Nam công nhận.
Khoản 2, Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định:
“Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Khoản 6, Khoản 7, Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về việc thanh toán không dùng tiền mặt (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP) quy định:
“6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”.
Ngoài ra, nghị định này cũng nêu xác định rằng việc phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp là một trong các hành vi bị cấm.
Nguyên nhân pháp luật Việt Nam cấm sử dụng đồng tiền này là vì Bitcoin mang tính ẩn danh cao nên dễ trở thành công cụ cho các tội phạm như rửa tiền, mua bán ma túy, trốn thuế. Thứ hai, đồng tiền ảo này được sử dụng dưới hình thức kỹ thuật số nên dễ bị tấn công, dễ bị ngừng giao dịch, đánh cắp dữ liệu. Thứ ba là giá trị đồng tiền này biến động rất mạnh, rất phức tạp trong thời gian ngắn. Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.
Mức xử phạt đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo nói chung và đồng Bitcoin nói riêng được quy định tại khoản 6 điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP như sau:
6. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả;
b) Làm giả chứng từ khi sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán;
c) Vi phạm quy định thanh toán bằng tiền mặt;
d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.
Ngoài ra, hành vi này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với các trường hợp gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự gọi số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.