>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162

 

1. Cơ sở pháp lý quy định về tài sản công

- Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017

- Nghị định số 63/2019/NĐ-CP

 

2. Tài sản công là gì?

Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.

 

3. Tài sản công ở cấp chính quyền địa phương

Tài sản công được giao cho các cấp chính quyền địa phương trực tiếp quản lý, sử dụng bao gồm tài sản được sử dụng với tư cách là nguồn lực phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao và các tài sản công khác mà chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý để bảo vệ và đưa vào khai thác nhằm phát huy giá trị, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều này cũng có nghĩa là, việc thực hiện quyền quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương chính là một phần quan trọng của việc thực thi chế độ sở hữu toàn dân.
Chính quyền địa phương được giao thực thi những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại địa phương và đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển chung của quốc gia. Nguồn lực cần thiết phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ này là rất lớn. Bên cạnh đó, các tài sản công khác như tài nguyên tự nhiên, di sản văn hoá, các cơ sở hạ tầng về cơ bản đều toạ lạc ở một địa phương cụ thể. Do vậy, tài sản công do chính quyền địa phương quản lý chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản của quốc gia.
 

4. Thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương

Thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công của chính quyền địa phương được xác lập dựa trên các phương diện (i) phân cấp hành chính, (ii) tổ chức quyền lực nhà nước và mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân và (iii) quyền năng về mặt dân sự.
Khía cạnh phân cấp hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công thể hiện ở việc chính quyền địa phương được chính quyền trung ương chuyển giao các quyền hạn và trách nhiệm trong quản lý tài sản công. Việc phân cấp về mặt hành chính đòi hỏi việc xác định thẩm quyền về quản lý tài sản phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản. Việc phân cấp cũng đòi hỏi thiết lập các định mức, quy trình quản lý, sử dụng tài sản rõ ràng, minh bạch để các cơ quan địa phương thực thi thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản của mình. Việc phân cấp giúp chính quyền trung ương tập trung vào việc hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch về quản lý tài sản, khi mà các hoạt động thực thi về cơ bản đã được chuyển giao cho chính quyền địa phương. Chính quyền trung ương chỉ ra các quyết định cụ thể đối với các tài sản có ý nghĩa quan trọng.
Đối với khía cạnh tổ chức quyền lực nhà nước và mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, việc thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương là kênh quan trọng để tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền và người dân địa phương, là cơ sở để chính quyền địa phương thực hiện cam kết với người dân địa phương trong đảm bảo các dịch vụ công cơ bản (giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường, chiếu sáng. v.v..) bảo vệ, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hoá tại địa phương. Điều này cũng đòi hỏi bản thân chính quyền địa phương phải có một không gian nhất định để có thể chủ động ra quyết định phù hợp với những điều kiện đặc thù địa phương và với các quy tắc chung về quản lý, sử dụng tài sản công.
Ở khía cạnh dân sự, thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công của chính quyền địa phương bao hàm việc mang lại cho chính quyền địa phương quyền chủ động tiến hành các giao dịch dân sự, ký kết hợp đồng phục vụ cho quá trình quản lý, sử dụng tài sản cũng như chịu trách nhiệm dân sự (trách nhiệm tài sản) khi thực hiện các hành vi này.
 

5. Chế độ trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương

Xuất phát từ đặc thù về thẩm quyền như đã nêu ở trên, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý, sử dụng tài sản công bao gồm cả trách nhiệm hành chính, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm dân sự.
Trách nhiệm hành chính phát sinh từ yêu cầu tuân thủ các quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản; yêu cầu tuân thủ các quy trình và định mức áp dụng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công và yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc, mục tiêu của việc quản lý tài sản. Việc không tuân thủ các quy tắc này sẽ dẫn đến việc chủ thể quản lý phải chịu các hình thức kỷ luật hoặc có thể bị truy tố về mặt hình sự.
Ngoài trách nhiệm hành chính, chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm về mặt dân sự. Đây là trách nhiệm đối với các đối tác khi ký kết, thực thi các hợp đồng phát sinh từ quá trình quản lý, sử dụng tài sản và trách nhiệm ngoài hợp đồng đối với những thiệt hại gây ra trong quá trình thực thi quyền quản lý, sử dụng tài sản.
Bên cạnh các trách nhiệm pháp lý hành chính và dân sự, chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm chính trị, được hiểu là “chế độ trách nhiệm đòi hỏi các quan chức (chính trị) phải có được sự tín nhiệm của nhân dân hoặc của những người đại diện cho nhân dân”. Xem xét mức độ tín nhiệm của người dân đối với hoạt động quản lý, sử dụng tài sản của chính quyền địa phương là một trong những yếu tố quan trọng để có thể thúc đẩy hơn hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công của chính quyền địa phương. Trách nhiệm chính trị đòi hỏi chính quyền địa phương phải giải trình trước người dân địa phương trong việc đảm bảo quản lý, sử dụng tài sản công tại địa phương đúng mục đích, hiệu quả và mang lại lợi ích chung cho người dân. Pháp luật cần có những cơ chế cần thiết để đảm bảo thực hiện chế độ trách nhiệm này.
 

6. Cơ chế giám sát quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương

Do thẩm quyền và trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công của chính quyền địa phương không chỉ được thiết lập trên phương diện hành chính mà cả phương diện chính trị và dân sự, việc giám sát không chỉ được thực hiện theo cơ chế hành chính, bởi cơ quan cấp trên với cấp dưới (từ trên xuống) mà còn cần được thực hiện bởi người dân đối với cơ quan quản lý ở địa phương (từ dưới lên). Do vậy, bên cạnh các quy định về thanh tra, kiểm tra, pháp luật cần thiết lập cơ chế giám sát cộng đồng đối với quá trình quản lý, sử dụng các tài sản công tại địa phương thông qua việc trao quyền và tạo động lực. Quá trình quản lý, sử dụng tài sản công ở địa phương phải được minh bạch hoá, người dân địa phương phải được hưởng lợi từ quá trình này, được tham gia vào quá trình ra các quyết định quan trọng có ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Để giám sát có hiệu quả, người dân cũng cần được yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin về tài sản công, về quá trình quản lý, sử dụng các tài sản này và đưa ra những ý kiến của mình.
 

7. Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương

Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam đã trải qua một quá trình hoàn thiện cùng với quá trình hoàn thiện pháp luật về quản lý tài sản công nói chung. Từ năm 1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06/3/1998 về quản lý tài sản nhà nước, sau đó là Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 và gần đây là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Các văn bản này cho thấy, pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam chủ yếu được nhìn nhận ở góc độ pháp luật hành chính, trong đó chủ yếu là tài chính công.
Theo đó, tài sản do cấp nào quản lý thì cấp đó quyết định việc đầu tư, mua sắm, sử dụng: Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước đối với tài sản công tại khu vực hành chính sự nghiệp, tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước…; việc quản lý nhà nước đối với tài nguyên, đất đai, tài sản hạ tầng do các Bộ chuyên ngành thực hiện; việc định giá đất do các cơ quan chức năng của địa phương xác định và UBND cấp tỉnh quyết định…
Cách phân định thẩm quyền như trên cho thấy sự chi phối của phương diện phân cấp hành chính, trong khi yếu tố chính trị hay dân sự chưa được chú trọng một cách thích đáng. Sự chi phối của phương diện hành chính cũng thể hiện trong các quy định về chế độ trách nhiệm và cơ chế giám sát đối với quản lý, sử dụng tài sản ở cấp chính quyền địa phương. Các quy định về chế độ trách nhiệm chủ yếu mang tính hành chính, trách nhiệm về dân sự và chính trị thiếu rõ nét. Khi thực thi quyền quản lý và sử dụng tài sản, chính quyền địa phương chủ yếu chịu trách nhiệm trước cấp trên. Trách nhiệm dân sự mặc dù đã được quy định nhưng chưa rõ ràng và chưa có cơ chế đảm bảo thực hiện. Thông thường, việc thực hiện các trách nhiệm dân sự, nếu có phát sinh, cũng thuộc quyền quyết định của cơ quan cấp trên và trong trường hợp cơ quan cấp trên chấp thuận, việc thực hiện trách nhiệm sẽ được đảm bảo. Ngược lại, nếu cơ quan cấp trên không chấp nhận, trách nhiệm dân sự sẽ khó được thực hiện. Đặc biệt, việc quản lý, sử dụng tài sản của chính quyền địa phương cũng ít được gắn với trách nhiệm chính trị. Điều này gia tăng sự lệ thuộc của chính quyền địa phương vào chính quyền trung ương ngay cả trong các quyết định cụ thể về quản lý, sử dụng tài sản, trong khi chính quyền trung ương không phải lúc nào cũng nắm bắt được thực tiễn địa phương.
Việc giám sát đối với quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương hiện nay chủ yếu được thực hiện bằng cơ chế hành chính, thông qua thanh tra và kiểm tra hành chính. Vai trò giám sát của nhân dân chủ yếu được thực hiện bởi cơ chế đại diện, thông qua Hội đồng nhân dân, chưa hình thành cơ chế giám sát cộng đồng. Hơn nữa, do thiếu cơ sở là trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương trước người dân nên việc giám sát khó có thể đạt hiệu quả.
Như vậy, ở Việt Nam hiện nay, pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương chủ yếu dựa vào cơ chế hành chính. Mặc dù áp dụng cơ chế hành chính là cần thiết, tuy nhiên, việc chỉ chú trọng vào yêu cầu tuân thủ, chưa chú ý đến phát huy vai trò chủ động của chính quyền địa phương cũng như chưa chú ý phát huy vai trò của người dân địa phương với tư cách là thành phần của sở hữu toàn dân và là người trực tiếp tương tác với các tài sản công tại địa phương có thể coi là điểm thiếu sót trong cơ chế về quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương hiện nay.
Những bất cập nêu trên phần nào lý giải cho những vấn đề nổi cộm phát sinh trong thực tiễn quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương, được phản ánh khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm tình trạng tham nhũng, đặc biệt là việc tham nhũng liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai; tình trạng khai thác tài nguyên tràn lan, trong đó có nạn phá rừng; tình trạng lãng phí trong quản lý tài sản công… Đáng chú ý, những vụ việc được phát hiện chủ yếu thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp trên, ít có trường hợp là kết quả của việc người dân lên tiếng. Do vậy, thời điểm phát hiện thường khá muộn và hậu quả khó khắc phục[6]. Những vấn đề này có thể được giảm thiểu nếu những bất cập về mặt pháp lý như trên được khắc phục, bởi khi đó trách nhiệm của chính quyền trước người dân địa phương rõ ràng hơn và người dân có cơ chế đầy đủ hơn để hưởng lợi cũng như tham gia một cách hữu hiệu vào quá trình quản lý và sử dụng tài sản công tại địa phương.
 

8. Câu hỏi thường gặp về quản lý, sử dụng tài sản công

8.1 Có những hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công nào?

Hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công bao gồm:

1. Giao quyền sử dụng tài sản công.

2. Cấp quyền khai thác tài sản công

3. Cho thuê tài sản công

4. Chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công.

5. Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, liên doanh, liên kết.

6. Sử dụng tài sản công để thanh toán các nghĩa vụ của Nhà nước

7. Bán, thanh lý tài sản công.

8. Hình thức khác theo quy định của pháp luật.

 

8.2 Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn có được không?

Không. Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công.

 

8.3 Công ty nhà nước mua xe ô tô vượt chuẩn phạt bao nhiêu?

Theo Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định việc xử phạt mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, cụ thể như sau:

- Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản có giá trị vượt dưới 50.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản;

- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản có giá trị vượt từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản;

- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản có giá trị vượt từ 100.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản trở lên.

Như vậy, tùy mức vượt quá sẽ bị xử phạt mức khác nhau.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.

Luật Minh Khuê (Sưu tầm & biên tập)