1. Xử phạt vi phạm hành chính là gì ?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 thì vi phạm hành chính tức là hành vi có lỗi của cá nhân, tổ chức nào đó thực hiện, có vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử lý vi phạm hành chính.

Đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính nói trên sẽ bị người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền tiến hành việc xử phạt có trách nhiệm chứng minh hành vi đó là hành vi vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc là thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh rằng hành vi của mình là không vi phạm hành chính.

Việc xử phạt hành chính do cơ quan có thẩm quyền thực hiện phải được tiến hành một cách nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà quyết định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm. Nguyên tắc khi xử phạt vi phạm hành chính là một hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt một lần. Nếu một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần thì sẽ bị xử phạt về từng hành vi vi phạm chứ không kết hợp hết vào để xử phạt. Trường hợp mà nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm thì mỗi người vi phạm đều sẽ bị xử phạt về hành vi vi phạm đó. Thông thường, trong trường hợp cũng cùng một hành vi vi phạm đấy nhưng mức phạt tiền đối với tổ chức theo quy định sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

 

2. Thế nào là Cảnh sát biển ?

Cảnh sát biển Việt Nam theo Điều 3 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước Việt Nam, làm nòng cốt để thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

Chức năng của Cảnh sát biển là tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất các phương án với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.

Cảnh sát biển Việt Nam được Nhà nước giao cho rất nhiều quyền hạn trong phạm vi hoạt động thực tế cũng như dựa trên quy định của pháp luật. Bên cạnh một số quyền hạn về kiểm tra, tuần tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa hay sử dụng phương tiện, thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ thì Cảnh sát biển còn có quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

 

3. Thẩm quyền của cảnh sát biển trong xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ theo quy định tại Điều 41 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 thì thẩm quyền của cảnh sát biển trong xử phạt vi phạm hành chính như sau :

Đối với cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ thì có quyền phạt cảnh cáo đối với các hành vi vi phạm; phạt tiền lên đến 2% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 1.500.000 đồng.

Đối với Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển thì có thẩm quyền quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không vượt quá 5.000.000 đồng.

Đối với Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển thì có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 10.000.000 đồng. Đồng thời các cơ quan này còn có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau : buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi hành vi vi phạm xảy ra; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hàng hóa , vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại.

Đối với Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển thì có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 20% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 25.000.000 đồng. Đồng thời có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt đã quy định. Bên cạnh đó, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau : buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi hành vi vi phạm xảy ra, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường lây lan dịch bệnh; buộc tiêu huỷ hàng hoá, vật phẩm gây hại cho sức khoả con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hoá phẩm có nội dung độc hại; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện; các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.

Đối với Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam thì có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 30% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 50.000.000 đồng. Đồng thời có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt đã quy định. Bên cạnh đó là còn có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả giống với thẩm quyền của Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển.

Đối với Tư lệnh Vùng cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam thì có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 100.000.000 đồng. Đồng thời có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Ngoài ra, các cơ quan này còn có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả giống với thẩm quyền của Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển.

Đối với Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam thì có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này. Đồng thời có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Ngoài ra, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam còn có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả giống với thẩm quyền của Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển.

Trên đây là toàn bộ bài viết về vấn đề Thẩm quyền của Cảnh sát biển trong xử phạt vi phạm hành chính mà Luật Minh Khuê muốn gửi tới quý khách hàng. Ngoài ra, quý khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết Tiêu chuẩn được tuyển chọn vào Cảnh sát biển Việt Nam thì công dân cần đáp ứng tiêu chuẩn nào? để biết thêm nhiều thông tin hữu ích. Nếu còn bất cứ thắc mắc về vấn đề này hay gặp bất kì vấn đề pháp lý nào cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ tới bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số điện thoại: 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu chi tiết đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp nhanh chóng. Rất mong nhận được sự hợp tác của quý khách. Trân trọng !