Mục lục bài viết
- 1. Khu kinh tế là gì?
- 2. Mở rộng khu kinh tế là gì?
- 3. Thẩm quyền thành lập, mở rộng khu kinh tế
- 4. Thành lập, mở rộng khu kinh tế trong quy hoạch phát triển khu kinh tế đã được phê duyệt
- 4.1. Hồ sơ thành lập, mở rộng
- 4.2. Thẩm định thành lập, mở rộng khu kinh tế
- 5. Thành lập, mở rộng khu kinh tế chưa có trong quy hoạch phát triển khu kinh tế đã được phê duyệt
- 5.1. Hồ sơ bổ sung mới và mở rộng khu kinh tế
- 5.2. Thẩm định bổ sung quy hoạch phát triển khu kinh tế
- 6. Phân biệt khu công nghiệp và khu chế xuất
Kính chào công ty Luật Minh Khuê. Tôi có thắc mắc về kinh tế mong nhận được sự hỗ trợ từ chuyên mục tư vấn của công ty. Xin luật sư cho biết, quy định pháp luật hiện nay giải thích như thế nào về khu kinh tế? Việc thành lập khu kinh tế được quy định như thế nào? Luật sư phân biệt giúp tôi giữa khu công nghiệp và khu chế xuất có gì khác nhau? Rất mong nhận được phản hồi từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Huy Phương - Bình Dương
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Cơ sở pháp lý:
1. Khu kinh tế là gì?
Khu kinh tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về 2 loại khu kinh tế: khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu
2. Mở rộng khu kinh tế là gì?
Mở rộng khu kinh tế là việc phát triển thêm diện tích ở khu vực có ranh giới lân cận hoặc liền kề để nâng cao tiềm năng phát triển, tính lan tỏa của khu kinh tế.
3. Thẩm quyền thành lập, mở rộng khu kinh tế
- Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, mở rộng khu kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển khu kinh tế đã được phê duyệt.
- Khu kinh tế được tổ chức thành các khu chức năng. Quy mô diện tích, vị trí của từng khu chức năng được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Thành lập, mở rộng khu kinh tế trong quy hoạch phát triển khu kinh tế đã được phê duyệt
4.1. Hồ sơ thành lập, mở rộng
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 82/2018/NĐ-CP:
Thứ nhất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập đề án về thành lập, mở rộng khu kinh tế bao gồm các nội dung chủ yếu:
- Sự cần thiết và căn cứ pháp lý của việc thành lập, mở rộng khu kinh tế và sự phù hợp với quy hoạch phát triển khu kinh tế đã được phê duyệt;
- Đánh giá các yếu tố và điều kiện về vị trí địa lý, tự nhiên, tài nguyên, kinh tế - xã hội, những lợi thế và hạn chế của khu vực dự kiến xây dựng khu kinh tế;
- Đánh giá và giải trình về các điều kiện nêu tại Điều 16 Nghị định này;
- Dự kiến phương hướng phát triển gồm: Mục tiêu phát triển, tính chất, chức năng của khu kinh tế; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực; định hướng phát triển các khu chức năng; định hướng quy hoạch sử dụng đất trong khu kinh tế;
- Dự kiến tổng mức đầu tư, các phương thức huy động vốn để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế; thời điểm thành lập khu kinh tế; kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển khu kinh tế;
- Đánh giá về vấn đề bảo vệ môi trường, bao gồm: Đánh giá tổng thể chung về các tác động tích cực, tiêu cực đến môi trường; xác định các thành phần môi trường, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng và mức độ tác động khi thành lập khu kinh tế; xây dựng giải pháp bảo vệ môi trường khi khu kinh tế đi vào hoạt động; các nội dung khác (nếu có) theo quy định pháp luật về môi trường; đánh giá về bảo đảm quốc phòng, an ninh;
- Kiến nghị các giải pháp và tổ chức thực hiện;
- Thể hiện phương án quy hoạch khu kinh tế trên bản đồ quy hoạch.
Thứ hai, Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị thành lập, mở rộng khu kinh tế.
Hồ sơ được lập thành 10 bộ, trong đó có ít nhất 02 bộ hồ sơ gốc (01 bộ hồ sơ gốc trình Thủ tướng Chính phủ) và 09 bộ hồ sơ nộp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.
4.2. Thẩm định thành lập, mở rộng khu kinh tế
Thứ nhất, nội dung thẩm định:
- Cơ sở pháp lý và sự cần thiết của việc thành lập, mở rộng khu kinh tế;
- Sự phù hợp của việc thành lập, mở rộng khu kinh tế với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh;
- Các mục tiêu, chỉ tiêu của việc thành lập, mở rộng khu kinh tế và bố trí các nguồn lực;
- Các điều kiện thành lập, mở rộng khu kinh tế;
- Các giải pháp thực hiện và tính khả thi của việc thành lập, mở rộng khu kinh tế.
Thứ hai, trình tự, thủ tục thẩm định:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thành lập, mở rộng khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan.
Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng được quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ sung, sửa đổi hồ sơ. Thời gian bổ sung, sửa đổi hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định.
- Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các bộ, ngành có ý kiến gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thành lập Hội đồng thẩm định để làm rõ những vấn đề liên quan.
- Trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập, mở rộng khu kinh tế.
5. Thành lập, mở rộng khu kinh tế chưa có trong quy hoạch phát triển khu kinh tế đã được phê duyệt
Khoản 1 Điều 15 Nghị định 82/2019/NĐ-CP quy định: Trường hợp khu kinh tế, mở rộng khu kinh tế chưa có trong quy hoạch phát triển khu kinh tế đã được phê duyệt thì phải thực hiện thủ tục bổ sung mới hoặc mở rộng khu kinh tế vào quy hoạch phát triển khu kinh tế theo quy định tại Điều 17, Điều 18 Nghị định này.
5.1. Hồ sơ bổ sung mới và mở rộng khu kinh tế
Thứ nhất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập đề án về quy hoạch phát triển khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm các nội dung như sau:
- Sự cần thiết và căn cứ pháp lý của việc bổ sung quy hoạch;
- Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, định hướng tổ chức không gian phát triển; dự kiến phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức không gian phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Đánh giá hiện trạng xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, các vùng lãnh thổ đặc biệt khác (nếu có) đã thành lập và quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Đánh giá sự phù hợp, tính kết nối của khu vực dự kiến quy hoạch khu kinh tế với quy hoạch có liên quan;
- Đánh giá tổng thể về điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu vực dự kiến quy hoạch khu kinh tế; thuận lợi, khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh;
- Giải trình đáp ứng các điều kiện bổ sung quy hoạch khu kinh tế quy định tại Điều 16 Nghị định này;
- Đánh giá vai trò, chức năng của khu kinh tế đối với phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phát triển vùng (nếu có); các hạn chế và lợi thế so sánh của khu vực quy hoạch khu kinh tế;
- Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu kinh tế, bao gồm: Mục tiêu phát triển về kinh tế - xã hội; tổ chức không gian phát triển; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật xã hội, các ngành nghề lĩnh vực, trong đó nêu rõ các ngành nghề lĩnh vực trọng điểm;
- Kế hoạch thành lập, phát triển khu kinh tế và các giải pháp thực hiện;
-Thể hiện phương án quy hoạch khu kinh tế trên bản đồ địa giới hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bản đồ hiện trạng sử dụng đất, định hướng quy hoạch sơ bộ khu kinh tế.
Thứ hai, tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị bổ sung mới, mở rộng khu kinh tế vào quy hoạch phát triển khu kinh tế.
Hồ sơ được lập thành 10 bộ, trong đó có ít nhất 02 bộ hồ sơ gốc (01 bộ hồ sơ gốc trình Thủ tướng Chính phủ) và 09 bộ hồ sơ nộp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.
5.2. Thẩm định bổ sung quy hoạch phát triển khu kinh tế
Nội dung thẩm định:
- Cơ sở pháp lý và sự cần thiết của việc bổ sung quy hoạch khu kinh tế;
- Sự phù hợp của việc bổ sung quy hoạch phát triển khu kinh tế với quy hoạch vùng, tỉnh có liên quan;
- Vai trò và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội; khả năng đáp ứng các điều kiện bổ sung quy hoạch phát triển khu kinh tế;
- Tính khả thi của kế hoạch thành lập, phát triển khu kinh tế và các giải pháp thực hiện.
Trình tự, thủ tục thẩm định:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung quy hoạch phát triển khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan.
Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ sung, sửa đổi hồ sơ. Thời gian bổ sung, sửa đổi hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định.
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các bộ, ngành có ý kiến gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thành lập Hội đồng thẩm định để làm rõ những vấn đề liên quan.
- Trong thời hạn 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
6. Phân biệt khu công nghiệp và khu chế xuất
Khu công nghiệp, khu chế xuất là những khu vực sản xuất kinh doanh đặc biệt. Doanh nghiệp có trụ sở tại những khu vực này sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi so với các khu vực khác.
Khu công nghiệp là những khu vực đặt các cơ sở sản xuất, nhà máy phục vụ việc sản xuất hàng hoá, dịch vụ với quy mô lớn.
Theo khoản 16 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp.
Hiện nay, khu công nghiệp được thành lập trên tất cả 63 tỉnh, thành phố. Một số đặc điểm nổi bật của khu công nghiệp như sau:
- Khu công nghiệp không được phép có dân cư sinh sống;
- Mỗi khu công nghiệp đều có Ban quản lý khu công nghiệp
+ Ban quản lý khu công nghiệp có tư cách pháp nhân;
+ Có tài khoản và con dấu mang hình quốc huy;
+ Kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp cho Ban quản lý theo kế hoạch hàng năm và nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp. Ví dụ: Logistics, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng…
- Khu công nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi như: Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; Miễn giảm tiền thuê đất…
- Khu công nghiệp được Chính phủ cấp phép đầu tư theo đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.
Khoản 1 Điều 2 Nghị định 82/2018/NĐ-CP có quy định về các loại hình khu công nghiệp như sau:
Loại hình |
Đặc điểm |
Khu chế xuất |
Là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục áp dụng đối với khu công nghiệp quy định tại Nghị định này. |
Khu công nghiệp hỗ trợ |
- Là khu công nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thực hiện dịch vụ cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. - Tỷ lệ diện tích đất cho các dự án đầu tư vào ngành nghề công nghiệp hỗ trợ thuê, thuê lại tối thiểu đạt 60% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của khu công nghiệp; |
Khu công nghiệp sinh thái |
- Là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp. |
Theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 82/2018/NĐ-CP, khu chế xuất là một loại hình khu công nghiệp, nhưng khu chế xuất lại có những đặc điểm riêng biệt. Dưới đây là những nội dung để phân biệt rõ khu công nghiệp và khu chế xuất.
Tiêu chí |
Khu công nghiệp |
Khu chế xuất |
Khái niệm |
Khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp. |
Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu |
Mục đích thành lập |
Thu hút đầu tư đối với tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước |
Chủ yếu là thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp nước ngoài |
Ranh giới địa lý |
Có ranh giới địa lý xác định nhưng không rõ ràng, thường xác định bằng hệ thống hàng rào xây dựng. |
Khu chế xuất được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo các quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu |
Thành phần doanh nghiệp |
Gồm tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. |
- Gồm các doanh nghiệp nằm trong khu chế xuất, gọi là doanh nghiệp chế xuất: - Doanh nghiệp chế xuất được Miễn thuế xuất nhập khẩu khi nhập khẩu hàng hóa tạo tài sản cố định, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, hoặc khi xuất khẩu thành phẩm ra nước ngoài, miễn thuế Giá trị gia tăng. |
Ngành nghề sản xuất |
Hầu hết các ngành, nghề với các loại hàng hoá, dịch vụ đa dạng, chủ yếu là: Vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị tiêu dùng, dịch vụ logistic… |
Các ngành nghề, hàng hoá để xuất khẩu như: gạo, dệt may, giày da… |
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê