Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Cơ sở pháp lý

- Bộ luật dân sự 2015

- Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Luật sư tư vấn:

1. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm. Đây là quy định chung trong BLDS. Cần lưu ý các trường hợp đặc biệt sau:

Khi xảy ra các trường hợp gây thiệt hại trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực thì việc xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại được thực hiện như sau:

- Đối với những trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh kể từ ngày 01-01-2005 (ngày Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực), thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.

- Đối với những trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước ngày 01-01-2005, thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày 01-01-2005.

- Riêng đối với các trường hợp oan sai do họat động tố tụng gây ra thì áp dụng quy định cụ thể của NQ 388.

Trường hợp đối với bộ luật dân sự 2015:

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Bộ luật dân sự năm 2015 có một số quy định về thời hiệu khởi kiện khác với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 và của Bộ luật dân sự năm 2005; đó là:

- Quy định tại khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

“Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

“Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.

(Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 không có quy định này).

- Quy định tại Điều 429 Bộ luật dân sự năm 2015:

“Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

(Điều 427 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 02 năm).

Quy định tại Điều 588 Bộ luật dân sự năm 2015:

“Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

(Điều 607 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 02 năm).

- Quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015:

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:   a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;    b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này”.

(Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 10 năm đối với bất động sản; không có quy định khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó; không có quy định giải quyết đối với trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản).

Do Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Bộ luật dân sự năm 2015 có những quy định về thời hiệu khởi kiện khác với quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 và Bộ luật dân sự năm 2005, nên việc áp dụng các quy định này đã được quy định tại Điều 517 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và tại Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội khóa 13, đồng thời cũng đã được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

2. Kết hợp trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với các loại trách nhiệm khác

- Bảo hiểm tài sản: khi chủ sở hữu tài sản có mua bảo hiểm tài sản thì khi xảy ra sự kiện báo hiểm đã được trù liệu trong hợp đồng bảo hiểm thì công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm chi trả trước khi đã hội đủ điều kiện. Sau khi đã chi trả, công ty bảo hiểm có quyền kiện bên gây thiệt hại thực hiện việc bồi thường.

- Bảo hiểm tính mạng: tương tự như trên.

- Bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới: nếu chủ xe cơ giới đã mua bảo hiểm TNDS thì khi chủ xe gây thiệt hại cơ quan bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho người bị thiệt hại hoặc cho người gây thiệt hại nếu người này đã bồi thường.

- Bảo hiểm xã hội.

3. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Theo Điều 584 Bộ dân sự 2015 thì căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

5. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại thì ai phải bồi thường?

Điều 586 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:

Điều 586. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Như vậy, nếu người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ là người phải bồi thường. Nếu không còn cha mẹ thì người giám hộ bồi thường. 

Tuy nhiên, người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Trường học không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi phải bồi thường.

6. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

- Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

- Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

+ Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

+ Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi, nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ ​Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự về thời hiệu yêu cầu bồi thường, gọi:  1900.6162  để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty luật Minh Khuê