Thường thì người ứng xử có đi có lại theo quan hệ “bánh ít đi bánh qui lại”: anh sòng phẳng với tôi thì tôi cũng sòng phẳng với anh. Trong quan hệ với nhà nước cũng thế. Thế nhưng, cũng có khi người dân quay lưng lại với pháp luật.

Phải chăng do pháp luật đối xử với người dân không sòng phẳng lắm nên người dân mới bất cần đến pháp luật? Phải chăng nhà nước chưa thật sự hướng tới người dân nên người dân mới hờ hững với pháp luật của nhà nước?

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  1900.6162

Luật và kinh tế học hành vi: hướng đi mới trong luật học

Thông thường, theo các nhà kinh tế học, hành vi thị trường chủ yếu dựa trên tính toán về lợi ích và sự hợp lý. Theo đó, người ta cân nhắc một cách logic và có hệ thống để đưa ra quyết định tối ưu cho mình.

Tuy nhiên, từ đầu thập niên 1970, hai nhà kinh tế học Kahneman và Tversky đã chứng minh rằng từ góc độ kinh tế học, con người không phải lúc nào cũng ứng xử theo lý. Trong nhiều trường hợp người ta phán xử và hành động theo cảm tính, lắm lúc cảm tính đó biến thành một dạng của định kiến.

Trong luật học cũng xuất hiện trào lưu mới là luật và kinh tế học hành vi (Behavioral law and economics). Theo đó, người ta, từ vị nghị sĩ, thẩm phán, đến người dân thường, nhiều khi đưa ra các quyết định dựa trên cảm tính hơn là tính toán về sự hợp lý. Các nhà luật học hành vi áp dụng các lý thuyết kinh tế hành vi để phân tích tại sao người ta lại ứng xử thế này mà không phải thế kia trong tình huống hoặc môi trường pháp lý nào đó, từ đó mà đề ra giải pháp ứng đối.

Có đi có lại: xưa và nay

Một trong những luận điểm quan trọng của Kahmann và các nhà kinh tế học hành vi khác là về “sòng phẳng với nhau” (reciprocal fairness), có khi được gọi là “có đi có lại” (reciprocity). Một loạt thử nghiệm của các nhà nghiên cứu trên cho thấy: con người muốn được đối xử tốt với nhau, một cách sòng phẳng, đặc biệt là giữa những người đã quen biết nhau. Ngược lại, không sòng phẳng thì đừng mong được sòng phẳng lại. Lúc ấy, con người nhiều khi không thèm tính toán kinh tế nữa để đòi sự công bằng. Các nhà nghiên cứu luật học nước ngoài đã vận dụng lý thuyết này để phân tích các vấn đề trong luật hợp đồng, lao động, trừng phạt tội phạm, quản trị công ty...

Ứng vào trường hợp VN, có vẻ như nhà cầm quyền từ xưa đến nay khi ban hành pháp luật ít chú ý đến lòng dân. Người dân có hờ hững với dạng pháp luật ấy, thậm chí phạm luật cũng là dễ hiểu. Dưới đây là một vài dẫn chứng.

Thứ nhất, nhà nước luôn chăm chăm bảo vệ vị thế và quyền lực của mình, mà rất ít khi chăm lo bảo vệ quyền của dân. Đối với các triều đại phong kiến, mối quan tâm đầu tiên và gần như duy nhất là giữ cái tôn ti trật tự đã được thiết lập trong xã hội với vua ở đỉnh, dưới một chút là quan lại. Pháp luật chỉ được coi là công cụ để giữ gìn tôn ti trật tự đó. Dĩ nhiên, khi đó nỗi niềm của người dân đâu có được tính đến. Vì thế, như lý thuyết về “sự có đi có lại” chứng minh, nhà nước phong kiến đâu có hướng đến người dân mà hi vọng người dân chào đón pháp luật do nhà nước ban hành.

Ngày nay, tính “công cụ” hướng tới sự bảo vệ quyền lực nhà nước vẫn in đậm trong pháp luật. Một dẫn chứng là tâm lý muốn quản cho chặt, mỗi văn bản pháp luật đều có chương quản lý nhà nước, ngay cả hiến pháp cũng đầy cụm từ “quản lý nhà nước”. Hiện tượng cấm, cấm bất kể cái gì khi thấy quản khó quá, như cấm karaoke, cấm xe máy... là ví dụ nữa.

Còn có thêm một cách nghĩ, cách làm khác nữa thể hiện tính “công cụ” này của pháp luật: nhiều lúc nhà nước dùng pháp luật can thiệp quá nhiều vào những quan hệ tư, trái với cách quản trị hiện đại của nhà nước, cản trở thị trường. Khi hai bên đã ngược nhau như thế thì nói gì đến ứng xử có đi có lại.

Tính “công cụ” nhiều khi bị biến thành tấm bình phong để trục lợi. Báo chí vẫn hay nhắc đến việc cài cắm quyền lợi của các bộ, ngành trong khi soạn thảo luật bằng cụm từ “quản lý nhà nước”. Hoặc người ta dùng “quản lý nhà nước” để bảo vệ cho được những qui định lỗi thời về doanh nghiệp nhà nước, vì đằng sau đó cũng là những mối lợi khổng lồ. Rồi vì coi pháp luật là của họ, có những vị ngang nhiên dùng pháp luật để bảo kê, hành xử như những “ông vua con”. Từ đây, lòng tin của dân vào pháp luật, vốn đã thấp nay lại tụt giảm nhiều hơn.

Thứ hai, để hướng đến mục đích của nhà nước, pháp luật ngày xưa lắm khi quá hà khắc. Những hình phạt như vậy có thể khiến người dân khiếp sợ mà tuân thủ luật. Nhưng người dân chẳng coi pháp luật đó là “sòng phẳng” nên chẳng tự nguyện tuân thủ. Từ khiếp sợ qua kinh sợ, đến căm ghét chẳng là bao xa. Vì thế, sự hà khắc có thể dẫn đến tâm lý chống đối pháp luật.

Ngày nay, tính trừng phạt quá nặng nề của pháp luật vẫn còn đâu đây. Chẳng hạn, tử hình các tội phạm kinh tế hay những mức hình phạt quá cao so với tính chất của tội phạm... Nếu pháp luật quá nghiêng về trừng phạt, nó sẽ tạo cảm giác là nhà nước không tin vào người dân, phải dùng trừng phạt thật nặng, thật nhiều để đề phòng. Do đó, người dân tự nhiên mất đi động cơ tự nguyện tuân thủ pháp luật. Thậm chí, nếu pháp luật hướng nhiều đến trừng phạt, người dân sẽ tìm cách lách luật, tức là không có đi thì không có lại (1).

Thứ ba, vì lo giữ vị thế và quyền lực nhà nước, pháp luật dưới nhiều triều đại phong kiến ở VN không thấy cần thiết phải điều chỉnh các mối quan hệ giữa người dân với nhau, mà hầu như chỉ quan tâm đến chiều dọc từ trên xuống, Do sự thiếu vắng đó, người dân tìm đến những qui phạm khác để tự điều chỉnh như qui phạm xã hội, luật phong tục, hương ước...

Nói cho công bằng, Bộ luật Hồng Đức có những điều khoản tiến bộ qui định và bảo vệ các quyền trong các lĩnh vực tương tự với hợp đồng, bồi thường ngoài hợp đồng, tài sản, thừa kế (2). Nhưng thời cực thịnh của nhà Lê chỉ diễn ra trong vòng chưa đến trăm năm, nên khi dân đã ít nhiều tiếp xúc với sự công bằng của pháp luật, bắt đầu tin và quen với pháp luật thì xảy ra loạn lạc rồi chia cắt. Mỗi vùng áp dụng một luật riêng. Bởi vậy “phép vua” lại thua “lệ làng”.

Hơn nữa, pháp luật còn mang tính cá nhân: gặp phải ông vua anh minh thì dân nhờ, ngược lại thì ngậm khổ. Trong thực tế, thay mặt vua là đội ngũ quan lại địa phương với quyền hành rất lớn. Pháp luật lại được “cá nhân hóa” thêm nhiều lần. Tính “có đi” của pháp luật bị hư hao dần mòn khi phải vượt qua từng ấy cửa quan, nên khi đến dân, dân không còn thấy bổn phận phải “có lại” với nó nữa.

Ngày nay, đã có nhiều bộ luật, đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực của luật tư hoặc bảo vệ quyền tư nhân. Nhưng trên thực tế, do bản thân chất lượng văn bản pháp luật còn nhiều chỗ yếu, thực thi pháp luật còn yếu hơn, nên quyền của người dân vẫn chưa được bảo vệ như đáng ra phải có. Sau một đêm, người dân tỉnh dậy có thể thấy mảnh đất của mình chỉ còn đáng giá vài đồng bạc, do những qui định bất hợp lý về thu hồi đất và bồi thường. Cũng chẳng thấy mặt mũi pháp luật đâu khi ngay giữa Hà Nội, hai ông bà già bị hàng xóm bịt mất lối đi hàng tháng trời liền.

Cũng có khi pháp luật hướng đến dân, nhưng trong thực tế giống như ngày xưa, chúng lại phải qua sự ban ơn kèm theo vòi vĩnh của nhiều vị quan ngày nay. Quyền tự do kinh doanh do Luật doanh nghiệp qui định bị bao vây bởi trùng trùng điệp điệp những giấy phép con; doanh nghiệp, tư thương bị đủ các đoàn đến hỏi thăm. Nhiều khi, sinh ra và chết đi, những quyền không còn quyền nào tự nhiên hơn nữa cũng phải biết điều mới được vào sổ một cách nhanh chóng, suôn sẻ... và...

Khi pháp luật bị “tư hữu hóa” đến mức ấy thì nơi mà người dân tìm đến thật ra không phải là pháp luật, mà là cái vị quan cụ thể ngồi ở trụ sở phường, xã, huyện, tỉnh, phòng, sở, ban ngành kia. Pháp luật không phải là chốn tin cẩn để người dân dựa vào khi có tranh chấp xảy ra.

Thứ tư, pháp luật thiếu công tâm và thiếu công bằng. Vì tính “công cụ” nói trên, nhiều khi pháp luật ưu ái cho những người của nhà nước hoặc gần gũi với nhà nước. Sự nuông chiều doanh nghiệp nhà nước là một ví dụ. Hoặc trong khi người dân bình thường có thể bị kết tội nghiêm khắc, thì cũng tội ấy, thậm chí nặng hơn, người của nhà nước lại được xử nhẹ hều, kiểu như xử lý nội bộ, luân chuyển công tác... Hoặc trong quá trình xét xử, sự công bằng về mặt tố tụng bị coi nhẹ, ví dụ như thẩm phán vẫn hay bỏ ngoài tai ý kiến của các luật sư - những người đại diện quyền lợi pháp lý của người dân ở tòa. Có cảm giác như ở pháp đình kiểu suy nghĩ “ta - xử - vậy - vì - ta - muốn - vậy” chiếm ưu thế.

Trong khi đó, như các công trình nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy khi kiện tụng, người dân quan tâm hàng đầu đến sự công bằng về thủ tục. Họ có thể chấp nhận thua thiệt chút ít về kết quả cuối cùng. Họ ấm ức khi kết quả không đi kèm với một quá trình xét xử công tâm và công bằng, chẳng hạn lý lẽ của họ không được lắng nghe, lập luận của thẩm phán không được thuyết phục...

Có lẽ tâm lý của người Việt cũng vậy thôi: Khi được xét xử công minh, ngay cả người thua kiện cũng ra về bằng lòng, họ sẽ vẫn tiếp tục tin tưởng rằng khi có tranh chấp khác, họ có thể thắng kiện Ngược lại, khi mất niềm tin, liệu người dân còn có mong muốn sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền của mình nữa không?

Kết luận

Một vài quan sát trên cho thấy: có thể dùng lý thuyết về “có đi có lại” để hiểu thêm nhu cầu của người dân đối với pháp luật. Lý thuyết này chỉ ra rằng muốn biến “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” thành một triết lý quản trị thật sự, chứ không chỉ là khẩu hiệu kêu như chuông, pháp luật do nhà nước ban hành phải hướng đến người dân, bảo vệ quyền lợi của dân. Khi đã có đi sẽ có lại, người dân sẽ dần dần quen dùng pháp luật đó hơn trong giao dịch với nhau và trong mối tương tác với nhà nước.

NGUYỄN ĐỨC LAM

(1) Một số công trình nghiên cứu thực nghiệm ở Mỹ cho thấy việc tăng mức hình phạt và tăng cường bắt giữ tội phạm ma túy vẫn không làm giảm được mức độ của loại tội phạm này.

(2) Các nhà nghiên cứu đã so sánh những qui định này với pháp luật của các nước thuộc hệ thống Anh - Mỹ hiện nay và tìm thấy nhiều điểm tương đồng, không kém cạnh về khả năng bảo vệ quyền của người dân.

Việt Báo (Theo_TuoiTre)

(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)