1. Thủ tục Cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam

Điều 37 Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định về thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam như sau:

Thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển:

a) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thực hiện cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong phạm vi vùng biển tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 06 hải lý thuộc phạm vi quản lý;

b) Tổng cục Thủy sản thực hiện cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong khu vực biển ngoài 06 hải lý, khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 06 hải lý.

Hồ sơ cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển bao gồm:

a) Đơn đăng ký theo Mẫu số 29.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản thuyết minh dự án nuôi trồng thủy sản theo Mẫu số 30.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Báo cáo đánh giá tác động môi trường nuôi trồng thủy sản hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định;

d) Sơ đồ khu vực biển kèm theo tọa độ các điểm góc của khu vực biển đề nghị giao.

Trình tự cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển:

Bước 1: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền.

Bước 2: Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ, xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, đơn vị có liên quan và xem xét cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo Mẫu số 31.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này nếu đáp ứng các quy định. Trường hợp không cấp phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cấp lại Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển trong trường hợp Giấy phép bị mất, bị hỏng, có sự thay đổi, bổ sung thông tin:

a) Tổ chức, cá nhân gửi đề nghị cấp lại Giấy phép theo Mẫu số 29.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được đề nghị cấp lại Giấy phép, cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp lại Giấy phép. Trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Thu hồi Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển:

a) Giấy phép bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Giấy phép bị tẩy, xóa, thay đổi nội dung; không thực hiện đúng các nội dung đã quy định trong Giấy phép;

b) Thẩm quyền thu hồi Giấy phép: Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép thì có thẩm quyền thu hồi Giấy phép.

2. Cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Theo quy định tại Điều 38 Nghị định 26/2019/NĐ-CP

Thẩm quyền: Cơ quan có thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thành phần hồ sơ: Hồ sơ cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài cũng tương tự như đối với cá nhân, tổ chức Việt Nam. Theo đó, thực hiện tương tự quy định tại khoản 2 Điều 37 ban hành kèm theo Nghị định này.

Trình tự cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển:

a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản;

b) Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Tổng cục Thủy sản tổ chức thẩm tra hồ sơ; tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến của địa phương nơi có khu vực biển, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội nuôi biển, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải. Trường hợp cần thiết, Tổng cục Thủy sản tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế tại địa điểm tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nuôi trồng thủy sản;

c) Sau khi tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan: Trường hợp tất cả ý kiến đồng ý, trong thời hạn 05 ngày làm việc Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo Mẫu số 31.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp có ít nhất 01 ý kiến không đồng ý về việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong thời hạn 07 ngày làm việc sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo Mẫu số 31.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp phép Tổng cục Thủy sản trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Cấp lại Giấy phép trong trường hợp giấy phép bị mất, bị hỏng, có sự thay đổi, bổ sung thông tin:

a) Tổ chức, cá nhân gửi Đơn đề nghị cấp lại giấy phép theo Mẫu số 29.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này đến Tổng cục Thủy sản;

b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ khi nhận được văn bản đề nghị cấp lại Giấy phép, Tổng cục Thủy sản xem xét, tham mưu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp lại Giấy phép cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thu hồi giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển:

a) Giấy phép bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Giấy phép bị tẩy, xóa, làm thay đổi nội dung; không thực hiện đúng các nội dung đã quy định trong Giấy phép;

b) Thẩm quyền thu hồi Giấy phép là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

c) Khi phát hiện cơ sở vi phạm một trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định thu hồi giấy nuôi trồng thủy sản trên biển và thông báo thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng.

3. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản được quy định tại Điều 42 Luật thủy sản năm 2017 như sau:

Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản có quyền sau đây:

a) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao đất, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Điều 43 của Luật này, quyết định giao quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Điều 44 của Luật này;

b) Được Nhà nước bảo vệ khi tổ chức, cá nhân khác xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình nuôi trồng thủy sản; được bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất, khu vực biển vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh trong thời hạn được giao quyền sử dụng đất, quyền sử dụng khu vực biển theo quy định của pháp luật;

c) Được thông báo về tình hình môi trường, dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, thông tin về thị trường thủy sản;

d) Được Nhà nước hỗ trợ khôi phục sản xuất trong trường hợp bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai theo quy định;

đ) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản khi có yêu cầu.

Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản có nghĩa vụ sau đây:

a) Sử dụng diện tích đất, khu vực biển được giao đúng mục đích, ranh giới để nuôi trồng thủy sản và bảo vệ các công trình phục vụ chung cho nuôi trồng thủy sản;

b) Thực hiện nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện theo dõi, giám sát chỉ tiêu môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật;

d) Tuân thủ quy định về phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong quá trình nuôi trồng thủy sản; tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường;

đ) Sử dụng trang thiết bị, giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định;

e) Lưu giữ hồ sơ về giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản dùng trong quá trình nuôi trồng thủy sản và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình nuôi trồng thủy sản để bảo đảm truy xuất nguồn gốc;

g) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nuôi trồng thủy sản, chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm nuôi trồng thủy sản do cơ sở cung cấp; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình nuôi trồng thủy sản;

h) Cập nhật thông tin, báo cáo tình hình nuôi trồng thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản;

i) Trả lại đất, khu vực biển nuôi trồng thủy sản khi có quyết định thu hồi theo quy định của pháp luật.

4. Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép nuôi tròng thủy sản trên biển

>>> Mẫu số 29.NT ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

………, ngày …….tháng…… năm……

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP/CẤP LẠI
GIẤY PHÉP NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN BIỂN

Kính gửi: (Tên cơ quan cấp phép).

1. Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp phép: ......................................................

Đại diện (nếu là tổ chức): ...............................................................................

2. Số chứng minh thu nhân dân:…………....; Cấp ngày: ………….; Nơi cấp: ....

3. Địa chỉ thường trú/trụ sở công ty (nếu là tổ chức): ......................................

4. Điện thoại………………; Số Fax…………………….; Email............................

5. Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập (nếu có): .....................

6. Địa chỉ khu vực biển để nuôi trồng thủy sản: ...............................................

7. Đối tượng thủy sản nuôi trồng: ...................................................................

8. Diện tích mặt nước xin được giao để nuôi trồng thủy sản: ................ (ha/m2)

9. Dự kiến sản lượng nuôi (tấn/vụ):……..; Tổng sản lượng (tấn/năm):..............

10. Thông tin khác: ........................................................................................

Đề nghị …………………… (tên cơ quan cấp phép) …………………. cấp/cấp lại Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức/cá nhân ..........................

Lý do cấp lại (áp dụng đối với trường hợp xin cấp lại): .....................................

 

 

ĐẠI DIỆN CƠ SỞ
(Ký tên, đóng dấu nếu có)

5. Mẫu đề cương thuyết minh dự án nuôi trồng thủy sản

>>> Mẫu số 30.NT ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐỀ CƯƠNG THUYẾT MINH DỰ ÁN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

CHƯƠNG I: GIỚI THIỆU CHỦ ĐẦU TƯ VÀ DỰ ÁN

1. Giới thiệu về chủ đầu tư

2. Mô tả sơ bộ thông tin dự án

3. Cơ sở pháp lý

CHƯƠNG II: CĂN CỨ XÁC ĐỊNH SỰ CẦN THIẾT ĐẦU TƯ DỰ ÁN

1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội vùng thực hiện dự án

2. Khả năng tiêu thụ sản phẩm đầu ra của dự án

3. Kết luận về sự cần thiết đầu tư

CHƯƠNG III: ĐỊA ĐIỂM ĐẦU TƯ DỰ ÁN

1. Vị trí địa lý (địa điểm, các nguyên tắc lựa chọn địa điểm,...)

2. Địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, môi trường

3. Hiện trạng nơi sản xuất

4. Nhận xét chung

CHƯƠNG IV: QUY MÔ DỰ ÁN - TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Quy mô đầu tư dự án

2. Hạng mục công trình - thiết bị

3. Thời gian thực hiện dự án

CHƯƠNG V: GIỚI THIỆU QUY TRÌNH SẢN XUẤT

CHƯƠNG VI: TỔNG MỨC ĐẦU TƯ DỰ ÁN

1. Nội dung tổng mức đầu tư

2. Vốn cố định

3. Vốn lưu động

4. Nguồn vốn đầu tư dự án (phân bổ, phương án hoàn vốn và chi phí lãi vay,...)

CHƯƠNG VII: HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

1. Các giả định kinh tế và cơ sở tính toán

2. Tính toán chi phí của dự án

3. Doanh thu từ dự án

4. Các chỉ tiêu kinh tế của dự án

5. Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường

CHƯƠNG VIII: KẾT LUẬN

 

 

……….., ngày………tháng……..năm…….
CHỦ DỰ ÁN

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê