Mục lục bài viết
- 1. Quy định về thương lượng tập thể không thành
- 2. Bình luận quy định về thương lượng tập thể không thành
- 3. Thương lượng tập thể ngành, thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia
- 4. Thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia thông qua Hội đồng thương lượng tập thể
- 5. Trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thương lượng tập thể
Kính chào công ty Luật Minh Khuê. Tôi có vấn đề pháp lý cần sự giúp đỡ từ luật sư. Xin luật sư giải đáp giúp tôi hiện nay pháp luật lao động như thế nào về thương lượng tập thể không thành? Khi nào coi là thương lượng tập thể không thành? Thương lượng không thành thì sẽ tiến hành phương án nào? Thương lượng tập thể ngành, thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia và thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia thông qua Hội đồng thương ượng được quy định như thế nào?
Rất mong nhận được hồi đáp từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Minh Tuân - Thái Nguyên
>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi: 1900 6162
Trả lời:
1. Quy định về thương lượng tập thể không thành
Điều 71 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về thương lượng tập thể không thành như sau:
1. Thương lượng tập thể không thành thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 70 của Bộ luật này;
b) Đã hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật này mà các bên không đạt được thỏa thuận;
c) Chưa hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật này nhưng các bên cùng xác định và tuyên bố về việc thương lượng tập thể không đạt được thỏa thuận.
2. Khi thương lượng không thành, các bên thương lượng tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật này. Trong khi đang giải quyết tranh chấp lao động, tổ chức đại diện người lao động không được tổ chức đình công.
2. Bình luận quy định về thương lượng tập thể không thành
Điều 71 Bộ luật lao động năm 2019 về thương lượng tập thể không thành bao gồm hai nội dung chính: một là quy định về trường hợp cụ thể được xác định là thương lượng tập thể không thành và hai là quyền và nghĩa vụ của các bên trong trường hợp thương lượng tập thể không thành.
Trường hợp đầu tiên được quy định là thương lượng tập thể không thành là trường hợp một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật là 30 ngày kể từ ngày có yêu cầu thương lượng tập thể. Đây thực chất là trường hợp bên từ chối thương lượng đã vi phạm pháp luật do việc phải tiến hành thương lượng trong thời gian luật định là nghĩa vụ pháp lý của bên nhận được yêu cầu thương lượng. Hành vi vi phạm pháp luật này có thể bị xử lý và áp dụng chế tài theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, về phương diện quan hệ lao động, nó được xác định là một trường hợp thương lượng tập thể không thành và thủ tục giải quyết tranh chấp lao động có thể được kích hoạt, bao gồm quá trình hòa giải, Trọng tài và cả việc bên người lao động là bên bị vi phạm thì họ vẫn có thể thực hiện quyền đình công theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp khác được xác định là thương lượng tập thể không thành là những trường hợp đã hết tổng thời gian 90 ngày theo quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật lao động mà các bên không đạt được thỏa thuận; hoặc trường hợp chưa hết thời hạn 90 ngày nêu trên, xong các bên thương lượng không thấy có cơ hội đạt được thỏa thuận thông qua thương lượng nên cũng xác định và tuyên bố về việc thương lượng tập thể không đạt được thỏa thuận.
Khoản 2 Điều 71 quy định khi thương lượng không thành, các bên thương lượng tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của bộ luật lao động. Trong khi đang giải quyết tranh chấp lao động, tổ chức đại diện người lao động không được tổ chức đình công. Bản chất của quy định này là xác định trong trường hợp thương lượng tập thể không thành thì có nghĩa là một tranh chấp về lợi ích đã xuất hiện. Và do đó, toàn bộ trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động về lợi ích có thể được các bên sử dụng để thúc đẩy cho việc đạt được thỏa thuận trong thương lượng tập thể.
Đây là điểm rất đặc thù của tranh chấp lao động so với các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại thông thường. Trong dân sự, kinh doanh, thương mại, việc các bên không đạt được thỏa thuận trong quá trình đàm phán hợp đồng không trở thành những tranh chấp dân sự hay kinh doanh, thương mại. Nếu đàm phán thành thì có hợp đồng, nếu không thành thì không có hợp đồng, mà không phát sinh tranh chấp liên quan. Tuy nhiên, trong quan hệ lao động, nếu các bên thương lượng tập thể để tiến tới ký thỏa ước lao động tập thể mà không thành thì pháp luật lại xem đây là một tranh chấp lao động và được định nghĩa là tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và các quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp như hòa giải, trọng tài có thể được áp dụng để giải quyết. Và như vậy, bản chất của việc giải quyết tranh chấp trong trường hợp này là quá trình hỗ trợ, thúc đẩy cho các bên đạt được thỏa thuận trong thương lượng tập thể, khác với việc giải quyết tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, bản chất của việc giải quyết tranh chấp là khôi phục lại những quyền lợi ích hợp pháp đã bị xâm hại do hành vi vi phạm hoặc không thực hiện hợp đồng gây ra.
3. Thương lượng tập thể ngành, thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia
Điều 72 Bộ luật lao động năm 2019 là điều luật khá đặc biệt, toàn bộ hoạt động về thương lượng tập thể ngành, thương lượng tập thể có chiều doanh nghiệp tham gia được quy định trong một điều luật.
Bản chất thương lượng tập thể ngành cũng là một trường hợp của thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia, song trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, nó được tách thành một trường hợp với một số quy định riêng. Tại thời điểm hiện nay tổ chức của người lao động không thuộc hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, mới chỉ được thành lập và hoạt động ở cấp doanh nghiệp. Ở cấp ngành mới chỉ có hệ thống công đoàn ngành thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nên quy định riêng đối với thương lượng tập thể ngành trong Điều 72 chỉ là quy định về chủ thể bên người lao động trong trường hợp thương lượng tập thể ngành được chỉ rõ là công đoàn ngành. Đối với các nội dung khác, điều luật quy định áp dụng chung đối với cả thương lượng tập thể ngành và thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia.
Về nguyên tắc, nội dung thương lượng, khoản 1 Điều 72 đưa ra quy định riêng đối với thương lượng tập thể ngành, thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia, mà thực hiện theo các nguyên tắc chung của thương lượng tập thể quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật lao động
Đối với các nội dung khác, các quy định của Điều 72 là tôn trọng tối đa sự tự nguyện trong thương lượng tập thể nên đã trao quyền cho các bên thương lượng tự quyết định trên cơ sở tự nguyện, tự thỏa thuận, cụ thể:
- Quy trình tiến hành thương lượng tập thể ngành, thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia do các bên thỏa thuận quyết định. Điều này có nghĩa là việc thương lượng như thế nào hoàn toàn do chính các bên tự xác định với nhau. Pháp luật không quy định về quy trình các bên phải theo mà chỉ ghi nhận và tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận đó.
- Đại diện thương lượng cũng do các bên thương lượng quyết định trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận. Riêng đối với thương lượng tập thể ngành thì do chủ thể thương lượng đã được xác định là tổ chức công đoàn ngành và tổ chức đại diện người sử dụng lao động cấp ngành nên điều luật quy định trao quyền cho những chủ thế này quyết định về đại diện thương lượng.
Thương lượng tập thể ở các cấp ngoài doanh nghiệp rất đa dạng, nó có thể là theo ngành, nghề hoặc theo địa lý vùng, miền hoặc cũng có thể chỉ là một nhóm doanh nghiệp theo một ngành, nghề hoặc khu vực địa lý nào đó. Mỗi mỗi phạm vi, cấp độ thương lượng khác nhau lại có thể có quy trình, chủ thể và đại diện thương lượng khác nhau, nên các quy định của Điều 72 là các quy định phù hợp, theo đó, pháp luật không đưa ra những quy định cụ thể về quy trình, chủ thể, đại diện thương lượng mà trao quyền cho các bên quyết định trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận. Các quy định này vừa bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tự nguyện của thương lượng tập thể, vừa bảo đảm phù hợp với tính đa dạng của thương lượng tập thể ở các cấp ngoài doanh nghiệp.
4. Thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia thông qua Hội đồng thương lượng tập thể
Điều 73 Bộ luật lao đông quy định về một cách thức thương lượng tập thể cụ thể của thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia với sự tham gia, điều phối và hỗ trợ của bên thứ ba là Nhà nước thông qua Hội đồng thương lượng tập thể. Đây là cơ chế không bắt buộc, các bên thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia có thể sử dụng khi họ thấy phù hợp hoặc không sử dụng nếu họ không muốn.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 73 việc yêu cầu thành lập Hội đồng thương lượng tập thể để điều phối, hỗ trợ quá trình thương lượng tập thể phải được cả hai bên thương lượng đồng thuận. Nếu chỉ có một bên muốn thành lập hội đồng mà bên kia không muốn thì việc thành lập hội đồng thương lượng tập thể cũng không đặt ra.
Địa chỉ để các bên yêu cầu thành lập hội đồng thương lượng tập thể là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của các doanh nghiệp tham gia thương lượng hoặc nơi do các bên lựa chọn trong trường hợp các doanh nghiệp tham gia thương lượng có trụ sở chính tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 73, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi nhận được yêu cầu là phải thành lập Hội đồng thương lượng tập thể để tổ chức việc thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia. Về cơ bản, thành phần của Hội đồng thương lượng tập thể do chính các bên quyết định, trong đó có chủ tịch hội đồng, đại diện các bên và đại diện ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quy định này là hợp lý vì bản chất hội đồng thương lượng tập thể không có quyền lực để quyết định về những nội dung thương lượng tập thể. Những nội dung thương lượng tập thì vẫn hoàn toàn do các bên thương lượng quyết định. Hội đồng chỉ điều phối, hỗ trợ quá trình thương lượng mà không quyết định về những nội dung thương lượng. Điều quan trọng là hội đồng phải bảo đảm được hiệu quả và duy trì được sự tin cậy của các bên thương lượng xong thông qua sự chuyên nghiệp và trung lập của mình. Chủ tịch hội đồng do các bên quyết định chính là một trong những điều kiện quan trọng để bảo đảm sự tin cậy của các bên.
Khoản 3 Điều 73 quy định hội đồng thương lượng tập thể tiến hành thương lượng theo yêu cầu của các bên và tự chấm dứt hoạt động khi thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia được ký kết hoặc theo thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia thành công và thỏa ước lao động được ký kết thì việc giám sát và hỗ trợ việc thực hiện thỏa ước không phải lúc nào cũng đơn giản. Do đó điều luật mở đường cho việc tiếp tục duy trì sự tồn tại và hoạt động của hội đồng thương lượng tập thể trong trường hợp các bên có nhu cầu.
Hội đồng thương lượng tập thể là vấn đề hoàn toàn mới, lần đầu tiên được quy định tại Việt Nam nên bộ luật lao động chỉ quy định những vấn đề lớn, có tính nguyên tắc. Những nội dung cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là hoạt động tác nghiệp của hội đồng thương lượng tập thể sẽ do Bộ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội quy định. Ngày 12/11/2020, Bộ lao động thương binh và xã hội đã ban hành thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về nội dung của hợp đồng lao động, hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.
5. Trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thương lượng tập thể
Thương lượng tập thể được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên theo các nguyên tắc của thị trường và đối với các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Nhà nước không được can thiệp có tính ép buộc, hành chính không đúng cách vào thương lượng tập thể. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nhà nước không làm gì mà nhà nước chỉ ban hành khuôn khổ pháp luật về thương lượng tập thể để các bên tự thực hiện một cách tự nguyện. Đồng thời, nhà nước có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong việc thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện. Điều quan trọng là nhà nước cần xác định rõ những việc cần phải làm, nên làm gì thúc đẩy thương lượng tập thể và những việc không được làm vì nếu làm sẽ vi phạm nguyên tắc tự nguyện, quyền tự quyết của các bên trong thương lượng tập thể.
Điều 74 Bộ luật lao động quy định về nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của nhà nước, cụ thể là của ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thúc đẩy thương lượng tập thể.
Có thể dễ dàng nhận thấy, những nhiệm vụ được đề cập tại khoản 1là để tăng cường năng lực cho các bên thương lượng tập thể. Thương lượng tập thể là quá trình không đơn giản, không dễ dàng. Việc pháp luật quy định khuôn khổ pháp lý về thương lượng tập thể mới chỉ là điều kiện cần. Để có thương lượng tập thể thực chất và hiệu quả trên thực tế, điều quan trọng là các bên thương lượng phải có năng lực và kỹ năng cần thiết. Bộ luật lao động quy định việc tăng cường năng lực và kỹ năng cho các bên thương lượng tập thể là một trong những trách nhiệm của nhà nước.
Việc tăng cường năng lực và kỹ năng thương lượng tập thể là cần thiết, song trong nhiều trường hợp là chưa đủ để có thương lượng tập thể thực chất và hiệu quả. Để bảo đảm thương lượng tập thể được thực chất và hiệu quả hơn nữa, các bên thương lượng cần được trang bị, cung cấp những thông tin, dữ liệu cần thiết về kinh tế xã hội, thị trường lao động, quan hệ lao động...khoản 2 Điều 74 xác định đây là trách nhiệm thứ hai mà nhà nước cần thực hiện để hỗ trợ, thúc đẩy thương lượng tập thể.
Ngoài việc tăng cường năng lực, cung cấp thông tin nhằm thúc đẩy, hỗ trợ cho thương lượng tập thể, khoản 3 Điều 74 còn quy định sự hỗ trợ trực tiếp của nhà nước cho những thương lượng tập thể cụ thể. Sự hỗ trợ này có thể do nhà nước chủ động đề xuất hoặc xuất phát từ nhu cầu của cả hai bên thương lượng tập thể cụ thể đó. Để bảo đảm tính tự nguyện trong thương lượng tập thể, điều luật quy định rõ việc chủ động hỗ trợ của ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ được tiến hành nếu được các bên đồng ý, tức là các bên có thể từ chối đề nghị hỗ trợ của nhà nước đối với quá trình thương lượng tập thể của họ.
Cùng với quy định tại Điều 73 về hội đồng thương lượng tập thể, những quy định tại Điều 74 đều là những quy định về sự hỗ trợ của nhà nước nhằm nhằm hỗ trợ, thúc đẩy thương lượng tập thể. Có thể thấy, những biện pháp, hình thức hỗ trợ này phù hợp với nguyên tắc tự nguyện, không can thiệp có tính ép buộc, hành chính của nhà nước vào quá trình thương lượng tập thể tự nguyện của các bên. Để các bên chấp nhận, sử dụng những sự hỗ trợ này, điều quan trọng là nhà nước, bảo đảm chất lượng và hiệu quả của những hình thức, biện pháp hỗ trợ đó. Chỉ có như vậy, cùng với các biện pháp hỗ trợ khác thông qua quá trình hòa giải và trọng tài khi giải quyết các tranh chấp lao động về thương lượng tập thể thì các biện pháp, hình thức hỗ trợ của nhà nước mới thực sự thúc đẩy và phát triển thương lượng tập thể - một cơ chế phân phối lợi ích và quản trị quan hệ lao động đặc biệt quan trọng trong kinh tế thị trường.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.