1. Nhãn hiệu và nhãn hiệu nổi tiếng là gì?

1.1. Nhãn hiệu là gì?

Theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 thì: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.

Nhãn hiệu là dấu hiệu được đăng ký bởi một chủ thể kinh doanh nhằm phân biệt hàng hóa, dịch vụ của mình với những chủ thể kinh doanh khác kinh doanh cùng mặt hàng hoặc mặt hàng tương tự với mình. Nhãn hiệu làm tăng sự nhận diện của hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng.

1.2. Nhãn hiệu nổi tiếng là gì?

Theo quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung gần nhất năm 2022 thì: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.

Theo đó, phạm vi của nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam là trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Do đó, nếu một nhãn hiệu dù có nổi tiếng trên toàn thế giới nhưng không được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam thì cũng không được xem là nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Ngoài ra, để xác định một nhãn hiệu có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không cần xem xét các tiêu chí đánh giá được quy định theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.

 

2. Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định mới nhất

Pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định rằng quyền sở hữu công nghiệp đối với các nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập dựa trên việc sử dụng thực tiễn rộng rãi của các nhãn hiệu với tiêu chí tham khảo được quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ mà không cần thực hiện các thủ tục đăng ký. Theo đó, các tiêu chí sau được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng gồm: Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo; Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành; Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp; Thời gian sử dụng liên tục của nhãn hiệu; Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu; Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng; Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

2.1. Công nhận nhãn hiệu nổi tiếng 

Theo quy định, nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận khi đáp ứng được một số hoặc toàn bộ các tiêu chí theo quyết định của Cơ quan nahf nước có thẩm quyền như sau:

• Các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (đã sửa đổi năm 2022) và phù hợp với quy định tại Điều 6bis của Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp.

• Quyền sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ và thuộc về chủ sở hữu của nhãn hiệu đó mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Chủ sở hữu có thể chứng minh quyền sở hữu và sự nổi tiếng của nhãn hiệu bằng các tài liệu pháp lý.

• Tài liệu chứng minh quyền sở hữu và sự nổi tiếng của nhãn hiệu có thể bao gồm thông tin về việc sử dụng liên tục của nhãn hiệu, nguồn gốc, lịch sử, doanh số bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ, số lượng sản phẩm, dịch vụ, giá trị tài sản của nhãn hiệu, chi phí quảng cáo, tiếp thị, xếp hạng, đánh giá uy tín, giải thưởng, kết quả giám định.

• Trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận và dẫn đến quyết định xử lý vi phạm quyền hoặc không bảo hộ nhãn hiệu khác theo quy định của pháp luật thì nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng tại Cục Sở hữu trí tuệ để phục vụ công tác xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

2.2. Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng

Theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, đã được sửa đổi và bổ sung vào các năm 2009 và 2019, các tiêu chí được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu nổi tiếng gồm:

• Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc qua quảng cáo. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về số lượng người tiêu dùng cần thiết để chứng minh tiêu chí này, điều này khiến việc chứng minh trở nên khó khăn đối với các chủ sở hữu nhãn hiệu.

• Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành. Đây là yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ phổ biến của nhãn hiệu trên thị trường.

• Doanh số từ việc bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu, cũng như số lượng hàng hóa đã bán ra, dịch vụ đã cung cấp. Doanh số bán hàng và dịch vụ càng lớn, mức độ phổ biến của nhãn hiệu càng cao.

• Thời gian sử dụng liên tục của nhãn hiệu. Một nhãn hiệu nổi tiếng phải được sử dụng liên tục trong một khoảng thời gian dài để đảm bảo mức độ nhận diện của người tiêu dùng.

• Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Uy tín của nhãn hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu.

• Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu và số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng. Đây là chỉ số cho thấy mức độ quốc tế của nhãn hiệu.

• Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu. Giá trị kinh tế của nhãn hiệu cũng là một yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ nổi tiếng của nó.

 

3. Quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng 

Nhãn hiệu nổi tiếng không xác lập quyền dựa trên cơ sở đăng ký mà quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập dựa trên việc sử dụng rộng rãi của nhãn hiệu đó, theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ, mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu như với các nhãn hiệu thông thường.

Có hai cơ quan được phân công để xem xét và công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng, đó là Toà án và Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Cục Sở hữu trí tuệ và Toà án chỉ xem xét và công nhận nhãn hiệu nổi tiếng khi có yêu cầu cụ thể từ các tổ chức hoặc cá nhân. Cục Sở hữu trí tuệ không tiếp nhận đơn đăng ký hoặc đề nghị công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Yêu cầu xem xét nhãn hiệu nổi tiếng thường xảy ra trong một số trường hợp sau:

+ Khi tổ chức hoặc cá nhân nộp đơn đăng ký nhãn hiệu nhưng bị từ chối vì nhãn hiệu này rơi vào các yếu tố loại trừ hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác, do đó cần xác lập quyền cho nhãn hiệu thông qua việc chứng minh rằng nhãn hiệu đó là nổi tiếng.

+ Khi tổ chức hoặc cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng.

+ Khi tổ chức hoặc cá nhân yêu cầu xử lý về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng...

Tuy nhiên, trên thực tế các cá nhân, tổ chức kinh doanh hoặc có nhu cầu kinh doanh tại Việt Nam thường nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình theo quy trình bảo hộ thông thường. Bởi việc chứng minh quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu nổi tiếng trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Và việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng chỉ mang tính thời điểm. Tức là tại một thời điểm này nhãn hiệu đáp ứng điều kiện là nhãn hiệu nổi tiếng trên lãnh thổ Việt Nam, 1-2 năm sau đã không còn đáp ứng đủ tiêu chí nổi tiếng nữa. Và thường để một nhãn hiệu trở nên nổi tiếng thì cần một khoảng thời gian dài, chi phí đầu tư quảng cáo cũng rất lớn.

Trên đây là bài viết về Tiêu chí công nhận nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định mới nhất. Để sử dụng dịch vụ đăng ký nhãn hiệu của Luật Minh Khuê, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các kênh dưới đây:

Gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienhe@luatminhkhue.vn hoặc qua 1900.6162 để được hỗ trợ các vấn đề pháp luật chung.

Điện thoại: yêu cầu dịch vụ luật sư tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, gọi: 0986.386.648 (Luật sư: Tô Thị Phương Dung)

Xem thêm: Nhãn hiệu nổi tiếng là gì ? Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng như thế nào ?