1. Khái quát về Cộng hòa Séc

Séc (tiếng Séc: Česko) tên chính thức là Cộng hòa Séc là quốc gia nội lục thuộc khu vực Trung Âu và giáp Ba Lan, Đức, Áo và Slovakia. Thủ đô và thành phố lớn nhất của quốc gia là Praha với hơn 1,3 triệu dân cư ngụ tại đây. Cộng hòa Séc là quốc gia đa đảng theo chế độ cộng hòa đại nghị. Tổng thống là người đứng đầu nhà nước, còn thủ tướng là người đứng đầu chính phủ. Quốc hội có hai viện gồm thượng viện và hạ viện. Cộng hòa Séc gia nhập NATO vào năm 1999 và trở thành thành viên của Liên minh châu Âu từ năm 2004. Ngày 21 tháng 12 năm 2007, Cộng hòa Séc đã thông qua Hiệp ước Schengen, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi lại và du lịch vào nước này. Ngoài ra, Cộng hòa Séc là thành viên của các tổ chức OECD, OSCE, Ủy hội châu Âu và Nhóm Visegrád.

Lãnh thổ Cộng hòa Séc bao gồm các vùng đất đã từng tồn tại trong lịch sử là Bohemia, Morava và 1 phần Silesia. Séc trở thành bộ phận của Đế quốc Áo và Đế quốc Áo-Hung trong hàng thế kỉ cho đến năm 1918 khi Séc cùng với Slovakia tuyên bố thành lập nước Tiệp Khắc. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Tiệp Khắc bị phát xít Đức chiếm đóng. Sau đó, nước này trở thành quốc gia xã hội chủ nghĩa cho đến năm 1989 khi cuộc Cách mạng Nhung diễn ra đưa đất nước trở về tiến trình dân chủ. Ngày 1 tháng 1 năm 1993, 1 cuộc ly khai đã diễn ra, Tiệp Khắc lại tách thành 2 quốc gia độc lập là Séc và Slovakia.

2. Chế độ chính trị Cộng hòa Séc

Cộng hòa Séc là quốc gia đa đảng theo chế độ dân chủ nghị viện. Theo hiến pháp, tổng thống là người đứng đầu nhà nước còn thủ tướng là người điều hành chính phủ.

Tổng thống Cộng hòa Séc do Quốc hội bầu với nhiệm kỳ 5 năm. Theo Hiến pháp, tổng thống không được phép nắm quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Tổng thống có vai trò chủ yếu về mặt nghi thức song cũng có thể dừng thông qua 1 đạo luật hoặc giải tán quốc hội trong những trường hợp đặc biệt. Cộng hòa Séc đã thông qua bộ luật về việc bầu cử tổng thống trực tiếp tức là tổng thống sẽ do dân bầu ra chứ không do Quốc hội.

Thủ tướng Cộng hòa Séc là người đứng đầu chính phủ. Thủ tướng nắm trong tay 1 số quyền lực như quyết định các vấn đề đối nội và đối ngoại, triệu tập quốc hội và chọn ra các bộ trưởng của chính phủ.

Quốc hội của Cộng hòa Séc tổ chức theo mô hình lưỡng viện bao gồm hạ viện và thượng viện. Hạ viện (Poslanecká sněmovna) gồm 200 ghế còn thượng viện (Senát) bao gồm 81 ghế. Tại Cộng hòa Séc có 14 khu vực bầu cử tương ứng với 14 khu vực hành chính của cả nước.

Tòa án Hiến pháp (hay Tòa án Lập pháp) của Cộng hòa Séc gồm có 15 thành viên và có nhiệm kỳ 10 năm. Các thành viên của Tòa án Hiến pháp do tổng thống chỉ định và thông qua bởi thượng viện.

Là quốc gia đa đảng, chính trường Cộng hòa Séc có sự tham gia của các đảng phái. Chẳng hạn trong kỳ bầu cử vào Hạ viện Quốc hội Séc tiến hành ngày 28 và 29 tháng 5 năm 2010 đã có 27 đảng phái và tổ chức chính trị đăng ký tham gia. 2 đảng có ảnh hưởng lớn nhất ở Cộng hòa Séc là Đảng Dân chủ Công dân và Đảng Xã hội Dân chủ Séc

Cộng hòa Séc có tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục trong EU (2,1% vào tháng 1/2019). Quan hệ lao động và việc làm tại Cộng hòa Séc chủ yếu được điều chỉnh bởi Bộ Luật Lao động năm 2006. Bộ Luật Lao động chi phối các điều khoản và điều kiện làm việc như giờ làm việc, ngày nghỉ và thời gian nghỉ ngơi, tiền lương, làm thêm giờ, sức khỏe và an toàn lao động và chấm dứt việc làm. Bộ luật Lao động áp dụng cho tất cả nhân viên tại Cộng hòa Séc bất kể quốc tịch của họ.

3. Chế độ an sinh xã hội ở Cộng hòa Séc

Cộng hòa Séc có một hệ thống an sinh xã hội bắt buộc cung cấp lương hưu, trợ cấp ốm đau, thất nghiệp và y tế. Cả chủ lao động và nhân viên đều được yêu cầu đóng góp cho các chương trình bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

Mức trần lương hàng năm dựa trên đó tổng đóng góp cho an sinh xã hội được tính (lương hưu, bệnh tật và thất nghiệp) là 1.355.136 CZK (gần 60.000 USD); không có mức trần giới hạn đối với bảo hiểm y tế.

Chủ lao động có nghĩa vụ đóng cho mỗi nhân viên hàng tháng vào bảo hiểm xã hội (25% tổng thu nhập) và bảo hiểm y tế (9% tổng thu nhập). Ngoài ra, mỗi nhân viên phải đóng cho bảo hiểm xã hội (6,5% tổng thu nhập), bảo hiểm y tế (6,5% tổng thu nhập) và thuế thu nhập cá nhân. Thuế thu nhập cá nhân được đánh bằng ở mức 15% tổng lương trước khi đóng các loại bảo hiểm các loại. Tuy nhiên nếu con số vượt quá khảng 62.500 USD/năm thì bị đánh thêm thuế 7%.

4. Cấp phép lao động

Công dân Cộng hòa Séc không cần bất cứ giấy phép gì để lao động. Công dân EU và công dân Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ và thành viên gia đình không cần giấy phép lao động hoặc thị thực để sống và làm việc tại Cộng hòa Séc, nhưng họ phải được đăng ký với Văn phòng Lao động.

Người sử dụng lao động trước tiên phải thông báo một vị trí công việc còn trống. Nếu vị trí này không được điền bởi một công dân Séc hoặc EU trong vòng một tháng, người sử dụng lao động có thể xin giấy phép làm việc để sử dụng một công dân nước ngoài không thuộc EU.

Đơn xin giấy phép lao động phải bao gồm chứng chỉ tương đương bằng cấp, xác nhận rằng người nộp đơn cấp bằng cấp giáo dục nước ngoài tương đương với một tiêu chuẩn nhất định về trình độ của Séc. Đơn này cũng phải bao gồm giấy chấp thuận của cảnh sát nước xuất xứ và/ hoặc từ quốc gia là người nộp đơn từng sống lâu hơn 90 ngày.

Tất cả các công dân ngoài EU có ý định làm việc tại Cộng hòa Séc được yêu cầu phải có Giấy phép lao động/ Thẻ nhân viên/ Thẻ xanh lục/ Thẻ xanh lá cây trước khi bắt đầu việc làm của họ.

Giấy phép lao động (Work permit) áp dụng cho lao động theo thời vụ của người có thẻ cư trú dài hạn để kinh doanh hoặc tìm kiếm sự bảo vệ quốc tế.

Thẻ nhân viên (Employee Card) là một loại giấy phép cư trú dài hạn cho mục đích cư trú và làm việc dài hơn 3 tháng, có giá trị trong suốt thời gian của mối quan hệ lao động, nhưng không quá ba năm, với tùy chọn có thể liên tiếp gia hạn hiệu lực.

Thẻ xanh lá cây được cấp cho mục đích cư trú dài hạn để lao động trong một số trường hợp đặc biệt.

Thẻ xanh lục của EU là một giấy phép làm việc và cư trú kết hợp cho các công dân nước ngoài không thuộc EU có tay nghề cao làm việc trong lãnh thổ EU.

Công dân nước ngoài không thuộc EU phải đăng ký nơi cư trú với Văn phòng Cảnh sát dành cho Người nước ngoài tại địa bàn trong vòng 3ngày sau khi đến Cộng hòa Séc. Công dân EU có ý định ở lại Cộng hòa Séc trong hơn 30 ngày phải đăng ký nơi cư trú với Văn phòng Cảnh sát dành cho Người nước ngoài. Công dân EU có ý định ở lại Cộng hòa Séc trong hơn 90 ngày có thể nộp đơn xin Xác nhận tạm trú tại Văn phòng Bộ Nội vụ.

5. Lương, giờ làm và nghỉ ngơi

Lương, giờ làm và nghỉ ngơi được tăng hai lần liên liên tiếp trong chỉ 2 năm gần đây, mức lương tối thiểu tại Cộng hòa Séc hiện là 13.350 CKZ mỗi tháng hoặc 81 CKZ mỗi giờ. Làm thêm giờ được trả với tỷ lệ ít nhất 25% so với mức lương thông thường. Làm việc ban đêm và làm việc vào cuối tuần được trả với tỷ lệ ít nhất 10% so với mức lương bình thường. Nhân viên làm việc vào ngày nghỉ lễ được hưởng một ngày nghỉ bù, hoặc được trả lương thêm 100%.

Cộng hòa Séc có một tuần làm việc tiêu chuẩn 5 ngày (Thứ Hai - Thứ Sáu). Giờ làm việc bình thường là từ 8:00 sáng đến 6:00 tối, và làm việc trong khoảng 10 giờ tối đến 6 giờ sáng được coi là làm việc ban đêm. Số giờ làm việc tối đa không thể vượt quá 40 giờ mỗi tuần (có thể có một số ngoại lệ, nhưng chủ lao động phải giải trình với luật pháp). Một ca làm không quá 12 giờ. Việc làm phụ thêm (part-time) được thỏa thuận giữa chủ lao động và nhân viên.

Một nhân viên được nghỉ ngơi hàng ngày ít nhất 30 phút sau 6 giờ làm việc liên tục, thời gian nghỉ ngơi không bị gián đoạn là 11 giờ giữa hai ngày làm việc liên tiếp và thời gian nghỉ ngơi không bị gián đoạn 35 giờ trong một tuần. Số giờ làm việc vượt quá số giờ làm việc bình thường được tính là làm thêm giờ, vốn không thể vượt quá 8 giờ trong một tuần và 150 giờ trong một năm.

Nhân viên làm ít nhất 60 ngày trong năm cho một chủ được quyền nghi phép năm (có lương), vốn được quy định là 4 tuần. Trong trường hợp không làm đủ số ngày đó thì được quyền nghị 1/12 số phép năm cứ sau 21 ngày làm việc. Nhân viên làm một số công việc nặng nhọc nào đó có thể được nghi thêm 1 tuần/năm sau khi đã làm việc cả năm. Ngoài ra, nhân viên có thể thỏa thuận với chủ lao động về việc nghỉ phép không lương.

6. Chấm dứt lao động

Quan hệ lao động có thể bị chấm dứt bằng thỏa thuận giữa hai bên bằng văn bản, hoặc bằng thông báo chấm dứt, hoặc bằng các lý do nêu trong Luật Lao động, hoặc chấm dứt trong thời gian thử việc, hoặc do hợp đồng hết hạn, hoặc do nhân viên chết. Thông báo chấm dứt phải được lập bằng văn bản và chuyển cho nhân viên, có thể nêu lý do chấm dứt hoặc không, và không được chuyển cho nhân viên trong thời gian được pháp luật bảo vệ như khi mang thai, nghỉ đẻ, bệnh tật không làm việc được hay nghỉ việc là để lao động công ích. Thông báo chấm dứt phải được làm ít nhất 2 tháng trước khi có chấm dứt.

Khi một hoặc cả hai người sử dụng lao động và người lao động là công dân nước ngoài, luật pháp khác có thể được chọn làm luật điều chỉnh cho mối quan hệ lao động. Tuy nhiên, việc lựa chọn luật pháp không thể dẫn đến việc nhân viên bị tước quyền bảo vệ theo quy định của luật lao động Séc.

7. Điều kiện làm việc của người nước ngoài tại CH Séc

Quyền của người di cư làm việc tại Cộng hòa Séc phụ thuộc vào loại hình cư trú hoặc quốc gia xuất xứ. Trước hết, bạn cần tìm hiểu xem bạn, với tư cách là người nước ngoài, có thể tham gia thị trường lao động một cách tự do hay có điều kiện.

Nếu bạn được tự do tiếp cận thị trường lao động, bạn không cần phải có giấy phép khác để làm việc. Trong trường bước vào thị trường lao động có điều kiện, bạn cần làm một số thủ tục để có giấy  phép. Các loại giấy phép phổ biến nhất là: thẻ lao động, thẻ xanh da trời  hoặc thị thực lao động đặc biệt.

- Gia nhập thị trường lao động tự do

Công dân EU/EEA (Khu vực kinh tế châu Âu) và Thụy Sĩ và những thành viên gia đình của họ không cần giấy phép lao động. Thành viên gia đình của công dân Liên minh châu Âu mà bản thân người đó không phải là công dân Liên minh châu Âu có thể tham gia thị trường lao động mà không cần có giấy phép lao động, thẻ lao động, thẻ xanh da trời hoặc thẻ di chuyển nhân viên trong nội bộ, nếu người đó nhận được giấy phép tạm trú từ Bộ Nội vụ dưới dạng thẻ cư trú của thành viên gia đình công dân Liên minh châu Âu, hoặc người đó chứng minh bằng giấy tờ (dữ liệu trong hộ chiếu, giấy chứng nhận) về việc đã đệ đơn xin giấy phép tạm trú trên lãnh thổ CH Séc cho thành viên gia đình công dân Liên minh châu Âu.

Cái gọi là tự do tham gia thị trường lao động nếu:

  • Nếu bạn sống ở Cộng hòa Séc trên cơ sở giấy phép cư trú vĩnh trú;
  • Nếu bạn là sinh viên, nhưng (chỉ khi bạn đang học toàn thời gian tại Cộng hòa Séc mà bạn không bị gián đoạn);
  • Bạn đang ở Cộng hòa Séc trên cơ sở giấy phép cư trú dài hạn với mục đích đoàn tụ gia đình với vợ / chồng có giấy phép cư trú dài hạn hoặc vĩnh trú;
  • Nếu bạn tốt nghiệp tại Cộng hòa Séc, bạn không cần giấy phép lao động để thực hiện công việc của mình. Nhưng nếu mục đích cư trú của bạn là việc làm, thì bạn vẫn cần thẻ lao động. Khi đó thẻ lao động sẽ chỉ là giấy phép cư trú thôi.
  • Bạn có thẻ bảo hộ quốc tế.

- Người nước ngoài tham gia thị trường lao động có điều kiện

Những nhóm người nước ngoài sau đây cần phải có một số mẫu giấy phép lao động tại Cộng hòa Séc:

  • Sinh viên đến 26 tuổi trong các chương trình học trao đổi;
  • Người lao động do chủ lao động nước ngoài (bên ngoài EU) đăng tuyển, nếu công việc của họ ở Cộng hòa Séc;
  • sinh viên thực tập;
  • Người có giấy phép cư trú dài hạn với mục đích “kinh doanh”;
  • Người có thị thực cư trú ngắn hạn hoặc dài hạn.