Mục lục bài viết
Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
1. Trưng cầu ý dân là gì?
Trưng cầu ý dân là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo quy định của pháp luật, đưa một vấn đề quan trọng để nhân dân trực tiếp quyết định thông qua việc bỏ phiếu.
Pháp luật về trưng cầu ý dân của các quốc gia trên thế giới có nhiều sự khác biệt nhau về cơ sở pháp lý của trưng cầu ý dân, hình thức trưng cầu ý dân, các vấn đề trưng cầu ý dân, phạm vi trưng cầu ý dân, điều kiện và thủ tục trưng cầu ý dân và điều kiện về hiệu lực/ kết quả vấn đề trưng cầu ý dân.
2. Trưng cầu ý dân theo luật của Đức
Đức là một nhà nước lập hiến. Hiến pháp được xem là đạo luật cơ bản (basic law) mang giá trị pháp lý tối cao điều chỉnh các hoạt động của bộ máy nhà nước và sự vận hành của toàn bộ đời sống xã hội. Trưng cầu ý dân của Đức được quy định tại các Điều 29 và Điều 118 Hiến pháp năm 1949, chủ yếu liên quan đến việc phân định lãnh thổ liên bang. Trưng cầu ý dân được tổ chức ở các bang liên quan đến vấn đề ranh giới lãnh thổ, bao gồm cả các bang mà có sự ảnh hưởng do việc phân định này. Cử tri của bang bị ảnh hưởng sẽ tham gia nhằm quyết định là liệu họ giữ lại bang cũ hay hình thành bang mới. Việc thay đổi hay hình thành bang mới sẽ do đại đa số cử tri bang đó quyết định. Theo Điều 29, việc điều chỉnh hiện trạng phân chia thành các bang được thực hiện bởi một đạo luật liên bang, phải được xác nhận bằng cách trưng cầu ý dân. Điều kiện tối thiểu cho một cuộc trưng cầu ý dân là phải có ít nhất 1/4 số người có quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Hạ viện bỏ phiếu đồng ý.
Ở các bang đều ban hành luật liên quan đến trưng cầu ý dân thể hiện qua việc luật nêu sáng kiến trực tiếp cho phép thu thập chữ ký cần thiết để nộp đệ trình sáng kiến lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trưng cầu ý dân Đức có hai hình thức: trưng cầu ý dân bắt buộc và không bắt buộc.
Thông thường trưng cầu ý dân thể hiện qua 3 hình thức cụ thể:
+ Yêu cầu của nhân dân (People’s request), đây là hình thức đệ trình sáng kiến đến nhà nước để yêu cầu trưng cầu ý dân;
+ Thẩm tra của nhân dân (People’s inquiry), là hình thức đưa ra câu hỏi mang tính thẩm tra thông tin. Đây là hình thức trưng cầu ý dân không bắt buộc nhưng lại là hình thức phổ biến nhất;
+ Quyết định của nhân dân (People’s decision), là hình thức trưng cầu bắt buộc (hình thức này áp dụng trong trưng cầu ý dân lập hiến).
Ở Đức, về mặt lý thuyết, pháp luật cho phép xem xét các đề xướng trưng cầu ý dân liên quan đến các vấn đề chính trị nhưng thực tiễn cho thấy chỉ có vấn đề lập pháp (dự thảo luật) là được phép. Các vấn đề trưng cầu liên quan đến lập hiến, lập pháp được thực hiện ở hầu hết các bang (ngoại trừ Berlin, Hesse và Saa thì không thực hiện các đề xướng mang tính lập hiến). Pháp luật Đức không cho phép đề xướng dự luật liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến kinh tế bao gồm thuế, lương của các chính trị gia hay nhà chức trách.
Đức là một trong số ít các quốc gia châu Âu không tổ chức trưng cầu ý dân cấp quốc gia. Trưng cầu ý dân ở Đức được thực hiện ở bang. Đức là nhà nước liên bang bao gồm 16 bang (Länder). Các bang đều có quyền tham gia vào quá trình lập pháp của liên bang. Các bang sẽ tự quyết trong các vấn đề thuế, năng lượng, giao thông, cơ sở hạ tầng… Hiện nay, dân chủ trực tiếp đã được thực hiện hầu như rộng khắp (15/16 bang của Đức) trừ Berlin. Tuy nhiên, ở bang Bavaria và Hamburg thì nhân dân sẽ quyết định trưng cầu ý dân cho dù chính quyền địa phương đồng ý hay phản đối.
Thông thường, trưng cầu ý dân ở Đức thể hiện theo ba bước (Theo Ralph Kampwirth, Direct Democracy in Germany):
Bước 1: Đơn thỉnh nguyện/ đơn yêu cầu (“Đề xướng dự luật chung”, việc đề nghị có thể là cơ sở để dẫn đến một cuộc trưng cầu ý dân).
Bước đầu tiên bắt đầu từ đơn yêu cầu của công dân về đề xướng dự luật. Đơn yêu cầu sẽ được kiểm tra về tính hợp pháp. Số lượng người yêu cầu cần thiết theo quy định hoặc số chữ ký tối thiểu cho việc đề xướng dự luật thì tùy từng bang nhưng dao động từ 3.000 (như bang Nordrhein-Westfalen) đến 120.000 (như bang Hesse). Số lượng người yêu cầu cần thiết thường căn cứ vào tỷ lệ cử tri.
Bước 2: Đề xướng dự luật (Volksbegehren).
Bước này bao gồm việc thu thập chữ ký cho việc đề xướng. Thông thường tỷ lệ đề xướng phải dao động giữa 8% đến 20% cử tri bang. Riêng các bang như Brandenburg, Hamburg và Schleswig-Holstein thì chỉ cần 4 -5 %.
Bước 3: Quyết định của nhân dân (Trưng cầu ý dân).
Để có kết quả mang tính bắt buộc, thì kết quả đó phải đạt được những điều kiện nhất định. Trong trưng cầu ý dân về các đạo luật thì hầu hết các bang yêu cầu tối thiểu từ 20%, 25% hoặc 30% cử tri đồng ý. Riêng trưng cầu lập hiến thì cần đến 50% đồng ý, chỉ riêng bang Bavaria là 25%.
Cũng cần lưu ý là các bước được tiến hành theo trình tự. Trong trường hợp bước thứ nhất không đạt thì không cần thiết phải có bước thứ hai hay bước thứ ba.
3. Trưng cầu ý dân theo luật của Thụy Sĩ
Thụy Sĩ là một nhà nước liên bang được hình thành từ nhiều nhóm dân tộc với các tôn giáo và các ngôn ngữ khác nhau. Thụy Sĩ được xem là quốc gia thực hiện việc trưng cầu ý dân nhiều nhất trên thế giới. “Thụy Sĩ không tạo ra trưng cầu ý dân; mà trưng cầu ý dân tạo ra Thụy Sĩ” (Theo Paul Ruppen, Direct Democracy in Switzerland). Trưng cầu ý dân ở Thuỵ Sĩ được tiến hành ở cả hai cấp: liên bang và cấp địa phương.
Ở cấp độ liên bang, Điều 138 đến Điều 142 Hiến pháp Liên bang là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho sáng kiến và trưng cầu ý dân. Các công cụ sáng kiến và trưng cầu ý dân còn được sử dụng ở cấp bang và cấp quận (cấp địa phương). Mỗi bang có thể chọn cách riêng của mình để cho phép người dân tham gia, nên có thêm một số loại trưng cầu: ngoài các sáng kiến về hiến pháp và trưng cầu dân ý xây dựng pháp luật, tất cả các bang ngoại trừ bang Vaud còn có cái gọi là trưng cầu tài chính. Việc trưng cầu ý dân ở các cấp này được quy định trong hiến pháp của các bang.
Các vấn đề trưng cầu ý dân ở Thụy Sĩ được quy định trong Hiến pháp Liên bang, được liệt kê cụ thể theo cách phân loại: trưng cầu ý dân bắt buộc và trưng cầu ý dân không bắt buộc. Tính chất cuộc trưng cầu ý dân phụ thuộc vào tầm quan trọng của các vấn đề được đưa ra, chủ yếu là trưng cầu ý dân về hiến pháp và lập pháp.
3.1. Trưng cầu ý dân bắt buộc
Hiến pháp Thụy Sĩ xác định các vấn đề trưng cầu ý dân bắt buộc tại Điều 140. Việc trưng cầu ý dân mang tính bắt buộc được thực hiện ở hai mức độ, trưng cầu ý dân thông qua việc bỏ phiếu của nhân dân và ở bang và trưng cầu ý dân của nhân dân. Trưng cầu ý dân bắt buộc ở Thụy Sĩ liên quan những vấn đề mang tính chất quan trọng của quốc gia, bao gồm việc sửa đổi một phần hoặc toàn diện Hiến pháp Liên bang và những vấn đề có ảnh hưởng rất lớn đến quốc gia. Trong trường hợp này, việc trưng cầu ý dân mang tính bắt buộc và đương nhiên mà không cần có sự đề xuất của bất kỳ chủ thể nào trong xã hội.
Công dân Thụy Sĩ có quyền đưa ra sáng kiến sửa đổi một phần hoặc toàn bộ Hiến pháp Liên bang theo những điều kiện, thủ tục quy định tại Điều 139 Hiến pháp. Những sáng kiến này và quyết định về việc có sửa đổi Hiến pháp Liên bang hay không khi có sự không đồng thuận từ hai Hội đồng sẽ là đối tượng trưng cầu ý dân bắt buộc ở Thụy Sĩ. Với trường hợp này, việc trưng cầu ý dân sẽ được tổ chức theo yêu cầu của 100.000 công dân có quyền bỏ phiếu về việc sửa đổi toàn bộ Hiến pháp Liên bang hoặc sửa đổi một phần Hiến pháp Liên bang trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày họ đệ trình chính thức sáng kiến sửa đổi.
3.2. Trưng cầu ý dân không bắt buộc
Trưng cầu ý dân không bắt buộc sẽ được tiến hành trong vòng 100 ngày sau khi một đạo luật được công bố chính thức. Trưng cầu ý dân với hình thức này sẽ được tiến hành theo yêu cầu của 50.000 công dân có quyền bỏ phiếu hoặc theo đề xuất của 8/26 bang của Thuỵ Sĩ. Trưng cầu ý dân không bắt buộc sẽ được thực hiện với Điều lệ của Liên bang; Điều lệ của Liên bang trong tình trạng khẩn cấp có thời gian hiệu lực quá một năm; những nghị định của Liên bang trong phạm vi hiến pháp hoặc những đạo luật quy định về vấn đề này; những điều ước quốc tế không có giới hạn về thời gian hiệu lực hoặc không thể chấm dứt; những điều ước quốc tế quy định việc gia nhập một tổ chức quốc tế; những điều ước quốc tế có những điều khoản pháp lý quan trọng, hoặc việc thực hiện hiệp định yêu cầu phải có các quy định trong luật liên bang.
Việc tổ chức trưng cầu ý dân sẽ tuân theo những thủ tục chung và những thủ tục riêng đối với từng loại trưng cầu ý dân. Sáng kiến của công dân Thụy Sĩ về việc sửa đổi một phần hoặc toàn bộ Hiến pháp là đối tượng trưng cầu ý dân bắt buộc phải thỏa mãn điều kiện cơ bản về số lượng công dân sáng kiến là 100.000 người. Điều này có nghĩa là trước khi sáng kiến của công dân được chính thức coi là hợp lệ, trong vòng 18 tháng phải thu thập chữ ký của 100.000 công dân có quyền bỏ phiếu (tương ứng với khoảng 2% số cử tri).
Trong trường hợp sáng kiến của công dân là đối tượng trưng cầu ý dân không bắt buộc thì phải thỏa mãn hai điều kiện: thu thập được 50.000 chữ ký của những công dân đủ điều kiện bỏ phiếu (chiếm khoảng 1% công dân có quyền bỏ phiếu) và việc thu thập này phải được tiến hành trong thời hạn 100 ngày kể từ ngày đạo luật đó được công bố chính thức.
Việc trưng cầu ý dân ở Thụy Sĩ không có yêu cầu bắt buộc về định số tối thiểu, chẳng hạn tỉ lệ tối thiếu cử tri đi bỏ phiếu, để kết quả của cuộc trưng cầu có hiệu lực. Kết quả của trưng cầu ý dân ở Thụy Sĩ được xác định theo đa số. Trong trường hợp trưng cầu ý dân mang tính bắt buộc thì việc xác định kết quả trưng cầu ý dân sẽ được xác định theo nguyên tắc phải có sự chấp thuận của cả đa số phổ thông và đa số bang. Đa số phổ thông có nghĩa là đa số những người bỏ phiếu. Đa số bang là số phiếu phổ thông ủng hộ đề xuất này chiếm đa số trong các bang. Khi tính đa số phiếu ở các bang, có 6 bang đặc biệt (bao gồm bang Obwalden, Nidwalden, Basel-Stadt, Basel-Land, Appenxel Ausserrhoden và Appenzell Innerrhoden), mỗi bang này chỉ có nửa phiếu khi bỏ phiếu so với phiếu đầy đủ của các bang thông thường khác (20 bang còn lại).
Đối với những trường hợp trưng cầu ý dân bắt buộc với quy mô được tổ chức cho toàn dân, thì kết quả trưng cầu ý dân được quyết định bởi đa số (simple majority). Đối với trưng cầu ý dân không bắt buộc thì kết quả trưng cầu ý dân không cần theo đa số kép mà chỉ cần đa số người dân ủng hộ, tức là sẽ xác định theo nguyên tắc đa số phổ thông (popular majority).
Kết quả của trưng cầu ý dân ở Thụy Sĩ có hiệu lực pháp lý bắt buộc. Trưng cầu ý dân ở Thụy Sĩ ngày càng trở nên phổ biến như là một sinh hoạt chính trị thường xuyên của công dân Thụy Sĩ, góp phần tăng cường quyền làm chủ của nhân dân Thụy Sĩ.
4. Trưng cầu ý dân của Nga
Trưng cầu ý dân ở Nga được quy định trong Hiến pháp năm 1993 và Luật Trưng cầu ý dân năm 2004. Trưng cầu ý dân được quy định là một trong những hình thức thể hiện cao nhất quyền lực của nhân dân. Điểm nổi bật của Hiến pháp Nga là quy định về trưng cầu ý dân lập hiến. Trong trường hợp phúc quyết toàn dân, Hiến pháp Liên bang Nga được thông qua khi có hơn một nửa tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu tán thành, với điều kiện phải có hơn một nửa tổng số cử tri tham gia phúc quyết. Ngoài ra, Hiến pháp cũng quy định quyền tự quyết của nhân dân địa phương đối với các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tài sản chung của địa phương đó.
Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ Luật Trưng cầu ý dân của Nga là việc bảo đảm quyền của nhân dân về trưng cầu ý dân. Nga là quốc gia quy định việc trưng cầu ý dân bắt buộc. Theo Điều 12 Luật Trưng cầu ý dân của Nga, các vấn đề trưng cầu ý dân bắt buộc và những vấn đề không được trưng cầu ý dân sẽ do Hiến pháp liên bang quy định. Cụ thể:
Đối với vấn đề trưng cầu ý dân, pháp luật quy định dựa trên phạm vi trưng cầu ở cấp độ liên bang hay địa phương. Nếu phạm vi liên bang thì theo luật liên bang, nếu phạm vi địa phương thì do pháp luật địa phương quy định.
Theo khoản 3, Điều 12, có 4 vấn đề liên bang sẽ trưng cầu ý dân bao gồm:
+ Chấm dứt, gia hạn, đình chỉ việc thực hiện quyền lực của các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương cũng như tổ chức bầu cử các cơ quan quyền lực nhà nước trung ương và địa phương trước thời hạn;
+ Thành lập cơ quan quyền lực nhà nước liên bang và chính quyền tự quản địa phương cũng như các chức danh của các cơ quan đó;
+ Thông qua hoặc sửa đổi kế hoạch thực hiện ngân sách;
+ Áp dụng các biện pháp khẩn cấp hay các biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người dân.
Đối với những vấn đề trên, đối tượng tham gia trưng cầu ý dân là công dân Liên bang Nga có quyền tham gia vào các cuộc trưng cầu.
Bên cạnh vấn đề trưng cầu ý dân, luật cũng đưa ra giới hạn các vấn đề không thể trưng cầu của liên bang. Theo Luật Trưng cầu ý dân sửa đổi năm 2004, những vấn đề không trưng cầu ý dân bao gồm các vấn đề liên quan tới các thẩm quyền mang tính “đặc quyền” của cơ quan nhà nước Liên bang như:
+ Bầu, bổ nhiệm, bãi nhiệm, đình chỉ quyền hạn quan chức được trong bộ máy nhà nước của Liên bang Nga,
+ Quyết định thành phần của các cơ quan Liên bang, \
+ Thành lập, thay đổi, giải tán các cơ quan được thành lập theo các điều ước quốc tế của Liên bang Nga.
Ngoài ra, các vấn đề làm hạn chế hay là triệt tiêu các quyền con người và quyền dân sự cũng như bảo đảm về hiến pháp đối với việc thực hiện các quyền đó cũng không được trưng cầu.
Riêng đối với trưng cầu ý dân ở địa phương thì luật cũng quy định những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân ở địa phương không được xung đột với pháp luật Liên bang. Nhân dân địa phương trưng cầu biểu quyết về các vấn đề của địa phương, được tiến hành theo quy định của Hiến pháp Liên bang Nga, các Luật liên bang, Hiến pháp bang cũng như pháp luật của địa phương đó.
Tuy nhiên, cho dù các vấn đề trưng cầu ý dân đã được pháp luật quy định nhưng nếu có tình trạng khẩn cấp ở Liên bang hay địa phương nơi tổ chức trưng cầu ý dân thì cũng không tổ chức trưng cầu (Điều 14 Luật Trưng cầu ý dân).
Công dân có quyền nêu sáng kiến trưng cầu ý dân và tham gia trưng cầu ý dân. Pháp luật quy định thu thập chữ ký cho việc trưng cầu ý dân. Theo khoản 5 Điều 15 Luật trưng cầu ý dân thì sáng kiến về tổ chức trưng cầu ý dân có thể được thể hiện theo hình thức cuộc họp của những người tham gia trưng cầu ý dân.
Điều 33 quy định thêm là nhóm sáng kiến về tổ chức trưng cầu ý dân phải đăng ký yêu cầu lên Ủy ban bầu cử. Nơi không có Ủy ban bầu cử thì sẽ thành lập Ủy ban trưng cầu ý dân. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Ủy ban bầu cử hoặc Ủy ban trưng cầu ý dân nhận được kiến nghị trưng cầu thì phải có trả lời kết quả. Nếu yêu cầu đó phù hợp với pháp luật thì phải chuyển hồ sơ qua cơ quan tổ chức thực hiện trưng cầu ý dân. Cơ quan tổ chức trưng cầu ý dân sẽ kiểm tra các vấn đề được đề xuất có vi hiến hay không. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân hợp lệ, cơ quan tổ chức trưng cầu phải thông báo sáng kiến đó cho Tổng thống, Hội đồng Liên bang, Viện Duma, Chính phủ và Ủy ban Bầu cử trung ương Liên bang Nga. Nếu nhận được sự đồng thuận của các chủ thể trên thì Ủy ban Bầu cử hoặc Ủy ban Trưng cầu ý dân cấp giấy chứng nhận đăng ký cho nhóm sáng kiến và thông báo với các phương tiện thông tin đại chúng về việc đó. Ngược lại, Ủy ban Bầu cử hoặc Ủy ban Trưng cầu ý dân từ chối cấp giấy đăng ký chứng nhận. Sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký, nhóm sáng kiến tổ chức việc thu thập chữ ký để ủng hộ sáng kiến tổ chức trưng cầu ý dân. Số lượng chữ ký tùy thuộc vào số lượng công dân có quyền tham gia trưng cầu ý dân, được xác định trên cơ sở đăng ký người tham gia trưng cầu ý dân vào ngày 1 tháng 1 hoặc ngày 1 tháng 7 của năm trước đó. Yêu cầu chữ ký ủng hộ sáng kiến trưng cầu cấp liên bang là 2% số công dân có quyền tham gia trưng cầu ý dân và cấp địa phương là 5%.
Thời hạn thu thập chữ ký để ủng hộ nhóm sáng kiến về tổ chức trưng cầu ý dân tối thiểu là 30 ngày đối với việc trưng cầu ý dân cấp liên bang và không ít hơn 20 ngày đối với trưng cầu ý dân cấp địa phương. Theo quy định tải khoản 3 Điều 32 Luật Trưng cầu ý dân thì số lượng chữ ký không được vượt quá 15% theo yêu cầu.
Hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân là bắt buộc chung mà không cần phải có thêm bất kỳ một thủ tục thông qua nào khác. Nếu trưng cầu ý dân cấp liên bang thì kết quả trưng cầu có hiệu lực trên toàn lãnh thổ nước Nga. Nếu trưng cầu ý dân cấp địa phương thì kết quả sẽ có hiệu lực ở địa phương đó.
Pháp luật trưng cầu ý dân ở Nga có một thủ tục đặc biệt – giám sát tư pháp. Theo Điều 63 Luật Trưng cầu ý dân, quy trình và các chủ thể tham gia thực hiện trưng cầu ý dân có thể bị khởi kiện tại tòa án liên quan hoặc tòa án khu vực theo quy định của pháp luật. Phán quyết của tòa án mang tính bắt buộc thi hành. Tòa án có thẩm quyền có thể đưa ra phán quyết hủy bỏ kết quả trưng cầu của Ủy ban Trưng cầu ý dân của một khu vực hay toàn liên bang.
5. Trưng cầu ý dân của Thái Lan
Thái Lan là một trong một số ít các quốc gia Đông Nam Á có quy định và tổ chức trưng cầu ý dân. Lịch sử trưng cầu ý dân bắt đầu từ quy định của Hiến pháp Thái Lan năm 1949. Cho đến nay Thái Lan đã ban hành tất cả 18 bản Hiến pháp. Trong 18 bản Hiến pháp thì chỉ có 5 bản Hiến pháp quy định về trưng cầu ý dân (Hiến pháp Vương quốc Thái Lan 1949, 1968, 1974, 1997 và 2007). Tuy nhiên, cho đến nay thì Thái Lan chỉ tổ chức được một lần trưng cầu ý dân.
Trưng cầu ý dân ở Thái Lan được quy định trong Hiến pháp và Luật Cơ bản về Trưng cầu ý dân B.E 2552 (2009). Hiến pháp hiện hành năm 2007 của Thái Lan quy định trưng cầu ý dân tại Chương 7, Phần 16. Theo đó, những người có quyền bỏ phiếu bầu cử sẽ có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2007, Luật Cơ bản về Trưng cầu ý dân năm 2009 đã cụ thể hóa những nguyên tắc hiến định. Luật gồm 45 điều và được chia thành 10 chương, bao gồm những quy định chung về trưng cầu ý dân như giải thích thuật ngữ và những thủ tục ban đầu để có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân; phổ biến thông tin và chuẩn bị cho việc thể hiện ý kiến về vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân; xác định khu vực bỏ phiếu và đơn vị bỏ phiếu, cử tri và danh sách cử tri, xác định kết quả bỏ phiếu và giải quyết các vấn đề phản đối hay vi phạm nguyên tắc trưng cầu.
Trưng cầu ý dân có thể được thực hiện trong những trường hợp sau:
+ Khi Hội đồng Bộ trưởng nhận thấy có bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia và hoặc lợi ích công cộng, Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chấp thuận của Hội đồng Bộ trưởng, có thể tư vấn Chủ tịch Thượng nghị viện và Chủ tịch Hạ nghị viện phát hành Công báo Chính phủ kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân;
+ Khi pháp luật quy định phải trưng cầu ý dân.
Theo Hiến pháp năm 2007, quyền yêu cầu trưng cầu ý dân thuộc về Thủ tướng Chính phủ sau khi được Chính phủ thông qua. Hiến pháp quy định Thủ tướng Chính phủ có thể đưa ra một cuộc trưng cầu ý dân mà không cần tư vấn Chủ tịch Hạ nghị viện và Chủ tịch Thượng nghị viện. Đối với những vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia hoặc lợi ích công cộng hoặc pháp luật quy định thì Thủ tướng Chính phủ có quyền yêu cầu trưng cầu ý dân.
Trưng cầu ý dân có thể bắt buộc hoặc không bắt buộc và kết quả cũng có thể bắt buộc hoặc không bắt buộc.
Ở Thái Lan, trưng cầu ý dân chỉ được quy định cho các vấn đề có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia hoặc lợi ích công cộng hoặc pháp luật quy định. Trưng cầu ý dân theo quy định trên được thực hiện nhằm có được một quyết định cuối cùng bởi tổng số cử tri có quyền bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu ý dân về một vấn đề nhất định, hoặc được thực hiện nhằm đưa ra lời tư vấn cho Hội đồng Bộ trưởng, trừ những vấn đề luật đã có quy định cụ thể.
Đối với trường hợp trưng cầu ý dân theo đề nghị của Thủ tướng chính phủ, Thủ tướng có trách nhiệm công bố một thông báo về cuộc trưng cầu ý dân trên công báo Chính phủ. Mục đích và vấn đề của trưng cầu ý dân phải thể hiện rõ ràng và đầy đủ để tạo thuận lợi cho các cử tri bỏ phiếu tán thành hay phản đối. Ngoài ra, Thủ tướng cũng cần có một giải trình về việc kêu gọi bỏ phiếu để đạt được một giải pháp thông qua nội dung biểu quyết đa số của cử tri hoặc để tham gia ý kiến đối với Hội đồng Bộ trưởng.
Đối với trường hợp trưng cầu ý dân theo luật định tại khoản 2 Điều 165 Hiến pháp (tức là cách tìm giải pháp cho vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân thông qua đa số lá phiếu biểu quyết hoặc là cách để Hội đồng Bộ trưởng xin ý kiến công chúng khi mà vấn đề đó được Luật quy định phải trưng cầu ý dân), chính quyền địa phương có trách nhiệm công bố một thông báo về cuộc trưng cầu ý dân trên công báo Chính phủ và phải thể hiện rõ việc trưng cầu ý dân này là hợp pháp. Trong trường hợp luật không có quy định là chính quyền địa phương phải thông báo thì Hội đồng bầu cử phải có trách nhiệm công bố.
Hiến pháp hiện hành của Thái Lan chỉ cho phép tổ chức trưng cầu ý dân ở cấp độ quốc gia, không quy định tổ chức trưng cầu ý dân ở địa phương.
Nguyên tắc và thủ tục bỏ phiếu trong trưng cầu ý dân ở Thái Lan phải tuân thủ theo đúng pháp luật về trưng cầu ý dân. Để thông qua việc có tổ chức trưng cầu ý dân hay không thì phải căn cứ vào số lượng cử tri – người có quyền bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu ý dân theo các quy định của Hiến pháp. Theo quy định của Hiến pháp, Thủ tướng Chính phủ sẽ phải lựa chọn liệu kết quả chỉ được xem là ý kiến mang tính tư vấn (không bắt buộc) hoặc có thể được xem như một phần của quy trình lập pháp (bắt buộc). Để bảo đảm kết quả hợp pháp của trưng cầu ý dân, số phiếu yêu cầu để được thông qua cao hơn so với hiến pháp trước đây. Để thông qua kết quả trưng cầu ý dân mang tính tư vấn (không bắt buộc) thì chỉ cần đạt 50% số phiếu, nhưng đối với vấn đề trưng cầu ý dân bắt buộc thì đòi hỏi phải “đa số kép” – tức phải trên 50% tổng số người có quyền bỏ phiếu đi bỏ phiếu và phải trên 50% số phiếu thuận.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập