Mục lục bài viết
- 1. Khái quát pháp luật về hôn nhân và gia đình ở Thái Lan
- 2. Xác định phần tài sản chung "Sin Somros" của vợ chồng theo pháp luật Thái Lan
- 3. Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo pháp luật Thái Lan
- 4. Hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân ở Thái Lan
- 5. Khôi phục chế độ tài sản chung sau khi đã chia tài sản chung ở Thái Lan
- 6. Khái quát pháp luật của Thái Lan về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận
1. Khái quát pháp luật về hôn nhân và gia đình ở Thái Lan
Ở Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia duy nhất không phải trải qua chế độ thuộc địa. Tuy nhiên, trong suốt thế kỉ XIX, để duy trì chủ quyền lãnh thổ của mình, Thái Lan đã kí kết hàng loạt các hiệp định song phương với các quốc gia phương Tây nhằm phát triển quan hệ thương mại. Các hiệp định song phương này đã giúp cho Thái Lan mở cửa thị trường với các nước phương Tây. Sự thay đổi về thương mại đã kéo theo sự thay đổi về xã hội và pháp luật. Vì thế, hệ thống pháp luật Thái Lan bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi pháp luật các nước phương Tây, đặc biệt là pháp luật của Châu Âu lục địa. Đầu thế kỉ XX, Thái Lan tiến hành cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp. Người Thái đã tiếp nhận hệ thống triết lý pháp luật, tổ chức tòa án và tố tụng của pháp luật châu Âu và xem pháp luật của Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Anh, Ý và Nhật Bản là những mô hình cho việc xây dựng pháp luật của mình. Hàng loạt các bộ luật của Thái Lan đã được ban hành theo mô hình pháp luật của các nước này, trong đó có BLDS và thương mại năm 1925. Gần một thế kỷ có hiệu lực thi hành cho đến nay, những quy định của nó vẫn còn giá trị trong đời sống của người Thái. Những quy định về HNGĐ được ghi nhận tại Quyển 5 từ Điều 1435 đến Điều 1598 của Bộ luật.
Do chịu ảnh hưởng của pháp luật châu Âu lục địa nên quyền sở hữu của vợ chồng ở Thái Lan cũng được điều chỉnh bằng hai phương thức: theo hôn ước mà vợ chồng lập ra trước khi cưới và theo quy định của pháp luật khi vợ chồng không có hôn ước hoặc hôn ước đó vô hiệu. Tài sản của vợ chồng cũng bao gồm tài sản chung "Sin Somros" và tài sản riêng "Sin Suan Tua".
2. Xác định phần tài sản chung "Sin Somros" của vợ chồng theo pháp luật Thái Lan
Phần tài sản chung "Sin Somros" của vợ chồng theo quy định tại Điều 1474 BLDS và Thương mại Thái Lan được xác định bao gồm những tài sản sau:
- Tài sản mà vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản mà vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân thông qua một di chúc hoặc tặng cho được làm bằng văn bản nếu trong di chúc hay văn bản này tuyên bố rõ tài sản đó là tài sản chung;
- Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng;
- Ngoài ra trong trường hợp tài sản có nguồn gốc hợp pháp khác nhưng không chứng minh được là tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
3. Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo pháp luật Thái Lan
Căn cứ quy định tại các Điều 1488, Điều 1484, Điều 1491, Điều 1598.17 BLDS và Thương mại Thái Lan thì tài sản chung vợ chồng chỉ có thể được chia trong thời kỳ hôn nhân trong bốn trường hợp cụ thể sau:
- Thứ nhất, một bên vợ chồng có nghĩa vụ tài sản riêng nhưng không có hoặc không đủ tài sản riêng để thực hiện, phải thực hiện bằng phần tài sản của mình trong khối tài sản chung;
- Thứ hai, vợ hoặc chồng là người quản lý tài sản chung "Sin Somros" mà có những hành vi vi phạm như: gây mất mát tài sản chung mà không có lý do chính đáng; không giúp đỡ người kia; lâm vào tình trạng nợ nần hoặc chịu những món nợ vượt quá một nữa giá trị tài sản chung; cản trở vợ hoặc chồng mình trong việc quản lý tài sản chung mà không có lý do chính đáng;
- Thứ ba, người vợ hoặc người chồng bị tuyên bố phá sản;
- Thứ tư, một bên vợ hoặc chồng bị tuyên mất năng lực hành vi và người kia bị coi là không thích hợp để làm người giám hộ và do đó cha hoặc mẹ của người đó hoặc một người được chỉ định làm người giám hộ thì người giám hộ đó sẽ trở thành người đồng quản lý tài sản chung với người kia. Trong trường hợp này vợ hoặc chồng của người bị mất năng lực hành vi có quyền yêu cầu Tòa án chia tài sản chung nếu có tình huống quan trọng gây ra nguy hại cho họ.
So với BLDS Pháp, BLDS và Thương mại Thái Lan đã mở rộng thêm hai trường hợp được chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Trong đó có trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn khi một bên vợ hoặc chồng bị tuyên mất năng lực hành vi và người kia bị coi là không thích hợp để làm người giám hộ. Pháp luật HN&GĐ nước ta cũng chưa quy định trường hợp này. Vì vậy, trong thời gian tới cần thiết phải bổ sung lý do này trong hướng dẫn xác định “lý do chính đáng khác” để làm căn cứ chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như BLDS và Thương mại Thái Lan đã quy định.
4. Hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân ở Thái Lan
Bên cạnh đó, BLDS và Thương mại Thái Lan còn quy định thêm hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung. Điều 1492 BLDS và Thương mại Thái Lan quy định rõ sau khi đã chia tài sản chung căn cứ vào những trường hợp nêu trên, tài sản của vợ chồng sẽ có sự thay đổi như sau:
- Phần tài sản được chia cho mỗi bên vợ hoặc chồng trở thành tài sản riêng của mỗi người;
- Bất cứ tài sản nào mà người vợ hoặc người chồng có được sau khi chia tài sản chung sẽ là tài sản riêng của người đó và không được coi là tài sản chung;
- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung, tặng cho chung sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân trở thành tài sản riêng và chia đều cho cả vơ va chông;
- Hoa lợi thu được từ tài sản riêng sau khi chia tài sản chung sẽ là tài sản riêng của mỗi người.
Như vậy, sau khi chia tài sản chung sau thời kỳ hôn nhân thì toàn bộ tài sản được chia và tài sản có được sau khi chia đều là tài sản riêng của mỗi bên vợ chồng. Điều này đã làm chấm dứt hoàn toàn chế độ tài sản chung giữa vợ và chồng. Chế độ tài sản chung của vợ chồng sau khi chia đã thay bằng chế độ biệt sản của mỗi người. Ngoài ra, để đảm bảo đời sống chung của gia đình sau khi chia tài sản chung, BLDS và Thương mại Thái Lan quy định cả hai vợ chồng đều phải chịu trách nhiệm thanh toán những chi tiêu của gia đình theo tỷ lệ tương ứng với số tài sản riêng của mỗi người (Điều 1493). Quy định này cũng tương tự như quy định của BLDS Pháp về việc thực hiện nghĩa vụ của vợ chồng với gia đình và con cái.
5. Khôi phục chế độ tài sản chung sau khi đã chia tài sản chung ở Thái Lan
Thêm vào đó, BLDS và Thương mại Thái Lan còn ghi nhận một điểm khác biệt so với BLDS Pháp là việc khôi phục chế độ tài sản chung sau khi đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Điêu 1492.1 BLDS và Thương mại Thái Lan có quy định như sau:
Trong trường hợp chia "Sin Somros" theo lệnh của Tòa án thì việc hủy bỏ sự phân chia đó sẽ được thực hiện theo yêu cầu của người vợ hoặc người chồng và Tòa án sẽ ra quyết định công nhận việc này. Nếu vợ hoặc chồng phản đối yêu cầu này thì Tòa án không được ra quyết định hủy bỏ việc chia "Sin Somros" trừ khi lý do chia "Sin Somros" đã chấm dứt..
Theo tinh thần của quy định này, chế độ tài sản chung của vợ chồng chỉ được Tòa án cho phục hồi khi có yêu cầu của vợ, chồng hoặc khi lý do chia “Sin Somros” đã chấm dứ. Sau khi việc chia tài sản chung đã được hủy bỏ hoặc đình hoãn do vợ hoăc chồng đã thoát khỏi việc phá sản thì tài sản là tài sản riêng vào ngày có quyết định của Tòa án hoặc vào ngày mà người vợ hoặc người chồng thoát khỏi việc phá sản vẫn giữ nguyên là tài sản riêng.
Với những nội dung vừa được giới thiệu trên cho thấy BLDS và Thương mại Thái Lan quy định về việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cũng có nhiều điểm hợp lý hơn so với pháp luật nước ta. Chẳng hạn như những trường hợp chia tài sản chung, hậu quả đối với gia đình và con cái hay như vấn đề khôi phục chế độ tài sản chung sau khi chia. Tuy nhiên, pháp luật Thái Lan vẫn còn một số điểm chưa phù hợp với điều kiện nước ta như quy định chế độ biệt sản sau khi chia tài sản chung. Vì vậy, để hoàn thiện pháp luật HN&GĐ, chúng ta cần có sự vận dụng một cách linh hoạt các quy định của pháp luật Thái Lan phù hợp với điều kiện đất nước.
6. Khái quát pháp luật của Thái Lan về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận
Không có Luật Hôn nhân và gia đình riêng biệt, phần về hôn nhân và gia đình cũng như về các quan hệ tài sản giữa vợ chồng được quy định chung trong BLDS và Thương mại thành một phần riêng.
Theo quy định của BLDS và Thương mại, trường hợp trước khi kết hôn, nếu vợ chồng không ký kết với nhau một thỏa thuận đặc biệt liên quan đến quan hệ tài sản giữa họ, thì mối quan hệ giữa họ liên quan đến tài sản sẽ được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật này.
Bất cứ điều khoản nào trong thỏa thuận trước khi kết hôn (còn gọi là thỏa thuận tiền hôn nhân) trái với trật tự công cộng hoặc phong tục đạo đức tốt đẹp của xã hội, hoặc chỉ ra rằng mối quan hệ tài sản giữa họ sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật nước ngoài thì thỏa thuận đó sẽ không có hiệu lực.
Với quy định này, Bộ luật đã cho phép vợ chồng có thể xây dựng cho riêng họ các thỏa thuận tiền hôn nhân nhằm điều chỉnh quan hệ tài sản và có quy định khá chi tiết về các điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận tiền hôn nhân. Trường hợp các thỏa thuận tiền hôn nhân thuộc một trong những trường hợp sau thì sẽ không có giá trị pháp lý: (i) Không được xuất trình với cơ quan đăng ký kết hôn tại thời điểm đăng ký kết hôn; (ii) Không được thực hiện bằng văn bản, có chữ ký của cả hai vợ chồng và ít nhất hai người làm chứng; (iii) Không được đưa vào đăng ký kết hôn tại thời điểm đăng ký kết hôn với tư cách là một phần phụ lục của đăng ký kết hôn.
Việc thay đổi chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng được Bộ luật quy định: “Sau khi kết hôn, thỏa thuận tiền hôn nhân không thể bị thay đổi, ngoại trừ bởi thẩm quyền của Tòa án”.
Khi có phán quyết cuối cùng của Tòa án để thực hiện việc thay đổi, hủy bỏ thỏa thuận tiền hôn nhân, Tòa án phải thông báo vấn đề sửa đổi hoặc hủy bỏ này đến cơ quan đăng ký kết hôn để cơ quan này đưa nội dung đó vào đăng ký kết hôn.
Ngoài các điều khoản trong thỏa thuận tiền hôn nhân sẽ không có hiệu lực trong trường hợp tác động đến các quyền của người thứ ba ngay tình cho dù chúng được thay đổi hoặc hủy bỏ theo lệnh của Tòa án. Và bất kỳ thỏa thuận được ký kết giữa vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân có thể được hủy bỏ bởi mỗi bên tại bất kỳ thời điểm nào trong thời kỳ hôn nhân hoặc trong vòng một năm kể từ ngày chấm dứt quan hệ hôn nhân; với điều kiện là sự hủy bỏ này không ảnh hưởng đến quyền của người thứ ba ngay tình.
Bài viết tham khảo:
- Pháp luật của một số nước về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; Trần Thanh Luân (Lớp CH16LDS_TV5_2, Trường Đại học Trà Vinh) - Tạp chí Công Thương;
- Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong hệ thống pháp luật của một số quốc gia trên thế giới; ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải (Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang).