Mục lục bài viết
1. Nghị định thư SDR năm 1979 là gì?
Nghị định thư SDR năm 1979 là nghị định thư quy định việc sửa đổi, bổ sung cho Công ước Bruxen năm 1924 nhằm thống nhất một số quy tắc về vận đơn đường biển (đã được Nghị định thư năm 1968 bổ sung).
Nghị định thư SDR (Special Drawing Eight) được kí tại Bruxen ngày 21.12.1978. Nội dung của Nghị định thư SDR bao gồm 9 điều, quy định các vấn để chủ yếu đối với quyền rút vốn đặc biệt.
2. Nội dung Nghị định thư SDR 1979
NGHỊ ĐỊNH THƯ NĂM 1979
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CHO CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ ĐỂ THỐNG NHẤT MỘT SỐ QUY TẮC VỀ VẬN ĐƠN ĐƯỜNG BIỂN, 1924, ĐÃ ĐƯỢC NGHỊ ĐỊNH THƯ NĂM 1968 BỔ SUNG
(Nghị định thư SDR 1979)
Các bên ký kết Nghị định thư này, là các bên tham gia Công ước quốc tế để thống nhất một số quy tắc luật pháp liên quan đến vận đơn đường biển, ký tại Brussels ngày 25 tháng 08 năm 1924, đã được Nghị định thư sửa đổi Công ước này ký tại Brussels ngày 23 tháng 02 năm 1968 bổ sung, sửa đổi.
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1.
Nhằm mục đích của Nghị định thư này “Công ước” có nghĩa là Công ước quốc tế để thống nhất một số quy tắc luật pháp về vận đơn đường biển và Nghị định thư ký kết Công ước này, ký tại Brussels ngày 25-08-1924 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định thư làm tại Brussels ngày 23-02-1968.
Điều 2.
(1) Điều 4, mục 5 (a) của Công ước được thay như sau:
“(a) Trừ phí tính chất và trị giá hàng hóa đó đã được người gửi hàng khai trước khi xếp hàng và có ghi vào vận đơn, cả người chuyên chở và tàu trong bất cứ trường hợp nào đều không chịu trách nhiệm về mất mát, hư hỏng của hàng hóa hoặc liên quan đến hàng hóa với một số tiền vượt quá 666.67 đơn vị tính toán cho một kiện hay đơn vị hoặc 2 đơn vị tính toán cho một kilô trọng lượng hàng hóa cả bì bị mất mát, hư hỏng, tùy theo cách tính nào cao hơn”.
(2) Điều 4, mục 5, của Công ước được thay như sau:
“(d) Đơn vị tính toán nói trong Điều này là Quyền Rút vốn Đặc biệt (Special Drawing Right) do quỹ tiền tệ Quốc tế định nghĩa. Những số tiền nói ở tiểu mục (a) của đoạn này sẽ được quy đổi ra tiền quốc gia trên cơ sở giá trị của đồng tiền đó vào ngày do luật của Tòa án thụ lý vụ việc quyết định.
Giá trị đồng tiền của một nước là thành viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tính theo đồng SDR sẽ được tính toán theo cách tính giá trị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế có hiệu lực vào ngày thực hiện việc chuyển đổi thứ tiền đó. Giá trị đồng tiền của một nước không phải là thành viên quỹ tiền tệ Quốc tế, tính bằng đồng SDR, sẽ được tính theo cách của nước đó quyết định.
Tuy nhiên, một nước không phải là thành viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế và luật pháp của nước đó không cho phép áp dụng những quy định của đoạn trên có thể vào lúc phê chuẩn hay tham gia Nghị định thư 1979 hay vào bất cứ lúc nào sau đó, tuyên bố là các giới hạn trách nhiệm quy định trong Công ước này được áp dụng trên lãnh thổ của mình như sau:
(i) Đối với số tiền 666.67 đơn vị tính toán nói ở tiểu mục (a) của mục 5, Điều này là 10.000 đơn vị tiền tệ.
(ii) Đối với số tiền 2 đơn vị tính toán nói ở tiểu mục (a) mục 5 Điều này là 30 đơn vị tiền tệ.
Đối với tiền tệ nói trong câu trên tương đương với 65,5 miligram vàng có độ nguyên chất 900/1000. Việc quy đổi các số tiền nói trong câu này ra tiền quốc gia được thực hiện theo pháp luật của quốc gia liên quan.
Việc tính toán và quy đổi nói trong các câu trên được thực hiện theo phương cách nào đó để thể hiện bằng đồng tiền quốc gia càng gần càng tốt với giá trị thực tế của các số tiền bằng đơn vị tính toán nói ở tiểu mục(a) mục 5 Điều này.
Các quốc gia sẽ liên hệ người lưu giữ về cách thức tính toán và kết quả quy đổi tùy từng trường hợp, khi gửi văn bản phê chuẩn Nghị định thư 1979 hay văn bản tham gia Nghị định thư và cả khi có thay đổi trong việc phê chuẩn hay tham gia.
Điều 3.
Bất cứ tranh chấp nào giữa hai hay nhiều bên ký kết liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Nghị định thư này, mà không giải quyết được bằng thương lượng, sẽ được đưa ra trọng tài theo yêu cầu của một bên đương sự. Nếu trong vòng 6 tháng kể từ ngày yêu cầu trọng tài xét xử mà các bên không thể thỏa thuận được việc tổ chức trọng tài, thì bất cứ bên nào cũng có thể đưa tranh chấp ra Tòa án quốc tế theo đúng quy chế của Tòa.
Điều 4.
(1) Mỗi bên ký kết có thể, vào lúc ký kết hay phê chuẩn Nghị định thư này hoặc gia nhập Nghị định thư tuyên bố rằng bên đó không bị ràng buộc bởi Điều 3.
(2) Bất cứ bên nào đã thực hiện việc bảo lưu phù hợp với đoạn (1) có thể, vào bất cứ lúc nào, rút lui việc bảo lưu bằng cách thông báo cho Chính phủ Bỉ.
Điều 5.
Nghị định thư này sẽ để ngỏ cho các nước đã ký Công ước ngày 25/8/1924 hoặc Nghị định thư ngày 23/2/1968 hoặc các nước là thành viên của Công ước ký kết.
Điều 6.
(1) Nghị định thư này sẽ được phê chuẩn.
(2) Việc phê chuẩn Nghị định thư bởi các nước không phải là thành viên của Công ước sẽ có tiêu cực như phê chuẩn Công ước.
(3) Văn bản phê chuẩn sẽ được lưu giữ tại Chính phủ Bỉ.
Điều 7.
(1) Các nước không đề cập ở Điều 5 có thể gia nhập Nghị định thư này.
(2) Việc gia nhập Nghị định thư này cũng có hiệu lực như gia nhập Công ước.
(3) Văn bản gia nhập sẽ được lưu giữ lại Chính phủ Bỉ.
Điều 8.
(1) Nghị định thư này sẽ có hiệu lực sau ba tháng kể từ ngày có 5 văn bản phê chuẩn hoặc gia nhập.
(2) Đối với mỗi nước đã phê chuẩn hoặc gia nhập Nghị định thư sau khi đã có bản lưu giữ thứ 5. Nghị định thư này sẽ có hiệu lực sau ba tháng kể từ ngày gửi văn bản phê chuẩn hoặc gia nhập.
Điều 9.
(1) Bất kỳ nước thành viên nào cũng có thể bãi miễn Công ước này bằng cách thông báo cho Chính phủ Bỉ.
(2) Việc bãi miễn Công ước sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày Chính phủ Bỉ nhận được thông báo miễn ước.
(Điều 10, 11 nói về thủ tục gia nhập lưu giữ xin xem bản tiếng Anh).
Nghị định thư này làm tại Brussels ngày hôm nay 21 tháng 12 năm 1979, bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, có giá trị như nhau, thành một bản duy nhất, được lưu giữ tại văn phòng lưu trữ của Chính phủ Bỉ, nơi sẽ phát hành các bản sao.
3. Tìm hiểu về vận đơn đường biển trong thương mại quốc tế
3.1. Vận đơn đường biển là gì?
Bill of Lading – Vận đơn – B/L là chứng từ chuyên chở hàng hoá bằng đường biển do người chuyên chở hoặc đại diện của người chuyên chở phát hành cho người gửi hàng sau khi hàng hoá đã được xếp lên tàu hoặc sau khi nhận.
Bill of lading là một trong những tài liệu quan trọng nhất trong quy trình vận chuyển. Để vận chuyển bất kỳ hàng hóa nào, vận đơn (bill of lading) được yêu cầu hoạt động như một biên nhận (hay một hợp đồng vận chuyển). Thông tin trong vận đơn rất quan trọng vì nó chỉ đạo cho các hành động của nhân viên vận tải trong suốt hành trình vận chuyển hàng hóa trên tàu. Các thông tin, thông số về số lượng, cách thức thanh toán, cách xử lý trên bến tàu,… sẽ được thể hiện trong vận đơn.
Một Bill of lading hợp pháp cho thấy rằng hãng đã nhận được cước vận chuyển như mô tả và có nghĩa vụ giao hàng hóa đó trong tình trạng tốt cho người nhận hàng.
3.2. Ý nghĩa của vận đơn đường biển trong thương mại quốc tế
- Tác dụng của vận đơn đường biển (B/L)
+ Người ta dựa vào vận đơn để làm căn cứ khai hải quan và thủ tục cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa.
+ Vận đơn được xem là tài liệu kèm theo hóa đơn thương mại trong bộ chứng từ mà người bán gửi cho người mua (hoặc ngân hàng) để thanh toán tiền hàng.
+ Được xem là chứng từ để cầm cố, chuyển nhượng hoặc mua bán hàng hóa.
+ Dùng làm căn cứ xác định số lượng hàng hóa mà người bán gửi cho người mua.
- Chức năng, ý nghĩa của vận đơn đường biển (Bill of Lading)
+ Là bằng chứng xác nhận hợp đồng vận tải đã được ký kết bởi hai bên, nêu rõ nội dung, điều khoản của hợp đồng đó. Đồng thời B/L cũng chính thức xác định quan hệ pháp lý giữa người vận tải và chủ hàng, và quan hệ pháp lý của người vận tải và người nhận hàng.
+ B/L được xem như là biên lai xác nhận của nhận của người vận tải cho người chuyên chở. Người vận tải chỉ giao hàng cho người nào xuất trình B/L hợp lệ đầu tiên mà họ đã ký phát ở cảng xếp hàng. Cũng chính vì vậy, B/L rất quan trọng và được đính kèm trong bộ chứng từ trong các giao dịch ngoại thương.
+ B/L là chứng từ xác nhận quyền sở đối với các loại hàng hóa đã được ghi trên nó. Tương ứng với việc, nó có thể có giá trị như một loại giấy tờ dùng để cầm cố, mua bán và chuyển nhượng
3.3. Các loại vận đơn đường biển
Cách phổ biến nhất là phân loại theo cách ghi người nhận hàng, tương ứng với chức năng quan trọng nhất liên quan đến “chứng từ sở hữu”. Ngoài ra, còn có một số tiêu chí phân loại khác, để phù hợp với nhu cầu phân biệt các loại vận đơn trong thực tế.
- Phân loại theo chủ thể nhận hàng:
+ Vận đơn đích danh (straight bills of lading): Là loại ghi rõ tên, địa chỉ (và các thông tin khác như: số điện thoại, fax, email…) của người nhận hàng; chỉ người này mới có quyền nhận hàng (khi xuất trình vận đơn hợp lệ)
+ Vận đơn theo lệnh (order bills of lading): Đây là loại phổ biến nhất trong thương mại và vận tải quốc tế, mà theo đó người vận tải sẽ giao hàng theo lệnh của người gửi hàng, hoặc của người được ghi trên vận đơn.
+ Vận đơn vô danh (bearer bills of lading): Cho phép giao hàng cho người xuất trình vận đơn. Có thể coi đây là một dạng vận đơn theo lệnh nhưng trên đó không ghi theo lệnh của ai. Theo một cách khác, vận đơn theo lệnh có thể chuyển thành vận đơn vô danh bằng cách ký hậu vào mặt sau nhưng không ghi rõ giao hàng theo lệnh của ai (blank indorsement).
Ngoài cách phân loại theo khả năng chuyển nhượng như trên, tùy theo mục đích cụ thể, người ta có thể chia vận đơn thành một số loại khác như sau:
- Phân loại theo tình trạng vận đơn:
+ Vận đơn hoàn hảo (Clean B/L), còn gọi là vận đơn sạch: không có ghi chú về khiếm khuyết của hàng hóa, bao bì.
+ Vận đơn không hoàn hảo (Unclean B/L), còn gọi là vận đơn bẩn: có ghi chú về khiếm khuyết của hàng hóa, bao bì, chẳng hạn như: bao bị rách, hàng có dấu hiệu bị ẩm…
- Phân loại theo tình trạng nhận hàng:
+ Vận đơn đã xếp hàng lên tàu (Shipped on board B/L): được cấp sau khi hàng hóa đã xếp lên tàu.
+ Vận đơn nhận hàng để xếp (Received for shipment B/L): được cấp trước khi hàng hóa được xếp xuống tàu. Trên vận đơn này, do đó, không có tên tàu và ngày xếp hàng xuống tàu. Vận đơn này có thể được chuyển đổi thành “vận đơn đã xếp hàng lên tàu” bằng cách bổ sung xác nhận tên tàu và ngày xếp hàng thực tế lên
- Phân loại theo chủ thể cấp vận đơn
+ Vận đơn chủ (Master Bill of Lading - MBL): do hãng tàu phát hành. Người gửi hàng và người nhận hàng có thể là chủ hàng hay công ty giao nhận (hoặc đại lý).
+ Vận đơn nhà (House Bill of Lading - HBL): do công ty giao nhận vận tải phát hành. Người gửi hàng và nhận hàng thường là chủ hàng (công ty xuất nhập khẩu). >> Xem bài Phân biệt MBL và HBL tại đây
- Phân loại theo việc xuất trình vận đơn
+ Vận đơn gốc (Original B/L): người nhận hàng phải xuất trình vận đơn gốc mới được lấy lệnh giao hàng (D/O).
+ Vận đơn giao hàng bằng điện (Telex Release B/L): người nhận hàng không cần xuất trình vận đơn gốc, vì đã có điện giao hàng.
+ Vận đơn đã được xuất trình (Surrendered B/L): vận đơn đã được xuất trình cho hãng tàu, hoặc đại diện hãng tàu ở đâu đó, thường là tại cảng xếp hàng (sau khi phát hành). Tương tự như Telex Release B/L phía trên, người nhận hàng chỉ cần làm thủ tục thanh toán các phí Local charges đầu cảng dỡ là có thể lấy D/O, mà không cần nộp Bill gốc.
Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tịch)