1. Tội hiếp dâm theo luật hình sự

Tội hiếp dâm theo luật hình sự được quy định tại điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

"Điều 141. Tội hiếp dâm

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;....

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."

Các vấn đề pháp lý liên quan:

"1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm."

(Điều 20 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013)

Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân đều có thể bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Trong đó hành vi xâm hại đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục bị coi là tội phạm và bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Tùy từng dấu hiệu cụ thể của tội phạm như hành vi, tuổi của người bị hại, tuổi của người thực hiện hành vi,... tội phạm xâm hại tình dục được chia thành các tội danh khác nhau quy định trong Bộ luật Hình sự tại Điều 141 (Tội Hiếp dâm), Điều 142 (Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi), Điều 143 (Tội cưỡng dâm), Điều 144 (Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi), Điều 145 (Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi), Điều 146 (Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi), Điều 147 (Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm).

Thứ nhất, về việc xác định tội phạm:

Cho tình huống người bạn trai (tạm gọi là A) có hành vi xâm hại đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục đối với bạn gái (tạm gọi là B). A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu A đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và thuộc một trong các trường hợp sau:

- Trường hợp 1: A phạm tội Hiếp dâm theo quy định tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 nếu có các tình tiết sau:

+ B đủ 16 tuổi trở lên,

+ A có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của B hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn của B,

+ A đủ 16 tuổi trở lên (Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 9 Bộ luật Hình sự thì tội Hiếp dâm theo quy định tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự là tội nghiêm trọng do mức cao nhất là của khung hình phạt đến bảy năm tù. Theo điều 12 Bộ luật Hình sự, A chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu A đủ 16 tuổi trở lên).

Người phạm tội Hiếp dâm theo khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

- Trường hợp 2: A phạm tội Hiếp dâm theo quy định tại khoản 4 Điều 141 Bộ luật Hình sự nếu có các tình tiết sau:

+ B là người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi,

+ A có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của B hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn của B,

+ A đủ 16 tuổi trở lên.

Người phạm tội Hiếp dâm theo khoản 4 Điều 141 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tù từ từ năm năm đến mười năm

- Trường hợp 3:A phạm tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự nếu có các tình tiết sau:

+ B là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi,

+ A có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của B hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn của B,

+ A đủ 14 tuổi trở lên (Vì căn cứ khoản 1 điều 9 Bộ luật Hình sự thì tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự là tội rất nghiêm trọng do mức cao nhất là của khung hình phạt đến 15 năm tù. Theo điều 12 Bộ luật Hình sự, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu A đủ 14 tuổi trở lên).

Người phạm tội Hiếp dâm trẻ em theo khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

- Trường hợp 4:A phạm tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự nếu có các tình tiết sau:

+ B là trẻ em dưới 13 tuổi,

+ A có hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với B,

+ A đủ 14 tuổi trở lên (Vì căn cứ khoản 1 điều 9 Bộ luật Hình sự thì tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự là tội đặc biệt nghiêm trọng. Theo điều 12 Bộ luật Hình sự, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu A đủ 14 tuổi trở lên).

Người phạm tội Hiếp dâm trẻ em theo điểm b khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Thứ hai, về việc khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A:

Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định đối với vụ án về tội Hiếp dâm được quy định tại khoản 1 Điều 141 của Bộ luật Hình sự thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại.

Như vậy, nếu hành vi của A thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội Hiếp dâm theo quy định tại khoản 1 điều 141 Bộ luật Hình sự (trường hợp 1 nêu trên) thì cơ quan có thẩm quyền chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có yêu cầu của B.

Đối với trường hợp hành vi của A thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm khác thì A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không cần phải có yêu cầu của người bị hại.

Nếu cơ quan chức năng chưa phát hiện được hành vi phạm tội của A để xử lý thì cá nhân, tổ chức biết về hành vi trên đều có thể tố giác tội phạm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong trường hợp này, bạn có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan, tổ chức khác theo quy định tại điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Sau khi đã tiếp nhận tin báo, tố giác, cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết theo quy định tại điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

" Điều 146. Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 145 của Bộ luật này phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.

Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gửi qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận.

2. Trường hợp phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đó phải chuyển hồ sơ có liên quan cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết.

3. Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

4. Các cơ quan, tổ chức khác sau khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm thì chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp thì có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại hoặc hình thức khác cho Cơ quan điều tra nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản."

Cần lưu ý:  Tội hiếp dâm và cưỡng dâm khác nhau thế nào?

- Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Hiếp dâm là hành vi của một người hoặc một số người dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của họ.

- Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Cưỡng dâm là hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

Như vậy, hiếp dâm và cưỡng dâm đều xảy ra việc giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác. Tuy nhiên, hiếp dâm là dùng vũ lực hoặc lợi dùng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của họ. Còn cưỡng dâm là dùng thủ đoạn khiến người khác phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với mình.

 

2. Cấu thành nên tội hiếp dâm?

Kính chào Công ty luật Minh Khuê. Tôi có 1 sự việc kính mong quý công ty giải đáp giúp. Để có thể nhận được câu trả lời tường tận nhất của quý công ty thì tôi xin kể lại toàn bộ sự việc để quý công ty nắm bắt được nội dung. Sự việc tuy dài dòng, kính mong quý công ty bớt chút thời gian đọc hết và giúp đỡ tôi.

(Sự việc xoay quanh 2 nhân vật chính, tôi tạm gọi nhân vật bị hại là Nữ, nhân vật có hành vi phạm tội là Nam) Sự việc diễn ra trong 1 buổi sự kiện tại quận Hà Đông – Hà Nội Khi Nam đang ăn cơm cùng 1 số người tại tầng 2 của trung tâm nơi diễn ra sự kiện, khoảng 12h trưa thì chủ của sự kiện ( một người đàn ông) có đưa vào phòng ăn 1 cô gái và giới thiệu với mọi người rằng: đây là cô Nữ, sinh viên khoa báo chí đến ghi hình và viết bài về buổi sự kiện hôm nay. Sau đó Nữ ngồi dùng bữa cùng mọi người. Nam và Nữ cũng mời rượu nhau đồng thời trao đổi số điện thoại để liên lạc về sau. Ăn cơm xong Nam Nữ có việc cần dùng đến máy tính nên Nam đã nói là cho mượn nhưng lúc sau Nam lại quên ở nhà. Nữ nhờ Nam đưa ra một quán Internet. Nhưng Nam nói: "anh với em đi đón người bạn cùng quê với anh sang trung tâm chơi rồi mình tìm quán internet sau nhé”. Nữ đồng ý. Nữ ra phía sau xe kiểm tra không thấy thì định mở của xe, Nam thấy vậy sợ Nữ xuống xe rồi về trung tâm mọi người lại hiểu lầm nên đã theo xuống phía sau xe cản Nữ lại bằng cách đẩy Nữ ngồi xuống ghế và nói “em đừng xuống như vậy, lát anh sẽ đưa em về”. Do sợ hãi vì hành động bất ngờ của Nam nên Nữ đã phản ứng bằng cách nói rất to như hét lên khiến Nam hoảng loạn và đã dùng tay phải bịt miệng Nữ, tay trái vòng qua vai nắm lấy cổ Nữ. Lúc đó Nam nói “em đừng hét lên như vậy được không, nếu em đồng ý thì giơ tay lên để anh bỏ ra”. Nữ đồng ý giơ tay và Nam đã bỏ ra. Trong lúc Nam bịt miệng nữ, có lẽ do sợ nên Nữ đã cào vào má và tay phải của Nam. Sau đó hai người ngồi nói chuyện khoảng 1 tiếng. Lúc này Nữ hỏi và Nam đã trả lời thẳng là mình muốn quan hệ với Nữ, nữ không đồng ý nhưng Nam đã nói chuyện chi tiết về quan hệ tình dục và thuyết phục Nữ quan hệ bằng miệng, Nữ đồng ý. Nam đã ghi hình vì sợ Nữ sẽ kiện mình. Sau đó Nam đã dừng lại không quan hệ nữa và xóa đoạn băng ghi hình trước mặt Nữ và nói sợ vợ biết. Nam đã đưa Nữ về rồi đến cơ quan công an quận Hà Đông khai nhận sự việc.

Tại cơ quan công an, cán bộ điều tra cho Nam viết tường trình và các giấy tờ đầu thú, tạm giữ điện thoại di động của Nam và còng tay Nam vào thành giường để Nam ngủ. Sáng hôm sau cán bộ yêu cầu Nam cho gọi lái xe đưa xe về công an quận để xác minh. Chiều cùng ngày công an quận Hà Đông di dời Nam và Nữ về công an huyện Thanh Oai để bàn giao. Tại đây, công an huyện Thanh Oai lập biên bản tạm giữ xe ô tô mà Nam đã lái để xác minh. Sau đó nam bị tạm giữ 9 ngày tại trại tạm giam công an huyện Thanh Oai. Đến ngày thứ 9 bệnh sỏi thận của Nam tái phát nên cán bộ trại giam đưa Nam đến bệnh viện đa khoa huyện để khám, siêu âm và chụp x-quang. Tại đây bác sĩ kết luận Nam có sỏi thận trái rơi xuống đường tiết niệu yêu cầu mổ ngay. Nhưng sau khi tiêm giảm đau thì Nam đã không còn nguy cấp nên được đưa trở lại trại tạm giam. Sau đó gia đình làm đơn bảo lãnh cho Nam tại ngoại để chữa bệnh. Do Nam chưa có tiền án tiền sự nên đã được chuyển từ lệnh tạm giam sang lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú. *** vậy kính mong quý công ty giải đáp giúp tôi:

1. Nam vi phạm tội gì, điều khoản nào và mức án ra sao?

2. Phương tiện (ô tô) mà Nam lái sẽ xử lý thế nào, bao giờ thì trả lại?

3. Điện thoại đi động và sim số của Nam xử lý thế nào, bao giờ thì trả lại

4. Theo cáo trạng của cơ quan điều tra và viện kiểm sát nhân dân thì Nam phạm tội hiếp dâm là đúng hay sai?

Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời:

Trong trường hợp này, Nữ đã là sinh viên nên đã qua 18 tuổi.

Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội hiếp dâm như sau:

"Điều 141. Tội hiếp dâm

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm."

Như vậy, đối với tội hiếp dâm phải có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tính trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân. Trong trường hợp này, người Nam chưa giao cấu với người Nữ. Hơn nữa Nam cũng không có hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực và bên phía người Nữ cũng tự nguyện chứ không phải bị ép buộc.

Người nam có hành vi đẩy Nữ xuống ghế, dùng tay phải bịt miệng Nữ, tay trái vòng qua vai nắm lấy cổ Nữ, nhưng hành vi đó là do Nam không muốn bị hiểu lầm và do nữ hoảng loạn mà hét lên. Tuy nhiên sau đó hai bên cũng ngồi nói chuyện với nhau 1 giờ đồng hồ và Nam đã thuyết phục nữ quan hệ với mình và nữ đồng ý. Nên hành vi vũ lực đó của Nam không phải là hành vi để làm cho nạn nhân không thể chống cự được nhằm giao cấu với nạn nhân.

Như vậy, trường hợp này người Nam không phạm tội.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về tạm giam như sau:

" Điều 119. Tạm giam

1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

3. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

4. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

b) Tiếp tục phạm tội;

c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

5. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh, quyết định tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.

6. Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị tạm giam cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam làm việc, học tập biết."

Điều 60 của Bộ luật này quy định bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự vậy nếu đã có quyết định khởi tố vụ án thì người Nam mới bị tạm giam. Nếu thấy không đồng ý với quyết định tạm giam thì bị can vẫn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến người ra quyết định tạm giam.

Nếu có cấu thành tội phạm thì việc trả lại ô tô, điện thoại và sim số phụ thuộc vào việc cơ quan có thẩm quyền xét thấy có ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án không, cụ thể Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định:

"Điều 106. Xử lý vật chứng

1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà cóthì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;

b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;

c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;

d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự"

Như đã phân tích ở trên thì theo những thông tin mà bạn cung cấp thì trường hợp này không phạm tội, do là những thông tin chủ quan cung cấp từ một phía chưa được kiểm chứng nên có thể còn những thông tin khác, nếu bản cáo trạng của Viện Kiểm Sát truy tố người Nam phạm tội hiếp dâm thì có thể còn có những thông tin khác chứng minh người Nam có hành vi phạm tội. Người Nam nên nhờ sự giúp đỡ của luật sư để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu bản án của Tòa án kết luận người này phạm tội hiếp dâm và bị cáo không đồng ý với quyết định này thì vẫn có thể kháng cáo để tòa án xét xử phúc thẩm.

 

3. Thời hiệu khởi kiện tội hiếp dâm?

Thưa luật sư: tôi đã có gia đình và hai con chồng tôi là giám đốc của một doanh nghiệp còn tôi chỉ phụ giúp việc kinh doanh của chồng tôi. Nhưng gần đây tôi đã phát hiện là chồng tôi có con riêng ở ngoài nhưng cô gái đó là người bị chồng tôi hại có con với chồng tôi. Sự việc xảy ra cách đây khoảng 5 hoặc 6 năm.

Cô gái này có đến công ty của tôi làm công nhân được vài tháng nghỉ hè, do cô gái này cũng có ngoại hình ưa nhìn nên cũng được nhiều người thích. Trong đó có chồng tôi người cũng hay ong bướm và một thanh niên tên T cùng làm trong công ty của tôi cũng thích cô gái đó. Cô ta kể lại T đã rất nhiều lần nói là thương cô gái tên TN đó nhưng lại bị TN nhiều lần từ chối sau này TN nghỉ làm đến một thời gian sau thì thực tập tại công ty của tôi và anh T lại tiếp tục tán tĩnh cô TN nhưng cô không chấp nhận. Chồng tôi cũng biết chuyện này vì dục vọng của bản thân chồng tôi muốn chiếm đoạt cô TN và ông ấy biết được là cô TN nhiều lần từ chối anh ta nên chồng tôi đã có ý ra điều kiện với anh T và nói với anh ta là ăn không được phá cho hôi. Hai người bàn tính và hẹn cô TN uống cà phê nhan lúc cô TN đi vệ sinh thì bỏ thuốc mê vào nước uống của cô TN khi nhân viên trong quán phát hiện thì anh ta nói cô ta bị trúng gió và đua vào nhà nghỉ có chồng tôi chờ sẵn ở đó. Sau vụ việc đó thì chồng tôi cho anh T nghỉ việc và một số tiền để anh này đi thật xa còn hậu quả thì cô gái đó có thai. Gia đình cô TN có đưa cô đi trình báo công an nơi xảy ra vụ việc nhưng do không có bằng chứng về thuốc mê hay bị đánh đập cưỡng ép và khi cô ta tỉnh dậy chỉ thấy một mình anh T này nên chỉ tố cáo một mình anh T này mà không biết chồng tôi cũng có liên quan. Do đó ở công an chỉ hoà giải và lập biên bản vụ việc cho đến nay cũng không thấy kết quả. Khi mà gia đình đi thưa với chính quyền thì cô gái có nói với anh T là mình đã có thai nhưnh anh này không hê tra lời lại và cũng chặng các cuộc gọi.

Và anh ta cũng có nói cho chồng tôi biết về sự việc và chồng tôi cho anh ta thêm một số tiền để bịt miệng anh ta. Sau một thời gian em bé được một tuổi thì có mail của một người cùng tên với anh T biết rất rõ mọi chuyện cô TN đó là anh T mà không biết đó là chồng tôi. Chồng tôi nắp dưới tên của anh T và xin lỗi cô ta tha thứ rất nhiều và rất mong cô gửi cho anh ta hình để nhìn cho đỡ nhớ. Khi mà nhận được hình thì ông mới té ngửa con bé đó giống con gái của tôi và ông ấy y hệt. Chắc do cảm thấy rây rứt lương tâm nên là mỗi tháng cũng có gửi cho me con cô ta 3 triệu. Cô TN nói đã nhiều lần cô ta hỏi địa chỉ của anh T nhưng anh T không cho biết. Cho đến hôm nay được năm năm cô ta quyết định trở lại công ty tôi làm việc với mục đích điều tra rõ ràng chân tướng sự việc và cô ta đã kễ mọi chuyện như vậy cho tôi nghe. Tôi muốn hỏi nếu biết được sự thật chồng tôi là cha của đúa trẻ thì liệu gia đình cô gái đó có đi kiện chồng tôi được hay không. Và hành vi như chồng tôi có bị pháp luật xử lý không và bị xử lý như thế nào. Có phải bồi thường thiệt hại gì hay không còn đứa trẻ như thế nào có phải chu cấp hay không ? Khi mà cô gái đó bị cưỡng hiếp đã đủ tuổi.

Tôi xin chân thành cảm ơn !

 

Trả lời:

Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

" Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ."

Theo đó muốn biết trường hợp của chồng bạn có còn thời hiệu khởi kiện hay không thì phải xác định xem tội mà chồng bạn phạm phải tội gì. Đối với hành vi dùng thủ đoạn giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ thì chồng bạn có thể phạm phải tội hiếp dâm theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

" Điều 141. Tội hiếp dâm

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;...."

Theo đó đối với trường hợp của chồng bạn đã làm cho nạn nhân có thai thì khung hình phạt được áp dụng cho chồng bạn là từ 7 năm đến 15 năm. Điều 9 Luật hình sự quy dịnh về tiêu chí phân loại tội phạm như sau:

" Điều 9. Phân loại tội phạm

a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình."

Theo đó khung hình phạt cao nhất đối với chồng bạn là 15 năm tù nên anh ấy phạm phải tội rất nghiêm trọng, theo quy định trên thì thời hiệu khởi kiện đối với chồng bạn là 15 năm kể từ thời điểm phát hiện sự việc. Do đó vẫn còn thời hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự, gia đình họ vẫn có thể kiện chồng bạn. Chắc chắn nếu như có đủ căn cứ pháp luật thì chồng bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chịu sự xủ lý của pháp luật.

Về việc cấp dưỡng cho đứa trẻ: Theo quy định tại khoản 1, điều 107 Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13

" Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng

1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này. "

Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng đặt ra đối với cha, mẹ và con. Theo đó như bạn đã trình bày thì bố đứa bé là chồng bạn nên phải nghĩa vụ cấp dưỡng cho đứa bé khi không trực tiếp nuôi.

 

4. Bị vu khống về tội hiếp dâm thì phảo làm như thế nào?

Thưa luật sư, xin hỏi: tôi có quan hệ với một bạn gái đã 20 tuổi khi quan hệ là 2 bên tự nguyện nhưng giờ gia đình cô ấy lại muốn thưa tui tội ép buộc quan hệ. Nhưng không có vật chứng lẫn nhân chứng. Vậy tôi có bị tội không ạ ?
Cảm ơn luật sư.
- Phạm Ph
 

Luật sư trả lời:

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015

"Điều 15. Xác định sự thật của vụ án

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội."

Vậy trong trường hợp của bạn , trước khi có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án tuyên phạt về một tội phạm nào đó thì bạn vẫn được coi là vô tội, diều này đương nhiên được pháp luật thừa nhận mà bạn không có nghĩa vụ phải chứng minh . Nếu bạn thấy bên người tố cáo đưa ra được những tình tiết gây bất lợi cho bạn thì lúc này bạn mới nên phối hợp với cơ quan điều tra có thẩm quyền để tìm ra sự thật , còn trong trường hợp việc tố cáo bạn là không có căn cứ pháp lý thì bạn hoàn toàn có quyền đưa đơn tố cáo ngược lại những người đang tố cáo bạn về hành vi vu khống.

 

5. Quan hệ bạn gái 17 tuổi tự nguyện phạm tội hiếp dâm?

Điều 141, Bộ luật dân sự 2015 quy định:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Theo đó thí tội hiếp dâm được cấu thành khi có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu haowjc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, còn ở đây 2 bạn quan hệ tình dục hoàn toàn tự nguyện, không có yếu tố vũ lực hay đe dọa vũ lực thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, vui lòng gọi điện vào số: 1900.6162 để được giải đáp. Trân trọng./.