Mục lục bài viết
- 1. Tội làm sai lệch kết quả bầu cử:
- 2. Phân tích cấu thành tội làm sai lệch kết quả bầu cử
- 2.1 Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
- 2.2 Các vấn đề thuộc mặt khách quan của tội phạm
- 2.3 Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
- 2.4 Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
- 3. Tội xâm phạm quyền của công dân:
- 4. Quyền bầu cử của cử tri
- 5. Những người không được ghi tên vào danh sách cử tri
1. Tội làm sai lệch kết quả bầu cử:
Điều 161 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân:
1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tội làm sai lệnh kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân theo điều 161 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân là trường hợp người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân có hành vi giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân.
Tội phạm này xâm phạm quyền bầu cử, quyền trưng câu ý dân của công dân.
+ Dấu hiệu pháp lý của tội này:
- Dấu hiệu chù thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này được quy định là chủ thể đặc biệt, đó là người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân. Vỉ dụ: Các thành viên ưong ban bầu cử, các thành viên trong ban kiểm phiếu...
+ Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội này được quy định là hành vi làm sai lệch kết quà bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân. Thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để làm sai lệch các kết quả này đều có thể đối diện với nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua điện thoại gọi: 1900.6162
2. Phân tích cấu thành tội làm sai lệch kết quả bầu cử
2.1 Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân cũng phải đảm bảo các yếu tố cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Tuy nhiên, đối với tội làm sai lệch kết quả bầu cử chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này vì cả khoản 1 và 2 đều là tội phạm ít nghiêm trọng.
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ người có chức vụ, quyền hạn nhất định trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, đối với những người khác, có thể là chủ thể trong trường hợp có đồng phạm.
Người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử là người được giao nhiệm vụ tổ chức việc bầu cử như: Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử; Trưởng ban, Phó trưởng ban giám sát bầu cử; ủy viên Ủy ban bầu cử; nhân viên giúp việc trong ban bầu cử, tổ bầu cử… Nói chung, những người được giao nhiệm vụ trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử và do có trách nhiệm này nên mới làm sai lệch được kết quả bầu cử.
2.2 Các vấn đề thuộc mặt khách quan của tội phạm
Đây là vấn đề khá phức tạp và có nhiều ý kiến khác nhau về khách thể của tội làm sai lệch kết quả bầu cử. Nếu là khách thể loại, thì ai cũng hiểu được rằng đó là quyền tự do dân chủ của công dân, nhưng khách thể trực tiếp của tội phạm này là gì, thì là vấn đề cần trao đổi. Nếu trước đây, hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử được quy định chung trong cùng một điều luật với tên gọi là xâm phạm quyền bầu cử của công dân (Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1985) thì việc xác định khách thể không có gì phức tạp, nay hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử lại quy định thành tội danh độc lập, vậy khách thể của tội làm sai lệch kết quả bầu cử có còn là quyền bầu cử của công dân nữa hay không? Cũng có ý kiến cho rằng, khách thể của tội làm sai lệch kết quả bầu cử không phải là quyền bầu cử hoặc quyền ứng cử của công dân nữa, vì hai quyền này công dân đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử là hành vi xâm phạm đến sự quản lý của cơ quan tổ chức bầu cử và theo ý kiến này, thì tội làm sai lệch kết quả bầu cử phải được quy định ở Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính mới đúng.
Có thể vấn đề xác định khách thể của tội làm sai lệch kết quả bầu cử còn những ý kiến khác nhau, nhưng việc xác định khách thể của tội phạm chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận và có ý nghĩa trực tiếp đối với việc cơ cấu Bộ luật hình sự trong quá trình soạn thảo, thông qua, mà không làm thay đổi đặc điểm của tội phạm cũng như các dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội phạm này. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử gây ra, chúng ta thấy khách thể của tội làm sai lệch kết quả bầu cử cũng chính là quyền bầu cử và quyền ứng cử của công dân, bởi lẽ suy cho cùng thì hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử đã gián tiếp xâm phạm đến quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân. Ví dụ: việc sửa chữa phiếu bầu đã làm cho giá trị của phiếu bầu đó không còn đúng với kết quả ban đầu mà công dân đã lựa chọn. Cũng tương tự như đối với tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân quy định tại Điều 160 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017, quyền này được ghi nhận tại Điều 54 Hiến pháp 1992 và được cụ thể hóa bởi những quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, cũng như các quy định cụ thể về việc tổ chức bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Đối tượng tác động của tội phạm này là kết quả bầu cử, kết quả này có thể được ghi nhận trong một biên bản, một báo cáo, một danh sách hoặc được lưu trong máy tính…
2.3 Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Để thực hiện hành vi xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau:
- Giả mạo giấy tờ để làm sai lệch kết quả bầu cử là hành vi làm phiếu bầu cử giả hoặc dùng phiếu bầu cử giả, sửa chữa kết quả bầu cử trên các phiếu bầu, thêm hoặc bớt phiếu bầu với mục đích làm sai lệch kết quả bầu cử theo ý mình. Ví dụ: Trần Văn K là Trưởng ban kiểm soát phiếu kết quả bầu cử Hội đồng nhân dân huyện H, đã sửa chữa kết quả bầu cử trong biên bản kiểm phiếu để bà Trần Thị Hồng H không trúng cử, vì giữa bà H và K có mâu thuẫn.
- Gian lận phiếu để làm sai lệch kết quả bầu cử là hành vi dối trá trong việc thêm, bớt phiếu bầu dẫn đến kết quả bầu cử không chính xác như: thêm phiếu trúng cử cho người mà mình quan tâm hoặc bớt phiếu trúng cử đối với người mà mình không muốn trúng cử. Ví dụ: Hồ Anh D là thành viên trong Ban kiểm phiếu, vì không muốn cho ông Võ Thành N trúng cử nên đã rút bớt phiếu trúng cử của ông N trước khi bắt đầu kiểm phiếu.
- Dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử là hành vi ngoài hành vi giả mạo giấy tờ hoặc gian lận phiếu bầu nhưng cũng làm sai lệch kết quả bầu cử. Đây là quy định mở, nhằm đề phòng những trường hợp không phải là giả mạo giấy tờ hoặc gian lận phiếu bầu nhưng vẫn làm sai lệch kết quả bầu cử.
Do kỹ thuật lập pháp của nước ta không chỉ có tội phạm này nhà làm luật mới quy định thủ đoạn khác mà trong nhiều điều luật của Bộ luật hình sự chúng ta cũng thấy cách quy định này. Nếu để cho ngắn gọn thì chỉ cần quy định “người nào cáo trách nhiệm làm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử mà có thủ đoạn làm sai lệch kết quả bầu cử” là đủ, mà không cần phải quy định giả mạo giấy tờ hoặc gian lận phiếu. Tuy nhiên, nếu chỉ quy định như vậy thì quá chung chung, không phổ thông, nhất là việc giải thích chính thức các luật ở nước ta chưa có điều kiện thực hiện. Mặt khác, khi quy định các dấu hiệu đặc trưng của từng tội phạm cũng cần phải nêu được một số dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội phạm này với tội phạm khác.
Thủ đoạn khác làm sai lệch kết quả bầu cử, trong thực tế xảy ra rất đa dạng như mua chuộc, dụ dỗ, cưỡng ép… người có trách nhiệm trong việc tổ chức giám sát việc bầu cử để những người này thực hiện hành vi giả mạo giấy tờ hoặc gian lận phiếu bầu để làm sai lệch kết quả bầu cử.
b) Hậu quả
Hậu quả của tội làm sai lệch kết quả bầu cử là những thiệt hại do hành vi giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác gây ra, mà trước hết là kết quả bầu cử bị sai lệch, không đúng với kết quả thực. Ngoài ra, còn gây ra những thiệt hại khác về vật chất hoặc phi vật chất.
Theo quy định của điều văn trong điều luật, thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm này, vì chỉ cần người phạm tội đã có hành vi giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử là tội phạm đã hoàn thành. Việc kết quả bầu cử có bị làm sai lệch hay không chỉ có ý nghĩa đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi quy định hình phạt. Tuy nhiên, nếu kết quả bầu cử không bị làm sai lệch thì tùy trường hợp cụ thể mà các cơ quan tiến hành tố tụng có thể không truy cứu trách nhiệm hình sự với người phạm tội. Trường hợp kết quả bầu cử tuy không bị sai lệch, nhưng phạm tội có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều mặt đến quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.4 Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Tội làm sai lệch kết quả bầu cử thực hiện do lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Nói chung, người phạm tội làm sai lệch kết quả bầu cử thực hiện hành vi của mình do lỗi cố ý trực tiếp.
Người phạm tội làm sai lệch kết quả bầu cử có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.
Mục đích của người phạm tội là mong muốn hoặc bọ mặc kết quả bầu cử bị làm sai lệch. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau, có người mong sai lệch nhiều, có người chỉ mong sai lệch một phiếu để người mà mình quan tâm trúng cử.
3. Tội xâm phạm quyền của công dân:
Về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân. Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân được quy định tại Điều 160Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017:
1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tội phạm này cũng tương tự tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân được quy định tại Điều 161 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Chủ thể của tội phạm này là cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự.
4. Quyền bầu cử của cử tri
Cử tri có quyền tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân ba cấp (Thành phố; quận, huyện; phường, xã, thị trấn).
Trường hợp cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có trụ sở trên địa bàn Thành phố; cử tri từ tỉnh, thành phố khác đến Thành phố Hồ Chí Minh sau khi đã niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã có danh sách cử tri và có giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký và có tên trong danh sách cử tri, thì được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố.
5. Những người không được ghi tên vào danh sách cử tri
Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. Việc xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri được thực hiện theo Điều 30 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi: CÔNG TY LUẬT TNHH MINH KHUÊ
Điện thoại yêu cầu dịch vụ hoặc tư vấn luật: 1900.6162
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí qua Email
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê