Mục lục bài viết
- 1. Khái niệm về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
- 2. Quy định chung về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
- 3. Khách thể của tội phạm
- 4. Mặt khách quan của tội phạm
- 5. Chủ thể của tội phạm
- 6. Mặt chủ quan của tội phạm
- 7. Khung hình phạt của tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
1. Khái niệm về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
Tội xâm phạm trật tự quản lí kinh tế là tội phạm về kinh tế được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 (Xt. Tội phạm về kinh tế).
Các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là các tội quy định đối với những người (có năng lực trách nhiệm dân sự và từ đủ 16 tuổi trở lên) hoặc pháp nhân (trong một số tội cụ thể) có những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm hại nền kinh tế quốc dân, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước trong quản lý kinh tế.
Hầu hết các tội này có cấu thành vật chất, tức là các tội được coi là hoàn thành kể từ khi thực hiện một hành vi quy định trong điều luật với một số lượng, giá trị vật chất cụ thể. Tuy nhiên, cũng có những cấu thành hình thức, tức là tội này không cần có hậu quả xảy ra thì tội phạm đã được coi là hoàn thành. Một số tội có quy định là đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án về tội quy định trong nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế chưa được xoá án tính mà còn vi phạm. Một trong những dâu hiệu nêu trên là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
Các tội này được thực hiện với lỗi cố ý, động cơ mục đích của tội phạm mang tính vụ lợi. Tuy nhiên, động cơ, mục đích tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, trừ trường hợp điều luật quy định cụ thể.
2. Quy định chung về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
Điều 219 Chương XVIII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí như sau:
“Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
3. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là trật tự quản lý, sử dụng tài sản công của Nhà nước.
Đối tượng của tội phạm là tài sản Nhà nước.
Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008 theo đó thuật ngữ tài sản Nhà nước được sử dụng, khái niệm này được định nghĩa như sau “Tài sản nhà nước là Tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước hoặc do pháp luật quy định thuộc sở hữu, quản lý của Nhà nước, bao gồm: trụ sở làm việc, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc; tài sản từ nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho Nhà nước và các tài sản khác do pháp luật quy định”, tuy nhiên tài sản Nhà nước trong thực tiễn có phạm vi rất rộng, đồng thời khái niệm này chưa tách bạch được nhiệm vụ quản lý về tài sản nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, vì vậy Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã thay khái niệm “Tài sản nhà nước” bằng khái niệm “Tài sản công”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 về giải thích từ ngữ “Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.”
4. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm là hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí của người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Điều 218 Bộ luật Hình sự không quy định chi tiết hành vi nào là vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước được quy định tại Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Công năm 2017 bao gồm:
- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công.
- Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
- Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng.
- Sử dụng xe ô tô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
- Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật.
- Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật.
- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công.
- Chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.
- Hành vi bị nghiêm cấm khác trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật có liên quan.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người thực hiện hành vi khách quan chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi hậu quả gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Nếu hậu quả xảy ra thấp hơn mức quy định trên, người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải chịu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.
5. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm chỉ có thể là người từ đủ 16 tuổi và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự:
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XVIII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân thực hiện tội phạm một mình nhưng cũng có thể là nhiều người cùng thực hiện tội phạm. Trường hợp nhiều người thực hiện cùng một tội phạm được quy định theo Điều 17 Bộ luật Hình sự:
“Điều 17. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”
6. Mặt chủ quan của tội phạm
Người thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là hành vi không được phép nhưng vẫn muốn thực hiện hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc dù không mong muốn nhưng vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ và mục đích không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Thông thường người phạm tội này vì vụ lợi.
7. Khung hình phạt của tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
Điều 219 Bộ luật Hình sự quy định 04 Khung hình phạt đối cá nhân như sau:
- Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
- Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
- Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.