1. Trách nhiệm pháp lý về tội trộm cắp ?

Thưa Luật sư! A (19 tuổi), B (15 tuổi), C (17 tuổi), cùng nhau bàn bạc để thực hiện một vụ trộm cắp tài sản. Trong đó C là người tổ chức, giao cho B chuẩn bị công cụ, phương tiện là dây thừng và thang; A được giao nhiệm vụ đầu độc con chó và theo dõi qui luật nhà đối tượng. Cả bọn hẹn nhau đúng 19h tập trung gần nhà đối tượng để cùng thực hiện vụ trộm.
Sau khi A đã đầu độc chết con chó nhà chủ nhà thì ân hận và đến trình báo công an. B và C đến chỗ hẹn không thấy A nên tự trèo vào nhà đối tượng và lấy được 3.000.000 đồng tiền mặt, ngay sau đó em E (15tuổi) ở nhà trong đi ra phát hiện nên E kêu cứu nên chúng đã trói E lại để chạy trốn, nhưng bị bắt ngay sau đó. Xin hỏi trách nhiệm pháp lý đối với A,B,C như thế nào?
Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Theo Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

Theo đó, A, B, C đều là những người đồng phạm. Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Toà án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó

- A (19 tuổi) với vai trò người giúp sức phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi trộm cắp tài sản và có thể được giảm nhẹ hình phạt do đã tự nguyện trình báo công an.

- Đối với B, do mới 15 tuổi và tội trộm cắp tài sản là tội phạm ít nghiêm trọng nên C không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

- C (17 tuổi) với vai trò là người tổ chức và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi trộm cắp tài sản.

2. Nhặt ve chai có phạm tội trộm cắp tài sản?

Xin chào Luật Minh Khuê, cháu có câu hỏi sau xin được giải đáp: Cháu là sinh viên một trường Đại học, cách đây 2 năm gia đình cháu có dọn về nơi ở mới, do bố mất sớm nên chỉ có hai mẹ con. Mẹ cháu làm nghề bán vé số nuôi gia đình, nơi ở mới toàn dân giang hồ, có tiếng. Nhà đối diện gia đình cháu là có người đã bị kết án nhiều lần. Do không quen biết nên cháu hạn chế tiếp xúc với họ.
Thấy vậy, họ để ý và tìm cách hãm hại mẹ con cháu, họ liên tục chửi rủa, đặt điều nói xấu mẹ con cháu khắp khu phố. Mọi người đã tin họ và đều tỏ thái độ căm ghét mẹ con cháu, họ theo dõi giờ giấc đi về của 2 mẹ con và rải đinh trên đường khiến xe cháu thủng xăm đến 15 lần. Họ còn tìm cách ngắt mối làm ăn của mẹ cháu.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cháu phụ giúp mẹ bằng cách đi nhặt ve chai bán kiếm tiền. Sợ mọi người biết nên cháu chỉ nhặt ở trường 4-5 lần nhưng sau đó đã vô tình bị camera trường quay lại và mọi người cho rằng cháu là kẻ “ăn cắp”. Tin đồn đến tai bọn giang hồ gần nhà, được cớ họ liên tục có những hành vi lăng mạ, xúc phạm cháu. Cháu rất sợ nó sẽ ảnh hưởng đến sau này khi cháu đi xin việc làm. Vậy cháu xin hỏi: trường hợp của cháu như vậy có phạm vào tội trộm cắp tài sản hay không? Và cháu phải giải quyết vấn đề này như thế nào?

Cháu xin cảm ơn luật sư rất nhiều!

Trả lời:

Để biết được bạn có phạm tội trộm cắp tài sản hay không? Căn cứ vào Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015:

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Dấu hiệu phạm tội:

Dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản là dấu hiệu hành vi chiếm đoạt tài sản cùng với hai dấu hiệu khác thể hiện tính chất của hành vi chiếm đoạt và tính chất của đối tượng bị chiếm đoạt – dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có chủ.

Dấu hiệu chiếm đoạt trong CTTP tội trộm cắp tài sản được thực tiền xét xử từ trước đến nay hiểu là chiếm đoạt được. Với cách hiểu như vậy, tội trộm cắp tài sản chỉ coi là hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản. Để đánh giá người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa, đã làm chủ được tài sản hay chưa phải dựa vào đặc điểm, vị trí tài sản bị chiếm đoạt. Thực tiễn xét xử đã chấp nhận hướng giải quyết cụ thể về những trường hợp chiếm đoạt được ở tội trộm cắp tài sản như sau:

- Nếu vật chiếm đoạt gọn nhỏ thì coi là đã chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu được tài sản trong người.

- Nếu vật chiếm đoạt không thuộc loại nói trên thì coi chiếm đoạt được khi đã mang được tài sản ra khỏi khu vực bảo quản.

- Nếu vật chiếm đoạt là tài sản để ở những nơi không hình thành khu vực bảo quản riêng thì coi là đã chiếm đoạt được khi đã dịch chuyển tài sản khỏi vị trí ban đầu.

Hành vi chiếm đoạt của tội trộm cắp tài sản có hai dấu hiệu phân biệt với hành vi chiếm đoạt của tội khác. Đó là dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có chủ.

Tài sản là đối tượng của trộm cắp tài sản là tài sản đang có chủ. Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản ở tội trộm cắp tài sản phải là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ. Hành vi lấy tài sản của mình hoặc đang do mình quản lí cũng như hành vi lấy tài sản không có hoặc chưa có chủ đều không phải là hành vi trộm cắp.

- Xét về khách quan, chỉ những tài sản thuộc hai loại nêu trên mới có thể là đối tượng của tội trộm cắp tài sản. Xét về chủ quan, người phạm tội trộm cắp tài sản khi thực hiện hành vi phạm tội cũng biết tài sản chiếm đoạt có đặc điểm đang có chủ. Nếu người phạm tội thực sự có sự sai lầm cho rằng tài sản không có chủ thì hành vi không cấu thành tội trộm cắp tài sản. Để đánh giá sự sai lầm của người phạm tội là có căn cứ hay không, cần xem xét trước hết đặc điểm của tài sản cũng như vị trí và cách để tài sản đó.

Theo đó, bạn căn cứ vào những dấu hiệu trên để biết bạn có phạm tội trộm cắp tài sản hay không?

Đối với người hàng xóm có những hành vi lăng mạ, xúc phạm bạn gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của bạn. Bạn có thể làm đơn tố cáo cơ quan công an nơi bạn đang cư trú, cơ quan công an sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này.

>> Mẫu đơn tố cáo: Tại đây.

3. Chưa đủ 15 tuổi mà có hành vi trộm cắp?

Thưa luật sư, xin hỏi: H có hành vi trộm cắp tài sản của N trị giá 400 triệu đồng. Hành vi của H được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 138 BLHS. H bị đưa ra xét xử và bị Tòa án xử phạt 7 năm tù. Hỏi:

1. Căn cứ vào quy định phân loại tội phạm (khoản 3 Điều 8 BLHS) thì loại tội mà H thực hiện thuộc loại tội gì? Tại sao?

2. Nếu H đang có án tích về tội cướp giật tài sản thì nay lại phạm tội trộm cắp tài sản như tình huống nêu trên thì H bị áp dụng tình tiết tái phạm hay tái phạm nguy hiểm?

3. Giả định H mới đủ 15 tuổi mà có hành vi trộm cắp 400 triệu đồng thì H có bị truy cứu TNHS không? nếu có thì hình phạt cao nhất mà Tòa án có thể áp dụng với H là bao nhiêu năm tù?

4. Giả sử H thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nói trên ở nước ngoài thì vấn đề TNHS của H được giải quyết thế nào? Căn cứ pháp lý?

Cảm ơn luật sư!

Luật sư tư vấn:

1. Căn cứ vào quy định phân loại tội phạm thì loại tội mà H thực hiện thuộc loại tội gì? Tại sao?

Về mức độ của tội phạm thì do bên cơ quan điều tra kết luận, căn cứ vào Điều 9 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 có các loại tội phạm.

Căn cứ vào thông tin quý khách cung cấp thì H có thể bị kết vào loại tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng.

2. Nếu H đang có án tích về tội cướp giật tài sản thì nay lại phạm tội trộm cắp tài sản như tình huống nêu trên thì H bị áp dụng tình tiết tái phạm hay tái phạm nguy hiểm?

"Điều 53. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm

1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý."

Căn cứ vào thông tin quý khách cung cấp thì có 2 trường hợp xảy ra: Nếu H bị kết án về tội cướp giật tài sản thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mà chưa được xóa án tích thì bị coi là tái phạm nguy hiểm; Nếu H bị kết án thuộc loại ít nghiêm trọng mà chưa được xóa án tích thì bị coi là tái phạm.

3. Giả định H mới đủ 15 tuổi mà có hành vi trộm cắp 400 triệu đồng thì H có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? nếu có thì hình phạt cao nhất mà Tòa án có thể áp dụng với H là bao nhiêu năm tù?

Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Bộ luật hình sự quy định:

"Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này."

Căn cứ vào thông tin quý khách cung cấp thì H đã đủ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản. Hình phạt cao nhất với tội này là 15 năm (điểm a Khoản 3 Điều 173 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 ). Tuy nhiên căn cứ vào các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà mức án có thể thay đổi.

4. Giả sử H thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nói trên ở nước ngoài thì vấn đề trách nhiệm hình sự của H được giải quyết thế nào? Căn cứ pháp lý?

Về việc H thực hiện hành vi trộm cắp tài sản ở nước ngoài Bộ luật hình sự quy định:

"Điều 6. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.

Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam...."

Ngoài ra H còn có thể bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật nước sở tại (nước nơi xảy ra hành vi trộm cắp).

4. Trộm tài sản trị giá hai trăm ngàn?

Xin hỏi Luật sư. Cháu tôi 27 tuổi, quê ở xã X huyện Phù Cừ, Hưng yên, chưa có vợ vì hơi đần (bị thần kinh nhẹ). Cách đây 3 năm, trong khi đi làm thuê đã lấy trộm vài kg sắt vụn, bị bắt và đồng ý nộp phạt 200k. Người ta tha cho về, tuy nhiên về rồi cháu không nói cho ai biết và cũng không nộp phạt. Cách đây 5 năm, cháu đi bộ đội, hết nghĩa vụ ra quân. về nhà được 2 năm rồi.
Vài tháng trước theo bạn bè, cháu leo qua tường vào Nhà thờ lấy trộm 3 triệu trong thùng công đứccủa Nhà thờ, bị ông quản lý phát hiện và báo công an. Cách đây 1 tuần, công an huyện về bắt và giam vì tội lấy trộm và tội lấy trộm sắt chưa thực hiện nộp 200k. Nay vẫn bị nhốt ở công an huyện. Luật sư làm ơn cho hỏi:
1. Bị bắt rồi, làm thế nào để xác định được bị tâm thần ?
2. Nếu bị tâm thần nhẹ có được giảm án?
3. Tội trộm cắp giá trị (200k) cách đó 5 năm có bị gộp chung án và có bị coi là tái phạm khi trộm cắp lần sau không?
Xin chân thành cảm ơn Luật sư.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty Luật Minh Khuê.Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

1. Bị bắt rồi, làm thế nào để xác định được bị tâm thần ?

Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về trưng cầu giám định như sau:

Điều 205. Trưng cầu giám định
1. Khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 206 của Bộ luật này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.

Căn cứ quy định trên, việc trưng cầu giám định là bắt buộc khi cần xác định tình trạng tâm thần của bị can. Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó người đại diện theo pháp luật của cháu bạn có quyền gửi đơn đến Tòa án nơi cháu bạn bị bắt tạm giam đề nghị trưng cầu giám định tình trạng tâm thần của cháu bạn.

2. Bị tâm thần nhẹ có được giảm án ?

Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
......

Tại điểm n trong quy định nêu trên: " Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình" thuộc trường hợp giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi:

- Người đó phải là người có bệnh, tức là có bệnh lý theo quy định trong y sinh học.

- Bệnh đó là nguyên nhân làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội (trong trường hợp chưa có đủ căn cứ để kết luận thì phải có kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định).​

- Chỉ áp dụng tình tiết này khi có đầy đủ cả hai điều kiện “người phạm tội phải có bệnh” và “bệnh đó là nguyên nhân làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội”.

- Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào tình trạng bệnh tật, mức độ hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội.

Theo đó tại thời điểm thực hiện hành vi mà không bị bệnh cháu bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định mà không có tình tiết giảm nhẹ. Như vậy có được giảm trách nhiệm hình sự hay không phụ thuộc vào kết quả trưng cầu giám định tâm thần của cháu bạn. Nếu có căn cứ và xác định được cháu bạn có bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi phạm tội thì có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

3.Tội trộm cắp tài sản:

Căn cứ vào Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015:

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Căn cứ quy định trên, cháu bạn lấy trộm tài sản trị giá 200.000 thì không đủ căn cứ để cấu thành tội phạm, nên không thể đưa ra xét xử về hình sự.

Căn cứ vào Điều 53.
1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Theo đó trường hợp của cháu bạn, khi thực hiện hành vi phạm tội lần sau không bị coi là tái phạm.

5. Phân tích cấu thành tội trộm cắp tài sản

Chủ thể của tội trộm cướp tài sản.

Đối với tội cướp tài sản, bất cứ ai có đủ năng lực trách nhiệm hình sự đều phải chịu trách nhiệm về tội này.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Cá nhân từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi nếu phạm tội rất nghiêm trọng (quy định tại khoản 3 Điều 173 Bộ luật hình sự) hoặc đặc biệt nghiêm trọng (quy định tại khoản 4 Điều 173 Bộ luật hình sư) về tội trộm cắp tài sản thì cũng phải chịu trách nhiệm về tội này.

Khách thể của tội trộm cắp tài sản.

Tội trộm cắp tài sản xâm phạm trực tiếp đến quan hệ sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ. Tài sản trộm cắp có thể là tài sản của Cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Trường hợp người trộm cắp tài sản bị phát hiện mà có hành vi chống trả để tẩu thoát dẫn đến làm bị thương hoặc chết người thì có thể sẽ bị truy cứu về cả tội hình sự khác.

Mặt khách quan của tội phạm.

– Về hành vi: là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách trái pháp luật.

Đặc trưng để phân biệt tội trộm cắp tài sản với các tội xâm phạm sở hữu khác đó chính là người phạm tội có hành vi chiếm đoạt tài sản một cách bí mật, lén lút, không để người quản lý tài sản hoặc chủ sở hữu biết được tài sản của mình bị chiếm đoạt.

Vậy việc che dấu hành vi chiếm đoạt tài sản bằng cách hành động bí mật, lén lút ở đây được hiểu như thế nào? Thông thường tội phạm thực hiện hành vi trộm cắp tài sản thường lợi dụng hoàn cảnh, môi trường xung quanh để tận dụng thời cơ chiếm đoạt tài sản và che dấu hành vi của mình. Có ba hình thức che dấu hành vi tội phạm có thể thực hiện như sau:

+ Che dấu toàn bộ hành vi: Là người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội không để cho nạn nhân biết được bất cứ thông tin nào về việc phạm tội của mình. Ví dụ lợi dụng chủ nhà đi vắng, tên trộm lẻn vào nhà để trộm tài sản; hoặc tên trộm thổi thuốc mê vào ban đêm khi chủ nhà đang ngủ để ra tay trộm cắp tài sản. Lúc này người quản lý hoặc sở hữu tài sản sẽ không biết được tên trộm là ai, cũng như không biết về hành vi phạm tội của tội phạm.

+ Che dấu một phần hành vi: Lúc này, người phạm tội chỉ che dấu riêng hành vi phạm tội của mình, nghĩa là nạn nhân có thể biết tên người phạm tội là ai, nhưng lại không biết về hành vi phạm tội mà người phạm tội thực hiện. Ví dụ khi tên trộm vờ hỏi mượn điện thoại để gọi điện cho người thân, nhưng trong lúc đó lại lợi dụng lấy mất ví tiền của người chủ điện thoại, lúc này người bị hại có thể biết tên trộm, nhưng lại không biết ví tiền của mình đã bị trộm mất.

+ Che dấu tính chất của hành vi phạm tội: Đây là khi người phạm tội thực hiện hành vi công khai, nhưng lại không biết là người phạm tội đang thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ như là tên phạm tội trà trộn đóng giả làm nhân viên trông giữ xe ở nơi đỗ xe công cộng, lợi dụng việc dắt xe hộ để trộm xe của khách, chủ xe biết xe của mình bị mang đi nhưng lại không biết tài sản đã bị trộm mất, hoặc tên trộm có thể đánh tráo, làm giả vé xe để có thể thực hiện trộm xe ở các bãi trông, giữ xe.

Như vậy do đặc trưng của tội trộm cắp tài sản là người phạm tội thực hiện hành vi một cách lén lút, bí mật và luôn có ý thức che dấu hành vi chiếm đoạt tài sản của mình nên khi thực hiện hành vi tội phạm thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tìm hiểu môi trường và hoàn cảnh để từ đó có thể lợi dụng để đạt được mục đích của mình.

– Về mục đích:

Mục đích của tội phạm là chiếm đoạt được tài sản mà không bị người khác phát hiện.

Về hậu quả:

Hậu quả là tài sản của chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý tài sản bị chiếm đoạt.

Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản giá trị của tài sản chiếm đoạt được phải có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên. Nếu dưới tài sản có giá trị dưới 02 triệu đồng nhưng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự của khu vực xung quanh, hoặc tài sản là cổ vật, di vật, hoặc là phương tiện lao động kiếm sống chủ yếu của người bị hại thì vẫn bị xử lý hình sự.

Mặt chủ quan của tội phạm.

Tội trộm cắp tài sản được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ là hành vi của mình là trái quy định của pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện để chiếm đoạt tài sản một cách bất chính.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Tư vấn Pháp luật Hình sự - Công ty luật Minh Khuê